logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Áp lực với Tổng thống Pháp trước nguy cơ sụp đổ chính phủ (29/11/2024)

Chính phủ của Thủ tướng Pháp Michel Barnier đang tiếp tục bế tắc trong nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ nhằm thông qua Dự luật ngân sách năm 2025, thậm chí đứng trước nguy cơ sụp đổ. Không dừng lại ở đó, nhiều chính đảng còn đang gây sức ép, kêu gọi Tổng thống Emmanuel Macron - người được cho phải chịu trách nhiệm cho những bế tắc hiện nay, phải từ chức. Với những diễn biến “không lối thoát”, liệu tương lai chính phủ của Thủ tướng Barnier cũng như cá nhân Tổng thống Macron phải đối diện những kịch bản nào? Phóng viên Anh Tuấn - Thường trú Đài TNVN tại Pháp đề cập nội dung này.

Thoả thuận ngừng bắn Israel-Hezbollah: Di sản Trung Đông của Tổng thống Biden? (28/11/2024)

Sau nhiều động thái ngoại giao con thoi, Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron mới đây thông báo, Israel và và Liban cuối cùng đã chấp thuận đề xuất của Washington về một lệnh ngừng bắn giữa Israel và lực lượng Hezbollah tại Liban. Diễn biến này được kỳ vọng có thể chấm dứt gần 14 tháng giao tranh xuyên biên giới “tàn khốc” đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng.
Tuy nhiên theo giới quan sát, những nỗ lực để lại di sản cuối cùng với khu vực Trung Đông của chính quyền Tổng thống Giâu Bai-đừn chưa phải đã dễ dàng thực hiện, trước các diễn biến và tính toán khó lường của các bên!

Trung Quốc chuẩn bị gì trước viễn cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ? (27/11/2024)

Trung Quốc mới đây đã công bố hàng loạt biện pháp nhằm thúc đẩy thương mại. Đây là một phần trong những nỗ lực của nước này nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu và duy trì lợi thế cạnh tranh quốc tế, nhất là trong bối cảnh căng thẳng thương mại được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong nhiệm kỳ sắp tới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Với chính sách cứng rắn từng áp dụng trong nhiệm kỳ đầu, từ việc áp thuế cao đến hạn chế công nghệ, kịch bản về một “Thương chiến Mỹ- Trung phiên bản 2.0” là điều có thể xảy ra khi ông Donald Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng. Trước thách thức đó, Trung Quốc đang đẩy mạnh các biện pháp chiến lược để ứng phó. Vậy những kịch bản nào đang được Bắc Kinh dự liệu? PV Tuấn Đạt – thường trú Đài TNVN tại Trung Quốc phân tích vấn đề này.

Triển vọng lệnh ngừng bắn giữa Israel và Herbollah (26/11/2024)

Quá trình đàm phán về lệnh ngừng bắn giữa Israel và lực lượng Herbollah đang rất thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, khi những thông tin hậu trường cho thấy hai bên đang “tiến rất gần” tới một lệnh ngừng bắn. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh đã có hơn 3000 người thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel kể từ khi giao tranh giữa hai bên gia tăng từ hồi giữa tháng 9. Theo giới phân tích, cả Israel và Hezbollah cùng nhận thức được tính cấp thiết của một lệnh ngừng bắn ở thời điểm này. Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào để vượt được những bất đồng cốt lõi liên quan đến quá trình rút quân của Israel, sự hiện diện của quân đội Lebanon tại khu vực biên giới.

COP29 với kỳ vọng bước ngoặt về tài chính khí hậu (25/11/2024)

Đại diện gần 200 quốc gia tham gia Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu- COP29, tại Azerbạian vừa thông qua mục tiêu tài chính toàn cầu trị giá 300 tỷ đôla Mỹ mỗi năm để giúp các quốc gia nghèo hơn ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Cam kết này, cao hơn nhiều so với cam kết trước đó của các nước giàu là 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020. Sau hai tuần đàm phán căng thẳng, thỏa thuận mới về tài chính này được coi là một bước tiến để giúp các quốc gia đề ra những mục tiêu tham vọng hơn nhằm hạn chế hoặc cắt giảm lượng khí thải, sau khi thoả thuận cũ hết hạn vào đầu năm sau. Bên cạnh đó, các quốc gia cũng đã nhất trí về các quy tắc cho thị trường toàn cầu để mua và bán tín chỉ carbon, góp phần tăng thêm tài chính cho các dự án mới về chống biến đổi khí hậu. Những cam kết mới tại hội nghị COP29 lần này sẽ tác động ra sao tới cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu?

Ảnh hưởng của sắc lệnh phê duyệt học thuyết hạt nhân đã sửa đổi tới cuộc xung đột Nga-Ukraine trong bối cảnh cuộc xung đột này đang không ngừng leo thang (22/11/2024)

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký sắc lệnh phê duyệt học thuyết hạt nhân đã sửa đổi, cho phép hạ ngưỡng răn đe hạt nhân để đáp trả một loạt các cuộc tấn công thông thường. Động thái này của Nga đưa ra trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine đang không ngừng leo thang.
Với việc sửa đổi học thuyết hạt nhân, Nga đã gửi thông điệp cứng rắn tới Ukraine và các nước phương Tây về khả năng đáp trả đối với các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga. Trước đó, Mỹ và một số nước phương Tây đã “bật đèn xanh” cho Ukraine dùng tên lửa tầm xa của những nước này cung cấp để tấn công vào lãnh thổ của Nga. Vậy, nguyên nhân nào khiến Nga sửa đổi học thuyết hạt nhân giữa lúc "nước sôi lửa bỏng"?

Thiếu Mỹ, châu Âu có "gồng gánh" được Ukraine? (21/11/2024)

Ngoại trưởng Ngoại giao 6 quốc gia châu Âu là Đức, Pháp, Italia, Ba Lan, Anh và Tây Ban Nha vừa nhóm họp và đưa ra Tuyên bố chung: cam kết tiếp tục ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga; đồng thời khẳng định châu Âu sẵn sàng gánh vác gánh nặng viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine trong trường hợp Mỹ cắt giảm hỗ trợ sau quá trình chuyển giao quyền lực của Nhà Trắng. Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ là Donald Trump sẽ có cách tiếp cận khác biệt so với Tổng thống đương nhiệm Joe Biden khi ông tiếp quản Nhà trắng. Tuy vậy, liệu châu Âu với tiềm lực của mình có khả năng “lấp chỗ trống” của Mỹ khi mà từ trước tới nay Mỹ là quốc gia ủng hộ lớn nhất cho Ukraine?

Triển vọng khi Libang và Hecbola đồng ý đề xuất của Mỹ về lệnh ngừng bắn với Israel (20/11/2024)

Theo nguồn tin từ các quan chức cấp cao của Li-băng, nước này và lực lượng Hecbola đã đồng ý với đề xuất của Mỹ về lệnh ngừng bắn với Israel như một nỗ lực nghiêm túc nhất từ trước đến nay để hướng tới chấm dứt giao tranh. Theo đó, phía Li- băng đã gửi phản hồi bằng văn bản tới Đại sứ Mỹ tại nước này; đồng thời xác nhận, Đặc phái viên Nhà Trắng cũng đang trên đường tới thủ đô Bây-rút để tiếp tục đàm phán. Đi kèm với “cái gật đầu này” là một số “ý kiến bổ sung” của Li-băng và Héc-bô-la về thoả thuận. Và đáng nói là hiện phía Israel vẫn chưa đưa ra bình luận công khai nào về vấn đề này. Liệu trong bối cảnh các cuộc xung đột đang “tăng tốc chuyển mình” trước khi Nhà Trắng có chủ nhân mới, những tín hiệu mới tại Trung Đông báo hiệu tương lai nào cho khu vực? PV Bá Thi - Thường trú Đài TNVN tại Ai Cập theo dõi khu vực Trung Đông phân tích góc nhìn mới.

Mỹ “bật đèn xanh” nới lỏng hạn chế Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa và cục diện xung đột (19/11/2024)

Truyền thông Mỹ dẫn lời một số quan chức cấp cao của chính phủ cho biết, Tổng thống Joe Biden lần đầu tiên chấp thuận cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công vào lãnh thổ Nga. Thông tin này làm “nóng” các trang báo quốc tế trong 24 giờ qua. Nếu Nhà Trắng xác nhận, đây sẽ là sự đảo ngược chính sách đáng kể của Mỹ, bởi trước đó dù đã cung cấp cho Ukraine loại vũ khí này nhưng Washington vẫn hạn chế Ukraine sử dụng vì lo ngại phản ứng dữ dội từ phía Nga sẽ khiến xung đột leo thang mất kiểm soát. Báo chí châu Âu cũng thông tin, Anh và Pháp cũng có hành động tương tự như Mỹ. Việc Mỹ và đồng minh “bật đèn xanh” nới lỏng hạn chế Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa được cho sẽ tác động đáng kể đến các diễn biên xung đột Nga – Ukraine và quan hệ phương Tây với Nga.

Thượng đỉnh G20: Nỗ lực giải quyết những thách thức lớn toàn cầu (18/11/2024)

Hôm nay (18/11), phiên họp cấp cao Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 19 chính thức khai mạc. Với chủ đề “Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững”, phiên họp cấp cao này sẽ tập trung thảo luận ba vấn đề chính: cuộc chiến chống đói nghèo, bất bình đẳng; ba khía cạnh của phát triển bền vững (kinh tế, xã hội và môi trường) và cải cách quản trị toàn cầu. Đáng chú ý, phiên họp này có sự tham gia của các nhà Lãnh đạo các thành viên chính thức G20, nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ của 19 nước khách mời và lãnh đạo 15 tổ chức quốc tế chủ chốt trên toàn thế giới. Nhận lời mời của Tổng thống Brazil Lula - Da Silva và phu nhân, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính, phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao đã tới Brazil tham dự hội nghị. Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ truyền tải thông điệp về một Việt Nam năng động, đổi mới, sẵn sàng chung vai gánh vác những trách nhiệm toàn cầu; đóng góp chủ động, tích cực, trách nhiệm vào các vấn đề then chốt và cấp bách của thế giới. BTV Hồ Điệp thông tin về phiên họp cấp cao Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil.

Chính trường nước Mỹ khi Đảng Cộng hòa kiểm soát các nhánh quyền lực (15/11/2024)

Theo xác nhận của truyền thông Mỹ, đảng Cộng hòa đã giành quyền kiểm soát Hạ viện sau cuộc bầu cử hôm 5/11 vừa qua. Như vậy, khép lại mùa bầu cử 2024, đảng Cộng hòa đã giành chiến thắng ngoạn mục khi kiểm soát được cả Thượng viện lẫn Hạ viện, chiếm nhiều ghế hơn trong cuộc đua tranh Thống đốc, đồng thời ứng cử viên của đảng này, ông Donald Trump cũng giành chiến thắng vang dội trên đường đua vào Nhà Trắng. Kết quả này không chỉ thể hiện chiến thắng của đảng Cộng hòa trong việc thu hút cử tri, mà còn cho thấy những thay đổi trong lòng xã hội Mỹ. Vấn đề quốc tế hôm nay sẽ phân tích những yếu tố giúp Đảng Cộng hòa đạt được thành công và tác động của chiến thắng này đến các chương trình nghị sự của nước Mỹ trong 4 năm tới, qua cuộc trao đổi của BTV Thanh Huyền với nhà báo Phạm Phú Phúc – nhà quan sát các vấn đề quốc tế.

Nhận diện chính quyền Donald Trump 2.0 qua những vị trí nhân sự đầu tiên (14/11/2024)

Ngay sau khi trở thành Tổng thống đắc cử, ông Donald Trump đã ngay lập tức bắt tay vào xây dựng bộ máy chính quyền mới bằng việc đề cử nhân sự vào nhiều vị trí quan trọng. Khác với nhiệm kỳ đầu tiên khi bản thân ông Donald Trump chưa có sự chuẩn bị cho việc trở thành Tổng thống của nước Mỹ, lần này, việc trở lại Nhà Trắng đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, vì thế việc bổ nhiệm những vị trí nhân sự đầu tiên của ông Donald Trump đã diễn ra khá nhanh chóng. Có thể thấy, những gương mặt được đề cử đều là các trợ lý và đồng minh từng ủng hộ ông Donald Trump mạnh mẽ nhất trong chiến dịch tranh cử vừa qua như bà Elise Stefanik làm đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, Susie Wiles làm Chánh văn phòng Nhà Trắng, Mike Waltz (Maik Goan) làm Cố vấn An ninh quốc gia… Giới phân tích nhận định những gương mặt đầu tiên trong bộ máy của ông Donald Trump hé lộ cách tiếp cận cứng rắn trong hàng loạt vấn đề như quan hệ Mỹ - Trung, kiểm soát dòng người di cư…

Anh-Pháp bắt tay tìm giải pháp ứng phó “kế hoạch Ucraina” của ông Donald Trump” (13/11/2024)

Thủ tướng Anh Keir Starmer đang có chuyến thăm Pháp dự lễ kỷ niệm Ngày đình chiến ở Pari; là động thái mang tính biểu tượng khi ông Starmer trở thành nhà lãnh đạo Anh đầu tiên dự sự kiện kỷ niệm quốc gia của Pháp kể từ năm 1944. Chuyến công du được cho cũng nhằm thể hiện sự đoàn kết của châu Âu – chỉ vài ngày sau khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ. Theo giới quan sát, chuyến thăm được đánh giá là cơ hội quan trọng đối với Pháp và Anh - hai cường quốc châu Âu hàng đầu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong bối cảnh nhiều câu hỏi đang đặt ra về cách ứng xử của ông Trăm dành cho liên minh xuyên Đại Tây Dương cũng như Ucraina khi trở lại Nhà Trắng. Góc nhìn của PV Anh Tuấn - Thường trú Đài TNVN tại Pháp phân tích rõ hơn vấn đề này.

Thế bấp bênh trong chính phủ mới của Nhật Bản (12/11/2024)

Lần thứ 2 sau chưa đầy một tháng rưỡi, Quốc hội Nhật Bản bỏ phiếu bầu Thủ tướng. Và lần này ông Shigeru Ishiba một lần nữa tái đắc cử trong một cuộc bỏ phiếu đầy khó khăn. Sự kiện này diễn ra sau cuộc bầu cử Hạ viện hồi cuối tháng 10 dẫn đến việc liên minh cầm quyền mất thế đa số trong quốc hội.
Dù chiến thắng song ông Ishiba sẽ phải dẫn dắt một chính phủ thiểu số, và rất có thể sẽ đối diện nhiều khó khăn trước quốc hội hơn so với những đời thủ tướng tiền nhiệm.

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Indonesia nhằm tăng cường vị thế trên trường quốc tế (11/11/2024)

Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto đang có chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền. Trong chuyến công du kéo dài khoảng 2 tuần, Tổng thống Subianto tới thăm Trung Quốc, Mỹ, Pê-ru, Brazil và Anh.
Với cam kết tuân thủ chính sách đối ngoại không liên kết truyền thống của Indonesia, các hoạt động ngoại giao tích cực của tân Tổng thống Indonesia cho thấy, ý định theo đuổi vai trò tích cực của ông trên trường quốc tế. Việc lựa chọn đi thăm Trung Quốc và Mỹ trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên cũng một lần nữa khẳng định chính sách không liên kết và nỗ lực cân bằng quan hệ giữa các cường quốc của tân Tổng thống Subianto.

Mâu thuẫn nội bộ gia tăng - Chính trường Đức rơi vào bế tắc (08/11/2024)

Sau cuộc họp kéo dài vừa diễn ra tại Phủ Thủ tướng, đại diện của 3 đảng tạo nên chính phủ trung tả của Đức đã tan rã, trong bối cảnh Thủ tướng Olaf Scholz đang phải đối mặt với bất ổn chính trị trong nước, nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) rơi vào suy thoái và tình hình thế giới diễn biến phức tạp. Theo đó, đại diện 3 đảng trong liên minh cầm quyền “đèn giao thông” gồm Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz, đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh đã tranh cãi nhiều vấn đề, đặc biệt liên quan đến các đề xuất cải cách kinh tế. Đỉnh điểm là Thủ tướng đã sa thải Bộ trưởng Tài chính do khác biệt về quan điểm. Những diễn biến này báo hiệu kịch bản nào do chính trường Đức những ngày tới?

Chiến thắng của ông Donald Trump định hình tương lai nước Mỹ (7/11/2024)

Đối với các cử tri ủng hộ ông Donald Trump thực sự là khoảng thời gian tràn ngập hân hoan, khi ông Trăm giành chiến thắng thuyết phục, vượt qua đối thủ của mình ở tất cả 7 bang chiến trường. Dư luận Mỹ đang đặt nhiều kỳ vọng vào vị tổng thống thứ 47 và cách thức ông Trump sẽ vận hành đất nước để đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại như ông tuyên bố. Và câu hỏi đặt ra là chính sách của chính quyền Donald Trump phiên bản 2.0 sẽ như thế nào? Chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế Phạm Phú Phúc cùng bàn luận câu chuyện này.

Tuyên bố lập kỷ lục mới trong năng lực tên lửa, Triều Tiên gửi thông điệp gì? (4/11/2024)

Tuần qua, bán đảo Triều Tiên một lần nữa tăng nhiệt khi CHDCND Triều Tiên xác nhận, nước này đã tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Trong khi Triều Tiên tuyên bố, vụ phóng đã xác lập kỷ lục mới trong năng lực tên lửa; thì phía Nhật Bản cũng cho rằng, đây là loại tên lửa có thời gian bay lâu hơn bất kỳ tên lửa nào được thử nghiệm trước đây của Bình Nhưỡng.
Diễn ra trong bối cảnh Mỹ và các nước phương Tây cáo buộc Triều Tiên đưa hàng nghìn quân tới Nga; đồng thời chỉ ít ngày trước cuộc bầu cử tại Mỹ; vụ phóng tên lửa của Triều Tiên muốn gửi thông điệp gì? Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là TS.Phan Cao Nhật Anh - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Pháp hàn gắn quan hệ với Maroco (01/11/2024)

Tổng thống Pháp vừa có chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Maroco. Chuyến thăm nhằm hàn gắn mối quan hệ giữa Pháp với quốc gia Bắc Phi sau nhiều năm căng thẳng. Trong khuôn khổ chuyến thăm Maroco của Tổng thống Pháp, hai nước đã ký các hợp đồng và thỏa thuận đầu tư với tổng giá trị lên đến 10 tỷ EURO. Trong bối cảnh Maroco đang có tiềm năng "trở thành trung tâm giữa châu Âu và châu Phi", không chỉ về mặt chiến lược mà còn về mặt cơ sở hạ tầng, đặc biệt là về năng lượng, việc Pháp nỗ lực cải thiện quan hệ với nước này sẽ đem lại những cơ hội hợp tác mới nào cho hợp tác song phương và sự ổn định của khu vực?

Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ so kè trong chặng nước rút (31/10/2024)

Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là đến thời khắc quyết định của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay, và đến thời điểm này, hai ứng cử viên là Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (Ka-ma-la Ha-rít) và ông Donald Trump (Đô-nan Trăm) vẫn đang so kè từng điểm số ủng hộ. Trong những ngày vận động tranh cử cuối cùng, cả hai nỗ lực chinh phục những cử tri còn đang lưỡng lự, đặc biệt là tại 7 bang chiến trường.
Trong cuộc bầu cử năm nay, mặc dù bà Kamala Harris xuất phát muộn hơn ông Donald Trump rất nhiều, nhưng bà đã có sự “tăng tốc” ngoạn mục, thậm chí vượt lên dẫn trước trong nhiều cuộc thăm dò dư luận. Trong khi đó, ông Donald Trump sau thời gian lúng túng bởi sự kiện thay thế ứng cử viên của đảng Dân chủ đã dần lấy lại nhịp độ.

Israel cấm cơ quan cứu trợ của Liên Hợp Quốc hoạt động: Nguyên nhân và hệ lụy (30/10/2024)

Trong lúc xung đột Dải Gaza kéo dài hơn 1 năm qua chưa kết thúc kéo theo những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, diễn biến mới khiến thế giới lo ngại là 2 luật vừa được Israel thông qua. Theo đó, Israel cấm Cơ quan cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp ở nước này. Bên cạnh đó Israel cũng liệt cơ quan này vào danh sách “tổ chức khủng bố”. Cộng đồng quốc tế phản đối động thái này của Israel, đồng thời bày tỏ lo ngại hai luật mới của Israel sẽ làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo ở Gaza vốn đã rất thảm khốc. Quyết định của Israel đang và sẽ gây ra những hậu quả như thế nào? Đại sứ Nguyễn Quang Khai – nhà quan sát các vấn đề quốc tế phân tích rõ hơn vấn đề này.

Thách thức với liên minh cầm quyền Nhật Bản khi chính thức mất ghế đa số tại Quốc hội (29/10/2024)

Sau cuộc tổng tuyển cử đầy khó khăn vừa qua, Liên minh cầm quyền ở Nhật Bản gồm đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đảng Công Minh đã chính thức mất thế đa số, khi chỉ giành được tổng cộng 215 trong tổng số 465 ghế tại Hạ viện - không đạt được mục tiêu 233 ghế và thấp hơn nhiều so với nhiệm kỳ trước. Trong tuyên bố của mình, Thủ tướng Nhật Bản Shigere Ishiba mô tả kết quả bầu cử là khó khăn và thừa nhận liên minh cầm quyền sẽ đối diện vô vàn thách thức.

Đối đầu Ấn Độ-Trung Quốc: Liệu đã thực sự tan băng? (28/10/2028)

Từ góc nhìn của một nhà phân tích Ấn Độ. Hai nước Ấn Độ và Trung Quốc bắt đầu rút quân khỏi các khu vực tranh chấp ở biên giới. Trước đó, Thủ tướng Ấn Độ Na-ren-đra Mô-đi đã có cuộc gặp song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 16 Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) tại Nga.
Bình luận về sự kiện này, Viện Nghiên cứu quốc tế Lowy cho rằng “ Thỏa thuận mới nhất giữa hai bên là một bước tiến” trong bối cảnh căng thẳng liên tục gia tăng từ năm 2020. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tính khả thi và bền vững của Thỏa thuận này, sau những bước tiến vừa qua. Giáo sư Srikanth Kondapalli, nhà nghiên cứu về Trung Quốc, Trung tâm Nghiên cứu Đông Á, Trường Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Jawaharlal Nehru, Ấn Độ sẽ phân tích kỹ hơn về điều này

Bầu cử Mỹ 2024 với chặng đua nước rút (25/10/2024)

Trong những ngày cuối cùng của chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng 2024, hai ứng viên Tổng thống Mỹ là cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đang nỗ lực không ngừng để giành được lá phiếu tại các bang chiến địa. Đây được xem là mùa bầu cử kịch tính nhất trong lịch sử hiện đại nước Mỹ với kết quả được dự báo sẽ rất sít sao giữa hai ứng cử viên.
Trong khi đó, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay chứng kiến số lượng cử tri đi bỏ phiếu sớm tăng cao với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sớm đang phá vỡ kỷ lục ở các tiểu bang dao động như Georgia và Bắc Carolina. Ứng cử viên nào đang giành ưu thế trong chặng đua nước rút? Và việc tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sớm tăng kỷ lục trong năm nay cho thấy điều gì?

“Cái bắt tay” Đức - Ấn và sự thay đổi trong thế giới đa cực (24/10/2024)

Cùng với nhiều sự kiện ngoại giao quốc tế đang diễn ra, chuyến thăm Ấn Đô của Thủ tướng Đức Olaf Scholz bắt đầu từ hôm nay cũng là một thông tin gây chú ý với truyền thông Á-Âu. Chuyến đi kéo dài 3 ngày của nhà lãnh đạo Đức nhằm làm sâu sắc thêm sự gắn kết giữa hai quốc gia ở hai lục địa Âu – Á trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, chủ đề chia sẻ công nghệ quân sự để thúc đẩy an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có khả năng sẽ nằm trong chương trình nghị sự chuyến thăm trong bối cảnh Đức đang điều chỉnh mức độ và mô hình hợp tác với Ấn Độ. Xét về quy mô kinh tế và vị thế chính trị, cả Đức và Ấn Độ đều có vai trò quan trọng ở hai châu lục, vì vậy bất cứ sự điều chỉnh chính sách nào cũng mang những ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh thế giới vận động theo hướng đa cực. PV Anh Tuấn – thường trú tại Pháp, theo dõi khu vực Tây Âu và PV Phan Tùng tại Ấn Độ cùng phân tích ván đề này.

Triển vọng kém sáng sủa cho nền kinh tế thế giới và những giải pháp (23/10/2024)

Bất ổn chính trị, xung đột leo thang, kinh tế tăng trưởng chậm do áp lực lạm phát, nợ công các chính phủ tăng nhanh và tác động cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ” – đây là những vấn đề đang phủ bóng Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới diễn ra tại thủ đô Wáhington, Mỹ. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và thách thức như vậy, những dự báo, triển vọng nào cho nền kinh tế thế giới, khi Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cũng đã đưa ra cảnh báo về một tương lai khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu trong trung hạn.

Hội nghị Thượng đỉnh BRICS thúc đẩy chủ nghĩa đa phương (22/10/2024)

Hôm nay, Hội nghị thượng đỉnh khối BRICS sẽ khai mạc ở Kazan, Nga. Diễn ra trong 3 ngày với hàng nghìn đại biểu, trong đó có nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao của các nước thành viên và một số quốc gia khách mời, hội nghị sẽ tập trung trao đổi về hợp tác giữa các nước BRICS và Nam bán cầu trong việc giải quyết các vấn đề của chương trình nghị sự quốc tế - những vấn đề rất quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng phức tạp, đòi hỏi các quốc gia phải tăng cường phối hợp để ứng phó hiệu quả. Trước thềm hội nghị, nước chủ nhà Nga thông báo vấn đề Ukraine không nằm trong chương trình nghị sự, thay vào đó, các nước tham gia có thể tự quyết định đưa vấn đề này ra thảo luận song phương hoặc đa phương bên lề hội nghị. Đây là chi tiết được dư luận quan tâm, bởi cách tiếp cận của Nga rất khác so với cách tiếp cận của châu Âu và phương Tây thời gian gần đây.

Hội nghị lần đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng các nước G7: Những lo ngại của phương Tây trước những thách toàn cầu (21/10/2024)

Bộ trưởng Quốc phòng các nước thuộc Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã nhóm họp tại thành phố Napoli, Italia để thảo luận tình hình căng thẳng hiện nay tại Trung Đông cũng như xung đột tại Ucraina. Đây là lần đầu tiên G7 tổ chức một hội nghị cấp bộ trưởng tập trung vào lĩnh vực quốc phòng. Tham dự hội nghị ngoài các thành viên của nhóm G7, còn có sự tham dự của các đại diện Liên minh châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Trung Đông và cuộc xung đột Nga-Ucraina chưa có dấu hiệu dừng lại, hội nghị lần đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng các nước G7 cho thấy những lo ngại gì của phương Tây trước những thách toàn cầu? Phóng viên Anh Tuấn, thường trú Đài TNVN tại Pháp, theo dõi khu vực châu Âu phân tích những nội dung đáng chú ý tại Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của nhóm G7.

Căng thẳng ngoại giao Canada - Ấn Độ (18/10/2024)

Xích mích ngoại giao âm ỉ từ lâu giữa Ấn Độ và Canada đã bùng trở lại. Trong khi Canada đã trục xuất sáu nhà ngoại giao Ấn Độ hồi đầu tuần này với cáo buộc những người này có liên quan đến vụ giết một nhà lãnh đạo ly khai người Canada gốc Xích hồi năm ngoái, phía Ấn Độ cũng đã có biện pháp đáp trả khi ra lệnh trục xuất sáu nhà ngoại giao Canada. Trong bối cảnh, phương Tây và Mỹ đang cố gắng thắt chặt hơn quan hệ với Ấn Độ, những rạn nứt lớn trong quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Canada tác động ra sao tới các nỗ lực này của phương Tây?

Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tập trung các điểm nóng xung đột (17/10/2024)

Hôm nay, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) khai mạc tại Thủ đô Brussels của Bỉ. Diễn ra trong 2 ngày – hôm nay và ngày mai, hội nghị sẽ thảo luận nhiều vấn đề quan trọng như tăng cường sức cạnh tranh của EU để thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống của người dân châu lục, xử lý vấn đề di cư, biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học… Tuy nhiên, trọng tâm dự kiến chiếm nhiều thời gian thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh EU lần này là các điểm nóng xung đột, khi cả hai điểm nóng hiện tại là Ukraine (Ucraina) và Trung Đông đều đang có những diễn biến nguy hiểm, bất chấp lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế về hạ nhiệt căng thẳng. Trong đó, điểm nóng “sát sườn” nhất với EU dự kiến sẽ tiến tới một thời điểm quan trọng với nhiều biến số, đó là mùa đông khắc nghiệt và kết quả khó đoán định của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h20-05h50 Mùa vàng
06h28-06h30 Quảng cáo
10h55-11h00 Quảng cáo
11h05-11h50 Khởi nghiệp
11h50-11h59 Quảng cáo
12h57-13h00 Quảng cáo
14h50-15h00 Câu chuyện QT
15h00-15h15 Bản tin TS
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 Alo VOV1
16h00-17h00 Theo dòng TS
18h57-19h00 Quảng cáo
19h00-19h05 Bản tin TS
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
00h00-04h45 Nhập hệ VOV3
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: