Từ ngày 1/8/2011 cô giáo Hoàng Thị Thanh Chỉ xung phong vào công tác tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Chế Tạo, xã Chế Tạo, là xã xa nhất của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thời điểm ấy toàn xã còn chưa có điện. 13 năm gắn bó với ngôi trường nghèo khó, cô Chỉ vẫn là nữ giáo viên đầu tiên và duy nhất của trường đến thời điểm hiện tại. Chương trình Chân dung cuộc sống hôm nay, mời quý vị cùng gặp gỡ cô giáo Hoàng Thị Thanh Chỉ để cùng tìm hiểu rõ hơn hành trình miệt mài gieo tri thức và khát vọng vượt khó vươn lên, thay đổi tương lai cho bao thế hệ học trò nhỏ vùng cao.
Thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie nhận nuôi 22 trẻ em còn sống sau trận lũ quét ngày 10/09 tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Thầy giáo Nguyễn Xuân Khang - một ông đồ xứ Nghệ tiên phong trên con đường thành lập mô hình giáo dục ngoài công lập - ở đó học trò và thầy cô giáo gần gũi như một gia đình, ở đó có những tiếng thưa “ông Nội” với những bài học làm người hướng tới sự tử tế và tấm lòng nhân ái.
Khi sinh con ra, những người làm cha, mẹ mong muốn con sẽ lớn khôn và trở thành niềm vui, niềm tự hào của gia đình. Thế nhưng đối với những đứa trẻ mắc hội chứng tự kỷ, việc các con có thể tự chủ bản thân lại là niềm mong đợi của cha mẹ. Mơ ước các con có thể kiếm tiền bằng sức lao động của mình vẫn luôn là niềm xa vời với nhiều người có con mắc chứng tự kỷ.
Có khiếm khuyết về sức khỏe tâm thần nhưng bù lại hầu hết những người mắc hội chứng tự kỷ lại có sức khỏe. Tuy nhiên, họ vẫn không thể tìm được những công việc phù hợp. Có rất nhiều lý do dẫn dến tình trạng này, trong đó, lý do quan trọng nhất là họ chưa được trao cơ hội để thể hiện khả năng của bản thân.
Hiểu được điều đó, bà Đào Thu Thủy, Giám đốc Trung tâm giáo dục và đào tạo hướng nghiệp Hạt giống (SEED CENTER) và các thầy, cô giáo nơi đây đã đồng hành cùng các gia đình có con mắc hội chứng tự kỷ trong quá trình lớn lên của những em nhỏ đặc biệt, mở ra các lớp học nghề với mong muốn các con được học nghề để có thể tự nuôi sống bản thân, giảm bớt nỗi lo cho gia đình.
Trong chương trình Chân dung cuộc sống hôm nay, chúng tôi giới thiệu với quý vị và các bạn về Trung Tâm giáo dục và đào tạo hướng nghiệp SEED - Mô hình hướng nghiệp cho người tự kỷ-Tìm điểm sáng cho tương lai
Văn hoá là hồn cốt của quốc gia, quê hương cùng những mạch nguồn truyền thống là cội rễ của mỗi người con đất Việt. Xuôi theo dòng chảy lịch sử, đây chính là sức mạnh gắn kết toàn dân tộc. Trên suốt dọc dài Tổ quốc, những Đảng viên, với tính tiên phong, gương mẫu ở cơ sở đã thầm lặng, kiên trì dành hàng chục năm để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.
“Cứ đi thôi, phía trước ắt có đường” – Khi đã có ý định, đặt lên vai mình trách nhiệm, các đảng viên không chỉ dừng lại ở việc khôi phục thành công những vốn quý của dân tộc mà còn chủ động khởi xướng các phong trào, tìm kiếm mô hình phát triển bền vững cho văn hoá địa phương. Chương trình Chân dung cuộc sống với tựa đề: “Giữ cội từ làng”, BTV Phương Chi và Trần Long sẽ cùng đồng hành với quý vị và các bạn về với làng quê, nơi các giá trị văn hoá vẫn cuồn cuộn chảy trong nhịp sống hiện đại, nhờ sự tiên phong, trách nhiệm, sáng tạo và gắn bó với nhân dân của những Đảng viên bình dị nặng lòng với quê hương.
Hơn một tháng khi vừa mới sinh ra, cô giáo Hà Bích Hảo sinh năm 1994 ở tỉnh Nam Định bị u máu ngoài da và được bố mẹ đưa đi điều trị nhưng không may cô bị bỏng kéo lệch một bên mặt. Vượt qua mọi kỳ thị của những người xung quanh, cô giáo trẻ với nửa nụ cười đã thực hiện ước mơ đến trường và sáng lập ra “Quỹ Mầm và những người bạn” nhằm giúp đỡ các em nhỏ khyết tật, khó khăn và quản lý dự án của tổ chức Helping Vietnam Children - một tổ chức thiện nguyện phi lợi nhuận mổ miễn phí cho các cháu bé có dị tật bẩm sinh hay di chứng tai nạn thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc. Mời quý vị cùng gặp gỡ cô giáo trẻ với khát vọng mang hạnh phúc tới trẻ em khó khăn Hà Bích Hảo trong chương trình Chân dung cuộc sống hôm nay.
Tại thành phố Hồ Chí Minh có một nhóm hát đặc biệt. Đặc biệt là bởi những thành viên của nhóm xuất phát từ rất nhiều ngành nghề khác nhau: Ca sỹ chuyên nghiệp có, luật sư có, nhân viên kinh doanh có….Họ gắn kết với nhau thành một nhóm có tên “Hát để sẻ chia-Singing for Sharing” gần 8 năm nay lấy vỉa hè tại các quán ăn bình dân nơi con phố Ẩm thực Vĩnh Khánh làm sân khấu để toả sáng bằng những ca khúc lúc sôi động, khi sâu lắng đi vào lòng người nghe. Và điều đặc biệt nhất, bằng lời ca và những vũ điệu duyên dáng, bắt mắt, đến nay, nhóm đã quyên góp được hơn 3 tỷ đồng để hỗ trợ hoàn toàn viện phí cho các bệnh nhi nghèo.
Chắc hẳn trong cuộc đời của mỗi người đều có những năm tháng khó quên. Quãng thời gian đó giúp bản thân trưởng thành hơn, thậm chí có thể tạo nên bước ngoặt thay đổi cả cuộc đời. Đối với ông Trần Viết Hoàn, nhiều năm được làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ tại khu nhà sàn ở Phủ Chủ tịch đã giúp người cận vệ này sớm tìm được chân lý cuộc sống. Cảm nhận sâu sắc nhân cách vĩ đại, trái tim lớn của vị lãnh tụ trong ngôi nhà sàn ở Phủ Chủ tịch, suốt cuộc đời ông Trần Việt Hoàn đã không ngừng học tập và làm theo phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh. Câu chuyện về người cận vệ coi Bác Hồ như người Cha của mình và luôn nỗ lực để học theo tấm gương sáng sẽ được kể trong chương trình Chân dung cuộc sống hôm nay.
Không được đào tạo chuyên nghiệp nhưng tên tuổi của anh Nguyễn Văn Mão (1987), quê ở huyện Tân Kỳ, Nghệ An lại vang danh khắp cộng đồng người thổi sáo cả nước. Cựu sinh viên trường Đại Học Kiến trúc Hà Nội không chỉ là người khởi xướng phong trào học sinh, sinh viên “chơi sáo trúc” với hàng trăm câu lạc bộ trên toàn quốc, anh còn là một doanh nhân giỏi, một nghệ nhân chế tác lành nghề sở hữu hai kỷ lục Guiness Việt Nam khi còn rất trẻ.
Thưa quý vị và các bạn! Họa sĩ Lê Tiến Vượng, nguyên là Trưởng Ban Biên tập báo Thiếu niên Tiền phong. Ngoài đam mê hội họa, làm báo, làm thơ, bộn bề công việc, anh vẫn luôn dành sự quan tâm đến những thân phận nghèo khó nơi vùng sâu, vùng xa, chăm lo hoạt động của Câu lạc bộ (CLB) Trái tim hồng.
Đã nhiều năm nay, họa sĩ Lê Tiến Vượng miệt mài cùng Ban Chủ nhiệm CLB do anh là đầu tàu dẫn dắt cứ lặng lẽ gom góp yêu thương, sẻ chia khó khăn khắp các bản, làng xa xôi.
Hành trình 10 năm làm thiện nguyện, đến nay, họa sĩ Lê Tiến Vượng cùng câu lạc bộ vận động xây dựng được 23 điểm trường, khang trang cho trẻ em các dân tộc vùng cao phía Bắc, góp phần giúp đỡ các em trong hành trình tìm con chữ bớt gian nan.
Trong chương trình Chân dung cuộc sống hôm nay, chúng tôi giới thiệu tới quý vị và các bạn về hành trình xây trường, dựng ước mơ của họa sĩ Lê Tiến Vượng cùng những người bạn trong Câu lạc bộ Trái tim hồng.
Anh Đỗ Hà Cừ sinh năm 1984 trong gia đình có bố là quân nhân bị nhiễm chất độc màu da cam khi chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị những năm 1972 - 1973. Do ảnh hưởng từ bố, anh không thể kiểm soát hoạt động cơ thể, chỉ dùng được ngón trỏ bên phải. Mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào sự giúp đỡ của mọi người. Luôn tin rằng “trời đất sinh ra tất có ích”, anh Đỗ Hà Cừ đã nhờ mẹ dạy cách đọc, cách viết rồi vươn lên hoàn cảnh, tự viết sách, làm thơ, nghiên cứu sử dụng máy vi tính, thành lập không gian đọc sách Hy Vọng và hỗ trợ thành lập 32 không gian đọc sách “vệ tinh” do người khuyết tật quản lý. Mới đây, anh Đỗ Hà Cừ đã phát hành cuốn sách “Màu của hy vọng” với tâm nguyện dùng số tiền thu được từ 1000 cuốn sách in lần đầu để gây quỹ xây dựng các tủ sách cộng đồng do người khuyết tật quản lý.
Những bức di ảnh liệt sỹ được nhóm Teamlee phục dựng màu trở về với gia đình, như một cuộc đoàn tụ đặc biệt, làm ấm lòng biết bao gia đình liệt sỹ.
Giữa biển cả mênh mông, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi luôn vững chãi, hiên ngang. Không chỉ là nơi lưu giữ những bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Tổ quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, mà Lý Sơn còn là một bảo tàng văn hóa biển đảo sống động, nơi có những con người giàu lòng quả cảm. Đất và người Lý Sơn qua bao đời vẫn vậy, mang trong mình tình yêu biển, đảo của Tổ quốc, hiển hiện trong tâm thức, đời sống tín ngưỡng và cuộc sống thường nhật.
2 lần được ghép giác mạc cho mắt trái và mắt phải, chị Tô Thị Thắm ở Yên Khánh, Ninh Bình luôn biết ơn người hiến giác mạc và các y, bác sĩ thực hiện thành công ca ghép. Mãi sau này chị Thắm mới biết đến những ân nhân khác, thầm lặng giúp đỡ mình, đó là các kỹ thuật viên ở Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương chuyên đi nhận và bảo quản giác mạc để giúp những người như chị Thắm tìm lại được ánh sáng. Ngân hàng Mắt chỉ có 3 người, 1 người vừa nghỉ hưu, gần 20 năm qua đã thực hiện được gần 1.000 ca lấy giác mạc tại 20 tỉnh thành phố. Chương trình Chân dung cuộc sống kể câu chuyện về những người thầm lặng “lưu giữ nguồn sáng”. Đó là những kỹ thuật viên của Ngân hàng mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương.
Anh Đồng Văn Hùng chủ kênh “Ẩm thực mẹ làm” giới thiệu với khán giả toàn cầu về ẩm thực nông thôn Việt Nam. Mỗi video trên Kênh Ẩm thực mẹ làm đều khắc họa những trải nghiệm chân thực của hai mẹ con anh Hùng khi chuẩn bị bữa ăn, chăm sóc khu vườn và chia sẻ về cuộc sống giản dị ở miền quê.
Trong 4 năm từ 2020-2023, Đài TNVN đoạt được 09 giải ABU, trong đó, có 05 Giải Xuất sắc, 01 Giải Đặc biệt của Ban Giám khảo và 03 Giải Khuyến khích. Trong đó 3 năm liên tiếp nhận giải xuất sắc thể loại phóng sự thời sự. Chương trình Chân dung cuộc sống hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu tới quý vị những nhà báo xuất sắc của VOV trong hành trình đưa phát thanh Việt ra thế giới.
Chỉ học hết lớp 7 nhưng một nông dân ở thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương đã chế tạo thành công và “xuất khẩu” máy nông nghiệp đi hơn 15 quốc gia trên khắp thế giới. Đó là ông Phạm Văn Hát - người được mệnh danh là “Phù thủy máy nông nghiệp”. Với bàn tay tài hoa, sự nhanh nhạy và óc sáng tạo của mình, ông đã cho ra đời trên 40 loại máy phục vụ lĩnh vực nông - lâm nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.
Là nhà thiết kế được biết đến với nhiều bộ sưu tập áo dài ấn tượng lấy cảm hứng từ những chất liệu văn hóa dân gian, dù mới 30 tuổi nhưng Vũ Thảo Giang đã tạo nên chỗ đứng cho tên tuổi của mình trong làng thời trang Việt. Với chị, áo dài chính là “linh hồn” của dân tộc, bởi thế việc thiết kế trang phục này mang đến cho chị niềm tự hào, sự biết ơn và lòng trân trọng.
Gần 6 năm trước, khi bắt đầu quyết tâm theo đuổi con đường thiết kế áo dài chuyên nghiệp, vốn được coi là “nghề con nhà giàu”, Thảo Giang đã gặp không ít khó khăn. Xuất thân từ một thị trấn nhỏ của tỉnh Cao Bằng, không có sự hậu thuẫn của gia đình, làm thế nào để cô gái trẻ này theo đuổi được đam mê và đạt được thành công như ngày hôm nay? Hãy cùng chúng tôi gặp gỡ NTK Vũ Thảo Giang – cô gái Tày giữ “hồn” văn hóa truyền thống qua tà áo dài.
"Lĩnh hoa Yên Thái, Gốm Bát Tràng, Bạc Định Công, Đồng Ngũ Xã" là tứ trụ tinh hoa của làng nghề Thăng Long xưa. Mặc cho năm tháng và những thăng trầm, nhưng tứ trụ tinh hoa ấy vẫn bền bỉ với thời gian. Trong đó, nghề Đậu Bạc tại làng Định Công, quận Hoàng Mai được biết đến như một dẫn chứng điển hình nhất tại đất kinh kỳ Thăng Long cho sức sống của làng nghề cổ.
Nghề đậu bạc ở làng Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội có từ thế kỷ thứ VII, thời Tiền Lý, do ba ông Tổ nghề là Trần Điền - Trần Điện - Trần Hòa truyền lại cho dân làng với những nét đặc trưng riêng biệt không nơi nào có.
Từ những thỏi bạc, với bàn tay tài hoa, tinh xảo, bộ óc sáng tạo, người thợ khéo léo kéo chúng thành các sợi bạc nhỏ, mảnh như sợi chỉ rồi uốn ghép thành các chi tiết khác nhau để tạo nên những sản phẩm đa dạng từ hình thức đến kích thước, chinh phục thi hiếu khách hàng.
Với sự cầu kỳ riêng biệt, nghề đậu bạc ở làng Định Công từng được biết đến là một trong bốn nghề truyền thống bậc nhất của đất kinh kỳ Thăng Long xưa. Nhưng cũng như bao làng nghề khác, nghề đậu bạc làng Định Công cũng không tránh khỏi những năm tháng thăng trầm, tưởng như mai một.
Nhờ bao công sức, tâm huyết của những nghệ nhân ít ỏi còn lại, nghề đậu bạc đã dần được phục hồi, trở thành một nét độc đáo của đất Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Trong chương trình chân dung cuộc sống hôm nay, chúng tôi giới thiệu tới quý vị và các bạn về nghề đậu bạc Định Công và sự bền bỉ, kiên trì của những nghệ nhân tài hoa, với mong muốn lưu truyền nghề truyền thống độc đáo này cho thế hệ hôm nay và mai sau...
Lai Châu là một trong 10 tỉnh có diện tích lớn nhất nước ta, có đường biên giới dài hơn 265km tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Dải đất thiêng liêng trong tâm thức của mỗi người dân nước Việt này là cửa ngõ trọng yếu phía Bắc của Tổ quốc, có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Giữa điệp trùng mây núi, nơi những con đường mòn len lỏi dọc theo chân phiến đá cao dựng đứng, ngày cũng như đêm, các cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng vẫn bền bỉ vững bước trên cung đường tuần tra, “vượt nắng, thắng mưa” giữ bình yên biên giới. Với họ, đây không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là trách nhiệm, là lời thề danh dự với Tổ quốc và nhân dân.
Câu chuyện diễn ra ở Trại phong Qủa Cảm (tên gọi chính hiện tại là Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh), trong không gian lặng lẽ của những số phận không may. Bà là y tá Nguyễn Thị Xuân, người gắn bó lâu năm nhất ở trại phong này.
Hơn 30 năm qua, y tá Nguyễn Thị Xuân chấp nhận hy sinh hạnh phúc cá nhân, bỏ nghề dạy học, để chọn công việc chăm sóc gắn bó trọn cuộc đời với những với bệnh nhân phong. Người phụ nữ này đã mang tới niềm tin cho các bệnh nhân và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của bệnh viện này suốt nhiều năm qua.
Với bệnh nhân phong, y tá Nguyễn Thị Xuân là nơi nương tựa, nâng đỡ sau những bất hạnh, buồn tủi do gia đình thậm chí là những người thân yêu nhất xa lánh… Chương trình Chân dung cuộc sống hôm nay, chúng tôi mời quý vị và các bạn gặp gỡ y tá Nguyễn Thị Xuân – Người cả đời gắn bó với Trại phong Quả cảm.
Cách đây 45 năm, một công nhân đường sắt 25 tuổi gặp tai nạn lao động kinh hoàng. Trong lúc đang cùng đồng nghiệp dựng nhà ăn cho tập thể nhà máy, người thanh niên đó bị một vì kèo bằng sắt rơi trúng lưng, dẫn đến gãy cột sống, đứt tuỷ… Trải qua gần 5 năm điều trị liên tục tại các bệnh viện, tuy giữ được mạng sống nhưng người đàn ông này bị giảm tới 82% sức khoẻ, thương tật hạng ¼, đôi chân bại liệt và đối diện với nguy cơ nằm liệt giường. Không đầu hàng số phận, anh đã tập luyện, đứng lên trên đôi nạng, rồi tìm đến với văn chương như là một biện pháp để “chữa lành”. Lúc đầu là sáng tác thơ, sau đó viết nên những truyện ngắn, tiểu thuyết hay, giành được nhiều giải thưởng uy tín và trở thành hội viên hội nhà văn Việt Nam. Nhân vật được “khắc hoạ” trong Chương trình Chân dung cuộc sống là nhà văn Trần Văn Thước ở xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Với kỳ vọng, người tự kỷ cũng được lao động, được cống hiến sức mình trong những môi trường làm việc phù hợp, anh Nguyễn Đức Trung sáng lập ra VAPs (Vietnam Autism Projects), Dự án mô hình kinh tế cho người tự kỷ, một dự án tiên phong tại Việt Nam đưa người tự kỷ tới các công việc mang tính chất ổn định, tiến tới hoà nhập cộng đồng một cách vững chắc.
Dù đôi mắt không nhìn thấy từ khi còn nhỏ tuổi, nhưng Nguyễn Thị Khánh Vân, sinh năm 1993, ở xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội có niềm đam mê học tập, khám phá kho tàng kiến thức. Nỗ lực không mệt mỏi, năm 2016, cô gái khiếm thị này đã được tuyển thẳng vào trường Đại học Hà Nội và hiện nay là phiên dịch viên, giáo viên tiếng Anh, tự lập cuộc sống, tích cực giúp đỡ những người khiếm thị khác. Hành trình của cô gái mù tìm được “ánh sáng tri thức” và trở thành người có ích cho xã hội, được kể trong chương trình Chân dung cuộc sống.
Nhắc đến NSND Lê Khanh khán giả sẽ nghĩ đến hình ảnh một người phụ nữ Hà thành xinh đẹp, tài năng. Trong suốt sự nghiệp của mình, chị không ngừng nghỉ phấn đấu, gặt hái nhiều thành tích ở cả trong và ngoài nước. Có sự nghiệp gắn liền với hàng trăm vai diễn sân khấu khác nhau cùng nhiều phim điện ảnh, truyền hình với diễn xuất vô cùng đa dạng, linh hoạt.
NSND Lê Khanh còn là người có niềm say mê sâu sắc với nghề, thích thử thách bản thân. Chị coi nghệ thuật là cả cuộc đời mình, để sống trọn vẹn với từng nhân vật.
Đối với nhiều gia đình, niềm vui lớn nhiều khi đơn giản chỉ là tiếng cười hồn nhiên của con trẻ. Bởi sau bao tháng ngày điều trị hiếm muộn, cuối cùng họ cũng có ngày vui được đón thiên thần nhỏ đến với gia đình… Tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn ở các cặp vợ chồng trẻ ở Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 10%. Như vậy, cứ khoảng 10 đôi kết hôn thì có 1 cặp uyên ương đứng trước nguy cơ bị tước đi cơ hội làm cha, mẹ. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến hôn nhân và hạnh phúc của những cặp vợ chồng trẻ. Đối với những trường hợp như thế, bác sĩ chuyên ngành hiếm muộn trở thành những “bà Tiên, ông Bụt” mang phép màu đến cho họ. Là bác sĩ ở bệnh viện đầu ngành điều trị vô sinh, hiếm muộn, hơn 20 năm qua, bác sĩ Nguyễn Xuân Hợi - Bệnh viện Phụ sản trung ương đã ươm mầm hạnh phúc thành công cho hàng chục nghìn gia đình như vậy.
Ngoài công việc chuyên môn hàng ngày phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân, tại nhiều bệnh viện lớn, từ lâu đã có những nhân viên y tế thầm lặng thực hiện công việc vận động gia đình bệnh nhân chết não đồng ý hiến mô tạng của người thân, góp phần cứu giúp những người bệnh suy tạng đang chờ đợi nguồn tạng ghép để kéo dài sự sống. Chương trình Chân dung cuộc sống kể về công việc thầm lặng của những người tư vấn, vận động hiến mô, tạng, kết nối sự sống.
Trong không khí xuân ngập tràn, những làn điệu, giai điệu mượt mà và vô cùng quyến rũ, hấp dẫn của nghệ thuật Chầu văn sẽ được gửi đến
quý vị và các bạn qua những chia sẻ của nghệ nhân dân gian Trịnh Ngọc Minh-một cung văn đam mê giữ lửa, giữ chất men say của nghệ thuật hát Chầu văn
Một mùa Xuân mới sắp đến. Niềm vui lớn nhất trong những ngày Tết đoàn viên đối với nhiều gia đình chỉ đơn giản là tiếng cười hồn nhiên của con trẻ, bởi sau bao tháng ngày điều trị hiếm muộn, cuối cùng họ cũng có được những thiên thần nhỏ... Tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn ở các cặp vợ chồng trẻ ở Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 10%. Như vậy, cứ khoảng 10 đôi kết hôn thì có 1 cặp uyên ương đứng trước nguy cơ bị tước đi cơ hội làm cha, mẹ. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến hôn nhân và hạnh phúc gia đình… Đối với những trường hợp như thế, bác sĩ chuyên ngành hiếm muộn trở thành những “bà tiên, ông bụt”, mang phép màu đến cho họ. Là bác sĩ ở bệnh viện đầu ngành điều trị vô sinh, hiếm muộn, hơn 20 năm qua, bác sĩ Nguyễn Xuân Hợi đã ươm mầm hạnh phúc thành công cho hàng chục nghìn gia đình.
# Trong một con ngõ nhỏ ở Thủ đô Hà Nội, hàng ngày có tiếng máy may lẫn trong đó là rộn rã tiếng cười nói của những học viên, trong đó có cả những người phụ nữ khuyết tật, yếu thế. Đó là xưởng may của thầy giáo dạy cắt may Nguyễn Duy Long, người có hàng nghìn học viên theo học trực tuyến và trực tiếp tại xưởng may nhiều năm qua. Người đã giúp đỡ, dìu dắt cho không ít những người phụ nữ khuyết tật có được một cái nghề nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình. Không ngừng tìm tòi và cập nhật những phương pháp may hiện đại, thầy Nguyễn Duy Long không giấu nghề, luôn sẵn sàng chia sẻ những gì mình học được cho học viên bằng những video ô dạy cắt may miễn phí trên mạng xã hội. Trong chương trình chân dung cuộc sống hôm nay, chúng tôi giới thiệu với quý vị và các bạn về thầy Nguyễn Duy Long và lớp học cắt may đặc biệt của mình.