logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên các vùng đất ngập nước (23/04/2022)

Các vùng đất ngập nước có vai trò vô cùng to lớn, cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng cho sự phát triển của mỗi quốc gia, cung cấp nguồn lợi phục vụ cho phát triển nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là thủy sản, nông nghiệp, du lịch. Ngoài ra, đất ngập nước còn có khả năng dự trữ carbon, điều tiết nguồn nước, điều hòa khí hậu, hạn chế lũ lụt, là nơi lắng đọng phù sa, hình thành đất và tham gia tích cực trong vòng tuần hoàn các chất dinh dưỡng của hệ sinh thái toàn cầu. Tuy nhiên, hiện các vùng đất ngập nước đang ngày càng bị tác động mạnh mẽ bởi các hoạt động phát triển kinh tế của con người và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nhiều vùng đất ngập nước đã bị biến mất và diện tích các vùng đất ngập nước bị thu hẹp do sức ép khai thác, sử dụng đất ngập nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên các vùng đất ngập nước gia tăng. Vậy làm thế nào để bảo vệ và duy trì đa dạng sinh học tại các vùng đất ngập nước? Đây là nội dung Chương trình Đối thoại ngày hôm nay với sự tham gia của các vị khách mời: PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ông Phạm Vũ Ánh, Phó Giám đốc phụ trách Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ, tỉnh Nam Định.

Tự phê bình và phê bình trong Đảng- Những vấn đề cần quan tâm

Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc, là quy luật tổ chức, hoạt động và phát triển của Đảng.Tuy nhiên, Đảng ta nhiều lần chỉ rõ, ở không ít nơi, việc tự phê bình và phê bình còn nặng hình thức, thậm chí là đoàn kết xuôi chiều. Đây cũng là những hạn chế cần khắc phục để việc tự phê bình và phê bình thực chất và hiệu quả hơn, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái, tiêu cực. Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa 13 mới đây, công tác tự phê bình và phê bình đã đặt yêu cầu cao hơn. Quy định mới về những điều đảng viên không được làm vừa ban hành cũng cấm việc đoàn kết xuôi chiều,tự phê bình và phê bình hình thức. Vậy thực tế tự phê bình và phê bình của các đảng viên, tổ chức đảng- nhất là nguời đứng đầu ra sao? Làm thế nào để tự phê bình và phê bình thực sự là công việc “tự soi, tự sửa” hàng ngày của mỗi cán bộ đảng viên và trở thành công cụ để đấu tranh hiệu quả với các biểu hiện suy thoái, tiêu cực ngay từ lúc manh nha. Đây là nội dung đuơc bàn luận trong Chương trình Đối thoại hôm nay với sự tham gia của: Phó Giáo sư, tiến sĩ Lê Văn Cường- Phó Viện trưởng Viện xây dựng Đảng-Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa 9, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội.

Sửa đổi Luật thanh tra: nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra (02/4/2022)

Hoạt động thanh tra có vai trò quan trọng bảo đảm trật tự, kỷ cương quản lý nhà nước, giúp các hoạt động ban hành và tổ chức thực hiện quyết định quản lý được gắn bó chặt chẽ hơn, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Để thực hiện đổi mới kinh tế và cải cách nền hành chính quốc gia thì hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra ngày càng có ý nghĩa cần thiết. Với yêu cầu đó, hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động thanh tra là vấn đề đặt ra. Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15 sẽ cho ý kiến đối với dự thảo luật thanh tra sửa đổi. Những bất cập gì từ trong luật thanh tra hiện hành cần được giải quyết để xây dựng cơ quan thanh tra hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp là vấn đề có tính trọng tâm và còn đang nhận các quan điểm khác nhau. Sửa đổi luật thanh tra: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra là chủ đề được bàn luận trong chương trình Đối thoại hôm nay với sự tham gia của 2 vị khách mời: Tiến sỹ Nguyễn Huy Hoàng, Thanh tra viên cao cấp, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra và Tiến sỹ Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ

Tháng Thanh niên: Thúc đẩy tinh thần sáng tạo trong tình nguyện vì cộng đồng (26/03/2022)

Không chỉ gánh vác những trọng trách quan trọng của đất nước, thanh niên Việt Nam còn sẵn sàng lên đường cùng bạn bè thế giới tham gia lực lượng giữ gìn hoà bình Liên Hợp Quốc. Và tới đây, Đội Công binh đầu tiên của nước ta sẽ lên đường để hoàn thành sứ mệnh, trọng trách thiêng liêng này. Chương trình có sự tham gia của Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM Ngô Văn Cương và Đại tá Khổng Mạnh Hưng, Phó Chủ nhiệm chính trị, Binh chủng Công binh, Bộ Quốc Phòng

Những vấn đề về đổi mới hoạt động xây dựng pháp luật trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam (19/03/2022)

Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng tiếp tục xác định việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Trong đó có các yêu cầu: Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước; xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp dựa trên cơ sở nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực. Yêu cầu tiếp theo là xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định với quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Vậy những vấn đề gì cần quan tâm trong xây dựng pháp luật và nền quản trị quốc gia trong Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng? Đây là nội dung được bàn luận trong chương trình Đối thoại hôm nay với sự tham gia của GS.TSKH Phan Xuân Sơn, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng- nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Sửa đổi Luật Đất đai như thế nào để phát huy hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp (19/02/2022)

Tình trạng người dân tự ý làm hạ tầng, phân lô bán nền trên đất nông nghiệp và hình thành các dự án dân cư “ảo”, thậm chí có nơi, chính quyền địa phương cũng không kiểm soát nổi là thực trạng xảy ra khá phổ biến trong thời gian gần đây, đặc biệt ở những nơi có dự án đường giao thông chạy qua hay nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế vùng. Trong khi đó, ở một số nơi, người dân bỏ đất nông nghiệp lên thành thị lao động vẫn diễn ra và những nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn gặp khó trong quá trình tiếp cận đất đai… Những câu chuyện này cho thấy việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp đang có nhiều vấn đề đặt ra. Trong các Nghị quyết của Đảng và văn bản của Nhà nước vẫn khẳng định, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Vậy nhưng, để làm được điều đó, việc hoàn thiện pháp luật để quản lý, sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng, nhất là khi luật đất đai đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi để đảm bảo phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Sửa đổi luật đất đai năm 2013: Đảm bảo quản lý, sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả là nội dung được bàn luận trong chương trình Đối thoại hôm nay với sự tham gia của Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường và PGS, Tiến sỹ Nguyễn Quang Tuyến, Phó chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà nội.

Thưởng Tết giáo viên: Chuyện buồn muôn năm cũ (29/01/2022)

Tết luôn là thời điểm các ngành nghề xôn xao câu chuyện thưởng Tết – lương tháng thứ 13. Nhưng với ngành Giáo dục, nhắc đến câu chuyện này khiến không ít giáo viên ngậm ngùi, buồn tủi. Năm 2022, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, học sinh gần như chỉ học trực tuyến, không tổ chức dạy học 2 buổi, bán trú... các trường học đều bị ảnh hưởng về nguồn thu. Vì vậy, câu chuyện thưởng Tết là vấn đề khiến nhiều đơn vị trăn trở. Theo quy định, ngành giáo dục không có quỹ để chi tiền thưởng tết cho giáo viên. Khoản thưởng hằng năm mà các trường chi cho giáo viên thật ra là khoản kết dư cuối năm. Tiền thưởng này nhiều hay ít phụ thuộc vào tài “khéo co thì ấm” của hiệu trưởng. Cũng giống như các ngành nghề khác, mỗi giáo viên đều mong có một khoản kinh phí để lo tết, chứ không phải phụ thuộc vào sự khéo léo chi tiêu tiết kiệm của Hiệu trưởng, của kế toán trường học. Trải qua nhiều năm, các nhà giáo buồn, các chuyên gia giáo dục lên tiếng đề cập đến vấn đề quyền lợi cho ngành, nhưng đến nay, thưởng Tết cho giáo viên vẫn chưa có được mảng màu tươi sáng....

Chủ động, linh hoạt trong lập pháp để thích ứng với đòi hòi thực tiễn (22/01/22)

Ngay từ đầu nhiệm kỳ khoá 15, Quốc hội giữ vai trò chủ động dẫn dắt công tác lập pháp, vào cuộc từ sớm, từ xa, đồng hành sát sao với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, thậm chí “đặt hàng”, giao nhiệm vụ cho các cơ quan trong việc hoàn thiện thể chế pháp luật. Tinh thần đổi mới từ tư duy đến hành động trong công tác lập pháp đã được thể hiện. Đó không chỉ là sự đổi mới có tính tất yếu để hướng đến Quốc hội chuyên nghiệp mà còn là sự đổi mới có tính thích ứng để đáp ứng linh hoạt với bối cảnh tình hình cụ thể. Chủ động, linh hoạt trong lập pháp để thích ứng với đòi hòi thực tiễn là chủ đề được bàn luận trong chương trình Đối thoại hôm nay với sự tham gia của 2 vị khách mời. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu: Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Luật sư Nguyễn Tiến Lập, đoàn luật sư thành phố Hà Nội, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam.

Kỹ thuật cao trong hỗ trợ sinh sản: Mang con yêu đến gia đình!

Cách đây hơn 20 năm, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã bắt đầu được triển khai tại nước ta, tỷ lệ thành công ở các cặp vô sinh, hiếm muộn khi đó chỉ đạt mức 10-20%. Đến thời điểm này, các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cùng các kỹ thuật di truyền đã có sự phát triển vượt trội khi có tỷ lệ thành công tương đương các nước trong khu vực, giúp hàng trăm nghìn cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn hiện thực hóa được niềm mơ ước có con yêu khỏe mạnh. Để cùng nhìn lại những phương pháp hiệu quả đang được triển khai trong hỗ trợ sinh sản năm 2021, những mong muốn, dự định của các thầy thuốc trong năm 2022, trong chương trình Đối thoại, các vị khách mời là PGS.TS.BS Trần Vân Khánh, Trưởng bộ môn Bệnh học Phân tử, Khoa Kỹ thuật Y học, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Gen-protein, Trường đại học Y Hà Nội, và BSCKI Nguyễn Thị Nhã, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BV Bưu điện sẽ cùng trò chuyện về nội dung này

Cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, gỡ khó cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch covid19 (25/12/2021)

Tháng 8 năm nay, khi dịch covid19 diễn biến phức tạp, hàng loạt doanh nghiệp không thể đảm bảo tiến độ giao hàng do những quy định trong việc xin cấp giấy đi đường, kiểm tra mã QR... Sau đó, mặc dù Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu phải thông suốt vận chuyển hàng hoá, song nhiều địa phương vẫn tiếp tục quy định các giấy phép con, “làm khó” doanh nghiệp.
Còn thời điểm này, khi dịch covid19 cơ bản được kiểm soát, thì các loại chi phí có thể phát sinh từ quy định pháp luật như chi phí thủ tục hành chính, chi phí cơ hội và chi phí không chính thức khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khi phục hồi sản xuất.
Vậy, cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho người dân và doanh nghiệp như thế nào để thực sự gỡ khó cho doanh nghiệp?

Nhà trường thời COVID: Thích ứng để đổi mới (18/12/2021)

Gần hai năm qua, trải qua bốn “làn sóng” của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành giáo dục với nhiều khó khăn, thách thức. Học sinh và giáo viên cả nước bước vào năm học 2021-2022 bằng lễ khai giảng trực tuyến – “có khoảng cách nhưng không xa cách”, bắt đầu những giờ học online để thích ứng với tình hình dịch bệnh – “dừng đến trường nhưng không dừng việc việc học”. Cả xã hội thích ứng để bình thường mới, cả ngành giáo dục cũng thích ứng để linh hoạt đổi mới dạy và học. Nhìn lại năm 2021, với giáo dục là gần một học kỳ I của năm học 2021-2022 trong bối cảnh còn khó khăn, kỳ vọng thì lớn, nhiệm vụ lại nặng nề, các nhà trường cần thích ứng ra sao để biến khó khăn, thách thức thành động lực để đổi mới, đạt được “mục tiêu kép” – an toàn phòng dịch và kế hoạch năm học không bị “đứt gẫy” đảm bảo chất lượng giáo dục? Chương trình Đối thoại, chúng tôi bàn nội dung: “Nhà trường thời COVID: Thích ứng để đổi mới”. Chương trình có sự tham gia bàn luận của Chuyên gia giáo dục Đặng Tự Ân, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Giám đốc Quỹ Đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam và ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội.

Cắt giảm, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh theo Nghị quyết 68 của Chính phủ(11/12/2021)

Tháng 5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68 về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025, trong đó đặt ra mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định, cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Đồng thời, Nghị quyết 68 nêu rõ phải cắt giảm các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, không phân biệt đó là thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh hay thủ tục kiểm tra chuyên ngành, nếu gây khó khăn cho doanh nghiệp sẽ bị bãi bỏ. Đây là điểm khác biệt căn bản so với các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh trước đó. Rõ ràng, năm 2021 và năm 2022 sẽ là những năm bản lề để thực hiện mục tiêu đề ra của nghị quyết 68. Con số 20% cắt giảm trong quy định của pháp luật, cũng như chi phí cho doanh nghiệp – sẽ là ít nếu như tất cả đều vào guồng với cùng một mục đích vì doanh nghiệp, vì nhân dân, nhưng cũng sẽ là nhiều và thách thức nếu như khâu thực thi chính sách còn khoảng cách xa vời với chính sách, và các bộ ngành, địa phương vẫn giữ lợi ích của riêng mình. Chương trình Đối thoại hôm nay sẽ bàn sâu hơn câu chuyện: Nỗ lực cho mục tiêu cắt giảm 20% chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp với sự tham gia của hai vị khách mời là Tiến sỹ Tô Hoài Nam- Phó Chủ tịch thường trực Kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh.

Nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội và các giải pháp khắc phục (27/11/2021)

Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Vì thế việc thực hiện các quy định của Luật bảo hiểm xã hội có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Vậy nhưng trong thời gian qua, tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các đơn vị sử dụng lao động có chiều hướng gia tăng, không chỉ gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Vậy cần giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

Cần chăm sóc sức khỏe tâm thần nhiều hơn cho nạn nhân da cam dioxin trong bối cảnh COVID-19 (23/11/2021)

Không chỉ ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, thu nhập, dịch bệnh Covid 19 kéo dài đã khiến những người yếu thế như người nghèo, người khuyết tật, đặc biệt là nạn nhân da cam, còn chịu áp lực lớn về tâm lý do rất dễ bị tổn thương. Dịp kỷ niệm 60 năm nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam mới đây, Chủ tịch nước đã gửi thư cho các nạn nhân và kêu gọi toàn xã hội chăm lo cho các nạn nhân nhiều hơn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Vậy cần quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nạn nhân da cam/dioxin như thế nào trong bối cảnh dịch bệnh?. Trong chương trình hôm nay, chúng tôi mời 2 vị khách mời đến từ Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế và Hội Nạn nhân da cam Dioxin Việt Nam tham gia trao đổi về nội dung này với sự tham gia của 2 khách mời là Trung tướng, PGS.TS Đặng Nam Điền, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội nhạn nhân da cam/dioxin Việt Nam và TS, BS Trần Ngọc Nghị, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h50-05h59 Quảng cáo
06h28-06h30 Quảng cáo
9h15-10h00 Đối thoại
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h00-13h30 CLB âm nhạc
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
23h30-24h00 Nhịp sống
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: