logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Tâm thức biển ở Lý Sơn (19/07/2024)

Giữa biển cả mênh mông, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi luôn vững chãi, hiên ngang. Không chỉ là nơi lưu giữ những bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Tổ quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, mà Lý Sơn còn là một bảo tàng văn hóa biển đảo sống động, nơi có những con người giàu lòng quả cảm. Đất và người Lý Sơn qua bao đời vẫn vậy, mang trong mình tình yêu biển, đảo của Tổ quốc, hiển hiện trong tâm thức, đời sống tín ngưỡng và cuộc sống thường nhật.

Chuyện về những người “lưu giữ ánh sáng” (12/07/2024)

2 lần được ghép giác mạc cho mắt trái và mắt phải, chị Tô Thị Thắm ở Yên Khánh, Ninh Bình luôn biết ơn người hiến giác mạc và các y, bác sĩ thực hiện thành công ca ghép. Mãi sau này chị Thắm mới biết đến những ân nhân khác, thầm lặng giúp đỡ mình, đó là các kỹ thuật viên ở Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương chuyên đi nhận và bảo quản giác mạc để giúp những người như chị Thắm tìm lại được ánh sáng. Ngân hàng Mắt chỉ có 3 người, 1 người vừa nghỉ hưu, gần 20 năm qua đã thực hiện được gần 1.000 ca lấy giác mạc tại 20 tỉnh thành phố. Chương trình Chân dung cuộc sống kể câu chuyện về những người thầm lặng “lưu giữ nguồn sáng”. Đó là những kỹ thuật viên của Ngân hàng mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương.

Đồng Văn Hùng-từ kênh “Ẩm thực mẹ làm” đến 1 trong 4 gương mặt đại diện của Việt Nam trong danh sách "30 Under 30 Asia" năm 2024 do tạp chí Forbes công bố (27/06/2024)

Anh Đồng Văn Hùng chủ kênh “Ẩm thực mẹ làm” giới thiệu với khán giả toàn cầu về ẩm thực nông thôn Việt Nam. Mỗi video trên Kênh Ẩm thực mẹ làm đều khắc họa những trải nghiệm chân thực của hai mẹ con anh Hùng khi chuẩn bị bữa ăn, chăm sóc khu vườn và chia sẻ về cuộc sống giản dị ở miền quê.

Những nhà báo VOV và hành trình chinh phục Giải thưởng ABU (21/06/2024)

Trong 4 năm từ 2020-2023, Đài TNVN đoạt được 09 giải ABU, trong đó, có 05 Giải Xuất sắc, 01 Giải Đặc biệt của Ban Giám khảo và 03 Giải Khuyến khích. Trong đó 3 năm liên tiếp nhận giải xuất sắc thể loại phóng sự thời sự. Chương trình Chân dung cuộc sống hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu tới quý vị những nhà báo xuất sắc của VOV trong hành trình đưa phát thanh Việt ra thế giới.

Phù thủy chế tạo máy nông nghiệp Phạm Văn Hát (14+16/06/2024)

Chỉ học hết lớp 7 nhưng một nông dân ở thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương đã chế tạo thành công và “xuất khẩu” máy nông nghiệp đi hơn 15 quốc gia trên khắp thế giới. Đó là ông Phạm Văn Hát - người được mệnh danh là “Phù thủy máy nông nghiệp”. Với bàn tay tài hoa, sự nhanh nhạy và óc sáng tạo của mình, ông đã cho ra đời trên 40 loại máy phục vụ lĩnh vực nông - lâm nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.

Nhà thiết kế người Tày giữ “hồn” văn hóa truyền thống qua tà áo dài (24/05/2024)

Là nhà thiết kế được biết đến với nhiều bộ sưu tập áo dài ấn tượng lấy cảm hứng từ những chất liệu văn hóa dân gian, dù mới 30 tuổi nhưng Vũ Thảo Giang đã tạo nên chỗ đứng cho tên tuổi của mình trong làng thời trang Việt. Với chị, áo dài chính là “linh hồn” của dân tộc, bởi thế việc thiết kế trang phục này mang đến cho chị niềm tự hào, sự biết ơn và lòng trân trọng. Gần 6 năm trước, khi bắt đầu quyết tâm theo đuổi con đường thiết kế áo dài chuyên nghiệp, vốn được coi là “nghề con nhà giàu”, Thảo Giang đã gặp không ít khó khăn. Xuất thân từ một thị trấn nhỏ của tỉnh Cao Bằng, không có sự hậu thuẫn của gia đình, làm thế nào để cô gái trẻ này theo đuổi được đam mê và đạt được thành công như ngày hôm nay? Hãy cùng chúng tôi gặp gỡ NTK Vũ Thảo Giang – cô gái Tày giữ “hồn” văn hóa truyền thống qua tà áo dài.

Nghề đậu bạc Định Công không để “Một mai mai một” (13/05/2024)

"Lĩnh hoa Yên Thái, Gốm Bát Tràng, Bạc Định Công, Đồng Ngũ Xã" là tứ trụ tinh hoa của làng nghề Thăng Long xưa. Mặc cho năm tháng và những thăng trầm, nhưng tứ trụ tinh hoa ấy vẫn bền bỉ với thời gian. Trong đó, nghề Đậu Bạc tại làng Định Công, quận Hoàng Mai được biết đến như một dẫn chứng điển hình nhất tại đất kinh kỳ Thăng Long cho sức sống của làng nghề cổ. Nghề đậu bạc ở làng Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội có từ thế kỷ thứ VII, thời Tiền Lý, do ba ông Tổ nghề là Trần Điền - Trần Điện - Trần Hòa truyền lại cho dân làng với những nét đặc trưng riêng biệt không nơi nào có. Từ những thỏi bạc, với bàn tay tài hoa, tinh xảo, bộ óc sáng tạo, người thợ khéo léo kéo chúng thành các sợi bạc nhỏ, mảnh như sợi chỉ rồi uốn ghép thành các chi tiết khác nhau để tạo nên những sản phẩm đa dạng từ hình thức đến kích thước, chinh phục thi hiếu khách hàng. Với sự cầu kỳ riêng biệt, nghề đậu bạc ở làng Định Công từng được biết đến là một trong bốn nghề truyền thống bậc nhất của đất kinh kỳ Thăng Long xưa. Nhưng cũng như bao làng nghề khác, nghề đậu bạc làng Định Công cũng không tránh khỏi những năm tháng thăng trầm, tưởng như mai một. Nhờ bao công sức, tâm huyết của những nghệ nhân ít ỏi còn lại, nghề đậu bạc đã dần được phục hồi, trở thành một nét độc đáo của đất Hà Nội nghìn năm văn hiến. Trong chương trình chân dung cuộc sống hôm nay, chúng tôi giới thiệu tới quý vị và các bạn về nghề đậu bạc Định Công và sự bền bỉ, kiên trì của những nghệ nhân tài hoa, với mong muốn lưu truyền nghề truyền thống độc đáo này cho thế hệ hôm nay và mai sau...

Thiêng liêng hai tiếng "chủ quyền" nơi biên cương Tổ quốc (26/04/2024)

Lai Châu là một trong 10 tỉnh có diện tích lớn nhất nước ta, có đường biên giới dài hơn 265km tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Dải đất thiêng liêng trong tâm thức của mỗi người dân nước Việt này là cửa ngõ trọng yếu phía Bắc của Tổ quốc, có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Giữa điệp trùng mây núi, nơi những con đường mòn len lỏi dọc theo chân phiến đá cao dựng đứng, ngày cũng như đêm, các cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng vẫn bền bỉ vững bước trên cung đường tuần tra, “vượt nắng, thắng mưa” giữ bình yên biên giới. Với họ, đây không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là trách nhiệm, là lời thề danh dự với Tổ quốc và nhân dân.

Chuyện về y tá Nguyễn Thị Xuân cả đời gắn bó với trại phong (19/04/2024)

Câu chuyện diễn ra ở Trại phong Qủa Cảm (tên gọi chính hiện tại là Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh), trong không gian lặng lẽ của những số phận không may. Bà là y tá Nguyễn Thị Xuân, người gắn bó lâu năm nhất ở trại phong này. Hơn 30 năm qua, y tá Nguyễn Thị Xuân chấp nhận hy sinh hạnh phúc cá nhân, bỏ nghề dạy học, để chọn công việc chăm sóc gắn bó trọn cuộc đời với những với bệnh nhân phong. Người phụ nữ này đã mang tới niềm tin cho các bệnh nhân và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của bệnh viện này suốt nhiều năm qua. Với bệnh nhân phong, y tá Nguyễn Thị Xuân là nơi nương tựa, nâng đỡ sau những bất hạnh, buồn tủi do gia đình thậm chí là những người thân yêu nhất xa lánh… Chương trình Chân dung cuộc sống hôm nay, chúng tôi mời quý vị và các bạn gặp gỡ y tá Nguyễn Thị Xuân – Người cả đời gắn bó với Trại phong Quả cảm.

Từ công nhân tàn tật trở thành nhà văn đạt nhiều giải thưởng (19/04/2024)

Cách đây 45 năm, một công nhân đường sắt 25 tuổi gặp tai nạn lao động kinh hoàng. Trong lúc đang cùng đồng nghiệp dựng nhà ăn cho tập thể nhà máy, người thanh niên đó bị một vì kèo bằng sắt rơi trúng lưng, dẫn đến gãy cột sống, đứt tuỷ… Trải qua gần 5 năm điều trị liên tục tại các bệnh viện, tuy giữ được mạng sống nhưng người đàn ông này bị giảm tới 82% sức khoẻ, thương tật hạng ¼, đôi chân bại liệt và đối diện với nguy cơ nằm liệt giường. Không đầu hàng số phận, anh đã tập luyện, đứng lên trên đôi nạng, rồi tìm đến với văn chương như là một biện pháp để “chữa lành”. Lúc đầu là sáng tác thơ, sau đó viết nên những truyện ngắn, tiểu thuyết hay, giành được nhiều giải thưởng uy tín và trở thành hội viên hội nhà văn Việt Nam. Nhân vật được “khắc hoạ” trong Chương trình Chân dung cuộc sống là nhà văn Trần Văn Thước ở xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Nguyễn Đức Trung và “Mô hình kinh tế cho người tự kỷ đầu tiên ở Việt Nam” với mong muốn thay đổi nhận thức của xã hội đối với người tự kỷ. (05/04/2024)

Với kỳ vọng, người tự kỷ cũng được lao động, được cống hiến sức mình trong những môi trường làm việc phù hợp, anh Nguyễn Đức Trung sáng lập ra VAPs (Vietnam Autism Projects), Dự án mô hình kinh tế cho người tự kỷ, một dự án tiên phong tại Việt Nam đưa người tự kỷ tới các công việc mang tính chất ổn định, tiến tới hoà nhập cộng đồng một cách vững chắc.

Cô gái khiếm thị và hành trình trở thành phiên dịch viên (29/03/2024)

Dù đôi mắt không nhìn thấy từ khi còn nhỏ tuổi, nhưng Nguyễn Thị Khánh Vân, sinh năm 1993, ở xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội có niềm đam mê học tập, khám phá kho tàng kiến thức. Nỗ lực không mệt mỏi, năm 2016, cô gái khiếm thị này đã được tuyển thẳng vào trường Đại học Hà Nội và hiện nay là phiên dịch viên, giáo viên tiếng Anh, tự lập cuộc sống, tích cực giúp đỡ những người khiếm thị khác. Hành trình của cô gái mù tìm được “ánh sáng tri thức” và trở thành người có ích cho xã hội, được kể trong chương trình Chân dung cuộc sống.

NSND Lê Khanh: Cống hiến không ngừng nghỉ vì nghệ thuật (08/03/2024)

Nhắc đến NSND Lê Khanh khán giả sẽ nghĩ đến hình ảnh một người phụ nữ Hà thành xinh đẹp, tài năng. Trong suốt sự nghiệp của mình, chị không ngừng nghỉ phấn đấu, gặt hái nhiều thành tích ở cả trong và ngoài nước. Có sự nghiệp gắn liền với hàng trăm vai diễn sân khấu khác nhau cùng nhiều phim điện ảnh, truyền hình với diễn xuất vô cùng đa dạng, linh hoạt. NSND Lê Khanh còn là người có niềm say mê sâu sắc với nghề, thích thử thách bản thân. Chị coi nghệ thuật là cả cuộc đời mình, để sống trọn vẹn với từng nhân vật.

Người ươm mầm hạnh phúc (24/02/2024)

Đối với nhiều gia đình, niềm vui lớn nhiều khi đơn giản chỉ là tiếng cười hồn nhiên của con trẻ. Bởi sau bao tháng ngày điều trị hiếm muộn, cuối cùng họ cũng có ngày vui được đón thiên thần nhỏ đến với gia đình… Tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn ở các cặp vợ chồng trẻ ở Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 10%. Như vậy, cứ khoảng 10 đôi kết hôn thì có 1 cặp uyên ương đứng trước nguy cơ bị tước đi cơ hội làm cha, mẹ. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến hôn nhân và hạnh phúc của những cặp vợ chồng trẻ. Đối với những trường hợp như thế, bác sĩ chuyên ngành hiếm muộn trở thành những “bà Tiên, ông Bụt” mang phép màu đến cho họ. Là bác sĩ ở bệnh viện đầu ngành điều trị vô sinh, hiếm muộn, hơn 20 năm qua, bác sĩ Nguyễn Xuân Hợi - Bệnh viện Phụ sản trung ương đã ươm mầm hạnh phúc thành công cho hàng chục nghìn gia đình như vậy.

Hành trình kết nối sự sống (22/02/2024)

Ngoài công việc chuyên môn hàng ngày phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân, tại nhiều bệnh viện lớn, từ lâu đã có những nhân viên y tế thầm lặng thực hiện công việc vận động gia đình bệnh nhân chết não đồng ý hiến mô tạng của người thân, góp phần cứu giúp những người bệnh suy tạng đang chờ đợi nguồn tạng ghép để kéo dài sự sống. Chương trình Chân dung cuộc sống kể về công việc thầm lặng của những người tư vấn, vận động hiến mô, tạng, kết nối sự sống.

Trịnh Ngọc Minh – người giữ lửa nghệ thuật hát Chầu văn (15/2/2024)

Trong không khí xuân ngập tràn, những làn điệu, giai điệu mượt mà và vô cùng quyến rũ, hấp dẫn của nghệ thuật Chầu văn sẽ được gửi đến quý vị và các bạn qua những chia sẻ của nghệ nhân dân gian Trịnh Ngọc Minh-một cung văn đam mê giữ lửa, giữ chất men say của nghệ thuật hát Chầu văn

Người ươm mầm hạnh phúc (02/02/2024)

Một mùa Xuân mới sắp đến. Niềm vui lớn nhất trong những ngày Tết đoàn viên đối với nhiều gia đình chỉ đơn giản là tiếng cười hồn nhiên của con trẻ, bởi sau bao tháng ngày điều trị hiếm muộn, cuối cùng họ cũng có được những thiên thần nhỏ... Tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn ở các cặp vợ chồng trẻ ở Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 10%. Như vậy, cứ khoảng 10 đôi kết hôn thì có 1 cặp uyên ương đứng trước nguy cơ bị tước đi cơ hội làm cha, mẹ. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến hôn nhân và hạnh phúc gia đình… Đối với những trường hợp như thế, bác sĩ chuyên ngành hiếm muộn trở thành những “bà tiên, ông bụt”, mang phép màu đến cho họ. Là bác sĩ ở bệnh viện đầu ngành điều trị vô sinh, hiếm muộn, hơn 20 năm qua, bác sĩ Nguyễn Xuân Hợi đã ươm mầm hạnh phúc thành công cho hàng chục nghìn gia đình.

Thầy giáo dạy cắt may tận tâm với những phụ nữ yếu thế (25/01/2024)

# Trong một con ngõ nhỏ ở Thủ đô Hà Nội, hàng ngày có tiếng máy may lẫn trong đó là rộn rã tiếng cười nói của những học viên, trong đó có cả những người phụ nữ khuyết tật, yếu thế. Đó là xưởng may của thầy giáo dạy cắt may Nguyễn Duy Long, người có hàng nghìn học viên theo học trực tuyến và trực tiếp tại xưởng may nhiều năm qua. Người đã giúp đỡ, dìu dắt cho không ít những người phụ nữ khuyết tật có được một cái nghề nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình. Không ngừng tìm tòi và cập nhật những phương pháp may hiện đại, thầy Nguyễn Duy Long không giấu nghề, luôn sẵn sàng chia sẻ những gì mình học được cho học viên bằng những video ô dạy cắt may miễn phí trên mạng xã hội. Trong chương trình chân dung cuộc sống hôm nay, chúng tôi giới thiệu với quý vị và các bạn về thầy Nguyễn Duy Long và lớp học cắt may đặc biệt của mình.

Những lưu ý khi mắc các dịch bệnh mùa đông xuân (20/1/2024)

Chỉ còn ít ngày nữa chúng ta sẽ chuẩn bị đón tết nguyên đán, tuy nhiên, nhiều người dân tại các đơn vị, trường học vẫn mắc các bệnh dịch với các biểu hiện sốt, ho, nhức mỏi người, Vây để phòng ngừa các bệnh dịch, bảo vệ sức khỏe trong mùa xuân mới, người dân cần lưu ý gì? Đây cũng là nội dung mà chuyên gia y tế gửi đến quý vị và các bạn

Những người để lại ánh sáng cho đời (12/01/2024)

Người xưa có câu “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay” để nói về tầm quan trọng của thị giác trong đời sống của con người. Chính vì thế, hiến giác mạc sau khi qua đời là một nghĩa cử đáng trân trọng, vì có thể giúp 2 người mù tìm lại được ánh sáng. Với hàng trăm người đã để lại ánh sáng cho đời, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình trở thành điểm sáng của cả nước về phong trào hiến tặng giác mạc.

“Giáo sư Gạo” Võ Tòng Xuân: Cả đời vì nông dân và cây lúa! (28/12/2023)

Dành cả cuộc đời và sự nghiệp vì cây lúa, trăn trở làm sao để người nông dân đỡ khổ, đời sống được khấm khá hơn, đất nước giàu hơn nhờ hạt gạo, Giáo sư Võ Tòng Xuân luôn tâm niệm: “Làm cho nông dân phấn khởi, hạnh phúc thì mình cũng vui và hạnh phúc”. Là chuyên gia nông ngiệp hàng đầu, là “cha đẻ” của rất nhiều giống lúa tốt kháng bệnh, năng suất cao, thích ứng với môi trường, nhưng ít ai biết rằng, ban đầu GS. Xuân vốn đam mê và theo đuổi ngành kỹ thuật, cơ khí… cho đến những bước ngoặt thay đổi cuộc đời.

Nghệ nhân nhân dân Hoàng Thị Bích Hồng: “Truyền lửa” hát Then, đàn Tính ở Thái Nguyên (21/12/2023)

Hát Then trong đời sống, văn hoá tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào Tày, Nùng, Thái vùng cao phía Bắc được ví là “điệu hát thần tiên”, điệu hát của “Trời”. Nghệ thuật diễn xướng dân gian này ẩn chứa và phô diễn những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời. Hát Then bắt nguồn từ cuộc sống lao động, nên Then thẩm thấu những giá trị văn hoá lâu đời, mang tính nhân văn sâu sắc. Thế nhưng, việc bảo tồn và phát huy những di sản này vẫn chưa thực sự tương xứng. Đó cũng chính là lý do khi tuổi đã cao, nghệ nhân nhân dân Hoàng Thị Bích Hồng đau đáu với việc bảo tồn và lưu giữ nghệ thuật đàn Tính hát Then. Gần 80 tuổi đời, hơn 60 năm rèn luyện, nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật hát Then, đàn Tính, Nghệ nhân Nhân dân Hoàng Thị Bích Hồng không chỉ là “bảo tàng sống” lưu giữ văn hóa, mà còn là người “truyền lửa” cho thế hệ sau với 700 học trò. Đến nay, lời hát Then, tiếng đàn Tính truyền thống của bà vẫn ngân vang theo thời gian… Chân dung cuộc sống hôm nay, mời quý vị gặp gỡ nghệ nhân nhân dân Hoàng Thị Bích Hồng – Người “truyền lửa” hát Then, đàn Tính ở Thái Nguyên.

Nhóm đồng đẳng Sao Va góp sức ngăn chặn lây nhiễm HIV trong cộng đồng (15/12/2023)

# Thưa quý vị và các bạn! Quế Phong (Nghệ An), một huyện miền núi giáp biên giới Việt – Lào, từ nhiều năm nay vẫn là “điểm nóng” về tệ nạn ma túy và người nhiễm HIV. Điều đáng báo động tại đây là số người nghiện và người nhiễm mới HIV/AIDS ngày càng trẻ hóa. Để góp sức cùng cấp ủy, chính quyền địa phương ngăn chặn, làm giảm sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng, các đồng đẳng viên thuộc Nhóm Sao Va không ngần ngại đi hàng trăm cây số mỗi ngày để tuyên truyền, vận động những người nhiễm HIV/AIDS và người có nguy cơ lây nhiễm, thực hiện các biện pháp cần thiết, hòa nhập cộng đồng. Mặc dù công việc này vất vả, nguy hiểm nhưng Nhóm luôn cố gắng giúp những người cũng cảnh ngộ được trở lại với cuộc sống đời thường, làm những điều tốt nhất cho những người cùng cảnh ngộ, giúp kéo giảm tỷ lệ tử vong do HIV/AIDS. Trong chương trình Chân dung cuộc sống hôm nay, chúng tôi giới thiệu với quý vị và các bạn về những nỗ lực không ngừng nghỉ của Nhóm đồng đẳng Sao Va góp sức ngăn chặn lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Phi công Phạm Tuân 3 lần được nhận danh hiệu anh hùng (07/12/2023)

Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không diễn ra 12 ngày đêm (18- 30/12/1972). Trong chiến dịch quân sự cuối cùng này, Hoa Kỳ đã huy động pháo đài bay B-52 ném bom rải thảm xuống Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Lạng Sơn và các mục tiêu khác. Trong 12 ngày đêm, Mỹ đã thả hơn 36.000 tấn bom, vượt quá khối lượng bom đã ném xuống miền Bắc Việt Nam trong toàn bộ thời kì từ 1969 đến 1971. Quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu và trên bầu trời đêm 27/12/1972, phi công Phạm Tuân là người đầu tiên bắn hạ được máy bay B52 của địch từ trên không và trở về an toàn. Với chiến công đó, ngay sáng hôm sau, ông được đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen và năm 1973 được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1980, phi công Phạm Tuân còn là người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ và là người duy nhất 3 lần được phong tặng danh hiệu anh hùng.

PGS TS Nguyễn Văn Huy– Người kể chuyện qua Bảo tàng (01/12/2023)

PGS TS Nguyễn Văn Huy (Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) được giới làm bảo tàng không chỉ trong nước, trong khu vực mà cả trên thế giới đánh giá cao vì những tìm tòi mới mẻ trong phương thức hoạt động ở Bảo tàng Dân tộc học - nơi ông đóng vai trò như một người chèo lái đầu tiên. Dũng cảm, quyết đáp những vấn đề mình tin là đúng, cùng với việc không ngừng học hỏi tìm ra lối đi riêng, PGS TS Nguyễn Văn Huy đã góp phần làm thay đổi quan niệm của mọi người về hoạt động bảo tàng, biến các hoạt động của bảo tàng từ trạng thái “tĩnh” sang “động”, thu hút ngày một nhiều hơn sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Hoàng Diệu Thuần-Người phụ nữ tiếp nghị lực, truyền cảm hứng cho trẻ em ung thư (24/11/2023)

# Chị Hoàng Thị Diệu Thuần, sinh năm 1987 ở Nghệ An, người đã có 7 năm chống chọi với căn bệnh ung thư máu khi ở cái tuổi đẹp nhất, tuổi 20 với bao ước mơ, hoài bão. Diệu Thuần được biết đến như là một hiện tượng kỳ tích trong y học khi cô đã được các bác sĩ của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương ghép tế bào gốc thành công vào năm 2012. Trở lại cuộc sống bình thường sau bao nỗ lực của bản thân và gia đình, cô gái nhỏ nhắn, xinh đẹp, ẩn bên trong là sức sống phi thường ấy đang ngày đêm làm việc thiện nguyện với nhiều dự án cho bệnh nhân ung thư. Diệu Thuần là người sáng lập và là giám đốc điều hành của Mạng lưới Vì trẻ em ung thư. Cùng với đó, Diệu Thuần còn tạo nhiều hoạt động tạo sinh kế cho người bệnh, gia đình người bệnh để gia tăng thêm nguồn kinh phí làm đầy quỹ hỗ trợ “Mạng lưới Vì trẻ em ung thư”. Trạm tóc ước mơ do Diệu Thuần sáng lập đang hoạt động hiệu quả, mỗi tuần mang tặng những bộ tóc giả cho bệnh nhi ung thư, giúp các em tự tin hơn và có thêm niềm tin vào cuộc sống. Chương trình chân dung cuộc sống hôm nay, chúng tôi giới thiệu với quý vị và các bạn về Hoàng Thị Diệu Thuần và hành trình tiếp nghị lực, truyền cảm hứng cho bệnh nhi ung thư.

Tin ở K’sor H’b lâm. (27/10/2023)

Giai đoạn từ năm 2001-2004, ở Tây Nguyên, một số phần tử phản động Fulro lưu vong, tin lành Đề Ga lợi dụng chính sách dân tộc, tôn giáo để kích động hận thù.
Mùa hè năm 2023, các tổ chức phản động Fulro lưu vong đã tạo ra một “làn sóng” truyền thông trên không gian mạng, sử dụng nhiều thủ đoạn để chia rẽ khối đại đoàn kết, chống phá Việt Nam và gây ra vụ khủng bố ngày 11/6/2023 tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk.
Lòng người xáo động.
Thế nhưng, làng Krông, ngôi làng ở xã biên giới Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, vẫn kiên định trước những cơn gió độc. Ở đó, có già làng Ksor H’Blâm - nữ già làng đầu tiên ở Tây Nguyên.

Thắp sáng tinh thần tình nguyện nơi vùng cao (26/10/2023)

Trở thành sinh viên Đại học Y Hà Nội đã là một nỗ lực lớn của bản thân, sau khi tốt nghiệp, bác sĩ Phạm Đức Thịnh còn tình nguyện về huyện nghèo công tác. Tinh thần xung kích tiếp tục được thắp sáng khi năm 2021, thầy thuốc trẻ này tham gia vào lực lượng chống dịch Covid-19 tại miền Nam và đến nay cùng các đồng nghiệp thực hiện được hàng nghìn ca phẫu thuật trong hơn 2 năm khám chữa bệnh cho người dân vùng núi cao. Chương trình Chân dung cuộc sống kể về bác sĩ trẻ Phạm Đức Thịnh từ miền xuôi tình nguyện lên công tác tại Bệnh viện đa khoa Sa Pa (nay là Thị xã Sa Pa), tỉnh Lào Cai để có điều kiện chữa bệnh cho bà con các dân tộc ở những bản làng vùng sâu, vùng xa.

Nhà văn Ma Văn Kháng “gom” sự đời viết lên trang sách (05/10/2023)

Các tác phẩm của nhà văn Ma Văn Kháng đã đạt được nhiều giải thưởng văn học và được đông đảo công chúng biết đến do được trích dẫn trong chương trình giảng dạy phổ thông môn Ngữ văn. Ông đã sáng tác hơn 20 tiểu thuyết, gần 200 truyện ngắn, phần lớn lấy cảm hứng từ sử thi và thế sự đời tư, đề cập phần nhiều đến cuộc sống và con người vùng Tây Bắc. Ông từng đạt nhiều giải thưởng văn học lớn trong nước và quốc tế, tiêu biểu như: Giải thưởng Văn học ASEAN 1998; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật 2001, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật 2012. Nửa thế kỷ cầm bút, nhà văn Ma Văn Kháng đã đi vào lịch sử văn học Việt Nam như một biểu tượng của cuộc đời lao động nghệ thuật không mệt mỏi. Ông cũng được đánh giá là cây bút góp phần khuấy động văn đàn Việt Nam hiện đại với những tác phẩm làm nên tên tuổi từ những năm đầu đổi mới như: “Mưa mùa hạ”, “Mùa lá rụng trong vườn”, “Côi cút giữa cảnh đời”… Mỗi trang văn ông viết, dù bình thản hay dữ dội, dường như đều mang theo một bài học nhắc chúng ta về tình yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống.

Cô giáo nguyện gắn bó cả đời với lớp học “xóa mù chữ”

“Tôi nguyện sẽ gắn bó với lớp học cho đến khi sức khỏe buộc tôi phải dừng lại”... Đó là chia sẻ của cô giáo Phạm Thị Huyền, sinh năm 1954 (phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, Hà Nội), giáo viên đã nghỉ hưu thuộc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân. Kể từ năm 1998 đến nay, cô Phạm Thị Huyền đã dạy học cho hơn 200 học sinh không đồng đều về lứa tuổi. Học sinh của cô có thể là một bác xe ôm muốn biết chữ để đọc được tên đường phố, một cậu học sinh chậm phát triển trí tuệ hay một cô bé tự kỷ,... Dưới sự dìu dắt, chỉ bảo của cô giáo Huyền, nhiều em được vào học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn. Các em sau khi tốt nghiệp, có được việc làm ổn định, có thể tự chăm lo cho cuộc sống của mình. Với tấm lòng yêu mến con trẻ và sự nhiệt huyết, kiên trì bền bỉ ấy của mà lớp học xoá mù chữ, gieo tình thương đã tồn tại được hơn 25 năm qua giữa lòng thủ đô Hà Nội. Trong chương trình Chân dung cuộc sống hôm nay, chúng tôi giới thiệu về cô giáo Phạm Thị Huyền, người nguyện gắn bó cả đời với lớp học miễn phí xóa mù chữ giữa lòng Hà Nội.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h50-05h59 Quảng cáo
06h28-06h30 Quảng cáo
9h15-10h00 Đối thoại
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h00-13h30 CLB âm nhạc
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
23h30-24h00 Nhịp sống
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: