logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi lừa đảo trên không gian mạng (17/08/2024)

Hoạt động lợi dụng không gian mạng để tiến hành lừa đảo trực tuyến (chiếm 57% trong tổng số tội phạm mạng) gia tăng về phạm vi, quy mô với thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại lớn cho người dân cũng như các doanh nghiệp, cơ quan. Theo Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, năm 2023, ghi nhận khoảng 13.900 vụ tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỉ đồng, tương đương 3,6% GDP. Lừa đảo qua mạng không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế, tài chính đối với tổ chức, cá nhân mà còn gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội. Các giải pháp phòng chống tuy đã có nhưng đã hiệu quả và đủ sức răn đe hay chưa? Làm thế nào để chủ động phòng ngừa và đấu tranh đối với các hành vi, thủ đoạn lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi, phức tạp là nội dung chủ đề chương trình Đối thoại hôm nay với sự tham gia của hai vị khách mời: Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông và Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật TNHH Hừng Đông, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thực chất, hiệu quả (03/08/2024)

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về pháp lý, kịp thời rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật, cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực phát triển đất nước là yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ mới đây. Ngay sau đó, ngày 24/07, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2024 và đây là phiên họp chuyên đề thứ 6 về công tác xây dựng luật từ đầu năm đến nay. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng làm Trưởng ban. Những động thái này cho thấy, Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ đã thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt tháo gỡ những vướng mắc, những điểm nghẽn về pháp lý để khơi thông các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính. Hiện doanh nghiệp vẫn đang gặp những điểm nghẽn nào về pháp lý? Làm thế nào để tinh thần quyết liệt của Chính phủ được chuyển tải và thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt trong từng hoạt động, thực sự tạo nên sức mạnh phá vỡ những rào cản, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh? Đây là nội dung trong chương trình đối thoại hôm nay với sự tham gia của các vị khách mời: Tiến sĩ Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI

Loại trừ bệnh lý di truyền, nâng cao chất lượng dân số (27/7/2024)

Mỗi năm, Việt Nam có hơn nghìn em bé chào đời được xác định mắc bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh. Trong đó, khoảng 8 nghìn trẻ mắc bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia), gần 2 nghìn trẻ bị bệnh Down, 1500 ca bị dị tật ống thần kinh... Những bệnh lý này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sự phát triển và khả năng sống của trẻ trong tương lai. Vậy giải pháp nào để loại trừ bệnh lý di truyền, giúp các em bé sinh ra đều khỏe mạnh, từ đó nâng cao chất lượng dân số? Đây cũng là một trong những mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành TW Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã đặt ra. Trong chương trình Đối thoại, các vị khách mời là Ths.BS Phạm Hồng Quân, Trưởng phòng Cơ cấu và chất lượng dân số, Cục Dân số, Bộ Y tế và BS CKI Nguyễn Thị Nhã, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BV Bưu điện cùng trao đổi về nội dung này. Mời quý vị và các bạn cùng nghe

Để các luật đất đai, luật nhà ở, luật kinh doanh bất động sản đi vào cuộc sống, kích thích thị trường bất động sản (20/07/2024)

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15 thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/8 tới đây, bốn văn bản luật quan trọng này có hiệu lực. Việc các văn bản luật này có hiệu lực sớm hơn quy định sẽ có tác động như thế nào đến thị trường bất động sản nói riêng, đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể nói chung? Cần chuẩn bị và tính toán những điều gì để đảm bảo việc tổ chức thực hiện luật có hiệu quả, phát huy đúng ý nghĩa các quy định mới trong luật, để luật thực sự khơi thông được những điểm nghẽn pháp lý, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển hơn, minh bạch hơn? Đây là chủ đề được đề cập trong chương trình Đối thoại hôm nay Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu các vị khách mời: Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Quang Tuyến, Phó chủ tịch Hội đồng trường kiêm Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, trường Đại học Luật Hà Nội, Chuyên gia pháp lý đầu tư, bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh

Đổi mới sáng tạo – động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương (13/07/2024)

Trong tất cả các văn kiện, Đảng và Nhà nước đã xác định: khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN và ĐMST) là động lực chính cho phát triển kinh tế - xã hội, đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Trong thập kỷ qua, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về ĐMST. Năm 2023, nước ta xếp vị trí 46/132 quốc gia/nền kinh tế về Chỉ số ĐMST toàn cầu do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố, tăng 2 bậc so với năm 2022. Đáng chú ý, cũng trong năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam triển khai và công bố Báo cáo chỉ số ĐMST cấp địa phương. Đây được ví như công cụ "chẩn đoán sức khỏe" nền kinh tế, cung cấp điểm mạnh, điểm yếu, khuyến nghị các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KHCN và ĐMST của từng địa phương. Qua đó, tạo động lực giúp Việt Nam nâng hạng Chỉ số ĐMST toàn cầu. “Đổi mới sáng tạo – động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương”- cũng là nội dung của chương trình ĐỐI THOẠI trên VOV1.

Nhìn lại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024: Có đúng tinh thần “4 đúng, 3 không”? (29/06/2024)

Hơn 1 triệu thí sinh của cả nước vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, đánh dấu kết thúc 12 năm học phổ thông. Đây là kỳ thi có ý nghĩa đặc biệt khi là năm cuối cùng học và thi theo chương trình cũ – chương trình giáo dục phổ thông 2006. Từ năm 2025 sẽ có lứa học sinh đầu tiên thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều đổi mới. Về công tác tổ chức, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cơ bản giữ ổn định như năm 2023 và được giao cho địa phương chủ trì tổ chức tất cả các khâu của kỳ thi. Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm ra đề thi chung, phối hợp với địa phương giám sát kỳ thi và cung cấp phần mềm, tập huấn để các địa phương tổ chức chấm thi. Năm nay có hơn 1.071.300 thí sinh đăng ký dự thi, tăng trên 45.000 thí sinh so với kỳ thi năm 2023. Cả nước có hơn 2.300 điểm thi, với trên 45.000 phòng thi. Do quy mô và tính chất quan trọng, nhạy cảm, kỳ thi luôn nhận được sự quan tâm lớn của xã hội… Đến thời điểm này, có thể sơ bộ đánh giá bước đầu về công tác tổ chức kỳ thi TN THPT năm nay như thế nào? Những vấn đề gì cần rút kinh nghiệm cho chặng đường đổi mới thi cử từ năm 2025? Khách mời: PGS TS Đặng Thị Thanh Huyền, Ban điều hành Mạng lưới Quản lý Giáo dục EdulightenUp, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Quản lý giáo dục thuộc Học viện Quản lý giáo dục. Chuyên gia giáo dục Đinh Đức Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường THPT FPT Bắc Giang

Đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp phát triển bền vững (22/6/2024)

Nghị quyết 02 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 đã khẳng định hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững là một trong những giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, để hiện thực hoá được yêu cầu và giải pháp này, nhiều vấn đề phải giải quyết. Đây là nội dung chúng tôi đề cập trong chương trình đối thoại hôm nay. Với sự tham gia của hai vị khách mời: Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV)- Ông Nguyễn Hồng Minh – Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại và du lịch Nguyên Minh.

Tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện các dự án đầu tư (28/05)

Trong nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại Nghị quyết số 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, trong phạm vi thẩm quyền, chủ động và khẩn trương tháo gỡ triệt để các rào cản đối với hoạt động đầu tư do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác nhau của các quy định pháp luật. Gần 10 năm trở lại đây, Chính phủ luôn thúc đẩy các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó việc tháo gỡ bất cập về pháp lý trong thực hiện các dự án đầu tư là nhiệm vụ, giải pháp không mới nhưng rất quan trọng để góp phần phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2024 mà Chính phủ đã đề ra. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, việc tiếp tục tháo gỡ những bất cập pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả là yêu cầu đặt ra. Đây là chủ đề được bàn luận trong chương trình đối thoại hôm nay với các vị khách mời: Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong; Ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Để trẻ có kỳ nghỉ hè an toàn và vui khoẻ (01/06/2024)

Nghỉ hè là khoảng thời gian được rất nhiều trẻ em mong đợi để được nghỉ ngơi, vui chơi sau 9 tháng học tập vất vả. Thế nhưng, trẻ được nghỉ, thoả sức chạy nhảy, bơi nghịch với bạn bè trong khi cha mẹ vẫn phải đi làm. Thiếu sự giám sát chặt chẽ của người lớn, trẻ đối diện với rất nhiều nguy cơ, từ thiếu an toàn thông tin mạng khi sử dụng thiết bị điện tử kết nối internet cho đến nguy cơ đuối nước, hoả hoạn, tai nạn thương tích…. Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 diễn ra từ ngày 1 đến ngày 30-6, với chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em” cũng là dịp để mỗi người, mỗi gia đình cùng nâng cao ý thức chăm sóc, bảo vệ để trẻ có kỳ nghỉ hè vui khoẻ, an toàn. Đây cũng là nội dung của Đối thoại hôm nay. Xin được trân trọng giới thiệu 2 vị khách mời tham gia chương trình hôm nay với sự tham gia của Bác sỹ Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, BV Bệnh Nhiệt đới TW và TS tâm lý Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc công ty cổ phần Tham vấn Nghiên cứu Tâm lý học cuộc sống.

Đổi mới sáng tạo – động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương (18/05/2024)

Hôm nay là ngày 18/5 - Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam và hưởng ứng kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và công nghệ. Đây là dịp để tôn vinh, ghi nhận những đóng góp của cộng đồng khoa học đối với đất nước.
- Trong tất cả các văn kiện, Đảng và Nhà nước đã xác định: khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN và ĐMST) là động lực chính cho phát triển kinh tế - xã hội, đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Trong thập kỷ qua, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về ĐMST. Năm 2023, nước ta xếp vị trí 46/132 quốc gia/nền kinh tế về Chỉ số ĐMST toàn cầu do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố, tăng 2 bậc so với năm 2022. Đáng chú ý, cũng trong năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam triển khai và công bố Báo cáo chỉ số ĐMST cấp địa phương. Đây được ví như công cụ "chẩn đoán sức khỏe" nền kinh tế, cung cấp điểm mạnh, điểm yếu, khuyến nghị các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KHCN và ĐMST của từng địa phương. Qua đó, tạo động lực giúp Việt Nam nâng hạng Chỉ số ĐMST toàn cầu.
- Để bàn về nội dung này, trong chương trình ĐỐI THOẠI hôm nay, các vị khách mời sẽ cùng phân tích “Đổi mới sáng tạo – động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.

Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng (11/05)

Theo Kế hoạch của Ban chỉ đạo tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động Trung ương, nhằm thúc đẩy, tạo sự chuyển biến rõ rệt về ý thức, nhận thức cũng như các hành động cụ thể về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc, tiếp cận trách nhiệm xã hội đối với người tiêu dùng và trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm nay được phát động với chủ đề: “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng” và tổ chức từ ngày 01 - 31/5 trên phạm vi toàn quốc. Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động không chỉ ảnh hưởng đến một cá nhân, một doanh nghiệp, một đơn vị hay một quốc gia mà nó còn tác động đến cả một chuỗi cung ứng toàn cầu. Vậy làm thế nào để “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng” là vấn đề mà chúng tôi sẽ bàn luận trong chương trình đối thoại hôm nay trên Kênh thời sự VOV1, Đài TNVN. Khách mời là ông Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện khoa học và An toàn vệ sinh lao động và ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội

Kịp thời giải quyết tồn tại chính sách đối với cựu thanh niên xung phong (27/4/2024)

Vì nhiều lý do khác nhau, đến nay, vẫn còn cựu thanh niên xung phong và gia đình họ chưa được hưởng chính sách đền ơn đáp nghĩa. Bên cạnh đó, những sai sót, nhầm lẫn, tiêu cực trong việc thực hiện chính sách, chế độ đang xảy ra ở một số nơi đã gây không ít khó khăn, phiền hà cho người hưởng chính sách, gây dư luận không tốt trong xã hội. Kịp thời giải quyết tồn tại chính sách đối với cựu thanh niên xung phong là nội dung chương trình Đối thoại với sự tham gia của ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội cựu Thanh niên Xung phong và ông Đỗ Đăng Khoa, Trưởng phòng Chính sách 1, Cục Người có công - Bộ LĐTB&XH.

Già hóa dân số và kiến nghị nguồn lực chất lượng cao (20/4/2024)

Theo cơ sở dữ liệu dân cư Bộ Công an, năm 2023 cả nước có hơn 16 triệu công dân từ 60 tuổi trở lên, chiếm hơn 15% số dân, trong đó từ 60 đến dưới 70 tuổi là hơn 9,4 triệu người, từ 70 đến dưới 80 tuổi là hơn 4,1 triệu người, còn lại là dân số từ 80 tuổi trở lên. Đáng lưu ý, quá trình quá độ từ già hóa dân số đến dân số già của Việt Nam chỉ trong vòng 20 năm, trong khi các quốc gia phát triển kéo dài hàng trăm năm. Già hóa dân số đặt ra nhiều thách thức liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe cũng như nguồn cung lao động và sử dụng lao động người cao tuổi. Thực tế này đòi hỏi nhà nước cần thay đổi chính sách an sinh xã hội và chuẩn bị nguồn lao động để phù hợp với quá trình già hóa dân số. Các vị khách mời là bác sỹ Nguyễn Xuân Trường, Trưởng phòng Sức khỏe người cao tuổi, Cục Dân số, Bộ Y tế và TS Nguyễn Quốc Anh, Ủy viên Hội đồng khoa học, Hội Người cao tuổi Việt Nam sẽ cùng trao đổi về câu chuyện này.

Đề xuất hạ chuẩn trong tuyển dụng giáo viên: Chất lượng giảng dạy liệu có đảm bảo? (06/04/2024)

Đề xuất hạ chuẩn đào tạo giáo viên từ ĐH xuống CĐ để khắc phục tình trạng thiếu trầm trọng giáo viên một số môn học mới của Bộ GD-ĐT đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Dù được xác định chỉ là giải pháp tình thế, thực hiện từ nay đến hết năm 2028 nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tuy nhiên việc này vẫn khiến nhiều người lo ngại. Hạ chuẩn để có thêm nguồn tuyển, liệu có giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên, nhất là trong bối cảnh hầu hết các trường Cao đẳng ở các địa phương đã đóng cửa hoặc sáp nhập khi Luật Giáo dục có hiệu lực? Khách mời: Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam; PGS TS Nguyễn Chí Thành, Trưởng khoa Sư phạm, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội

Kết nối, chia sẻ, liên thông cơ sở dữ liệu để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính (30/03/2024)

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao chất lượng quy định thủ tục hành chính và hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính là một trong 7 nhiệm vụ trọng tâm được Nghị quyết 02 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 đặt ra. Tuy vậy, việc liên thông, chia sẻ dữ liệu số vẫn chưa đạt được như mong muốn và người dân, doanh nghiệp vẫn gặp khó trong tiếp cận để thực hiện thủ tục hành chính. Vậy làm thế nào để đẩy mạnh công tác này? Đây là chủ đề được bàn luận trong chương trình Đối thoại hôm nay với các vị khách mời: Bà Phạm Thị Ngọc Thủy – Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ. Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

5h00-5h10 Rao sóng
5h20-5h50 Mùa vàng
5h50-5h55 Quảng cáo
6h28-6h30 Quảng cáo
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
12h57-13h00 Quảng cáo
13h20-13h25 Quảng cáo
15h15-15h20 Quảng cáo
15h55-16h00 Quảng cáo
16h00-17h00 Theo dòng TS
17h50-17h59 Quảng cáo
18h57-19h00 Quảng cáo
19h00-19h05 Bản tin TS
19h05-19h10 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
22h00-23h00 Thức cùng VOV
23h10-23h15 Rao sóng
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: