Không khí của mùa xuân đang ngập tràn trên mọi miền đất nước. Mọi người đang hối hả hoàn thành công việc còn dở dang và tất bật chuẩn bị đón năm mới Quý Mão với nhiều ước vọng tốt đẹp. Với người nông dân, những ngày cuối năm thường gắn liền với lo toan, hối hả nơi ruộng lúa, vườn rau không kể sáng sớm, đêm khuya.
Hơn 8 năm gắn bó với công tác Mặt trận, chị Hà Ngân Kim Tới, người dân tộc Khmer, chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đã luôn phát huy vai trò, trách nhiệm của bản thân làm tốt công tác vận động quần chúng, thực sự là cầu nối giữa Đảng, chính
quyền với nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Chị là hạt nhân tích cực trong thực hiện công tác an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương, được nhân dân yêu mến. Và chị Hà Ngân Kim Tới là một trong những cá nhân tiêu biểu được tỉnh chọn làm đại biểu đi dự Hội nghị biểu dương Chủ tịch MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng Ban công tác mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022 vừa qua tại Thủ đô Hà Nội. Chị cũng vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ bởi những thành tích xuất sắc trong công tác Mặt trận ở địa phương. Xuân mới sắp đến, chị Hà Ngân Kim Tới - nữ cán bộ mặt trận tận tụy với công việc, hết lòng vì dân chia sẻ công việc của mình.
Thư viện Sách nói Hương Dương được thành lập năm 1998 trong muôn vàn khó khăn, nhưng với nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ lãnh đạo - những người vừa tự ghi âm giọng đọc của mình, để tạo thành sách nói; vừa vận động kinh phí phát triển thư viện. Đến nay, Thư viện sách nói Hướng Dương không chỉ có một trang web với hàng nghìn cuốn sách nói, mà còn có trụ sở tại quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, để những người khiếm thị có thể đến giao lưu, học cách sử dụng điện thoại thông minh...
Hơn 200 năm kể từ lúc Nguyễn Công Trứ chiêu mộ dân nghèo đắp đê, bắt đầu cuộc lấn biển, từ đó đến nay, những người nông dân vùng đất ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển Thái Bình vẫn mang trọn khát vọng mở đất. Nhiều thế hệ kiên trì quai đê, lấn biển, không chấp nhận bữa đói bữa no trong mảnh đất đồng bằng ngày càng chật hẹp. Biển khơi ngày một lùi xa. Những làng xã mới nối nhau được lập thêm theo từng thập kỷ. Những bãi ngao, đầm tôm cận kề chân sóng.
Từ một nông dân trồng chuối xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch đã bao phen lao đao vì rớt giá, ông Lý Minh Hùng, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai quyết định “làm lại từ đầu” với cây chuối ở tuổi U50. Năm 2019, ông đứng ra
thành lập HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình. Xác định, muốn thành công phải đi đường dài, ông Lý Minh Hùng hướng HTX trồng trọt theo hướng hữu cơ, để xuất được chuối vào các thị trường cao cấp như Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu. Ông cũng là người tiên phong ở Đồng Nai nghiên cứu và tổ chức sản xuất thành công bẹ chuối sấy khô xuất khẩu. Từ đó, biến hàng tấn bẹ chuối bỏ đi trở thành tiền sau mỗi vụ thu hoạch.
“Không quan trọng là mình sống bao lâu. Quan trọng là mình sống sâu và có ý nghĩa như thế nào”. Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Ngọc Tâm, ở xã Yên Quang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Chắc chắn ít ai nghĩ rằng, ẩn sau khuôn mặt luôn tươi cười và rất hiền lành đó lại là một nghị lực phi thường vượt qua mọi nỗi đau bệnh tật từ căn bệnh xương thủy tinh. Đến nay, số lần gãy xương gấp nhiều lần số tuổi của chị, nhưng ngay từ bé, chị đã ham học và luôn mơ ước được đến trường.
GS.TS Nguyễn Văn Hiếu sinh năm 1972 tại Thừa Thiên Huế. Anh tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Twente, Hà Lan năm 2004. Về Việt Nam, anh tiếp tục nghiên cứu tại Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu . Đến thời điểm này, GS Nguyễn Văn Hiếu và nhóm nghiên cứu đã công bố được hơn 150 bài báo khoa học trên các tạp chí thuộc danh mục tạp chí ISI – thuộc Viện thông tin khoa học Hoa Kỳ (Institute for Scientific Information) – Đây là danh mục phân loại được thừa nhận và sử dụng rộng rãi khi bàn luận về chất lượng khoa học của các công trình nghiên cứu. Anh được đánh giá là 1 trong số các nhà khoa học trên thế giới có sức ảnh hưởng lớn với những trích dẫn thuộc top đầu Thế giới. Giờ đây GS.Nguyễn Văn Hiếu đang cống hiến sức lực và tâm huyết của mình cho công tác giảng dạy tại trường đại học Phenikaa.
Thưa quý vị và các bạn! Làm cha mẹ của một - hai đứa trẻ đã khó khăn, vất vả. Vậy mà có người đàn ông chưa từng lập gia đình lại có thể vừa làm cha, vừa làm mẹ của hàng trăm đứa trẻ. Người mà chúng tôi muốn nói đến chính là ông Đinh Minh Nhật ngụ thôn 1, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Công việc chính của ông là làm rẫy. Vậy nhưng hơn 16 năm qua, ông đã đi tìm và nhận nuôi nấng, chăm sóc tới 130 cháu là trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Ngoài các cháu đang ở nhà ông, thì còn có 13 cháu đang học đại học, cao đẳng ở TPHCM, Nha Trang, Đắk Lắk và 17 cháu đang đi học nghề. Với những việc làm ý nghĩa ông Đinh Minh Nhật đã trở thành 1 trong 10 cá nhân được vinh danh tại Lễ trao giải thưởng tình nguyện Quốc gia năm 2022 do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức. Chuyện đêm hôm nay mời quý vị và các bạn cùng nghe cuộc trò chuyện giữa BTV Xuân Ninh và ông Đinh Minh Nhật, người cha nuôi của mái ấm GiuSe, nơi thắp lên tương lai cho hàng trăm số phận trẻ thơ mồ côi, cơ nhỡ.
Nấm Hương Langbiang bản địa là món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho Khu Dự trữ sinh quyển Langbiang. Từ nơi sinh trưởng trong môi trường núi rừng nguyên sinh đến khi được phát hiện, nghiên cứu và thuần hóa nuôi trồng, theo dòng chảy giao thương đến bàn ăn là câu chuyện thú vị về loại nấm này. Người hình thành nên quá trình này, chính là Tiến sỹ Trương Bình Nguyên, giảng viên Trường Đại học Đà Lạt.
Xuất phát từ ý tưởng tham gia giải Cuộc thi phim ngắn: “Màn ảnh xanh” với chủ đề “Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững” do Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) tổ chức, dự án “Sở Thú Studio” ra đời vào tháng 12/2021 do 2 bạn trẻ, thế hệ Zen Z là Nguyễn Thị Minh Khuê và Lê Mẫn Nhi sáng lập. Là một “xưởng phim” nho nhỏ với những nhà làm phim trẻ, điểm chung là tất cả đều rất yêu phim hoạt hình, Sở Thú Studio mong muốn, không chỉ làm phim mà còn mang đến những tác phẩm “xanh” từ ý tưởng đến khâu sản xuất, từ hành động của mình để góp phần thay đổi môi trường tốt đẹp hơn.

Chương trình Toả sáng nghị lực Việt do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với các đơn vị khác tổ chức hàng năm đã tìm kiếm và tôn vinh nhiều thanh niên khuyết tật tiêu biểu, vượt qua nghịch cảnh bản thân để vươn lên trong cuộc sống, hoà nhập cộng đồng. Điều tuyệt vời nhất của Chương trình, các thanh niên khuyết tật không những là động lực, mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho những người cùng hoàn cảnh và cho cả những thanh niên không giống họ. Các thanh niên khuyết tật đã đến cuộc đời này với một sứ mệnh đặc biệt, trân trọng từng phút giây của cuộc sống, giữ vững quyết tâm, ý chí và nghị lực để vượt qua các giới hạn bình thường của bản thân, viết nên câu chuyện của cuộc đời theo cách riêng. Những mệt mỏi, những khiếm khuyết, những đớn đau, tổn thương trong cuộc sống sẽ không đủ để khuất phục họ. Sự quyết tâm và ý chí của họ là tính cách của những trái tim dũng cảm, không bao giờ lùi bước. Và trong Chuyện đêm hôm nay, tôi muốn nhắc đến chị Ngô Thị Bích Huyền - Hội viên Chi hội khu phố Suối Đá, Hội LHTN Việt nam phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài, Bình Phước, 1 trong 50 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu của cả nước được Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” 2022 vừa qua về nghị lực vượt khó của một người khuyết tật, làm nhiều việc thiện cho xã hội.
Cuốn tiểu thuyết “Hai kiếp phàm trần một kiếp tiên - Một kiếp phàm nhân một kiếp thượng thần” được hoàn thành khi Nguyệt Thượng Thanh Phong (tên thật là Nguyễn Minh Châu) bước vào tuổi 15. Ít ai nghĩ rằng cuốn tiểu thuyết ngôn tình huyền huyễn đặc sắc và cuốn hút này lại được Nguyệt Thượng Thanh Phong chắp bút từ năm 12 tuổi. Bằng một giọng văn tự nhiên, .tác giả nhỏ tuổi này đã mang đến cho tác phẩm sự lôi cuốn sinh động và người đọc có thể tự do liên tưởng, cảm nhận vấn đề qua những khoảng lặng, những tình huống gay cấn và đầy bất ngờ. Việc đặt tên cho các nhân vật chính theo các cung hoàng đạo cũng là điểm sáng tạo thú vị mà Nguyệt Thượng Thanh Phong mang đến cho người đọc, khiến tiểu thuyết như một cuốn từ điển tra cứu về các cung hoàng đạo, rất bắt “trend” của Gen-Z. Cùng trò chuyện với cây bút trẻ Nguyệt Thượng Thanh Phong (tên thật là Nguyễn Minh Châu) về những sự thú vị khi sáng tác cuốn tiểu thuyết này.
Tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2021 – 2022 vừa qua, Dương Thu Trang (sinh năm 2005) là người dân tộc H’Mông ở xã Thiêng Luông huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang cùng bạn là Nguyễn Minh Đức – học sinh Trường Hữu Nghị 80 đã xuất sắc giành Giải Nhất với dự án “Tháp cho cá ăn tự động”. Đặc biệt, tối 10/12, tại Hà Nội, Dương Thu Trang cũng là 1 trong số 142 học sinh, sinh viên được Ủy ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tuyên dương tại Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm 2022 với chủ đề “ Đường đến ước mơ”. Dương Thu Trang chia sẻ về quá trình vượt qua khó khăn, nỗ lực học tập để đạt được những thành quả của một học sinh dân tộc thiểu số.
Ca sỹ Hà Myo tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Hà, Á quân Giọng hát hay Hà Nội năm 2020 với bài xẩm kết hợp với rap và EDM mang tên “Xẩm chợ Đồng Xuân”. Từ đó, cô ca sỹ nhỏ bé này bắt đầu được chú ý như một cơn gió lạ của làng nhạc Việt. Giải thưởng Á quân giọng hát hay Hà Nội 2020 đã định hình phong cách của Ngọc Hà, để cô có thêm quyết tâm lan tỏa âm nhạc truyền thống đến giới trẻ.
Sau 2 năm thành công với hát Xẩm, đánh dấu tên tuổi của ca sỹ Hà Myo như “Xẩm Hà Nội”, “Xẩm 4 mùa hoa Hà Nội”..., mới đây, ca sỹ Hà Myo đã là người đầu tiên làm mới hát Xoan Phú Thọ trên nền nhạc điện tử kết hợp RAP với phần lời mới có tên: “Trò chơi í a Trời cho”. Chỉ sau 3 tuần ra mắt, MV “Trò chơi í a Trời cho” đã đạt mốc 1 triệu lượt view. Ca sỹ Hà Myo chia sẻ về niềm đam mê với âm nhạc dân gian của mình.