# Thưa quý vị và các bạn! Với tâm niệm “Giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn cho đến khi nào không thể làm tiếp thì mới dừng”, suốt 20 năm qua, chị Cao Ánh Tuyết ở phường Trung Phụng, quận Đống Đa, Hà Nội đã dành phần lớn tiền của cho việc làm thiện nguyện.
Hàng nghìn suất cơm miễn phí và quà tặng đã, đang và tiếp tục đến với những hoàn cảnh khó khăn không chỉ ở thủ đô Hà Nội mà ở nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước.
Không chỉ phát cơm miễn phí, chị Cao Ánh Tuyết còn giúp đỡ người vô gia cư, tạo việc làm cho người ở quê xa ra Hà Nội tìm việc làm
20 năm gắn bó với những chuyến thiện nguyện khắp nẻo xa gần, chị Cao Ánh Tuyết đã mang đến biết bao niềm vui, niềm hạnh phúc cho những mảnh đời khó khăn, bất hạnh.
Trong chương trình chân dung cuộc sống hôm nay, chúng tôi giới thiệu với quý vị và các bạn về bà Cao Ánh Tuyết, người phụ nữ nhiều năm luôn sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ.
Với niềm đam mê mãnh liệt với trà, anh Nguyễn Việt Hùng, vô địch Tea master cup 2019, chủ tịnh thất Hiền Minh tea đã sáng lập ra dòng trà sạch hữu cơ mang phong cách của riêng mình để giới thiệu, quảng bá nghệ thuật trà Việt, đặc biệt là trà sen đến với bạn bè thế giới.
Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội được thành lập ngày 24/01/1994, là tổ chức xã hội đặc thù của thanh niên Thủ đô, với nhiệm vụ trọng tâm là tình nguyện tổ chức các hoạt động tuyên truyền vận động và tổ chức hiến máu.
Hiện Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội hiện có mạng lưới gần 100 câu lạc bộ và hơn 10.000 tình nguyện viên. Lượng máu thu được do Hội tuyên truyền vận động trong 28 năm qua chiếm trên 25% so với tổng lượng máu hàng năm thu được trên địa bàn thành phố Hà Nội. Dự kiến trong năm nay, sẽ vận động hiến máu và thu về 300 nghìn đơn vị máu.
Ngoài việc tham gia tuyên truyền vận động hiến máu, các cán bộ, hội viên, tuyên truyền viên của Hội còn là lực lượng hiến máu chính trong những dịp khan hiếm máu như trong dịp hè và Tết Nguyên đán.
Mỗi đợt vận động hiến máu, hàng nghìn đơn vị máu của các tình nguyện viên và thanh niên, sinh viên thủ đô được đưa tới các bệnh viện, cứu sống rất nhiều người bệnh cần máu.
Trong chương trình chân dung cuộc sống hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và các bạn về những trái tim nhân ái của Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội đã, đang và tiếp tục góp phần lan toả những giá trị tốt đẹp của nghĩa cử hiến máu cứu người.
Giữa mênh mông mây trắng Hà Giang, những cung đường chênh vênh núi cao vực thẳm quanh co in dấu bước chân của người thầy, người cô làm nghề “gánh chữ” lên non, “ươm mầm” tri thức nơi cao nguyên đá.
Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai? Họ - những người giáo viên vượt qua sự khắc nghiệt của thiên nhiên, quanh năm thiếu nước và chênh vênh nơi rẻo cao cằn cỗi, tình nguyện bám trường, bám bản, cần mẫn “gieo chữ” cho các em nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số. Để giờ đây vùng đất Mèo Vạc – 1 trong 4 huyện cao nguyên đá hiểm trở nhất của tỉnh Hà Giang đã “hóa tâm hồn”, hóa thành quê hương thứ 2 của họ. Ở nơi ấy, với tình yêu nghề, tình thương yêu học trò đã vun vén nên những “ngôi trường hạnh phúc”.
Hạt giống được gieo ở nơi khó khăn, khắc nghiệt sẽ nở ra những bông hoa đẹp nhất. Bông hoa trên đá đã nở như một phép ẩn dụ ngọt ngào để nói về những cống hiến, hi sinh thầm lặng của các thầy cô giáo vùng cao, những người đã và đang hằng ngày âm thầm “gieo mầm tương lai” nơi biên cương địa đầu Tổ quốc. Chương trình Chân dung cuộc sống hôm nay, chúng tôi mời quý vị và các bạn gặp gỡ những thầy cô giáo cắm bản cùng học trò nghèo vượt khó đến với chân trời tri thức.
Do sự kỳ thị đối với người nhiễm
HIV/AIDS vẫn còn nên những bệnh nhân này thường sống khép mình và
hay thay đổi nơi cư trú. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc phát hiện,
điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế này, gần 20
năm qua, anh Đặng Văn Ngọc, Trung tâm Y tế thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà
Rịa- Vũng Tàu đã bền bỉ xây dựng “kênh” tiếp cận giúp đỡ kịp
thời cho rất nhiều người bệnh trên địa bàn. Làm việc bằng cái tâm, anh
đã vượt qua những khó khăn của cán bộ y tế cơ sở với đồng lương, phụ
cấp ít ỏi…
Từ tình yêu ví, giặm, tình yêu quê hương, những người con xứ Nghệ xa quê tại Hà Nội vẫn luôn thấm đẫm những câu hát quê hương trong máu, thịt. Chính vì vậy, họ đã cùng nhau thành lập nên câu lạc bộ “Dân ca xứ Nghệ tại Hà Nội” thuộc sự quản lý của Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam với mong muốn không chỉ tập hợp những người yêu thích ví, giặm cùng sinh hoạt, mà rộng hơn là gìn giữ, phát huy loại hình nghệ thuật này.
“Thành công của mỗi người phụ thuộc vào nỗ lực của bản thân và kiên trì với con đường mình đi”, đó là lời đúc kết ngắn gọn của anh hùng lao động Trần Mạnh Báo cho chặng đường gần 50 năm dành tất cả tâm trí cho hành trình phát triển giống lúa cho đất nước. Ông Trần Mạnh Báo chính là người giúp thay đổi cơ cấu giống lúa Việt Nam. Cho đến ngày hôm nay, ông là tác giả và đồng tác giả của gần 20 giống cây trồng mới.
Có một lớp học không có tiếng trống trường rộn rã, chỉ có những đứa trẻ đặc biệt.
Một lớp học còn thiếu thốn, nhưng luôn ngập tràn yêu thương.
Đó là lớp học tình thương dành cho trẻ khuyết tật bẩm sinh của cô giáo Lê Thị Hòa, giáo viên trường tiểu học Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Suốt 17 năm qua, cô Hòa “như cánh chim không mỏi” miệt mài mang tri thức và tình cảm của mình giúp các em kém may mắn. Để rồi mỗi dịp cuối tuần, “mái ấm” nhỏ tại chùa Hương Lan, lại rộn ràng bước chân đến lớp.
Trích đoạn tuồng kinh điển “Ông già cõng vợ đi xem hội” gắn liền với tên tuổi cố NSND Đàm Liên với kỷ lục 2.000 đêm diễn. NSƯT Nguyễn Kiều Oanh đã được NSND Đàm Liên truyền lại cho tiết mục này từ hồi còn là sinh viên.
Cùng với trích đoạn “Ông già cõng vợ đi xem hội”, NSƯT Kiều Oanh là một trong những gương mặt tên tuổi của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Hơn 30 năm gắn bó với sân khấu tuồng, sự nghiệp diễn xuất của chị ghi dấu bằng 2 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc và nhiều giấy khen, bằng khen trong các cuộc liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc; được Trường Đại học Hobart và William Smith của Mỹ trao tặng bằng chứng nhận: diễn viên tài sắc đã có cống hiến trong việc giữ gìn và quảng bá nghệ thuật dân tộc Việt Nam.
Kết duyên với Tuồng cả trong nghiệp diễn và gia đình (chồng NSƯT Kiều Oanh là Nghệ sĩ Đức Mười – nhạc công của Nhà hát Tuồng Việt Nam) – dù nhiều lúc gặp khó khăn, hai vợ chồng chị phải làm nhiều công việc khác để trang trải cuộc sống, nuôi đam mê của mình. Đến hôm nay, tuy vẫn còn khó khăn nhưng NSƯT Kiều Oanh hài lòng khi “lửa nghề” chưa bao giờ tắt và được tiếp nối qua thế hệ kế cận mà chị đang đào tạo.
-Thưa quý vị và các bạn! Trong những ngày tháng 7 lịch sử này, hàng ngàn, hàng vạn người từ khắp mọi miền đất nước đang đến các nghĩa trang liệt sỹ dâng hương tưởng nhớ, tri ân những người con thân yêu, đã ngã xuống vì nền độc lập của Tổ quốc, thăm tặng quà các gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng.
- Phát huy truyền thống yêu nước, thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã tích cực tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” bằng những việc làm thiết thực như tham gia xây dựng, chăm sóc, làm đẹp đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trao tặng nhà tình nghĩa; thăm hỏi, động viên, chăm sóc sức khỏe thương, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng...
- Trong nhiều năm qua, năm nào cũng vậy, Nhóm mùa Thu và Những người bạn kêu gọi bạn bè cùng chung tay tự làm hàng chục nghìn bông hoa đăng, cờ tổ quốc để dâng lên các nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước.
- Cũng từ những hoạt động tri ân này, họ mong muốn khơi gợi lòng yêu nước trong mỗi con người, đồng thời góp một phần sức lực của mình đối với cộng đồng, xã hội, góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp trong cộng đồng.
- Trong chương trình Chân dung cuộc sống hôm nay, chúng tôi giới thiệu với quý vị và các bạn hoạt động ý nghĩa này của Nhóm mùa Thu và Những người bạn.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng mọi suy nghĩ, mục tiêu sống và khát vọng cho tương lai của Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang (hay còn gọi là Trang Nguyễn) sinh năm 1990 đều dành cho việc bảo tồn động vật hoang dã. Chăm chỉ học tiếng Anh, tập luyện để nâng sức đề kháng, tìm hiểu kiến thức, kỹ năng… cô gái trẻ 32 tuổi đã tâm huyết dành 24 năm cuộc đời mình để tìm kiếm, bảo vệ và trợ giúp động vật hoang dã thoát khỏi các đường dây tàn sát và buôn bán ngà voi, sừng tê giác… ở khắp châu Phi và châu Á.
Mỗi đứa trẻ đều xứng đáng có một nụ cười
rạng rỡ và một cuộc sống hạnh phúc. Tuy nhiên, tại Việt Nam, cứ khoảng
500 trẻ sinh ra, lại có 1 em bị sứt môi hở hàm ếch và dị tật hàm - mặt. Việc
tìm lại nụ cười cho các em là một hoạt động nhân văn có ý nghĩa. 33 năm
qua, nhiều bệnh viện ở nước ta đã đồng hành với tổ chức nhân đạo phi lợi
nhuận Operation Smile, tiến hành phẫu thuật miễn phí vá khe hở môi - hàm
ếch cho hơn 60.000 bệnh nhi. Trong đó, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Cu
Ba (tại Hà Nội) thực hiện được nhiều nhất.
Tốt nghiệp 2 trường đại học, nhưng lại chọn cho mình con đường xuất gia, trở thành tu sĩ, sư thầy Minh Giải ở chùa Huyền Không, phường Hương Hồ, Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đang có những đóng góp tích cực cho cộng đồng và sự nghiệp hoằng pháp. Những năm qua, vị tu sĩ này đã mở nhiều lớp dạy miễn phí môn văn học tại chùa và các khóa ôn thi trực tuyến, giúp nhiều học sinh không còn “ngại” học môn ngữ văn, thậm chí đạt điểm cao, trúng tuyển vào đại học.
"Bốn mùa xanh biếc trúc ơi
Ruột không, tiết thẳng, đứng trời hạo nhiên"
Với cốt cách, tinh thần cương trực, thẳng thắn của người quân tử, tre trúc...đã gần gũi và thân thuộc với mỗi người Việt như một người tri kỷ,...Mang ý nghĩa đó, hai câu thơ của Minh Đức Triều Tâm Ảnh (Hòa thượng Giới Đức) tặng cho Trúc Chỉ do Họa sỹ Phan Hải Bằng ở Huế sáng lập ra 10 năm nay, như phần nào thể hiện niềm mong muốn đối với sự phát triển của loại hình nghệ thuật giấy-giấy nghệ thuật này...