logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Ngoại trưởng Mỹ trấn an các quốc gia Đông Âu trước những bước tiến của Nga tại Ukraine (29/5/2024)

Ngoại trưởng Mỹ Antoni Blinken đang có chuyến công du kéo dài 4 ngày tới Đông Âu với các chặng dừng chân là Moldova và Cộng hòa Séc. Điểm chung trong cuộc gặp của ông Blinken với giới chức các nước Đông Âu là khẳng định sự cam kết của Mỹ đối với an ninh các quốc gia này trong bối cảnh những bước tiến của Nga trong cuộc xung đột với Ucraina ngày càng gây nhiều lo ngại. Cùng với những thỏa thuận mang tính song phương, lịch trình đáng chú ý của ông Blinken là Hội nghị Ngoại trưởng NATO diễn ra tại Praha (CH Séc) hôm nay và ngày mai. Đây là hội nghị lớn cuối cùng trước thềm Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập NATO tại Mỹ vào tháng 7 tới – nơi vấn đề xác lập quan hệ giữa Ucraina với NATO sẽ được dư luận quốc tế cũng như các nước Đông Âu đặc biệt quan tâm. Phóng viên Hải Đăng, thường trú Đài TNVN tại Cộng hòa Séc, theo dõi khu vực Đông Âu sẽ phân tích rõ hơn những thông điệp mà Mỹ gửi tới các nước Đông Âu trong chuyến công du này.

Pháp - Đức hâm nóng quan hệ đồng minh vì tương lai châu Âu (28/05/2024)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang có chuyến thăm Đức 3 ngày nhằm khẳng định sự bền chặt cũng như hâm nóng mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu châu Âu. Dù thường xuyên thăm viếng lẫn nhau nhưng đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của một Tổng thống Pháp đến Đức trong vòng 24 năm qua.

Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, tạo động lực mới cho hợp tác 3 bên (27/5/2024)

Hôm nay, tại Seoul, Hàn Quốc, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên sau hơn 4 năm căng thẳng. Hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ đánh dấu bước ngoặt, góp phần khôi phục và bình thường hóa hoàn toàn hệ thống hợp tác ba bên, tạo cơ hội để phục hồi động lực hợp tác thực chất. Việc nối lại hội nghị thượng đỉnh 3 bên sau vài năm căng thẳng được đánh giá là một bước đi tích cực. Vậy, chính phủ các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ mong chờ gì từ hội nghị thượng đỉnh 3 bên lần này?

Bạo loạn nghiêm trọng tại New Caledonia - Thách thức lớn với chính quyền Pháp (24/5/2024)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa có chuyến thăm bất ngờ tới vùng lãnh thổ New Caledonia của nước này ở Thái Bình Dương. Chuyến công du nhằm xoa dịu tình hình tại đây sau gần 10 ngày xảy ra bạo loạn, khiến ít nhất 6 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Việc Tổng thống Macron bất ngờ quyết định bay tới quần đảo phía Tây Nam Thái Bình Dương, cách đất liền nước Pháp khoảng 17.000 km là dấu hiệu cho thấy, Paris đánh giá tình hình ở khu vực này đang ở mức độ nghiêm trọng, cần giải quyết triệt để tránh những tác động tiêu cực không đáng có.

Trung Đông với nỗ lực bình thường hóa quan hệ Israel - Saudi Arabia (23/05/2024)

Trong bối cảnh xung đột giữa Israel và lực lượng Ha-mát chưa có dấu hiệu dừng lại, chính phủ Israel với sự hỗ trợ tích cực từ đồng mình Mỹ, đang tìm cách cải thiện quan hệ với các nước Arab, trong đó có Saudi Arabia. Đại sứ Mỹ tại Israel Giắc Liu mới đây khẳng định, việc thiết lập mối quan hệ chính thức giữa Israel và Saudi Arabia như một phần của thỏa thuận ba bên với Mỹ sẽ gắn chặt tới hòa bình ở Gaza cũng như vấn đề kiểm soát khu vực này của Palestin.

Công nhận nhà nước Palestine độc lập liệu sẽ tác động đến quan điểm của phần còn lại trong Liên minh Châu Âu EU như thế nào? (22/5/2024)

Những cuộc thảo luận hoàn toàn mới về vấn đề Palestine hiện đang thu hút sự quan tâm trên toàn thế giới. Không chỉ ở các quốc gia đang phát triển ở Nam bán cầu, mà nhiều nước châu Âu cũng có dấu hiệu thay đổi chính sách, công nhận Nhà nước Palestine độc lập. Tây Ban Nha, Ailen, Xlovenia và Manta là những thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẵn sàng công nhận nhà nước Palestine độc lập và dự kiến sẽ có một sự công nhận chung trước ngày 31/5. Sự thay đổi lập trường của một số nước châu Âu mang tính biểu tượng chính trị quan trọng nhưng liệu nó sẽ có tác động đến quan điểm của phần còn lại trong EU như thế nào? Nhà báo Phạm Phú Phúc – nhà quan sát các vấn đề quốc tế làm rõ hơn khía cạnh này.

“Tổng thống Iran qua đời: Cú sốc đối với Iran và toàn Trung Đông” (21/05/2024)

Sau những nỗ lực tìm kiếm bất thành, truyền thông và giới chức Iran đã chính thức xác nhận Tổng thống nước này Ebrahim Raisi, Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahhian đã tử nạn trong sự cố rơi máy bay vào chiều ngày 19/5 tại khu vực rừng núi giáp biên giới Azerbaijan. Sự ra đi của của ông Raisi là một cú sốc lớn với Iran và Trung Đông trong bối cảnh nội bộ Iran cũng như khu vực đang chứng kiến những biến động chính trị lớn.

Mức độ leo thang căng thẳng trong mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Israel (20/5/2024)

Israen vừa tuyên bố hủy bỏ Hiệp định Thương mại tự do với Thổ Nhĩ Kỳ và áp thuế 100% đối với hàng nhập khẩu của nước này. Đây được xem là hành động nhằm trả đũa việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định đình chỉ tất cả các hoạt động giao thương với Israen từ hôm 2/5, với lý do chiến dịch quân sự của Israel gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng nghiêm trọng ở Dải Gaza. Có thể thấy rằng, những quyết định gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ và Israen đã chứng minh rằng, những căng thẳng chính trị tác động đến quan hệ kinh tế là điều không thể tránh khỏi. Vậy hệ lụy của nó là như thế nào?

Hiệp ước mới về di cư và tị nạn của EU: Thách thức vẫn ở phía trước (17/05/2024)

Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã đánh dấu một cột mốc quan trọng khi phê chuẩn Hiệp ước về di cư và tị nạn mới. Đây là chương trình cải cách toàn diện đối với chính sách tị nạn và nhập cư, nhằm giải quyết những thách thức lâu dài đã cản trở hệ thống xử lý vấn đề tị nạn của khối, đặc biệt là kể từ cuộc khủng hoảng di cư năm 2015.

Nga-Trung hướng tới quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược chặt chẽ hơn trong thời đại mới (16/5/2024)

Bắt đầu từ hôm nay 16/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm Trung Quốc trong 2 ngày, theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong nhiệm kỳ mới của Nhà lãnh đạo Nga, nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đồng thời nhấn mạnh vị trí của Bắc Kinh trong chiến lược ngoại giao của Moscow
- Dù tuyên bố đây là quan hệ đối tác “không giới hạn”, rằng Nga-Trung đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nhưng có thực tế, hai bên vẫn tồn tại những lợi ích khác biệt về chính trị, kinh tế không dễ dung hoà. Liệu những vấn đề này sẽ chi phối chuyến thăm lần này ra sao?

Singapore bước vào thời kỳ của ‘thế hệ lãnh đạo thứ tư " (15/5/2024)

Sau khi đệ đơn từ chức ngày 13/5, hôm nay 15/05, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và chính phủ của mình sẽ chấm dứt nhiệm kỳ và chuyển giao vị trí Thủ tướng cho người kế nhiệm Lawrence Wong. Sau khi từ nhiệm, Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ ở lại Nội các với tư cách là Bộ trưởng cấp cao và vẫn giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu, Đổi mới và Doanh nghiệp. Ông Lawrence Wong sẽ tuyên thệ nhậm chức vào lúc 20 giờ tối nay (theo giờ địa phương), chính thức trở thành Thủ tướng thế hệ thứ tư của Singapore và sẽ thành lập nội các mới. Trải qua 3 đời Thủ tướng trước đó, Singapore đã có giai đoạn phát triển rất thịnh vượng và hiện là quốc gia giàu có nhất châu Á xét theo thu nhập tính trên đầu người, là trung tâm tài chính lớn nằm ngay giao lộ thương mại toàn cầu. Việc duy trì vị thế này cũng chính là một trong những thách thức lớn nhất của tân Thủ tướng Lawrence Wong. Phóng viên Ngọc Diệp, thường trú Đài TNVN tại Singapore phân tích cụ thể hơn vấn đề này.

Hàn Quốc, Trung Quốc hướng tới giai đoạn mới trong quan hệ song phương (14/5/2024)

Một trong những hoạt động ngoại giao đáng chú ý ở khu vực là chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Hàn Quốc Cho Tae-yul. Đây là lần đầu tiên sau 6 năm, một nhà ngoại giao hàng đầu Hàn Quốc thăm Trung Quốc trong bối cảnh Hàn Quốc đang tìm cách cải thiện mối quan hệ với quốc gia láng giềng, đối tác thương mại lớn nhất của nước này và là nước đóng vai trò chủ chốt trong ngoại giao hạt nhân với Triều Tiên. Một nội dung quan trọng khác là thảo luận và sắp xếp cho hội nghị thượng đỉnh ba bên gồm Hàn Quốc – Nhật Bản – Trung Quốc dự kiến diễn ra cuối tháng này cũng là ưu tiên hàng đầu trong chuyến đi của Ngoại trưởng Hàn Quốc.

Những hệ lụy nguy hiểm khi Israel tiếp tục gia tăng cường độ tấn công vào thành phố Rafah, dải Gaza (13/5/2024)

Bất chấp sức ép mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, Israel vẫn quyết định mở rộng chiến dịch tấn công bộ binh quy mô lớn nhất vào thành phố Rafah đông dân cư ở phía Nam dải Gaza, được cho là thành trì cuối cùng của Hamas với hơn 1,4 triệu người tị nạn. Các nguồn tin cho biết khoảng 300.000 người Palestine đã rời khỏi thành phố Rafah đi lánh nạn. Dư luận lo ngại cuộc tấn công sẽ gây ra thảm họa nhân đạo tồi tệ cùng nhiều hệ lụy phức tạp khó lường với an ninh toàn khu vực Trung Đông. Như vậy, chiến dịch trả đũa của Israel từ sau ngày 7/10 năm ngoái tới nay đã làm ít nhất gần 35 nghìn người Palestine, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, thiệt mạng. Hiện, các nỗ lực ngoại giao đang được thúc đẩy nhằm nối lại đàm phán ngừng bắn và trao đổi con tin giữa Israel và lực lượng Hamas tại Doha, Qatar. Tuy nhiên, Trung Đông đang phải đối mặt với những hệ lụy nguy hiểm sau các chiến dịch trả đũa của Israel.

Căng thẳng Nga-phương Tây và chiến lược đối ngoại của Tổng thống Putin (10/5/2024)

Căng thẳng ngoại giao giữa Nga với các nước phương Tây đang có xu hướng leo thang đáng ngại với loạt động thái, phát ngôn cứng rắn từ hai bên. Trong khi Nga triệu tập Đại sứ Anh và Pháp để phản đối những phát biểu làm gia tăng căng thẳng xung đột tại Ucraina, thì Đức cũng đã triệu hồi Đại sứ nước này ở Nga về nước liên quan đến chiến dịch tấn công gián điệp qua mạng. Mặc dù những phát biểu công kích, trục xuất ngoại giao lẫn nhau hay cấm vận kinh tế khiến quan hệ giữa Nga và phương Tây ngày càng diễn tiến theo chiều hướng xấu, nhưng bất chấp điều này, Nga cũng đã nhiều lần khẳng định, luôn muốn đối thoại với các nước phương Tây trên cơ sở bình đẳng. Và trong lễ tuyên thệ nhậm chức hồi giữa tuần này, Tổng thống Nga Putin đã một lần nữa nhắc lại điều này. Vậy, trong nhiệm kỳ mới, Tổng thống Nga Putin sẽ có những ưu tiên gì trong chính sách đối ngoại và những cải cách này tác động thế nào tới phương Tây?

Thúc đẩy hợp tác bền vững Mỹ - Châu Phi (09/05/2024)

Thời gian gần đây, châu Phi chứng kiến sự cạnh tranh rất gay gắt giữa các cường quốc nhằm gia tăng ảnh hưởng của khu vực. Trong cuộc cạnh tranh này, các quốc gia đều sẵn sàng đổ những khoản đầu tư khổng lồ với chương trình nghị sự ưu tiên là thúc đẩy kinh tế, chống nghèo đói hay ứng phó với biến đổi khí hậu... Nhưng lợi ích mà các quốc gia hướng đến đằng sau những chương trình hợp tác này không đơn thuần là kinh tế mà còn là vị thế chiến lược về địa chính trị.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

5h00-5h10 Rao sóng
5h20-5h50 Mùa vàng
5h50-5h55 Quảng cáo
6h28-6h30 Quảng cáo
10h25-10h30 Quảng cáo
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
12h57-13h00 Quảng cáo
13h20-13h25 Quảng cáo
15h15-15h20 Quảng cáo
15h55-16h00 Quảng cáo
16h00-17h00 Theo dòng TS
17h50-17h59 Quảng cáo
18h57-19h00 Quảng cáo
19h00-19h05 Bản tin TS
19h05-19h10 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
22h00-23h00 Thức cùng VOV
23h10-23h15 Rao sóng
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: