logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Triển vọng phục hồi của thị trường bất động sản khi các Luật sớm có hiệu lực thi hành (21/7/2024)

Thị trường bất động sản nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn. Vướng mắc trong thực hiện quy định về phương pháp định giá đất, quy hoạch sử dụng đất chưa được tháo gỡ. Cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ cũng đã gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng, không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp và huy động vốn từ các nguồn khác, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự án, phải giãn tiến độ hoặc dừng triển khai. Hiện nay, thị trường thiếu vắng hẳn các sản phẩm nhà ở thương mại giá bình dân. Tỷ trọng nguồn cung căn hộ thuộc phân khúc bình dân trên tổng nguồn cung căn hộ mở bán liên tục giảm, từ mức 30% vào năm 2019 còn 6% vào năm 2023.
- Từ ngày 1/8/2024, các Luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sẽ có hiệu lực, sớm hơn 5 tháng so với kế hoạch được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản phục hồi và phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững hơn. Vậy, đâu là những điểm nghẽn của thị trường cần được khơi thông? Các cơ quan quản lý Nhà nước cần làm gì để tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng? Doanh nghiệp phải hành động như thế nào để nâng cao sức cạnh tranh và nắm bắt cơ hội mới đang mở ra phía trước? Diễn đàn Chủ nhật chủ đề “Triển vọng phục hồi của thị trường bất động sản khi các Luật sớm có hiệu lực thi hành”, sẽ bàn luận để làm rõ hơn những vấn đề đang được rất nhiều người quan tâm này.
Khách mời tham gia chương trình là ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam và Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Vũ Đình Ánh.

Chuyển đổi số - tạo bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới (14/07/2024)

Đưa chuyển đổi số vào nông nghiệp nói chung và xây dựng Nông thôn mới (NTM) nói riêng là giải pháp của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong thực hiện định hướng xây dựng nông thôn hiện đại nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Chuyển đổi số là 1 trong 6 chương trình chuyên đề được Chính phủ đưa vào Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 được cụ thể hóa thông qua Quyết định số 924, ngày 02/08/2022.
Chương trình Diễn đàn Chủ nhật đề cập chủ đề: “Chuyển đổi số - tạo bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới” với sự tham gia của các vị khách mời:
- Ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương.
- Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy
- Ông Phùng Xuân Tiến, Phó chánh Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Vĩnh Phúc.

"Nhìn lại tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2024: Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thực hiện mục tiêu đề ra" (07/07/2024)

Kết luận phiên họp Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra hôm qua (06/7/2024), Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu: phấn đấu tăng trưởng GDP quý III từ 6,5-7%, phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch năm 2024 và giữ đà, giữ nhịp phát triển trong năm 2025.
“Nhìn lại tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2024: Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thực hiện mục tiêu đề ra” là chủ đề của Diễn đàn chủ nhật tuần này, với sự tham gia bàn luận của các chuyên gia kinh tế: ĐBQH Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Uỷ ban kinh tế của Quốc hội và TS. Đặng Đức Anh - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Thanh Hoá phát triển hạ tầng, tạo liên kết vùng, phát triển đất nước (01/7/2024)

Với vị trí chiến lược, được ví như cửa ngõ khu vực; trục giao thông Bắc – Nam; đặc biệt với hệ thống cảng biển, cảng hàng không, đường sắt, đường bộ… Thanh Hoá có vai trò quan trọng, trục trung chuyển giao thương, kết nối vùng, khu vực, và quốc tế. Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đã xác định đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy liên kết vùng, mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội không chỉ đối với Thanh Hoá mà có ý nghĩa quan trọng đối với cả nước.
Vậy thực tế đến nay, qua 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, Thanh Hoá đã được những kết quả cụ thể như thế nào trong phát triển hạ tầng giao thông và hạ tầng các khu công nghiệp, tăng tính hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước để góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển và đóng góp chung vào thành tựu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đây là nội dung được bàn luận trong Chương trình Diễn đàn hôm nay với chủ đề: "Thanh Hoá phát triển hạ tầng, tạo liên kết vùng, phát triển đất nước”. Chương trình do Ban Thời sự VOV1 (Đài TNVN) phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa thực hiện.

Thực hiện Nghị quyết 02/2024 của Chính phủ về Cải cách môi trường kinh doanh: Kết quả đạt được và yêu cầu cho nửa cuối năm (23/06/2024)

Sau gần nửa năm thực hiện Nghị quyết số 02 của Chính phủ về Cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia: những kết quả nào đã đạt được và yêu cầu đặt ra cho nửa cuối năm là gì?! Đây là chủ đề được bàn luận trong Diễn đàn chủ nhật, với sự tham gia của các vị khách mời:
- Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp.

Chương trình hành động triển khai Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới (9/6/2024)

Ngày 9/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 66 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41 ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới. Cùng nhìn nhận những cơ hội và thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân của nước ta và gợi mở một số giải pháp để thực hiện hiệu quả chương trình hành động của Chính phủ đối với công tác xây dựng đội ngũ doanh nhân trong tình hình hiện nay với khách của chương trình là Tiến sỹ Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và Phó Giáo sư-Tiến sỹ Phan Chí Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế- Đại học Quốc gia Hà Nội.

Quản lý, sử dụng bền vững không gian biển cho phát triển kinh tế biển xanh (02/06/2024)

Kinh tế biển có vai trò và là động lực quan trọng để phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức tài nguyên biển đã gây hậu quả nghiêm trọng tới môi trường, hệ sinh thái biển. Việc đầu tư phát triển kinh tế biển xanh có trọng tâm, trọng điểm là hướng đi bền vững, góp phần bảo tồn hệ sinh thái biển. Bảo tồn hệ sinh thái biển là một chủ trương lớn của Đảng đã được chỉ ra trong Nghị quyết 36/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên để bảo tồn hệ sinh thái biển hiệu quả cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, nhất là kết hợp bảo tồn với phát triển các ngành kinh tế; một hướng tiếp cận mới có tính toàn cầu là phát triển kinh tế biển xanh sẽ góp phần duy trì hệ sinh thái và thực hiện nhiều mục tiêu phát triển bền vững. “Quản lý, sử dụng bền vững không gian biển cho phát triển kinh tế biển xanh” là chủ đề của Diễn đàn Chủ nhật hôm nay. Khách mời tham gia chương trình:
- PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội Khóa 15, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
- Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn.

Dư địa tiết kiệm điện nhìn từ Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (26/05/2024)

Nhu cầu tiêu dùng điện cho sản xuất và đời sống liên tục tăng cao, với mức tăng trưởng phụ tải điện 4 tháng đầu năm lên tới hơn 12,4%, cao hơn nhiều so với kế hoạch cung cấp điện cao điểm mùa khô. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Công điện, Chỉ thị về các giải pháp đảm bảo điện. Trong đó, yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg về “tăng cường tiết kiệm điện”. Vì sao sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả lại được xác định là giải pháp quan trọng góp phần đảm bảo điện? Diễn đàn chủ nhật ngày 26/5/2024 có chủ đề “Dư địa tiết kiệm điện nhìn từ Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ”, với sự tham gia bàn luận của ông Cù Huy Quang - đại diện Vụ TKNL & PTBV, Bộ Công Thương và chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam.

Chủ động phòng tránh tai nạn sự cố cho người và phương tiện hoạt động trên biển (19/05/2024)


- Tai nạn, sự cố đối với người và phương tiện trên biển thời gian qua gây ra nhiều thiệt hại về tài sản, tính mạng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động phát triển kinh tế ở nước ta. Trong những tháng đầu năm 2024, nhiều vụ tai nạn, sự cố trên biển đã xảy ra với những thiệt hại khá lớn về người và phương tiện như vụ việc chìm sà lan ở vùng biển tỉnh Quảng Ngãi khiến 4 người tử vong. Hay mới đây là vụ 4 tàu cá ở Quảng Bình gặp tai nạn do dông lốc. Trong đó có 3 tàu bị chìm, 1 tàu mất liên lạc với nhiều ngư dân bị mất tích. Vùng biển nước ta đang bắt đầu vào mùa mưa bão, các hiện tượng thời tiết cực đoan trên biển gây ảnh hưởng lớn đến các phương tiện và người lao động. Vậy cơ quan chức năng đang có những giải pháp nào để ứng phó tình trạng này? Người dân lao động trên biển cần làm gì để phòng tránh tai nạn, sự cố? Nội dung này sẽ được chúng tôi và các vị khách mời bàn luận trong chương trình Diễn đàn Chủ Nhật hôm nay với chủ đề: Chủ động phòng tránh tai nạn sự cố cho người và phương tiện trên biển ”. Xin được trân trọng giới thiệu hai vị khách mời tham gia chương trình: - Đại tá Phan Duy Cường, Trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn và Bảo vệ môi trường biển, Bộ Tham mưu, BTL Cảnh sát biển Việt Nam: - Ông Nguyễn Quốc Thụy, Trưởng phối hợp phòng cứu nạn, Trung tâm phối hợp TKCN Hàng hải VN, Cục Hàng hải, Bộ Giao thông vận tải.

Đẩy mạnh xuất khẩu dệt may theo hướng xanh hóa (28/04/2024)

Trong quý I/2024, toàn ngành dệt may Việt Nam đã xuất khẩu được gần 10 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2023. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, có nhiều tín hiệu khởi sắc, bởi các nhà sản xuất, chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu tiếp tục chọn Việt Nam là nơi sản xuất và đặt hàng. Việt Nam hiện vẫn giữ vị trí thứ 3 thế giới về xuất khẩu dệt may. Tín hiệu vui là vậy, song ngành dệt may vẫn tiếp tục đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức do xung đột, căng thẳng địa chính trị trên thế giới, hàng rào kỹ thuật, chi phí đầu vào tăng, tỷ giá neo ở mức cao... Để tìm cơ hội trong thách thức, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng dệt may trong nước đạt 44 tỷ USD trong năm nay, các doanh nghiệp dệt may đang tiếp tục chuyển trọng tâm từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn.
Diễn đàn Chủ nhật tuần này bàn về chủ đề “Đẩy mạnh xuất khẩu dệt may theo hướng xanh hóa”, với sự tham gia của hai vị khách là TS Trần Thị Mai Thành - Phó Chủ nhiệm bộ môn Kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế, Khoa Kinh tế và kinh doanh quốc tế - ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia và ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10.

Nâng tầm vị thế Thương hiệu Việt (21/04/2024)

Thương hiệu Quốc gia đang được Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp ngày càng quan tâm để quảng bá hình ảnh quốc gia, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam ra với thế giới. Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới, cộng đồng doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia đã và đang nỗ lực vượt qua thách thức trong sản xuất, kinh doanh, tìm những hướng đi mới để thương hiệu Việt luôn tỏa sáng trên thương trường. Theo đánh giá của Tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới – Brand Finance, Thương hiệu Quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% trong giai đoạn từ năm 2019-2023. Giá trị Thương hiệu Quốc gia năm 2023 đạt hơn 498 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2022 và liên tục tăng trưởng 2 con số trong 5 năm qua. Thương hiệu Quốc gia Việt nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện sự chủ động và tầm vóc Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Đây là nội dung chính của Diễn đàn chủ nhật với chủ đề: "Nâng tầm vị thế Thương hiệu Việt". Khách mời tham dự Diễn đàn: Ông Tạ Mạnh Cường- Trưởng phòng Phát triển năng lực xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương. PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh – Giảng viên Bộ môn Quản trị Thương hiệu của Trường Đại học Thương mại, Thành viên Ban chuyên gia Chương trình Thương hiệu Quốc gia.

“Kiện toàn bộ máy kiểm ngư, đồng hành cùng ngư dân bám biển” (14/04/2024)

Năm 2024 đánh dấu hành trình 10 năm Lực lượng kiểm ngư Việt Nam chính thức ra mắt kể từ ngày 15/4/2014. Trên hành trình 10 năm qua, nhiều hoạt động tích cực hỗ trợ ngư dân, thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đã được triển khai... Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, lực lượng kiểm ngư đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình thực thi nhiệm vụ trên biển, nhất là với nhiệm vụ gỡ thẻ vàng thủy sản của Ủy ban Châu Âu EC. Bàn luận về chủ đề “Kiện toàn bộ máy kiểm ngư, đồng hành cùng ngư dân bám biển” chúng tôi trao đổi với 2 vị khách mời:
- Ông Tạ Minh Phương, Chánh Văn phòng Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn
- Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang.

Mở đường lớn cho Kinh tế tập thể - Hợp tác xã bứt phá trong giai đoạn mới (07/04/2024)

- Mặc dù có sự tăng trưởng tương đối tốt trong thời gian qua song, nhìn chung khu vực KTTT, HTX của nước ta vẫn chưa phát triển như mục tiêu, kỳ vọng đề ra. Giải pháp nào giúp hóa giải những khó khăn, “mở đường lớn” cho khu vực kinh tế tập thể, HTX bứt phá, đặc biệt khi luật HTX năm 2023 được Quốc hội ban hành mới đây – là nội dung mà chúng tôi cùng các vị khách mời sẽ bàn luận trong Diễn đàn Chủ nhật trên Kênh thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam hôm nay.
- Khách mời tham gia diễn đàn:
1. Bà Cao Xuân Thu Vân – Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam
2. Ông Đặng Văn Thanh – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Ông Thanh: Chào quý vị thính giả nghe Đài

Nhìn lại tăng trưởng kinh tế quý đầu năm, bàn giải pháp tăng tốc các quý tiếp theo nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2024 đạt 6-6,5% (31/03/2024)

Tăng trưởng GDP quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023. Với sự khởi đầu tốt của nền kinh tế khi cả ba chân kiềng tăng trưởng quan trọng (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng) đều đang bật tăng mạnh mẽ, cho thấy những tín hiệu tích cực, triển vọng tươi sáng của nền kinh tế. Tuy nhiên, để kinh tế tăng trưởng gắn với ổn định vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn còn rất nhiều việc phải làm. “Nhìn lại tăng trưởng kinh tế quý đầu năm, bàn giải pháp tăng tốc các quý tiếp theo nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2024 đạt 6-6,5%” là chủ đề của Diễn đàn chủ nhật, với sự tham gia của 2 vị khách mời: TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) và ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban, Ban nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM):

Triển khai hiệu quả Nghị quyết 02/2024 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh (17/03/2024)

Năm 2024, nền kinh tế tiếp tục vận hành trong bối cảnh không thuận của kinh tế trong và ngoài nước, do đó, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng có thêm nhiều trợ lực từ việc triển khai hiệu quả Nghị quyết số 02 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Vậy cần làm gì để tăng hiệu quả thực thi Nghị quyết quan trọng này trong năm 2024, đây là chủ đề được bàn luận trong Diễn đàn chủ nhật, với sự tham gia của các vị khách mời:
- Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cơ quan đại diện cộng đồng doanh nghiệp./.

"Lá chắn thép" trên thềm lục địa phía Nam (10/03/2024)


- Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới và thực hiện Nghị quyết TW 4 (Khoá X) về: “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, ngày 19/3/2009, Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Vùng 2 Hải quân để tăng cường lực lượng bảo vệ vùng biển từ Bình Thuận đến Bạc Liêu trọng điểm là bảo vệ vùng biển, vùng trời thềm lục địa phía Nam - nơi có hoạt động khai thác dầu khí của Liên doanh Việt-Nga (Vietsovpetro) và các nhà giàn DK1 đóng giữ thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Từ Vùng mới thành lập, điều kiện cơ sở hạ tầng còn muôn vàn khó khăn, sau 15 năm, đến nay Vùng 2 đã trở thành một trong những đơn vị có chất lượng huấn luyện và xây dựng nền nếp chính quy tiêu biểu của Quân chủng Hải quân.
Để giúp quý vị hiểu rõ hơn về những người lính đang thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển, đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Vùng 2 Hải quân, Chương trình Diễn đàn hôm nay có chủ đề “Lá chắn thép trên thềm lục địa phía Nam” với sự đồng hành của :
Trung tướng Nguyễn Ngọc Tương, nguyên Phó Chính ủy Học viện Quốc phòng, Nguyên Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân.
Đại tá Trần Mạnh Chiến, Phó Chính ủy Vùng 2 Hải quân
Thiếu tá Lê Hoàng Sáng, CTV nhà giàn DK1/18 qua điện thoại.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên thương mại điện tử (03/03/2024)

Thương mại điện tử Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực, triển vọng top đầu thế giới – ngày càng định hình vai trò “dẫn dắt nền kinh tế số”. Dù đã và đang có nhiều thuận lợi phát triển, lĩnh vực này cũng cho thấy nhiều bất cập, thách thức mục tiêu “xanh hoá” và phát triển bền vững. Một trong những thách thức lớn nhất là tạo dựng và duy trì niềm tin của người tiêu dùng. Diễn đàn hưởng ứng các hoạt động vì Quyền của người tiêu dùng Việt Nam - đề cập thực tế niềm tin thương mại số. Các vị khách mời sẽ khuyến nghị, hy vọng tìm giải pháp cho vấn đề: Ông Lê Đức Anh – Giám đốc Trung tâm tin học, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương; Ông Vũ Văn Trung – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam; Chuyên gia Trần Quý – Viện trưởng Viện phát triển Kinh tế số Việt Nam từ đầu tàu kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh

Xuất khẩu rau quả - thành công và những thách thức trong năm 2024 (25/02/2024)

Trong năm qua, xuất khẩu rau quả đã vượt qua lúa gạo, thủy sản trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất với con số 5,69 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Tiếp tục đà bứt phá, theo thống kê của Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 1-2024 đạt khoảng 458,741 triệu USD, tăng 89,2% so với cùng kỳ năm 2023. Với những tín hiệu tích cực từ thị trường, đổi mới trong phương thức sản xuất, năm nay, ngành hàng rau quả được dự báo sẽ tiếp tục đón nhận những kỷ lục mới, với mức tăng trưởng từ 15-20% so với năm 2023. Mặc dù tăng trưởng tốt nhưng nhiều chuyên gia cũng nhận định ngành rau quả còn ẩn chứa nhiều rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, cũng như khả năng chế biến sâu còn hạn chế. Cùng với đó cũng có không ít lô hàng rau quả bị thu hồi, tiêu hủy vì vi phạm các qui định về kiểm dịch thực vật. Thách thức nào đang chờ đợi ngành rau quả trong năm 2024? Giải pháp nào để xuất khẩu rau quả có thể tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia? Nội dung này sẽ được chúng tôi cùng 2 vị khách mời bàn luận trong chương trình Diễn đàn chủ nhật trên Kênh thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam hôm nay.
Xin giới thiệu các vị khách mời tham gia diễn đàn:
1. Ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường – Bộ NN&PTNT
2. Ông Võ Văn Men – chi Cục trưởng chi cục trồng trọt và BVTV – Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang

Thị trường bất động sản Việt Nam 2024: Cơ hội và thách thức (18/02/2024)

Năm 2023 là năm doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, nếu như thanh khoản bất động sản nửa đầu năm duy trì ở mức thấp, thì càng về cuối năm, tình hình càng được cải thiện. Những điểm sáng đã xuất hiện.
Những nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường đang mở ra những triển vọng mới trong năm 2024, nhất là khi các Luật quan trọng đã được Quốc hội thông qua (như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật các tổ chức tín dụng) sắp có hiệu lực, những vấn đề về pháp lý sẽ được khơi thông. Vậy, đâu là những cơ hội và thách thức của thị trường bất động sản nước ta trong năm 2024?
Khách mời bàn luận trong Diễn đàn: Bà Hoàng Thu Hằng, Trưởng phòng Quản lý thị trường bất động sản, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng); Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Vũ Đình Ánh và ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Công ty Cổ phần Phương Đông.

Chống gian lận thuế trên thương mại điện tử- Thực tiễn và giải pháp trong năm 2024 (28/01/2024)

Ngày 29/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319, phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Đề án nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức để các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến; quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng được bảo đảm. Đồng thời, bảo đảm hoạt động thương mại điện tử minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững tại Việt Nam. Qua gần 1 năm triển khai Đề án, đã đạt được những kết quả tích cực. “Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm hàng giả, gian lận thương mại, chống thất thu thuế trên môi trường thương mại điện tử - được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024”. Đây cũng là nội dung của Diễn đàn Chủ nhật hôm nay.

Chuyển đổi sản xuất để nuôi biển tiến ra xa bờ (21/01/2024)

Với diện tích vùng biển lên tới 1 triệu km vuông, nước ta có tiềm năng phát triển vùng nuôi trồng hải sản lên tới 500.000 ha. Tuy vậy, không ít khó khăn thách thức xuất phát từ việc nuôi biển manh mún, lạc hậu, tràn lan và không có quy hoạch. Bàn luận những giải pháp chuyển đổi sản xuất để nuôi biển tiến ra xa bờ, chương trình Diễn đàn Chủ nhật mời đến phòng thu hai vị khách mời:
- Ông Đặng Xuân Trường, Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
- Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc Tập đoàn STP group.

Nhìn lại 5 năm Hiệp định CPTPP có hiệu lực với Việt Nam (14/01/2024)

Ngày 14/01/2019, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam. CPTPP - là hiệp định thương mại thế hệ mới, tiêu chuẩn cao đầu tiên được Việt Nam ký kết và đi vào thực thi. Cùng với hiệp định tiêu chuẩn cao thứ 2 là EVFTA (Hiệp định thương mại từ do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU có hiệu lực vào tháng 8/2020), CPTPP hứa hẹn đem lại rất nhiều cơ hội cho Việt Nam ngay khi hiệp định này có hiệu lực. Đồng thời với những cam kết sâu rộng từ CPTPP, rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực của Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Nhìn lại 5 năm Hiệp định CPTPP có hiệu lực với Việt Nam là chủ đề của Diễn đàn chủ nhật (14/01), với sự tham gia của ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương và bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP).

Hiểu chế độ pháp lý trên các vùng biển – ngư dân vươn khơi an toàn (24/12/2023)

Những năm qua, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác nghề cá ở nước ta ngày càng được hoàn thiện. Bên cạnh sự nỗ lực của ngành thủy sản đưa luật vào cuộc sống, các lực lượng chức năng như Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Hải quân…cũng đã và đang tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật biển Việt Nam, Công ước Luật biển 1982 và các quy định của pháp luật quốc tế đến ngư dân nên trình độ hiểu biết pháp luật của bà con ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên để sớm gỡ thẻ vàng của EC đối với thủy sản khai thác của nước ta, việc đẩy mạnh tuyên tuyền cho ngư dân thường xuyên khai thác ở khu vực biển giáp ranh hiểu rõ hơn các quy định, chế độ pháp lý là điều cần thiết và cấp bách. “Hiểu chế độ pháp lý trên các vùng biển – ngư dân vươn khơi an toàn” là chủ đề được bàn luận trong chương trình Diễn đàn Chủ nhật hôm nay.
- Khách mời:
1. Đại tá Nguyễn Đình Phúc, Phó trưởng phòng Hướng dẫn điều tra xử lý, Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, BTL Cảnh sát biển Việt Nam.
2. Ông Tạ Minh Phương, Chánh Văn phòng Cục Kiểm Ngư, Bộ NN&PTNT.

Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử: thực trạng và giải pháp (17/12/2023)

Việt Nam tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực; dự báo thứ hạng này duy trì đến năm 2025. Trong đó, tổng giá trị hàng hoá được thực hiện thông qua thương mại điện tử của cả năm nay dự kiến đạt hơn 20,5 tỷ USD…Thương mại điện tử tiếp tục được khẳng định là lĩnh vực tiên phong dẫn dắt nền kinh tế số, cũng là lĩnh vực dự báo triển vọng Top 10 thế giới. Tuy nhiên, để thương mại điện tử không chỉ phát triển bùng nổ theo chiều rộng trong bối cảnh toàn nền kinh tế đang nỗ lực tăng trưởng xanh, bền vững, các thành phần liên quan trong hệ sinh thái này còn nhiều việc phải làm. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một vấn đề rất đáng quan tâm, cần giải pháp, cần sự góp sức. Các khách mời bàn luận: Ông Nguyễn Hữu Tuấn – Thành viên Tổ Công tác 399, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương; Ông Phan Mạnh Hà – Giám đốc đối ngoại Sàn Thương mại điện tử Shopee.

Bảo tồn biển để phát triển kinh tế biển xanh (10/12/2023)

Với diện tích mặt nước biển trên một triệu km2, có bờ biển trải dài trên 3.620 km, trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ và hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Tính trung bình 100 km2 diện tích lãnh thổ thì Việt Nam có gần 1 km chiều dài bờ biển. Đây là một chỉ số thuộc loại cao hàng đầu thế giới, góp phần khẳng định Việt Nam là một quốc gia biển và có nhiều tiềm năng, lợi thế từ biển. Sự phong phú về đặc điểm tự nhiên, địa lý đã tạo cho vùng biển Việt Nam có tính đa dạng sinh học cao, nguồn lợi thủy sản phong phú, nhiều hệ sinh thái biển quan trọng góp phần phát triển kinh tế biển cho đất nước. Tuy nhiên, khai thác phải đi đôi với nuôi trồng và bảo tồn thì hệ sinh thái biển và nguồn lợi thuỷ sản mới mang lại lợi ích lâu dài và bền vững cho người dân và đất nước. Điều này cũng đã được khẳng định trong Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bàn về nội dung, chương trình Diễn đàn Chủ nhật hôm nay có Chủ đề: “Bảo tồn biển để phát triển kinh tế biển xanh” với sự tham gia của GS TS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cải cách môi trường kinh doanh - Những yêu cầu trong tình hình mới (03/12/2023)

2023 - năm bản lề của kế hoạch 5 năm, đã diễn ra trong bối cảnh không thuận của kinh tế trong nước, giữa những bất ổn và bất định của kinh tế thế giới. Những khó khăn này được dự báo còn tiếp tục trong năm 2024. Do đó, cần nhìn lại kết quả cải cách môi trường kinh doanh trong năm, và nhận định những yêu cầu cải cách trong tình hình mới, để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế vượt khó tốt hơn. Đây là chủ đề được bàn luận trong Diễn đàn chủ nhật hôm nay, với sự tham gia của các vị khách mời:
- Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty tư vấn và nghiên cứu kinh tế - Economica Việt Nam.

Giải pháp ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý (26/11/2023)


- Trong những năm qua, các cấp, các ngành chức năng, các địa phương đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, nhưng tình hình vi phạm vẫn còn tiếp tục xảy ra và diễn biến phức tạp. Điều này không những gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho ngư dân và xã hội, mà còn ảnh hưởng xấu tới hình ảnh Việt Nam đối với các nước trong khu vực và quốc tế. Cần những giải pháp quyết liệt nào để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý là nội dung được bàn luận trong Diễn đàn Chủ nhật với sự tham gia của 2 vị khách mời:
1.Đại tá Nguyễn Đình Phúc, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn điều tra xử lý, Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.
2.Ông Nguyễn Phú Quốc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng 5, Cục Kiểm ngư, Bộ NNPTNT

Nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh mới (19/11/2023)

Hơn 10 tháng của năm 2023 đã đi qua - một chặng đường mà đất nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới với nhiều yếu tố bất lợi. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2023 khó đạt chỉ tiêu đề ra là khoảng 6,5%, nhưng qua 3 quý, đã cho thấy xu hướng quý sau cao hơn quý trước. Nhiều lĩnh vực kinh tế có dấu hiệu khởi sắc, nhưng tình hình chung dự báo còn tiếp tục khó khăn trong năm 2024.
Đến nay, nước ta đã có hơn 860.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, còn có khoảng 15.300 hợp tác xã phi nông nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Việt Nam hiện là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, việc tham gia hội nhập kinh tế quốc tế giúp các doanh nghiệp mở rộng các ngành nghề, các sản phẩm xuất khẩu, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam, như sản phẩm có đáp ứng được quy tắc xuất xứ hàng hóa… Chính phủ đang hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, song có nắm bắt được cơ hội hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần có những chiến lược phát triển cụ thể, trong đó nâng cao năng lực cạnh tranh để thích ứng với môi trường kinh doanh mới là yếu tố quyết định sự “sống còn” của doanh nghiệp. Vậy, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần làm gì để nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh mới? Khách mời tham gia bán luận:
- Phó Giáo sư-Tiến sỹ Phan Chí Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế-Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Ông Trần Văn Lê, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Cơ điện và Thương mại Phương Linh - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội.

Chuyển đổi nuôi công nghiệp để phát triển kinh tế biển xanh (05/11/2023)

Thưa quý vị và các bạn! Hiện nay nhiều tỉnh, thành phố ven biển đã chú trọng phát triển kinh tế biển bền vững, trong đó đẩy mạnh nuôi biển theo tư duy kinh tế biển xanh. Tiềm năng nuôi biển của nước ta rất lớn với tổng diện tích mặt nước nuôi biển khoảng 500.000 ha, trong đó có nhiều vũng vịnh, có các vùng nuôi xa bờ, nhưng hiện vẫn chưa khai thác hết, nhất là việc gắn nuôi trồng với bảo vệ môi trường biển. Giải pháp nào để đẩy mạnh nghề nuôi biển ở nước ta trở thành một ngành kinh tế biển hiệu quả, bền vững theo tinh thần Nghị quyết của Đảng và mục tiêu Chiến lược phát triển thuỷ sản đến năm 2030, tầm nhìn 2045? Nội dung này sẽ được chúng tôi bàn luận trong Chương trình Diễn đàn Chủ nhật hôm nay với sự tham gia của các vị khách mời: - PGS TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam - Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Khánh Hoà Xin trân trọng các vị khách đã nhận lời tham gia chương trình hôm nay.

Nâng cao nhận thức cộng đông, chung tay bảo vệ và phát triển nguồn lợi biển (12/11/2023)

Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định chủ trương rất đúng đắn và mang tầm chiến lược của Đảng ta về phát huy những tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế một cách bền vững, khai thác đi đôi với bảo tồn, giữ gìn tài nguyên môi trường biển. Để thực hiện được chủ trương này, một trong những giải pháp quan trọng là cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ tài nguyên biển, cũng như chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề bảo tồn biển.
Thời gian gần đây, những hành động của con người tác động không tốt đến môi trường, hệ sinh thái biển vẫn chưa dừng lại. Nhận thức của người dân về bảo vệ tài nguyên biển vẫn còn hạn chế, rất cần được tuyên truyền, nâng cao để cộng đồng có hành động đúng đắn, bảo vệ môi trường biển, vì tương lai của chính mình và thế hệ mai sau.
Khách mời tham dự Diễn đàn:
- Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Bà Thân Thị Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD).

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h50-05h59 Quảng cáo
06h28-06h30 Quảng cáo
9h15-10h00 Đối thoại
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h00-13h30 CLB âm nhạc
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
23h30-24h00 Nhịp sống
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: