logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Hóa giải “Hội chứng uể oải” trước kỳ nghỉ lễ: Dễ hay khó? (24/1/2024)

“Hội chứng hậu nghỉ Tết” - “mải chơi - ngại làm” sau mỗi đợt nghỉ Tết dài đã không còn xa lạ với không ít người. Không dừng lại ở đó, thời gian qua lại đang nổi lên Hội chứng “Holiday Click-off”, được đánh giá đã trở thành hiện tượng tâm lý toàn cầu - tạm hiểu là những bồn chồn, háo hức trước mỗi kỳ nghỉ lễ trong khi lại lo lắng vì vẫn còn rất nhiều công việc phải giải quyết. Nếu như người lao động có những lý do rất chính đáng để “bật chế độ nghỉ lễ” ngày càng sớm hơn, thì các nhà quản lý lại gọi đây là những tuần lễ lao động kém năng suất nhất trong năm. Rằng, nếu kéo dài hoặc không có biện pháp điều chỉnh kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công việc và sức khoẻ tâm thần của người lao động.
Làm sao để thích ứng và xử lý Hội chứng này, đồng thời duy trì năng suất và chất lượng công việc? Nhà báo Hoàng Anh Tú - chuyên gia tâm lý, người rất gần gũi với giới trẻ và có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn, xử lý các vấn đề tâm lý thanh thiếu niên cùng bàn luận câu chuyện này.

Không còn là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc, chất lượng Tiếng Anh có giảm sút? (23/1/2024)

Theo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 – năm đầu tiên lứa học sinh học chương trình giáo dục phổ thông mới thi tốt nghiệp, mà Bộ GD&ĐT công bố, học sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn và 2 môn lựa chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Như vậy, Ngoại ngữ không còn là môn thi học bắt buộc như các kỳ thi trước đây. Thông tin môn Ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) không còn nằm trong số các môn thi THPT bắt buộc kể từ năm 2025, đã có nhiều ý kiến tranh luận về hệ quả của quyết định này.

Phải làm gì để thay đổi luật bất thành văn, cắt % tiền thưởng của vận động viên sung quỹ? (19/1/2024)

Những lùm xùm về việc huấn luyện viên cắt 10% tiền thưởng vận động viên quốc gia môn thể dục dụng cụ, yêu cầu nộp quỹ sai phép hay không tập luyện ngoài giờ, vẫn được hưởng chế độ Nhà nước... đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận với nhiều câu hỏi: Đây chỉ là trường hợp cá biệt, “con sâu làm rầu nồi canh”, hay đã trở thành luật bất thành văn, tồn tại âm ỉ trong ngành thể dục thể thao thành tích cao nhiều năm qua? Vì sao những tiêu cực, bất cập kéo dài, mà không bị phát hiện và kịp thời xử lí? Trách nhiệm thuộc về ai khi để xảy ra bê bối này? Những nhà lãnh đạo ngành thể thao cần rút ra bài học gì trong công tác quản lý để làm trong sạch và phát triển nền thể thao nước nhà? Cùng bàn luận về câu chuyện này là cuộc trao đổi với anh Phạm Phước Hưng, cựu vận động viên môn Thể dục dụng cụ quốc gia, từng giành 2 Huy chương vàng Cúp thế giới, 6 Huy chương vàng SEA Games. Vị khách mời thứ 2 là nhà báo Cao Huy Thọ - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Truyền thông Báo Tuổi trẻ TPHCM - người có nhiều năm theo dõi lĩnh vực thể thao.

Phòng ngừa dịch bệnh bảo vệ sức khỏe người thân và gia đình dịp tết (18/1/2024)

Thời tiết đông xuân nhiệt độ giảm thấp không chỉ tạo điều kiện cho các loại virus, vi khuẩn phát triển mà còn làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa. Đặc biệt, các bệnh cúm A, B, Covid 19 tiếp tục gia tăng ở nhiều địa phương. Vậy làm thế nào để phòng ngừa các bệnh dịch này, giúp bảo vệ sức khỏe người thân và gia đình dịp tết? PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế cùng bàn luận câu chuyện này.

Đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết - người tiêu dùng đóng vai trò chủ đạo (16/1/2024)

Mỗi dịp cận Tết, thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc lại tràn lan trên thị trường. Trong năm 2023 vừa qua cũng chứng kiến hàng nghìn vụ ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe và tiền bạc của người dân. Cứ mỗi lần ngành chức năng tiến hành kiểm tra các đơn vị sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, là lại có hàng chục thậm chí hàng trăm trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm bị phát hiện. Chưa bao giờ, cụm từ an toàn vệ sinh thực phẩm lại trở thành mối quan tâm hàng đầu như hiện nay khi những vụ việc ngộ độc thực phẩm tại khắp các địa phương ngày càng trở nên phổ biến. Vậy có giải pháp nào để người dân có thể tiếp cận thực phẩm an toàn, tránh các nguy cơ ngộ độc, nhất là những ngày lễ Tết đang đến gần? TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam sẽ cùng bàn luận vấn đề này.

Thị trường việc làm Tết Giáp Thìn 2024 (15/1/2024)

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, năm 2024, TPHCM dự kiến cần khoảng từ 300.000 - 320.000 chỗ làm việc, trong đó, nhu cầu nhân lực quý I cần khoảng 77.500 - 86.000 chỗ làm việc; quý II cần khoảng 75.470 - 77.168 chỗ làm việc. Theo đó, nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 71,31% tổng nhu cầu nhân lực năm 2024. Còn tại Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc, thị trường việc làm Tết Giáp Thìn 2024 đang diễn ra như thế nào? Những ngành nào sẽ tiếp tục cần tuyển số lượng lớn lao động trong năm 2024? Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội cùng bàn luận câu chuyện này.

Làm gì để đạt các mục tiêu thu hút du khách quốc tế năm 2024 (12/1/2024)

Năm 2023 vừa qua được đánh giá là một năm thành công của du lịch Việt Nam với những con số và thành tích ấn tượng. Trong đó, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt - gấp 3,4 lần so với năm 2022 và vượt xa so với mục tiêu 8 triệu lượt khách đã đặt ra. Một số dấu ấn khác có thể kể đến như: lượng kìm kiếm của du khách quốc tế về du lịch Việt Nam năm 2023 trên Google đạt mức tăng trưởng trên 75% - vươn lên xếp thứ 6 toàn cầu; hay tháng 12 vừa qua, Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Euromonitor International công bố danh sách 100 thành phố điểm đến hàng đầu thế giới 2023 có 2 đại diện của Việt Nam là TP.Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội… Từ những bước đà năm 2023, năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho ngành du lịch phấn đấu đón và phục vụ 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Vậy ngành du lịch cần làm gì để đạt và thậm chí vượt mục tiêu này? Ông Nguyễn Công Hoan - Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội du lịch Việt Nam, Phó TGĐ Flamingo Holding Group - sẽ cùng bàn luận câu chuyện này.

Bỏ xét tuyển bằng học bạ, liệu có thiệt thòi cho thí sinh? (10/1/2024)

Ở các mùa tuyển sinh vài năm trở đây, chúng ta chứng kiến tình trạng lạm phát điểm chuẩn học bạ, nhiều ngành lấy 30 điểm. Dẫn tới nghịch lý, trung bình 9 điểm/môn trong học bạ nhưng vẫn không trúng tuyển đại học, nhiều em học sinh chỉ còn hy vọng ở điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong mùa tuyển sinh năm 2024 này, một số trường ĐH đã lên phương án bỏ xét tuyển Học bạ sau nhiều năm duy trì. Việc một số trường bỏ xét tuyển sinh đại học bằng điểm học bạ được cho là sẽ bớt tình trạng chạy điểm, làm đẹp học bạ. Thế nhưng, cùng với đó cũng có những tranh luận, việc bỏ xét tuyển bằng học bạ, liệu có thiệt thòi cho thí sinh? Chuyên gia giáo dục Trần Mạnh Tùng cùng bàn luận câu chuyện này.

Quy định mới về học phí phù hợp thực tiễn, giảm bớt khó khăn cho học sinh, sinh viên (4/1/2024)

Giữ ổn định học phí từ năm học 2023-2024 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông bằng mức học phí năm học 2021-2022; Lùi lộ trình học phí của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập 1 năm so với quy định tại Nghị định 81... Đó là những điểm mới của Nghị định 97 vừa được Chính phủ ban hành về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Như vậy là học phí ở bậc đại học năm học 2023-2024 tăng so với học phí năm học 2022-2023, nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định 81. Các chính sách miễn, giảm học phí được quy định tại Nghị định 81 tiếp tục được giữ nguyên để hỗ trợ cho các đối tượng chính sách và có điều kiện khó khăn. PGS .TS Đặng Thị Thanh Huyền – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Quản lý Giáo dục thuộc Học viện Quản lý Giáo dục cùng bàn luận câu chuyện này.

Thưởng Tết 2024: Thấu hiểu – sẻ chia (3/1/2024)

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, đã có hơn 47.370 doanh nghiệp công bố tình hình tiền lương, thưởng Tết 2024. Mức thưởng bình quân là 6 triệu 850 nghìn đồng/người, tương đương mức thưởng tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2023, đầu năm 2024 còn nhiều khó khăn. Một bộ phận doanh nghiệp vẫn tiếp tục thiếu đơn hàng; hoặc trong một thời gian dài dưới tác động ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã suy giảm sức chống chọi. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam dự báo vấn đề lương, thưởng Tết năm 2024 sẽ gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng bàn luận câu chuyện này.

Cần xây dựng vị trí việc làm như thế nào để tiền lương theo vị trí việc làm là tiền lương được trả theo đúng năng lực thực chất của cán bộ, công chức, viên chức, thay vì phụ thuộc vào thâm niên công tác, bằng cấp như hiện tại? (02/1/2023)

Cải cách tiền lương mới từ năm 2024 đang là vấn đề được cán bộ, công chức, viên chức đặc biệt quan tâm, chờ đợi. Theo Nghị quyết số 27 của Bộ Chính trị về "xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành", mỗi ngành sẽ có một số vị trí việc làm, mỗi vị trí việc làm sẽ có mức lương riêng, cụ thể theo mức độ phức tạp của công việc, không còn tình trạng "cào bằng" giữa các ngành như hiện nay. Để thực hiện có hiệu quả chủ trương này thì xây dựng vị trí việc làm được coi là tiền đề cho cải cách tiền lương. Đây là giải pháp được nhận diện từ lâu, có hành trình dài đi từ Nghị quyết đến thực tiễn. Tuy nhiên, khó, rối, phức tạp đang là tình trạng chung của nhiều cơ quan, đơn vị khi tiến hành công việc này. Cần xây dựng vị trí việc làm như thế nào để tiền lương theo vị trí việc làm là tiền lương được trả theo đúng năng lực thực chất của cán bộ, công chức, viên chức, thay vì phụ thuộc vào thâm niên công tác, bằng cấp như hiện tại?

Giải pháp nào để ngăn chặn những hiểm họa đau lòng từ pháo nổ không tái diễn trong những ngày lễ Tết (29/12/2023)

Mỗi dịp lễ Tết là nhiều loại pháo hoa, pháo nổ có thể gây nguy hiểm tính mạng, và làm mất an ninh trật tự lại tràn lan trên thị trường. Điều đáng nói, do học cách tự chế pháo trên mạng, không ít người, đặc biệt là trẻ em đã phải nhập viện trong tình trạng chấn thương nặng. Giải pháp nào để ngăn chặn những hiểm họa đau lòng từ pháo nổ không tái diễn trong những ngày lễ Tết.

Hàng nghìn sinh viên sư phạm bị nợ tiền hỗ trợ: Chính sách nhân văn, vì sao vẫn “tắc”? (28/12/2023)

Theo Nghị định 116 của Chính phủ, từ năm 2021, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 100% tiền đóng học phí, cùng 3,63 triệu đồng/tháng chi phí sinh hoạt. Thời gian hỗ trợ được tính theo số tháng thực tế học tập tại trường nhưng không quá 10 tháng/năm học. Kinh phí này từ ngân sách của các địa phương, bộ, ngành, thông qua hình thức đặt hàng với các trường. Số chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm hàng năm do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Nghị định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm của Chính phủ đã được triển khai đến năm thứ ba. Tuy nhiên, tình trạng hàng nghìn sinh viên bị nợ tiền hỗ trợ xảy ra đồng loạt ở nhiều trường, nhiều địa phương. Vì sao một chính sách nhân văn, nhằm thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm khi triển khai vẫn còn đang “tắc” ở nhiều nơi? Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là chuyên gia giáo dục – TS Vũ Thu Hương, Nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Hy vọng gì về cuộc chiến giành lại vỉa hè cho người đi bộ, khi Hà Nội xem xét thu phí vỉa hè trong tháng 1 tới? (26/12/2023)

Từ ngày 1/1 tới, TP.HCM sẽ chính thức thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè. Trong khi đó, Hà Nội cũng đang xem xét thu phí lòng đường, vỉa hè ngay trong tháng 1 tới ở một số tuyến phố. Bên cạnh những ý kiến đồng tình, cũng có không ít người đặt câu hỏi: Phải chăng chính quyền không giành được vỉa hè cho người đi bộ, nên phải tìm cách thu phí? Việc thu phí này liệu có giải quyết tận gốc được nạn “tham nhũng vỉa hè”? Phải làm gì để giải quyết tận gốc vấn đề nhức nhối này, sớm lập lại trật tự đô thị?

Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, giúp người bán dâm có cuộc sống ổn định (22/12/2023)

Thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, đến nay, nhiều mô hình hỗ trợ người bán dâm trở lại với cuộc sống đã được triển khai ở nhiều địa phương. Những mô hình này đã giúp người bán dâm tìm cho mình một cuộc sống mới, đồng thời cũng cho thấy cách làm hết sức ý nghĩa nhân văn của Chương trình. Tại nhiều tỉnh, thành phố, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đưa nhiệm vụ phòng, chống mại dâm vào Nghị quyết và Kế hoạch, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phối hợp các Sở, ban, ngành, đoàn thể để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện và đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống mại dâm.
Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống mại dâm thông qua huy động nguồn lực từ các tổ chức xã hội, tổ chức dựa vào cộng đồng; các câu lạc bộ, nhóm tự lực, nhóm đồng đẳng tham gia công tác hỗ trợ xã hội, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm…Ông Lê Đức Quang, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động Thương binh xã hội cùng bàn luận câu chuyện này.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h20-05h50 Mùa vàng
6h28-6h30 Quảng cáo
8h35-8h40 Quảng cáo
8h50-8h55 Quảng cáo
9h35-9h40 Quảng cáo
9h55-10h00 Quảng cáo
10h05-10h10 Quảng cáo
10h25-10h30 Quảng cáo
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
13h20-13h25 Quảng cáo
13h40-13h45 Quảng cáo
15h15-15h20 Quảng cáo
15h55-16h00 Quảng cáo
17h50-17h59 Quảng cáo
19h05-19h10 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: