“Bầu cử, xung đột, khủng hoảng, thiên tai” có lẽ là những từ khoá quan trọng nhất của một năm 2024 đầy biến động. Có những căng thẳng, mâu thuẫn cũ, cộng thêm những bước chiến sự leo thang mới - được đánh giá đã vượt mọi dự báo, phá vỡ nhiều giới hạn. Một “Năm Bầu cử” với con số kỷ lục hàng tỷ người đi bầu ở khắp các quốc gia, châu lục - mà kết quả đã góp phần định hình lại trật tự chính trị thế giới. Tất cả đã tạo nên những bước ngoặt xoay chuyển toàn cầu, mở ra những chương mới cho nhân loại.
Vào thời điểm sắp chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mời quí vị cùng chúng tôi xâu chuỗi, điểm lại những sự kiện, vấn đề, nhân vật ấn tượng nhất, có sức ảnh hưởng lớn nhất và cùng phân tích xem, sau một năm chuyển động vô cùng mạnh mẽ, thế giới đang chuẩn bị những gì cho năm 2025 sắp tới? Đồng hành cùng chương trình là các Phóng viên Thường trú Đài TNVN tại tất cả các điểm nóng thế giới như Mỹ, châu Âu, Trung Đông, Nga, Trung Quốc… Và vị khách mời trực tiếp tại studio - Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công An.
Theo Bộ Công an, hiện toàn quốc có khoảng 226.000 người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện ma túy; trong đó có hơn 71.000 người đang ở ngoài xã hội, chiếm 42%. Hàng nghìn người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy có biểu hiện loạn thần, "ngáo đá". Đây được xác định là "nguồn cầu" tiêu thụ ma túy rất lớn, gây áp lực cho công tác phòng, chống ma túy, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ cao tội phạm về ma túy, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật khác, gây mất ANTT tại nhiều địa phương.
Để phòng chống ma tuý hiệu quả, cùng với việc ngăn chặn nguồn cung ma tuý, việc giảm “cầu” ma tuý trong cộng đồng một cách quyết liệt hơn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vậy làm thế nào để giảm “cầu” ma túy, đặc biệt là qua việc nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý người nghiện sau cai. Đây là nội dung được bàn luận trong chương trình Đối thoại hôm nay với sự tham gia của hai vị khách mời : Thượng tá – Thạc sỹ Bùi Đức Thiêm - Báo cáo viên pháp luật Trung ương, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an và Thạc sỹ Vũ Thị Bền, Trưởng phòng nghiên cứu khoa học và đào tạo, Viện nghiên cứu và ứng dụng phòng chống ma tuý PSD.
Hiện nay, chất lượng nước tại 3 lưu vực sông lớn nhất nước ta là lưu vực sông Cầu, lưu vực sông Đồng Nai, đặc biệt là lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đang bị ô nhiễm, có nhiều nơi ở mức báo động. Nguyên nhân là do nước thải của các hoạt động sản xuất công nghiệp, sinh hoạt không được xử lý đã và đang thải trực tiếp vào các dòng sông. Nhiều nơi như tỉnh Hà Nam, chất lượng nước suy giảm mạnh, các chỉ tiêu như oxy sinh hoá, amoni, cùng các chất dinh dưỡng chứa nitơ, phốt pho, colifom,… đo được đều vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần và dự báo trong tương lai, mức độ ô nhiễm sẽ khủng khiếp hơn nếu như ngay từ bây giờ các dòng sông không được bảo vệ. Vậy làm sao để các dòng sông trở lại trong xanh?
Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực ngành y tế phải đáp ứng yêu cầu cả về chuyên môn và y đức; vì thế cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Điều này đã được Đảng, Nhà nước khẳng định thông qua nhiều chủ trương, chính sách để xây dựng được nền y tế chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế, đảm bảo mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân trong giai đoạn hiện nay, cần có những giải pháp nào để hiện thực hóa mục tiêu này? Trong chương trình Đối thoại hôm nay, các vị khách mời là PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, TS.BS Nguyễn Thị Mai Lan, Phó Giám đốc BV Ung bướu Hà Nội; Bác sỹ Phạm Hồng Việt, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai cùng bàn luận về nội dung.
Thời gian qua, các vụ việc ô nhiễm nguồn nước đang xảy ra ngày một nhiều và tần suất mà chúng xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng tăng lên đáng kể. Chúng ta đã từng chứng kiến những kênh, mương đen kịt, những đoạn sông cá chết trắng hoặc thậm chí là nổi bọt trắng xóa cả một vùng. Nói như vậy để thấy rằng, thực trang ô nhiễm nước ở nước ta đã trở nên rất cấp bách và đòi hỏi có chiến lược tổng thể để cải thiện tình hình, trong đó cần thiết phải hình thành một luật mới để kiểm soát ô nhiễm nước. Câu hỏi đặt ra là, tại sao cần hình thành một luật mới khi chúng ta đã có Luật bảo vệ môi trường 2020 và Luật tài nguyên nước 2023? Hệ thống pháp luật hiện có về kiểm soát ô nhiễm nước tại các lưu vực sông có những bất cập gì? Kinh nghiệm thành công từ các nước khác mà chúng ta có thể tham khảo trong việc xây dựng bộ luật này là gì? Những vấn đề về công nghệ xử lý ô nhiễm nước cần được quan tâm đúng mức ra sao? Đây sẽ là những nội dung được chúng tôi trao đổi với 2 vị khách mời trong chương trình ngày hôm nay.
Y tế tuyến cơ sở với đội ngũ hàng vạn cán bộ, nhân viên là tuyến y tế gần dân nhất, đảm nhận vai trò phòng chống dịch bệnh cũng như chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Việc tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho y tế cơ sở phát huy được vai trò "người gác cổng" trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu đang là một trong những mục tiêu mà Chỉ thị số 25/CT-TW của Ban Bí thư đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
Vậy đội ngũ y tế cơ sở đang có những nỗ lực ra sao để thực hiện nhiệm vụ của mình trong giai đoạn mới? Trong chương trình Đối thoại hôm nay, các vị khách mời là TS.BS Phạm Thái Hạ, Giám đốc BV Sản nhi tỉnh Phú Thọ, BS Lê Kỳ Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Đông Triều, BS Nguyễn Thị Thu Bích, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Hoàng Quế, thành phố Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh sẽ cùng bàn luận về vấn đề này.
Khách mời tham gia chương trình: Nhà báo Vũ Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe, Bộ Y tế và Ông Phạm Sơn Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn CF Holdings. Chương trình còn có sự tham gia của chị Đặng Thị Hoa- Trưởng Trạm Y tế phường Long Thủy, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước.
Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024 đã được Quốc hội khoá XV, thông qua ngày 27 tháng 6 năm 2024. Luật này có 9 chương, 89 điều quy định về quy tắc, phương tiện, người tham gia giao thông đường bộ (GTĐB), chỉ huy, điều khiển, tuần tra, kiểm soát, giải quyết tai nạn GTĐB, trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024 là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm bảo đảm TTATGTĐB, bảo đảm sự an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và cam kết thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong thời gian tới.
Là bộ luật lớn góp phần quan trọng vào việc bảo đảm ổn định xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong tình hình mới; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân vì vậy việc ban hành và thực thi Luật nhận được sự quan tâm của toàn xã hội
“ Những điểm mới nổi bật trong Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ và những kỳ vọng” là chủ đề được bàn luận trong chương trình với sự tham gia của hai vị khách mời: Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT, Bộ Công an. Luật sư Nguyễn Hồng Bách – Công ty Luật Hồng Bách và cộng sự:
Thời gian gần đây, tình hình tội phạm về ma túy vẫn diễn biến phức tạp trong cộng đồng và tại các tuyến trọng điểm như: tuyến Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc miền Trung - Tây Nguyên, Tây Nam, tuyến đường biển, đường hàng không, bưu điện. Tình trạng tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy khiến cộng đồng lo ngại.
Để góp phần tạo môi trường sống trong sạch, bình yên, việc xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy được lực lượng công an các cấp triển tích cực khai nhiều năm qua, nhờ đó, nhiều điểm nóng về ma túy dần được xóa bỏ; ý thức cảnh giác, tham gia phát hiện, đấu tranh tố giác tội phạm, bài trừ các tệ nạn xã hội của cán bộ, nhân dân được nâng lên, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.
Vậy việc xây dựng xã, phường, thị trấn sạch ma túy được triển khai ra sao để đạt hiệu quả lâu dài và thực chất? Đây cũng là nội dung chương trình Đối thoại mà các vị khách mời là Thượng tá Bùi Văn Tuấn - Phó trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an và chị Nguyễn Thị Hòa, Đội trưởng Đội Xã hội tình nguyện, Phó Chủ tịch hội Phụ nữ xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đã xác định, đột phá về thể chế là nhiệm vụ đầu tiên trong ba đột phá chiến lược của nhiệm kỳ tiếp theo. Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10, khóa 13 ( tháng 9/2024), Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp tục nhấn mạnh chủ trương này. Khẳng định: Đổi mới thể chế là nhằm đổi mới cơ chế vận hành phát triển kinh tế xã hội của đất nước, tạo tiền đề để nước ta bước vào kỷ nguyên mới.
Vì sao phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế? Nội hàm của việc đổi mới, hoàn thiện thể chế như thế nào? Đây là nội dung được chúng tôi đề cập trong chương trình với chủ đề: ĐỔI MỚI THẾ CHẾ, BƯỚC ĐỘT PHÁ TẠO TIỀN ĐỀ ĐỂ ĐẤT NƯỚC BƯỚC VÀO KỶ NGUYÊN MỚI
Với sự tham gia của các vị khách mời: Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội và TS Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản
Báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, ô nhiễm không khí ở Việt Nam đang là một trong các vấn đề nóng về môi trường. Không khí bị ô nhiễm chủ yếu là do bụi, nhất là ô nhiễm bụi ở các đô thị lớn, một số khu công nghiệp, khu vực khai thác khoáng sản và tại một số làng nghề. Ô nhiễm không khí đã và đang ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân, nhất là người dân sống tại các đô thị lớn trên cả nước. Theo báo cáo chất lượng không khí toàn cầu của IQAir, Việt Nam đứng thứ 5/9 quốc gia và xếp thứ 36/117 quốc gia có mức độ ô nhiễm cao nhất trên toàn cầu. Thống kê của IQAir cũng chỉ ra, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Việt Nam vượt quá 4,9 lần so với mức độ không khí đảm bảo. Trước tình trạng ô nhiễm không khí như hiện nay, người dân cần phải có những biện pháp gì để phòng tránh?
Theo thống kê đến tháng 6/2024, cả nước có hơn 226 nghìn người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện, trong đó có hơn 38 nghìn người sử dụng trái phép chất ma túy, hơn 170 nghìn nghiện ma túy; hơn 17 nghìn người bị quản lý sau cai. Đáng lo ngại số người nghiện ngày càng trẻ hóa, nhất là nhóm đối tượng sử dụng ma túy mới, ma túy tổng hợp được xác định là nguồn cầu tiêu thụ rất lớn, gây áp lực cho công tác phòng, chống ma túy, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ cao tội phạm về ma túy, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật khác, gây mất an ninh trật tự tại nhiều địa phương. Vậy giải pháp nào để giảm người nghiện, giảm nguồn cầu ma túy? Các vị khách mời của chương trình là Thượng tá Hoàng Văn Hiều, Phó trưởng Phòng 6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an và ông Nguyễn Trọng Dũng, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 55, Sở Lao động Thương binh Xã hội Hà Nội sẽ trao đổi, bàn luận về nội dung này.
Việt Nam có hơn 5.000 km đường biên giới đất liền với 3 nước Trung Quốc, Lào và Campuchia. Để thúc đẩy thương mại hàng hóa trên toàn tuyến, Chính phủ Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại với Chính phủ các quốc gia này. Cùng với đó là hàng loạt các hiệp định, thỏa thuận quan trọng liên quan khác về kiểm dịch, an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa và thanh toán. Theo Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới đất liền sang 3 thị trường Trung Quốc, Lào và Campuchia đạt hơn 50 tỷ USD, tăng 52,2% so năm 2022, chiếm 27,68% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương với 3 thị trường này. Để thúc đẩy quá trình thông thương hàng hoá giữa Việt nam với các nước láng giềng, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng thương mại ở khu vực cửa khẩu là hết sức cần thiết. Đây cũng là nội dung chính của Đối thoại với chủ đề: "Đầu tư hạ tầng thương mại biên giới để phát triển kinh tế vùng biên". Khách mời là TS. Trịnh Thị Thanh Thủy - Nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, Bộ Công thương và TS. Lê Thị Mỹ Ngọc- Trưởng Khoa Logistics và quản lý chuỗi cung ứng- Trường Đại học Đại Nam.
Chất lượng không khí ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã ở mức báo động đỏ, với những chỉ số về ô nhiễm thường xuyên ở tốp đầu thế giới. Bầu không khí của 2 đô thị lớn nhất nước luôn trong tình trạng cảnh báo đỏ và tím, trong khi đó nguồn gây ô nhiễm lại không ngừng gia tăng. Đây là những cảnh báo của các tổ chức quốc tế về tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam. Các báo cáo cũng chỉ rõ, ô nhiễm không khí vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là ô nhiễm bụi mịn tại Hà Nội, TP.HCM tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm, nhất là khi có sự kết hợp giữa các yếu tố khí tượng, khí hậu, hiện tượng thời tiết sương mù với sự gia tăng các nguồn phát thải ô nhiễm không khí. Vậy nguyên nhân của hiện tượng này là gì? Cần có giải pháp gì để hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí của thủ đô? Chương trình hôm nay, chúng tôi trao đổi với Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường và PGS.TS Phạm Bích San, Thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Mỗi năm, có hàng nghìn ông bố bà mẹ vô sinh, hiếm muộn đã được các y bác sỹ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BV Bưu Điện hiện thực hóa mong ước có con yêu sau hành trình gian nan vất vả. Đồng hành với họ là những y bác sỹ luôn tận tâm chăm sóc, điều trị, động viên, hỗ trợ và gây dựng niềm tin cho người bệnh.
Để cùng chia sẻ những câu chuyện buồn vui trong nghề của những nữ y bác sỹ ngành hỗ trợ sinh sản – những người giúp bệnh nhân hiện thực hóa ước mơ có con yêu, trong chương trình Đối thoại, BS CK I Nguyễn Thị Nhã, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Điều dưỡng trưởng của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Nguyễn Thị Huyền, phó trưởng phòng điều dưỡng, BV Bưu điện sẽ cùng trao đổi về nội dung này
Thưa quý vị và các bạn! Không khí vốn được coi như là vô hình nhưng mà khi không khí bị ô nhiễm thì những tác hại của nó sẽ hiện hữu rất rõ trong mọi mặt cuộc sống của con người, đặc biệt là đối với sức khỏe của chúng ta. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ô nhiễm không khí là 1 trong 5 yếu tố hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm cho con người. Trong cuộc họp thảo luận về quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã chỉ ra 1 trong 5 điểm nghẽn phát triển của thành phố Hà Nội chính là ô nhiễm không khí.
Thể chế hóa Nghị quyết của Bộ chính trị, Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội khóa 15 thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 đã bổ sung, hoàn thiện nhiều cơ chế nhằm bảo tồn, phát huy và phát triển thuận lợi hơn, mạnh mẽ hơn các giá trị văn hóa của thủ đô, để văn hóa thực sự là nguồn lực, sức mạnh nội sinh, trụ cột để phát triển Thủ đô. Những cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội về phát triển văn hóa, công nghiệp văn hóa quy định trong Luật Thủ đô 2024 chỉ có ý nghĩa thực sự khi được hiện thực hóa trong thực tế. Vì vậy, quá trình triển khai cần khơi thông những điểm nghẽn nào và tập trung vào các giải pháp trọng tâm ra sao? Đây là nội dung được đề cập trong chương trình đối thoại với sự tham gia của hai vị khách mời: Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Thăng Long.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, cơ chế chính sách chăm lo cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật hiện hành về nhà giáo còn thiếu tính đồng bộ, thống nhất và khó áp dụng trong thực tiễn. Vì vậy, Nghị quyết 95 của Chính phủ đã thống nhất thông qua đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng Luật Nhà giáo.
Dự thảo Luật Nhà giáo vừa được Ủy ban Thường vụ quốc hội cho ý kiến. Dự kiến dự luật sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện để Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 10 này. Đây là dự án Luật được đông đảo người dân cả nước, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo, quan tâm. Khi được thông qua, Luật Nhà giáo kỳ vọng sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay, thúc đẩy phát triển đội ngũ, tạo động lực để nhà giáo cống hiến và gắn bó với sự nghiệp trồng người.
Khách mời:
Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT - đơn vị chủ trì soạn thảo Luật
Bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Pháp chế và đối ngoại, Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam/Apolo Việt Nam
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có hơn 2.500 khu chung cư, nhà tập thể cũ, trong đó Hà Nội chiếm số lượng lớn nhất với gần 1.600 khu, tiếp theo sau là thành phố Hồ Chí Minh. Tuy vậy, việc cải tạo chung cư xuống cấp tuy là vấn đề cũ nhưng vẫn luôn là bài toán đau đầu của các cấp chính quyền. Đơn cử như Hà Nội, chỉ khoảng 1% tổng số nhà ở chung cư cũ được cải tạo trong hơn 20 năm qua. Đây là con số rất khiêm tốn. Trong khi đó, số lượng chung cư cũ xuống cấp nguy hiểm là rất lớn và mức độ xuống cấp càng tăng lên theo thời gian. Sự tồn tại của các chung cư cũ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người dân mà còn làm mất mỹ quan bộ mặt đô thị.
Luật Nhà ở năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng, được kỳ vọng tháo gỡ những nút thắt, tạo đột phá cho công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư, nhà tập thể cũ trong thời gian tới đây.
Làm thế nào để quy định của luật phát huy tác dụng, thực sự khơi thông được những điểm nghẽn trong công tác cải tạo chung cư cũ là nội dung chủ để đối thoại hôm nay với hai vị khách mời: Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam; Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có hơn 2.500 khu chung cư, nhà tập thể cũ, trong đó Hà Nội chiếm số lượng lớn nhất với gần 1.600 khu, tiếp theo sau là thành phố Hồ Chí Minh. Việc cải tạo chung cư cũ vẫn luôn là bài toán đau đầu của các cấp chính quyền. Đơn cử như Hà Nội, chỉ khoảng 1% tổng số nhà ở chung cư cũ được cải tạo trong hơn 20 năm qua. Đây là con số rất khiêm tốn. Trong khi đó, số lượng chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm là rất lớn và mức độ xuống cấp càng tăng lên theo thời gian. Sự tồn tại của các chung cư cũ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người dân mà còn làm mất mỹ quan bộ mặt đô thị.
-Luật Nhà ở năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng, được kỳ vọng tháo gỡ những nút thắt, tạo đột phá cho công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư, nhà tập thể cũ trong thời gian tới đây.
-Làm thế nào để quy định của luật phát huy được tác dụng, thực sự khơi thông những điểm nghẽn trong cải tạo chung cư cũ là nội dung chủ để đối thoại hôm nay với sự tham dự của hai vị khách mời: Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.
“Đến hẹn lại lên” khi năm học mới chuẩn bị bắt đầu, tình trạng thừa, thiếu giáo viên dạy các môn học mới vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025, Bộ GD&ĐT cũng đưa ra thống kê, tính đến tháng 4/2024 cả nước vẫn thiếu hơn 113 nghìn giáo viên ở các cấp học. Trong những năm qua, mặc dù có chính sách đặc thù để thu hút tuyển dụng giáo viên, ngành giáo dục được giao thêm chỉ tiêu biên chế, nhưng đến nay không có nguồn tuyển, khó tuyển... Đây là vấn đề nan giải trước thềm năm học mới của nhiều địa phương, đòi hỏi ngành giáo dục phải có giải pháp phù hợp và khoa học để khắc phục cơ bản tình trạng này.
Khách mời:
Nhà giáo ưu tú, TS Nguyễn Thanh Sơn - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Tâm lí Giáo dục Hà Nội và PGS TS Phạm Văn Thuần, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục.
Hoạt động lợi dụng không gian mạng để tiến hành lừa đảo trực tuyến (chiếm 57% trong tổng số tội phạm mạng) gia tăng về phạm vi, quy mô với thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại lớn cho người dân cũng như các doanh nghiệp, cơ quan.
Theo Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, năm 2023, ghi nhận khoảng 13.900 vụ tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỉ đồng, tương đương 3,6% GDP.
Lừa đảo qua mạng không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế, tài chính đối với tổ chức, cá nhân mà còn gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội. Các giải pháp phòng chống tuy đã có nhưng đã hiệu quả và đủ sức răn đe hay chưa? Làm thế nào để chủ động phòng ngừa và đấu tranh đối với các hành vi, thủ đoạn lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi, phức tạp là nội dung chủ đề chương trình Đối thoại hôm nay với sự tham gia của hai vị khách mời: Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông và Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật TNHH Hừng Đông, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về pháp lý, kịp thời rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật, cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực phát triển đất nước là yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ mới đây. Ngay sau đó, ngày 24/07, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2024 và đây là phiên họp chuyên đề thứ 6 về công tác xây dựng luật từ đầu năm đến nay.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng làm Trưởng ban.
Những động thái này cho thấy, Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ đã thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt tháo gỡ những vướng mắc, những điểm nghẽn về pháp lý để khơi thông các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính. Hiện doanh nghiệp vẫn đang gặp những điểm nghẽn nào về pháp lý? Làm thế nào để tinh thần quyết liệt của Chính phủ được chuyển tải và thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt trong từng hoạt động, thực sự tạo nên sức mạnh phá vỡ những rào cản, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh?
Đây là nội dung trong chương trình đối thoại hôm nay với sự tham gia của các vị khách mời: Tiến sĩ Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15 thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/8 tới đây, bốn văn bản luật quan trọng này có hiệu lực.
Việc các văn bản luật này có hiệu lực sớm hơn quy định sẽ có tác động như thế nào đến thị trường bất động sản nói riêng, đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể nói chung? Cần chuẩn bị và tính toán những điều gì để đảm bảo việc tổ chức thực hiện luật có hiệu quả, phát huy đúng ý nghĩa các quy định mới trong luật, để luật thực sự khơi thông được những điểm nghẽn pháp lý, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển hơn, minh bạch hơn? Đây là chủ đề được đề cập trong chương trình Đối thoại hôm nay
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu các vị khách mời: Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Quang Tuyến, Phó chủ tịch Hội đồng trường kiêm Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, trường Đại học Luật Hà Nội, Chuyên gia pháp lý đầu tư, bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh
Mỗi năm, Việt Nam có hơn nghìn em bé chào đời được xác định mắc bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh. Trong đó, khoảng 8 nghìn trẻ mắc bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia), gần 2 nghìn trẻ bị bệnh Down, 1500 ca bị dị tật ống thần kinh... Những bệnh lý này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sự phát triển và khả năng sống của trẻ trong tương lai.
Vậy giải pháp nào để loại trừ bệnh lý di truyền, giúp các em bé sinh ra đều khỏe mạnh, từ đó nâng cao chất lượng dân số? Đây cũng là một trong những mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành TW Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã đặt ra. Trong chương trình Đối thoại, các vị khách mời là Ths.BS Phạm Hồng Quân, Trưởng phòng Cơ cấu và chất lượng dân số, Cục Dân số, Bộ Y tế và BS CKI Nguyễn Thị Nhã, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BV Bưu điện cùng trao đổi về nội dung này. Mời quý vị và các bạn cùng nghe
Trong tất cả các văn kiện, Đảng và Nhà nước đã xác định: khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN và ĐMST) là động lực chính cho phát triển kinh tế - xã hội, đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Trong thập kỷ qua, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về ĐMST. Năm 2023, nước ta xếp vị trí 46/132 quốc gia/nền kinh tế về Chỉ số ĐMST toàn cầu do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố, tăng 2 bậc so với năm 2022. Đáng chú ý, cũng trong năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam triển khai và công bố Báo cáo chỉ số ĐMST cấp địa phương. Đây được ví như công cụ "chẩn đoán sức khỏe" nền kinh tế, cung cấp điểm mạnh, điểm yếu, khuyến nghị các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KHCN và ĐMST của từng địa phương. Qua đó, tạo động lực giúp Việt Nam nâng hạng Chỉ số ĐMST toàn cầu. “Đổi mới sáng tạo – động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương”- cũng là nội dung của chương trình ĐỐI THOẠI trên VOV1.
Hơn 1 triệu thí sinh của cả nước vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, đánh dấu kết thúc 12 năm học phổ thông. Đây là kỳ thi có ý nghĩa đặc biệt khi là năm cuối cùng học và thi theo chương trình cũ – chương trình giáo dục phổ thông 2006. Từ năm 2025 sẽ có lứa học sinh đầu tiên thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều đổi mới.
Về công tác tổ chức, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cơ bản giữ ổn định như năm 2023 và được giao cho địa phương chủ trì tổ chức tất cả các khâu của kỳ thi. Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm ra đề thi chung, phối hợp với địa phương giám sát kỳ thi và cung cấp phần mềm, tập huấn để các địa phương tổ chức chấm thi. Năm nay có hơn 1.071.300 thí sinh đăng ký dự thi, tăng trên 45.000 thí sinh so với kỳ thi năm 2023. Cả nước có hơn 2.300 điểm thi, với trên 45.000 phòng thi. Do quy mô và tính chất quan trọng, nhạy cảm, kỳ thi luôn nhận được sự quan tâm lớn của xã hội… Đến thời điểm này, có thể sơ bộ đánh giá bước đầu về công tác tổ chức kỳ thi TN THPT năm nay như thế nào? Những vấn đề gì cần rút kinh nghiệm cho chặng đường đổi mới thi cử từ năm 2025?
Khách mời:
PGS TS Đặng Thị Thanh Huyền, Ban điều hành Mạng lưới Quản lý Giáo dục EdulightenUp, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Quản lý giáo dục thuộc Học viện Quản lý giáo dục.
Chuyên gia giáo dục Đinh Đức Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường THPT FPT Bắc Giang
Nghị quyết 02 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 đã khẳng định hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững là một trong những giải pháp quan trọng.
Tuy nhiên, để hiện thực hoá được yêu cầu và giải pháp này, nhiều vấn đề phải giải quyết. Đây là nội dung chúng tôi đề cập trong chương trình đối thoại hôm nay. Với sự tham gia của hai vị khách mời: Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV)- Ông Nguyễn Hồng Minh – Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại và du lịch Nguyên Minh.