logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Tri ân các anh hùng liệt sĩ, thực hiện lời dạy của Bác Hồ về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” (26/7/2024)

Khắc sâu lời dạy của Bác Hồ về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, trong những ngày qua, nhiều bộ, ban ngành trên cả nước đã tích cực tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa góp phần thiết thực kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024). Qua đó, thể hiện lòng biết ơn và sự tri ân sâu sắc của người Việt nam hôm nay đối với công lao to lớn của các thế hệ cha anh đi trước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Chuyện đêm hôm nay, chúng tôi sẽ kể lại câu chuyện tri ân các anh hùng liệt sĩ và thực hiện lời dạy của Bác Hồ về công tác Uống nước nhớ nguồn, Đền ơn đáp nghĩa tại hai tỉnh Quảng Trị và Hà Tĩnh.

Thiếu tá Lê Văn Dung người lính biên phòng làm cán bộ xã với tâm huyết đổi thay những bản làng (25/7/2024)

Hơn 10 năm trước, xã biên giới Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu có hơn 70% gia đình thuộc diện nghèo, nhiều thôn bản “trắng” tổ chức cơ sở đảng; tình hình an ninh chính trị có nhiều diễn biến phức tạp. Được tăng cường về làm cán bộ xã, Thiếu tá Lê Văn Dung, khi đó là nhân viên Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Huổi Luông đã sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đưa ra những giải pháp nâng cao đời sống nhân dân, tạo sự khởi sắc ở vùng đất biên giới.

Hành trình vì nhân dân phục vụ của “Đội Chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ Khu vực 4, Công an Thành phố Hà Nội” (24/7/2024)

Được thành lập từ tháng 9/2018, Đội cảnh sát Chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Khu vực số 4, Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, công an thành phố Hà Nội có chức năng nhiệm vụ tham mưu và thực hiện công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ trên địa bàn các quận Thanh Xuân, Hà Đông, huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Với những nỗ lực không ngừng vượt qua gian khó, ngày 28/9/2023, đơn vị đã vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Mời quý vị và các bạn cùng tìm hiểu về công việc vất vả, hiểm nguy nhưng cũng đầy vinh quang của các cán bộ chiến sỹ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên mặt trận không tiếng súng.

Chia sẻ của thầy Mai Văn Chuyền về các hoạt động hỗ trợ học sinh, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập và trong cuộc sống ở huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk (17/7/2024)

Không sinh ra trên mảnh đất Tây Nguyên nhưng nắng gió, sương mai trên con đường thiện nguyện đã khiến thầy trở thành người thân của người dân trên cao nguyên đất đỏ. Gần chục năm rong ruổi khắp buôn làng, đến từng nhà học trò nghèo tặng đồ dùng học tập, tâm tình chia sẻ với phụ huynh, thầy Mai Văn Chuyền, giáo viên Trường THCS Ngô Mây, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vì đàn em thân yêu ở xã Ea M’droh, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đăk Lăk đã tạo lập thói quen học bài, tạo động lực giúp trẻ em nghèo vùng sâu tiếp tục tìm con chữ, viết tiếp ước mơ tươi sáng.

Người kỹ sư hoá dầu trở thành triệu phú nuôi gà ác (16/7/2024)

Tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Lọc Hoá dầu và đã đi làm nhiều công ty khác nhau, năm 2018, anh Đỗ Quý Nam quyết định theo tiếng gọi về quê hương lập nghiệp của UBND huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Nhận thấy mô hình chăn nuôi Gà Ác đẻ trứng chưa có ai thực hiện và nhiều tiềm năng phát triển, anh Đỗ Quý Nam quyết tâm theo đuổi mô hình để tạo ra những quả trứng gà thơm ngon, an toàn cho người sử dụng.

Người nông dân 4.0 Phạm Xuân Thủy với hành trình gây dựng thành công trang trại chăn nuôi tổng hợp (09/07/2024)

Sinh ra ở nông thôn, gắn bó với nông nghiệp từ nhỏ, luôn trăn trở làm sao có thể làm giầu trên chính quê hương mình, anh Phạm Xuân Thủy sinh năm 1972 ở xóm 2, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, Thái Bình đã mạnh dạn khai phá vùng đất hoang, mở rộng mô hình chăn nuôi tổng hợp, đem lại hiệu quả kinh tế, làm giàu cho bản thân và giúp tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương. Anh vinh dự là 1 trong 100 cá nhân được trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" giai đoạn 2013-2022 do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.

Giáo sư Trần Thanh Vân - bền bỉ “ươm mầm” trong lĩnh vực khoa học (04/07/2024)

Giáo sư Trần Thanh Vân (Tiến sỹ vật lý người Pháp gốc Việt) được Viện Vật lý Mỹ đánh giá là “người có công lao to lớn suốt nhiều thập niên tập hợp các nhà vật lý trên thế giới ngồi lại bên nhau trong tình thân ái qua các cuộc Gặp gỡ Moriond, Gặp gỡ Blois, Gặp gỡ Việt Nam. Tên tuổi của ông gắn liền với Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành Quy Nhơn, Bình Định - Trung tâm khám phá khoa học đầu tiên và độc nhất ở Việt Nam, học bổng giáo dục Vallet nhằm giúp đỡ các học sinh, sinh viên và các học viên sau đại học Việt Nam phát triển tài năng.
Ở tuổi 90, những bước chân của giáo sư đã nặng nề, chậm rãi. Vậy mà, ông vẫn đi lại dẻo dai giữa Pháp và Việt Nam. Khi nhiều người ở tuổi ông đã “an phận thủ thường”. Vị giáo sư ấy vẫn kiên trì cho những buổi gặp gỡ, tràn đầy nhiệt huyết cho kế hoạch ươm mầm những tài năng khoa học trẻ, “chắp cánh” cho nền khoa học nước nhà bay cao, bay xa hơn!

Bảo tàng Báo chí Việt Nam: Những di sản vô giá (21/6/2024)

Nằm trong khuôn viên Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (Hà Nội), Bảo tàng Báo chí Việt Nam không chỉ là nơi lưu giữ những tài liệu, hiện vật về lịch sử báo chí mà còn là nơi ghi dấu những ký ức về lịch sử dân tộc. Căn phòng đầu tiên bên trong bảo tàng là nơi trưng bày biểu tượng cây bút, lời dặn của Bác với cán bộ báo chí cùng tượng của các nhà báo tiền bối có công khai sinh nền báo chí Việt Nam. Mỗi hiện vật, tài liệu được trình bày sống động tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí nước nhà gắn liền với lịch sử đất nước. Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt nam (21/6/1925- 21/6/2024), bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam chia sẻ về những di sản báo chí này gắn với những dấu mốc lịch sử không thể nào quên.

Chia sẻ của ông An Nguyễn - CEO SuperX Academy về hoạt động kết nối doanh nghiệp và hàng hoá Việt ra thế giới (18/6/2024)

16 tuổi theo gia đình sang Mỹ sinh sống, từ khởi đầu làm chạy bàn, phục vụ để mưu sinh, ông An Nguyễn đã mở chuỗi nhà hàng lớn tại Mỹ và là giám đốc điều hành SuperX Academy nhằm hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam khởi nghiệp, phát triển tại Mỹ cùng nhiều thị trường lớn trên thế giới. Mới đây, ông cùng các cộng sự đã phát triển ứng dụng GenAI tại Việt Nam và được đông đảo người dân trong nước cùng bà con sinh sống tại Mỹ yêu thích, lựa chọn sử dụng. Đây là công nghệ trí tuệ nhân tạo dành cho người Việt nên từ cách thức, ngôn ngữ, lập trình hệ thống rất thuận tiện, phù hợp với văn hoá Việt.

Gặp gỡ với người Giám đốc HTX tạo sức bật mới cho vải thiều Lục Ngạn (17/6/2024)

Hợp tác xã nông nghiệp Thanh Hải, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn hiện tại gồm 13 thành viên, được thành lập nhằm thay đổi phương thức canh tác cũ, hướng tới mục tiêu sản xuất vải hướng an toàn, bền vững, nâng cao chất lượng vải thiều, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường: Liên minh Châu Âu EU, Mỹ, Nhật Bản... Hiện tại, Hợp tác xã có 50 ha vải đạt tiêu chuẩn VietGap, 10 ha được cấp chứng nhận GlobalGAP. Để có được kết quả này không thể không kể đến người Giám đốc năng động của Hợp tác xã, anh Ngô Văn Liên.

Gặp gỡ “Cô giáo U80 ở Ninh Bình lập kênh TikTok giúp học sinh hóa giải môn văn” (14/6/2024)

Đã ở tuổi 74, nhưng cô giáo Ngô Thúy Trình, ở thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình luôn mang trong mình năng lượng tích cực như vậy. Có lẽ nguồn năng lượng đó là động lực giúp cho “bà giáo” ở độ tuổi U80 vẫn cầm phấn đứng trên bục giảng nhưng theo một cách không giống ai - đó là dạy văn qua mạng xã hội.
Từ năm 2023, cô Trình lập kênh Tik Tok “Thư viện sách tham khảo” với mục đích hướng dẫn học sinh các phương pháp học văn và hóa giải đề thi. Không cần giáo án, không thu một đồng học phí, hình ảnh cô Ngô Thúy Trình đứng giảng bài trước tấm bảng xanh được chia sẻ khắp nơi và gây sốt cộng đồng mạng.

Chia sẻ của chị Nguyễn Mai Anh, Hà Nội về hành trình cùng con vượt qua hội chứng tự kỷ (13/6/2024)

Đã từng đưa con đi nhiều cơ sở khám chữa bệnh, thậm chí mời cả kỹ thuật viên về nhà chỉ để chữa cho con khỏi câm điếc bẩm sinh…nhưng mọi cố gắng cũng không thể tìm ra nguyên nhân chính của những biểu hiện khác lạ ở bé Hiếu. Bởi lẽ, bé bị chứng rối loạn phổ tự kỷ.
Và rồi chị Mai Anh, mẹ của Hiếu đã chọn cách nghỉ công việc mà chị yêu thích để dành toàn bộ thời gian đồng hành cùng con. Người mẹ ấy đến nay đã trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực tự kỷ, truyền đạt kinh nghiệm cho những người mẹ cùng cảnh ngộ khác. Cùng với đó, chị truyền cho các mẹ cả hy vọng, cả niềm tin vào tương lai khả quan của các con. Cùng nghe những chia sẻ của chị Nguyễn Mai Anh, Hà Nội về hành trình cùng con vượt qua hội chứng tự kỷ.

Những người mang trong lành cho đảo Lý Sơn (06/06/2024)

Nhờ điều kiện tự nhiên, khí hậu, và thổ nhưỡng riêng biệt nên cây hành, cây tỏi được trồng tại đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có mùi hương và vị cay nồng đặc trưng so với những vùng khác. Tuy vậy, đã có thời gian dài, việc người dân lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khiến môi trường và sức khoẻ con người bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thay đổi thói quen trong sản xuất, người dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đang dần hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, vừa mang lại trong lành cho môi trường sống, vừa nâng cao giá trị nông sản cho quê hương.

Gặp gỡ nghệ nhân Trương Minh Ngọc - người nặng lòng với nghề mộc Xuân Khê, Hà Nam (05/06/2024)

Tại xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, nói đến nghệ nhân Trương Minh Ngọc ai cũng biết. Bởi không chỉ là một nghệ nhân nức tiếng về tay nghề mộc, ông còn là người có nhiều đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Thu nhập tốt, tạo công ăn việc làm gần 80 người, ông Trương Minh Ngọc là đại diện của một nông dân xuất sắc, nhạy bén và đam mê với nghề.

Thầy giáo Vũ Văn Tùng, người con thân thương của bà con dân bản xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. (30/05/2024)

Thưa quý vị và các bạn! Tốt nghiệp chuyên ngành Lịch sử tại trường Đại học Đà Lạt năm 2005. Với niềm mong mỏi được làm nhà giáo, anh Vũ Văn Tùng sinh năm 1980 quê ở huyện Diễn Châu- tỉnh Nghệ An sau thời gian công tác tại nhiều trường vùng 3 ở huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai anh đã quyết định gắn bó với ngôi trường Tiểu học -THCS Đinh Núp xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Hiểu rõ sự khó khăn, thiếu thốn của học trò vùng khó, thầy Tùng đã có nhiều sáng kiến, xây dựng nhiều mô hình hay, giúp giáo viên gắn bó với công việc, học sinh không bỏ lớp, bỏ trường. Từ sự giúp đỡ của thầy Tùng nhiều thế hệ học trò làng Bi Giông- Bi Da xã Pờ Tó, huyện Ia Pa đã trưởng thành, có cuộc sống khá hơn. Dân làng nơi đây thường gọi thầy bằng cái tên trìu mến Thầy “Đinh Tùng” coi thầy như người con thân thương của bản làng. Chuyện đêm hôm nay mời quý vị và các bạn cùng nghe những chia sẻ của thầy giáo Vũ Văn Tùng người con thân thương của bà con dân bản xã Pờ Tó, huyện miền núi Ia Pa, tỉnh Gia Lai.

Cuộc trò chuyện với Kỹ sư thiết bị sản xuất Trần Việt Hưng (29/05/2024)

Sinh năm 1989, chàng kỹ sư Trần Việt Hưng đã có hơn 10 năm gắn bó với Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam ở tỉnh Thái Nguyên. Với vẻ ngoài nhỏ nhắn, ít nói, nụ cười hiền lành, nhưng ít ai ngờ chàng trai này đã lập thành tích "khủng" là có tới 17 sáng kiến làm lợi hơn 500 tỷ đồng cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Phạm Tuân và những câu chuyện về dự án “viethoiky.com-nơi lưu giữ ký ức cho người cao tuổi” (24/5/2024)

Nếu được lựa chọn, ai cũng sẽ chọn được sinh ra trong gia đình giàu có, ấm êm, chọn được ăn đời ở kiếp với chồng/vợ, không ai chọn nghèo khổ, khó khăn, lại càng không ai chọn lẻ bóng 1 mình. Nhưng số phận mỗi người mỗi khác, dù làm lụng khổ sở suốt từ khi con gái cho đến khi các con học hành xong xuôi, có công ăn việc làm ổn định, dù một mình gồng gánh nuôi các con nhưng mẹ chưa bao giờ hối hận vì lựa chọn “ở vậy nuôi con”của mình. Đối với mẹ, đấy không phải là hy sinh mà là hạnh phúc. Đó là những dòng đầu tiên của cuốn hồi ký mà người mẹ năm nay đã 86 tuổi muốn gửi đến các con, các cháu của bà. Niềm hạnh phúc theo những tiếng cười được bật lên từ những giọt nước mắt cơ cực, tủi hờn khi bà nhớ lại câu chuyện của cuộc đời mình…đã theo cảm xúc của nhóm Viethoiky.com thành những dòng hồi ký.

Nghệ sĩ xiếc Lô Thị Ngọc Thuý: Sự khổ luyện sau ánh hào quang (23/5/2024)

Thưa quý vị và các bạn! Năm 2023 là năm có nhiều niềm vui đến với nghệ sĩ xiếc Lô Thị Ngọc Thúy, cô được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú và được Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh bình chọn là Gương mặt trẻ triển vọng năm 2023. Gắn bó với nghệ thuật xiếc 20 năm, từ khi còn là một cô bé dân tộc Nùng từ Lạng Sơn xuống Hà Nội học xiếc, Lô thị Ngọc Thúy từng nhận được nhiều giải thưởng đáng tự hào trong nước và quốc tế như Huy chương Vàng Liên hoan Xiếc quốc tế năm 2019 tại Hà Nội; Huy chương Vàng Liên hoan Xiếc thế giới năm 2019 tại Quảng Ninh với tiết mục “Nhào lộn trên sào”, Giải Nhất cuộc thi tài năng Xiếc toàn quốc năm 2021, tiết mục “Ngày hội vùng cao”. Sau những thành công đó, sau những tiết mục ấn tượng trên sâu khấu là cả một quá trình khổ luyện của cô cùng các đồng nghiệp. “Chuyện đêm” hôm nay, mời quý vị cùng lắng nghe câu chuyện của nữ nghệ sĩ xiếc Lô thị Ngọc Thúy về cả sự khổ luyện và niềm hạnh phúc với nghề nghiệp của một nghệ sĩ.

Teamlee và câu chuyện sau những tấm chân dung Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ được phục dựng. (07/05/2024)

Teamlee gồm 12 bạn trẻ thế hệ GenZ, 3 năm nay âm thầm làm một việc với mong muốn tri ân tới những người đã hy sinh xương máu cho đất nước-đó là phục dựng hàng nghìn bức ảnh các anh hùng, liệt sỹ và trao tặng lại các gia đình anh hùng, liệt sỹ trên cả nước. Không thể kể hết bao nhiêu bức chân dung đã được nhóm Teamlee trao tận tay các Mẹ Việt Nam anh hùng, tới các gia đình thiếu vắng người thân mấy chục năm nay, có những gia đình còn chưa tìm thấy mộ liệt sỹ...

Hành trình giữ gìn và phát huy làng nghề truyền thống rối nước (06/05/2024)

Cách trung tâm Hà Nội khoảng chừng 25 km, làng rối nước Đào Thục thuộc xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội là làng nghề truyền thống lâu đời, và là nơi sản sinh ra những nghệ nhân múa rối nước tài ba của Việt Nam. Cũng như các loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian khác, rối nước Đào Thục từng qua rất nhiều thăng trầm và có giai đoạn đứng trước nguy cơ mai một. Song với tình yêu, trách nhiệm của các thế hệ nhân dân địa phương, cùng với nỗ lực của các cấp chính quyền nơi đây, nghề truyền thống của làng Đào Thục đã được gìn giữ, bảo tồn hiệu quả, tạo thành thương hiệu vang xa, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Chia sẻ của nữ văn công Ngô Thị Ngọc Diệp, nguyên ở Đoàn văn công Sư đoàn 308, Đại đoàn quân Tiên phong (23/04/2024)

Góp vào chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây 70 năm, có những nỗ lực vượt hiểm nguy, vượt gian nan vất vả của đông đảo văn nghệ sĩ. Những lời ca, tiếng hát của đông đảo văn nghệ sĩ đã nhân lên niềm lạc quan của bộ đội, dân công, cổ vũ mọi người vững tin vào ngày chiến thắng. Chuyện đêm hôm nay, mời quý vị và các bạn cùng nghe câu chuyện của bà Ngô Thị Ngọc Diệp - diễn viên Đội văn công Sư đoàn 308, Đại đoàn quân Tiên Phong làm nhiệm vụ biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Có một điều đặc biệt, cùng với nhiệm vụ biểu diễn động viên cán bộ, chiến sỹ , bà còn được giao một nhiệm vụ quan trọng trước khi bắt đầu chiến dịch Điện Biên Phủ, đó là may lá cờ luân lưu “Quyết chiến quyết thắng” của Bác Hồ tặng những đơn vị có thành tích xuất sắc trong chiến đấu. Đã 70 năm trôi qua kể từ sau chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, thế nhưng, câu chuyện trên đường hành quân đi Tây Bắc và những năm tháng biểu diễn phục vụ bộ đội, dân quân chiến đấu ở Điện Biên Phủ vẫn in đậm trong tâm trí người nữ văn công Ngô Thị Ngọc Diệp, nguyên ở Đoàn văn công Sư đoàn 308, Đại đoàn quân Tiên phong:

Nhà báo Trần Mai Hưởng - Người chiến sỹ cầm bút trên mặt trận năm xưa (30/4/2024)

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với thắng lợi quyết định ngày 30/4/1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đã đi vào sử sách vẻ vang. Còn đối với nhân dân cả nước mãi mãi là ngày hội non sông. Những thông tin, hình ảnh đầu tiên về chiến thắng đã được các cơ quan báo chí chủ lực như Báo Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Giải phóng, Thông tấn xã Việt Nam, báo Quân đội nhân dân... chuyển tải đến công chúng, đã làm nức lòng nhân dân mọi miền Tổ quốc. Vinh dự trong nhóm nhà báo Việt Nam đầu tiên có mặt tại Dinh Độc lập vào đúng trưa ngày 30/04/1975, nhà báo chiến trường Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam đã ghi lại bức ảnh biểu tượng chiến thắng “Xe tăng quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập trưa 30/4/1975"; và nhiều bài báo chiến trường trước, trong và sau ngày giải phóng. 49 năm đã trôi qua, người chiến sỹ cầm bút trên mặt trận năm xưa, nay đã ở tuổi 72, mái đầu bạc trắng, nhưng những kỷ niệm của thời hoa lửa vẫn không thể nào phai. Nhân ngày lễ thống nhất non sông, BTV Nguyên Nhung đã gặp gỡ nhà báo Trần Mai Hưởng để nghe ông chia sẻ về những cảm xúc không thể quên của nhà báo chiến trường trong những thời khắc lịch sử của đất nước.

Lê Minh Ngọc, sinh viên Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội và câu chuyện lan toả văn hoá đọc ở vùng cao (19/4/2024)

Lan toả văn hoá đọc đến các khu vực miền núi, vùng cao mặc dù gặp nhiều nhiều khó khăn, thử thách, nhưng đã có nhiều bạn trẻ tình nguyện đưa những cuốn sách quý giá về nơi đây để phục vụ độc giả nhỏ tuổi. Một trong số đó là em Lê Minh Ngọc, sinh viên Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội hiện là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ tình nguyện Trái Tim Việt (TP Hải Phòng), Chủ nhiệm dự án Tủ sách Nuôi em - trực thuộc Hệ sinh thái Nuôi em. Trong 1 năm qua, Ngọc cùng các thành viên trong Dự án Tủ sách Nuôi em đã xây dựng được gần 1.100 tủ sách và tủ đồ chơi tại hơn 1.000 điểm trường của các tỉnh miền núi miền Bắc và Tây Nguyên. Cùng với Tủ sách Nuôi em, Ngọc còn đồng hành cùng đồng nghiệp trong các chương trình từ thiện, nhân đạo.

Chia sẻ của nghệ sỹ Nguyễn Trà My về con đường đến với nghệ thuật truyền thống cũng như cách tiếp cận và lan tỏa vẻ đẹp, sức hấp dẫn của nhạc cụ truyền thống đến với giới trẻ. (11/04/2024)

Thưa quý vị và các bạn! Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, làm quen và yêu cây đàn Tranh từ bé, được học hành bài bản về âm nhạc tại Học viện Âm nhạc Việt Nam, Nguyễn Trà My đã trở thành nghệ sỹ đàn Tranh trong dàn nhạc của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Không dừng lại ở vai trò nghệ sỹ biểu diễn của Nhà hát, Trà My đã có những cách tiếp cận hiện đại, đó là cover những tác phẩm âm nhạc, ca khúc nổi tiếng trong và ngoài nước bằng tiếng đàn Tranh với mong muốn lan tỏa sức hấp dẫn của nhạc cụ truyền thống trong đó có cây đàn Tranh đến với đông đảo khán thính giả. Trà My liên tục gặt hái được những thành công trong các cuộc thi, gần đây là giải nhất cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2023. Và với những thành tích đạt được Trà My vinh dự trởi thành 1 trong 87 nghệ sỹ biểu diễn được vinh danh trong chương trình vinh danh các nghệ sĩ biểu diễn tiêu biểu năm 2023 do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang tổ chức vào trung tuần tháng 1 năm 2024. Chuyện đêm hôm nay mời quý vị và các bạn cùng gặp gỡ và nghe những chia sẻ của nghệ sỹ Nguyễn Trà My về con đường đến với nghệ thuật truyền thống cũng như cách tiếp cận và lan tỏa vẻ đẹp, sức hấp dẫn của nhạc cụ truyền thống đến với giới trẻ.

Gặp gỡ vợ chồng nông dân đầu tiên nuôi cấy thành công dược liệu quý Đông trùng hạ thảo tại Lai Châu (09/4/2024)

Từ một khu nhà xưởng rộng chưa tới 30 m2, làm sao để phát triển lên tới quy mô hơn 4.000 m2, đầu tư trang thiết bị hiện đại, nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo theo hướng hữu cơ. Làm sao từ một người thợ làm nghề làm thợ pha sơn cung cấp cho các cửa hàng sửa chữa ô tô, xe máy trở thành ông bà chủ một cơ sở sản xuất có lãi hàng tỷ đồng mỗi năm. Câu chuyện trồng nấm đông trùng hạ thảo và bí quyết để thành công của hai vợ chồng chị Bùi Thị Vân và anh Đào Huy Cương, phường Quyết Tiến, Thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu.

Nguyễn Bá Ngọc và “giấc mơ biển” (8/4/2024)

Xuất thân trong gia đình 4 đời làm ngư dân ở Hà Tĩnh, anh Nguyễn Bá Ngọc (1988) sau nhiều năm bôn ba từ Nam tới Bắc, dừng chân tại vùng biển Ninh Hải, Ninh Thuận khởi nghiệp với con mực. Không những thành công đưa con mực biển đang bơi vào bờ, nhà sáng lập Công ty Cổ phần Mực nhảy Biển Đông còn có bước đột phá trong việc nhân giống và nuôi mực ở môi trường bán tự nhiên trên vùng biển Ninh Thuận, điều mà gần như trên thế giới chưa ai làm.

PGS.TS trẻ Lê Thanh Long: Dám nghĩ, dám làm đóng góp phát triển đất nước (29/3/2024)

“Tôi quyết định trở thành một giảng viên đại học vì môi trường đại học sẽ giúp tôi tiếp tục duy trì đam mê nghiên cứu khoa học, mặt khác, tôi có thể truyền đạt kiến thức, truyền lửa đam mê nghiên cứu cho các bạn sinh viên và sau này các bạn trẻ, thế hệ sau sẽ chung tay đóng góp phát triển đất nước”- Đó là những chia sẻ rất thật của một PGS.TS trẻ tuổi của Việt Nam - anh Lê Thanh Long – Phó Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM). Nhân Tháng Thanh niên, mời quí thính giả cùng nghe anh Lê Thanh Long chia sẻ về con đường sự nghiệp mà anh đã trải qua mang lại nhiều trải nghiệm tuyệt vời. Ở nơi đó, anh được thỏa sức phát huy khả năng, duy trì đam mê, cơ hội tiếp xúc với rất nhiều sinh viên, bạn trẻ trẻ nhiệt huyết, cùng chí hướng, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo.

Kiến trúc sư Lê Lương Ngọc và những công trình đậm dấu ấn truyền thống (25/3/2024)

KTS Lê Lương Ngọc là người thiết kế nên những công trình mang đậm dấu ấn truyền thống, chứa đựng những kinh nghiệm dân gian. Là người am hiểu vật liệu, một trong những mục tiêu mà KTS Lê Lương Ngọc theo đuổi chính là vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, hướng đến kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên cùng với những tìm tòi và thử nghiệm theo cách riêng, những công trình kiến trúc của anh đã luôn tạo sự thoái mái, tiện lợi cho người sử dụng. Hiện đại , nhưng vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương là những gì mà nhiều người nhắc đến khi nói về những công trình kiến trúc của anh.

Người phó bí thư đoàn xã ở Hòa Bình và hành trình mở lối thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số (21/3/2024)

Tốt nghiệp Học viện Thanh thiếu niên năm 2016, anh Hà Văn Thái đã quay về quê hương vùng cao Mai Hạ, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Binh, góp sức trẻ xây dựng quê hương với vai trò là phó bí thư đoàn xã. Quê hương Mai Hạ, người dân chủ yếu dựa vào trồng lúa, các hoạt động kinh tế khác còn ở quy mô nhỏ. Với tình yêu quê hương và khát vọng tuổi trẻ, anh Hà Văn Thái đã tìm hiểu, nghiên cứu nhiều mô hình giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp. Từ đây, hướng thoát nghèo và vươn lên làm giàu cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương đã được mở ra. Chuyên mục Chuyện đêm hôm nay, mời quý vị và các bạn cùng phóng viên Phương Chi tìm hiểu về hành trình đã vượt qua khó khăn, thử thách, giúp người dân thoát nghèo của anh Hà Văn Thái.

Đại úy Vũ Văn Cường, người truyền lửa khát vọng cống hiến (20/3/2024)

Là một trong những “khắc tinh tội phạm” của lực lượng Biên phòng tỉnh Điện Biên, Đại úy Vũ Văn Cường - Phó Đồn trưởng nghiệp vụ, Đồn Biên phòng Si Pha Phìn, cũng như trước đây là Đội trưởng, Đội PCMT&TP, Đồn BP Pa Thơm, BĐBP tỉnh Điện Biên được xem như “át chủ bài” trong nhiều trận đánh án ma túy lớn. Hiểm nguy rình rập, khó khăn, gian khổ, nhưng Đại úy Vũ Văn Cường xác định cho mình tâm thế phải quật ngã và bắt được tội phạm ma tuý, giữ vững ổn định vùng biên cương của Tổ Quốc. Đó cũng chính là nhân vật được giới thiệu trong Chuyện đêm hôm nay.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h50-05h59 Quảng cáo
06h28-06h30 Quảng cáo
9h15-10h00 Đối thoại
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h00-13h30 CLB âm nhạc
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
23h30-24h00 Nhịp sống
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: