logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Một tấm gương “Hiến dâng và kiên cường” (25/7/2024)

“Mất mát, hụt hẫng, đau buồn, tiếc thương”…là những cảm xúc của đông đảo người dân Việt Nam trong nước và cả người Việt Nam ở xa Tổ quốc. Cộng đồng người Việt Nam tại Singapore và Pháp bày tỏ sự ngưỡng mộ, ấn tượng và dành tình cảm đặc biệt đối với Tổng Bí thư - người luôn trăn trở, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và nhân dân Việt Nam. Nhiều chuyên gia, học giả, người Việt Nam ở nước ngoài bày tỏ nỗi niềm sâu sắc khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, đồng thời bày tỏ mong muốn lấy cuộc đời Tổng Bí thư làm tấm gương, làm bài học để xây dựng niềm tin vào tương lai phát triển bền vững đất nước; tiếp tục xây dựng đội ngũ những người trẻ, những nhà lãnh đạo tương lai có tâm với đất nước, có tầm về trí tuệ . PGS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore và Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu sẽ cùng trao đổi nội dung này.

Bay đêm đến TP.HCM được lưu trú miễn phí - giải pháp mới kích cầu du lịch (23/7/2024)

Thông tin hành khách bay đêm đến TP.HCM sẽ được miễn phí ở khách sạn, chỉ tính tiền phòng từ đêm thứ 2 đang thu hút sự chú ý của dư luận, đặc biệt là với những người đam mê du lịch hoặc có kế hoạch công tác tại thành phố năng động bậc nhất thế giới này. Để giúp quý vị và các bạn hiểu thêm về chương trình khuyến khích khách bay đêm đến TP.HCM do Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với Tổng công ty Hàng không Việt Nam cùng các đơn vị lữ hành và cơ sở lưu trú triển khai thực hiện này, ngay say đây, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM và bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty du lịch Vietravel – doanh nghiệp lữ hành hàng đầu nước ta.

Phổ điểm có biến động gì so với năm ngoái? Thí sinh cần lưu ý gì khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển? (18/07/2024)

Phổ điểm có biến động gì so với năm ngoái? Liệu kết quả có phản ánh đúng thực tế dạy và học, cũng như đã có sự phân hóa để thực hiện các mục tiêu đã đề ra? Thí sinh cần lưu ý gì khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển? Để giải đáp những băn khoăn này, Dòng chảy sự kiện hôm nay chúng tôi trao đổi trực tiếp với chuyên gia giáo dục Vũ Khắc Ngọc - Hệ thống giáo dục Học mãi.

Bỏ đếm ngược đèn giao thông: Nên hay không? (17/7/2024)

Thành phố Hồ Chí Minh vừa thí điểm bỏ đếm ngược thời gian trên đèn giao thông tại một số nút giao, nhằm giảm thiểu các hành vi vượt đèn đỏ hoặc tăng tốc gây nguy cơ tai nạn. Sự việc đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Nếu một số người đồng tình với đề xuất này, cho rằng đây là giải pháp đúng hướng, nhằm tổ chức lại tín hiệu đèn giao thông phù hợp với từng thời điểm; thì cũng có nhiều ý kiến phản đối, bởi đèn đếm ngược giúp người lái xe chủ động, nhận biết được tình huống để không rơi vào "bẫy" đèn đỏ. Bỏ đèn đếm ngược khiến người tham gia giao thông dễ phanh dừng đột ngột, gây tai nạn, nhất là với ô tô.
Cùng bàn luận về câu chuyện này với khách mời là nhà báo Phạm Trung Tuyến – Phó Giám đốc Kênh Giao thông Quốc gia (Đài Tiếng nói Việt Nam) và Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông vận tải Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức, TPHCM.

Đề xuất bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1 - 2 con: Để sinh con không còn là "gánh nặng" (15/7/2024)

Mới đây, dự án Luật Dân số với đề xuất các cặp vợ chồng có quyền quyết định thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe, thu nhập…. đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Theo Bộ Y tế, đây là giải pháp nhằm khắc phục tình trạng mức sinh xuống quá thấp, gây già hóa trầm trọng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Vậy việc tự quyết định số con sẽ tác động đến các chính sách dân số ra sao? TS Phạm Minh Sơn, chuyên viên cao cấp, Cục Dân số, Bộ Y tế sẽ cùng bàn luận vấn đề này.

Du lịch Việt 6 tháng đầu năm: Tăng trưởng tốt nhưng chưa đều! (12/7/2024)

Cục Du lịch Quốc gia mới đây công bố số liệu cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành du lịch đã đón hơn 8,8 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ hơn 66 triệu lượt khách nội địa - tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này cho thấy nỗ lực tổng thể của ngành du lịch cũng như đà phục hồi và phát triển của thị trường du lịch Việt.
Tuy nhiên, đằng sau những con số khá ấn tượng này lại là những trăn trở của các công ty du lịch, đơn vị lữ hành khi tăng trưởng dù có - nhưng không đồng đều, khi du khách chỉ tập trung lựa chọn một số điểm đến nhất định, khiến xảy ra tình trạng “nơi vẫn quá tải - chỗ vẫn đìu hiu”. Chưa kể, xu hướng du lịch nửa đầu năm nay tiếp tục là thắt chặt chi tiêu, đặt ra những thách thức cần “chuyển mình” mạnh mẽ. Nhưng thực tế, không phải điểm đến nào, đơn vị lữ hành nào cũng có đủ nguồn lực và điều kiện để thích ứng. Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là ông Nguyễn Công Hoan - Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội du lịch Việt Nam.

Thấy gì từ kết quả Việt Nam có số triệu phú đôla tăng nhanh nhất thế giới 10 năm qua? (11/7/2024)

Thông tin Việt Nam có tốc độ tăng số triệu phú đôla nhanh nhất thế giới, tới 98% trong 10 năm qua, đang thu hút sự chú ý của dư luận với nhiều câu hỏi: Con số này cho thấy những dấu hiệu tích cực gì về sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước? Vì sao số người giàu lên từ bất động sản vẫn chiếm tỷ lệ lớn, hơn hẳn từ sản xuất kinh doanh, nghiên cứu sáng chế…? Số triệu phú đôla tăng lên, nhưng tại sao khoảng cách giàu nghèo vẫn chưa thu hẹp đáng kể? Dự báo người Việt có thể giàu nhanh nhất thế giới, song còn những yếu tố nào phải lưu ý trong thời gian tới, để tiến tới thịnh vượng, phát triển bền vững? Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong và Tiến sỹ Huỳnh Thế Du, giảng viên thỉnh giảng Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam.

Ưu tiên kích cầu tiêu dùng - tạo động lực tăng trưởng (10/7/2024)

Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người dân có những điều chỉnh đáng kể trong tiêu dùng. Những thay đổi này mang tới nhiều thách thức, buộc doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược để tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả hơn. Bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng Ban cố vấn, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cùng bàn luận câu chuyện này.

“Thúc đẩy tăng năng suất lao động: cần nỗ lực từ nhiều phía” (09/07/2024)

Nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, dài hạn của cả hệ thống chính trị - là con đường ngắn nhất đưa nước ta bắt kịp các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định như vậy tại Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức mới đây.

Thuế thu nhập cá nhân: Cần sớm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp thực tiễn (8/72024)

Việc tăng mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn bởi khi lương tăng nhưng mức giảm trừ gia cảnh vẫn giữ nguyên thì thuế thu nhập cá nhân cũng sẽ tăng lên; điều này liệu có thể sẽ làm giảm ý nghĩa của việc áp dụng mức lương mới? Chuyên gia kinh tế -TS Nguyễn Minh Phong cùng bàn luận câu chuyện này.

Có nên khoe thành tích học tập của con trên mạng xã hội hay không? (5/7/2024)

Những ngày qua, liên tiếp các địa phương công bố điểm chuẩn vào lớp 10. Nhiều trường Đại học cũng chính thức công bố điểm xét tuyển. Cũng từ đây nảy sinh biết bao hỉ nộ ái ố và nổ ra những cuộc tranh luận không hồi kết trên một số diễn đàn và mạng xã hội về việc, có nên khoe thành tích học tập của con trên mạng xã hội? Để có thêm góc nhìn về chủ đề đang thu hút sự chú ý của dư luận, Tiến sỹ Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội và Tiến sỹ xã hội học, thạc sỹ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy cùng bàn luận câu chuyện này.

Thu phí ô tô cá nhân vào nội đô TP Hà Nội và TpHCM - những vấn đề đặt ra (04/7/2024)

Kế hoạch thu phí ô tô cá nhân vào nội đô ở Hà Nội và TP.HCM đang tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận, bởi có nhiều ý kiến khác nhau về tính khả thi, cũng như thời điểm áp dụng. Trước đó, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá 15 về dự thảo Luật Đường bộ, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) đã đề nghị bổ sung phí giao thông nội đô vào Luật đường bộ, áp dụng đối với ô tô cá nhân để giảm ùn tắc và bổ sung nguồn thu. Trong khi đó, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cũng đang hoàn chỉnh báo cáo trình UBND thành phố chấp thuận chủ trương cho phép xây dựng đề án “Thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm”, sau 15 năm có chủ trương. Chuyên gia giao thông - Tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia sẽ cùng bàn luận chủ đề này.

Nhìn lại kỳ thi lớp 10: Áp lực “cuộc đua” vào trường công, giáo dục phân luồng vẫn mãi loay hoay (03/7/2024)

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại nhiều tỉnh, thành phố vừa kết thúc trong tháng 6. Riêng tại thủ đô Hà Nội, khép lại 1 mùa thi căng thẳng, cái nắng nóng oi gắt của mùa hè cũng không thấm tháp gì so với sự nóng lòng của các sĩ tử và cả phụ huynh. Bởi với nhiều bậc phụ huynh, đây lại là thời điểm họ phải nơm nớp nỗi lo con trượt vào các trường công lập. Trong khi trường đại học có nhiều “cửa” để lựa chọn thì việc giành một suất vào lớp 10 trường công lập lại chỉ trông chờ vào một kỳ thi. Nhìn lại diễn biến của kỳ thi vào lớp 10 tại các địa phương, điều đọng lại đối với nhiều thí sinh, phụ huynh đó là một kỳ thi quá căng thẳng và áp lực. Điều này khiến dư luận không ngừng đặt câu hỏi: Vì sao một kỳ thi chuyển cấp đã được tổ chức từ vài chục năm nay lại trở nên quá áp lực như vậy? Liệu có giải pháp nào giảm bớt căng thẳng đối với học sinh và phụ huynh? PGS TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội – Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam sẽ cùng bàn luận chủ đề này.

Nam diễn viên Trần Nghĩa: Hành trình thanh xuân trên màn ảnh rộng, từ “Mắt biếc” đến “Mùa hè đẹp nhất" (29/6/2024)

Sau vai diễn trong 2 bộ phim truyền hình nhận được sự chú ý của khán giả năm qua là “Chúng ta của 8 năm sau” và “Cảnh sát hình sự: Đội điều tra số 7”, nam diễn viên Trần Nghĩa vừa tái ngộ khán giả màn ảnh rộng với tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn Vũ Khắc Tuận mang tên “Mùa hè đẹp nhất”. “Chàng trai viết lên cây” từng để lại dấu ấn sâu sắc qua vai diễn thầy giáo Ngạn trong bộ phim “Mắt biếc” chia sẻ về vai diễn mới và những dự án nghệ thuật sắp tới.

Lắp camera quay lén phụ nữ - xử lý thế nào mới đủ sức răn đe? (28/6/2024)

Những ngày vừa qua, hàng loạt vụ quay lén phụ nữ bị phát giác, gây hoang mang, bức xúc cho dư luận. Đây là sự việc rất đáng báo động bởi nó dẫn tới rất nhiều hệ lụy, không chỉ đối với các nạn nhân bị quay lén, bị xâm phạm quyền riêng tư, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự xã hội. Đã đến lúc phải nghiêm trị những kẻ có hành vi biến thái! Vậy các quy định pháp luật hiện nay đã đủ mạnh và đủ sức răn đe? Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cùng bàn luân câu chuyện này.

Thị trường việc làm khởi sắc, vì sao doanh nghiệp không tuyển được lao động? (25/6/2024)

Thời điểm này, thị trường lao động việc làm có thêm những tín hiệu khởi sắc khi nhiều doanh nghiệp đã ký được đơn hàng đến quý 3 năm nay và đồng loạt tăng tuyển dụng số lượng lớn người lao động. Thế nhưng, việc tuyển dụng đang gặp nhiều khó khăn. Khảo sát của Sở LĐTB - XH tại 300 doanh nghiệp đang hoạt động tại TP.HCM cho thấy, có tới 18,67% doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng. Còn theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk, 6 tháng đầu năm nay, Trung tâm có nhu cầu tuyển hàng chục vạn lao động nhưng sau 20 phiên giao dịch việc làm vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Vì sao thị trường việc làm khởi sắc mà doanh nghiệp lại không tuyển được lao động? Cần có chính sách điều tiết cung cầu lao động như thế nào giữa các địa phương để đảm bảo doanh nghiệp không bị thiếu lao động?

Euro 2024 và những cảnh báo đằng sau trái bóng tròn (20/6/2024)

Mùa Euro 2024 đối với nhiều người hẳn là đã xác định tinh thần cho 1 tháng ăn bóng đá, ngủ cùng bóng đá và tán gẫu với bóng đá. Vâng, phải nói là một không khí thưởng thức ngày hội bóng đá Châu Âu rất khí thế của nhiều người đặc biệt là cánh mày râu. Thế nhưng đi cùng với những háo hức đón chờ những trận đấu kinh điển còn là hàng loạt những nỗi lo dự báo sẽ nảy sinh trong mùa Euro năm nay. Những cảnh báo nào đằng sau trái bóng tròn?

Những lỗ hổng về an toàn cháy nổ đối với các mô hình nhà ở và các giải pháp khắc phục (18/6/2024)

Dư luận chưa hết đau xót về vụ cháy tại phố Trung Kính, Hà Nội khiến 14 người tử vong hồi cuối tháng 5, thì trong ngày 16/6 vừa qua, liên tiếp xảy ra hai vụ cháy nhà dân tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội và phường Đa Mai, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 7 người tử vong. Hôm qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương khẩn trương soạn thảo, trình Thủ tướng phương án phòng ngừa cháy, nổ đối với các đối tượng, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, nhất là nhà ở có nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà cho thuê, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, các phương tiện, thiết bị sử dụng điện... Việc này phải báo cáo Thủ tướng trước 15/7 tới. Các vụ cháy gần đây thường xảy ra ở các chung cư mini, các khu nhà trọ, chưa đảm bảo các quy định phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt, mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn. Vậy những lỗ hổng này cần được nhận diện thế nào và có giải pháp khắc phục ra sao? Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội sẽ cùng bàn luận chủ đề này.

Phân loại rác tại nguồn cần giải pháp đồng bộ (14/6/2024)

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đến ngày 31/12/2024, các tỉnh, thành phố sẽ chính thức thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn. Đến thời điểm này chỉ còn gần 6 tháng nữa để các tổ chức, đơn vị cá nhân chấp hành các quy định của Luật. Tuy vậy hiện nay, người dân còn nhiều bỡ ngỡ, một số đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải cũng gặp vướng mắc trong công tác chuẩn bị để thực hiện phân loại rác tại nguồn. Phần lớn rác thải sinh hoạt gồm rác vô cơ, hữu cơ, rác thải có thể tái chế vẫn được thu gom chung, chôn lấp cùng chỗ dẫn đến lãng phí nguồn tài nguyên, ngân sách và ảnh hưởng đến môi trường.
Thực tế này đang diễn ra như thế nào? Cần có giải pháp gì để thúc đẩy phân loại rác tại nguồn. Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

Vì sao cạnh tranh cao về giá nhưng du lịch Việt Nam vẫn tụt hạng theo chỉ số Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố? (11/6/2024)

Việt Nam đã tụt 7 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số Phát triển du lịch và lữ hành, vừa được Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố. Thông tin này thu hút sự chú ý của dư luận với nhiều câu hỏi: Vì sao ngành du lịch Việt Nam có nhiều nỗ lực phát triển, nhưng vẫn tụt hạng? Đâu là những bất cập, yếu kém cần nhanh chóng khắc phục, để cải thiện và nâng tầm du lịch nước nhà? Cần có sự phối hợp, liên kết và triển khai chính sách đồng bộ như thế nào giữa Cục Du lịch Quốc gia với các ban ngành, địa phương, đơn vị vận tải, công ty lữ hành, nhà hàng, khách sạn… để mang lại hiệu quả kinh tế và sự phát triển bền vững?

Livestream bán hàng tiền tỷ: Làm gì để quản lý hiệu quả? (10/6/2024)

Những ngày gần đây, mạng xã hội xôn xao những phiên livestream bán hàng trên các ứng dụng với doanh thu lên đến hàng chục, thậm chí cả trăm tỷ đồng một phiên. Đây cũng là 1 trong những nội dung thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7. Thực hư về livestream bán hàng thu tiền tỷ một phiên như thế nào? Với hình thức kinh doanh thương mại điện tử, cần phải làm thế nào để quản lý được chất lượng các sản phẩm theo hình thức kinh doanh này? Doanh nhân Tuấn Hà, Tổng giám đốc Công ty Vinalink, chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử cùng bàn luận câu chuyện này.

Kế hoạch thu phí ô tô cá nhân vào nội đô ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh (06/06/2024)

Mới đây, thảo luận tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá 15 về dự thảo Luật Đường bộ, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) đề nghị bổ sung phí giao thông nội đô vào Luật đường bộ, áp dụng đối với ô tô cá nhân để giảm ùn tắc và bổ sung nguồn thu. Trong khi đó, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cũng đang hoàn chỉnh báo cáo trình UBND thành phố chấp thuận chủ trương cho phép xây dựng đề án “Thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm” trong tháng 6 này, sau 15 năm có chủ trương.

Những băn khoăn về việc Bộ Công an triển khai ứng dụng “cúng dường trực tuyến” tới các chùa trên cả nước (05/6/2024)

Thông tin Bộ Công an đang phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát triển hệ thống quản lý tăng ni và phật tử, trong đó sẽ triển khai tích hợp tính năng "cúng dường trực tuyến" đến tất cả các chùa trong cả nước, đang thu hút sự chú ý của dư luận, với nhiều ý kiến trái chiều. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong sẽ cùng bàn luận về vấn đề này.

Đề xuất giảm giờ làm thấp hơn 48 giờ/tuần: hài hoà lợi ích người lao động và doanh nghiệp (04/6/2024)

Góp ý xây dựng Bộ luật Lao động năm 2019, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất giảm thời gian làm việc. Thời điểm đó, Quốc hội đã có nghị quyết giao cho Chính phủ lựa chọn thời điểm thích hợp, khuyến khích doanh nghiệp giảm giờ làm cho người lao động. Mới đây, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tiếp tục kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu sớm thực hiện quy định về giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần. Giảm giờ làm dưới 48 tiếng mỗi tuần, cần điều kiện cần và đủ như thế nào để phù hợp với thực tế hiện nay? TS Phạm Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sẽ cùng bán luận về nội dung này.

Vụ cháu bé tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường mầm non ở Thái Bình - Cần làm gì để không tái diễn những vụ việc đau lòng tương tự? (31/5/2024)

Ngày 29/05, đã xảy ra một vụ việc hết sức đau lòng: một trẻ mầm non 5 tuổi bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón học sinh dẫn đến tử vong tại Trường Mầm non Hồng Nhung, xã Phú Xuân, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Đây không phải lần đầu tiên xảy ra vụ việc thương tâm như vậy! Nghĩa là sự tắc trách và cẩu thả trong việc đưa đón, quản lý học sinh vẫn tồn tại và dường như các bên liên quan vẫn không rút được bài học sâu sắc từ các vụ việc này. Bé 5 tuổi tử vong vì bị bỏ quên trên xe – Làm gì để không tái diễn các vụ việc thương tâm tương tự? Luật sư Nguyễn Quang Ngọc, Công ty Luật Vietsky, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cùng bàn luận câu chuyện này.

Phải làm gì để việc dạy bơi tại các địa phương thực chất và hiệu quả, khi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước? (30/5/2024)

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng nhiều địa phương tổ chức lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước. Đây là sự kiện quy mô, được tổ chức hằng năm tại nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc, nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ bản thân, trang bị thêm kiến thức và kỹ năng cần thiết như sơ cấp cứu, kỹ năng bơi lặn, phòng, chống đuối nước, đặc biệt cho trẻ em. Nhiều người đặt câu hỏi: Phải làm gì để việc dạy bơi tại các địa phương ngày càng thực chất và hiệu quả? Đâu là những vấn đề cần mau chóng tháo gỡ để đưa môn bơi lội vào nhiều trường học hơn? Cần xã hội hóa và có thêm sự đầu tư hỗ trợ ra sao từ các ban ngành địa phương và các tổ chức, đoàn thể để mở thêm nhiều lớp dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước, nhất là ở các địa bàn nhiều ao hồ, sông suối…?

Giải pháp quản lý, nâng cao chất lượng phong trào chạy bộ tại Việt Nam (29/05/2024)

Chạy bộ là môn thể thao vô cùng quen thuộc, có tính đại chúng và có sức hấp dẫn đặc biệt, hầu như bất cứ ai cũng có thể tham gia. Tại Việt Nam, phong trào này phát triển mạnh mẽ và bùng nổ trong khoảng 10 năm trở lại đây. Nhà nhà, người người tham gia hàng chục, hàng trăm giải chạy đủ mọi qui mô, cấp độ; liên tục được tổ chức hàng năm, thậm chí hàng tháng.

Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá (28/5/2024)

Dù việc sử dụng thuốc lá truyền thống có giảm, song tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ở các em thanh thiếu niên nhóm tuổi 13-17 tại nước ta đã tăng từ 2,6% năm 2019 lên hơn 8% năm 2023. Chỉ riêng trong năm 2023, đã có hơn 1.200 ca nhập viện cấp cứu do gặp các phản ứng nguy hại sức khỏe sau khi sử dụng thuốc lá điện tử. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 90% bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi và 75% bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là do sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam, mỗi năm có ít nhất 40 nghìn ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá như ung thư phổi, bệnh tim mạch, đột quỵ và các bệnh đường hô hấp. Chính vì vậy, Tuần lễ không thuốc lá 25-31/5/2024 và Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 năm nay, Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn chủ đề "Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá”, nhằm bảo vệ giới trẻ trước sự “tấn công” của những loại thuốc lá mới đang tràn ngập thị trường hiện nay. Với tỷ lệ thanh thiếu niên hút các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ngày càng gia tăng, giải pháp nào để bảo vệ các em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá? TS. Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam sẽ cùng bàn luận vấn đề này.

Dự thảo quy định chứng chỉ hành nghề của nhà giáo: Liệu có tăng thêm gánh nặng cho giáo viên? (27/5/2024)

Được bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó quy định rõ về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo đang nhận về nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong và ngoài ngành. Dự thảo Luật Nhà giáo có 3 điều quy định về chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên. Điều đó có nghĩa, nếu quy định này được thông qua, lần đầu tiên yêu cầu bắt buộc nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề được luật hóa. Xét về mặt lý thuyết, mục đích của việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận nghề nghiệp đối với nhà giáo là nhằm đảm bảo giáo viên có đủ năng lực chuyên môn và đạo đức để giảng dạy và đó cũng là cách để bảo vệ lợi ích của người học. Tuy nhiên, nếu triển khai không cẩn thận có thể cản trở cho hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, thêm gánh nặng cho giáo viên nếu như phát sinh thêm “giấy phép con”, phát sinh thêm thủ tục không cần thiết?... PGS TS Đặng Thị Thanh Huyền, Ban điều hành Mạng lưới Quản lý Giáo dục EdulightenUp, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Quản lý giáo dục thuộc Học viện Quản lý giáo dục bàn luận câu chuyện này

Giải mã sức hút của hiện tượng Thích Minh Tuệ (24/5/2024)

Câu chuyện của ông Thích Minh Tuệ “tự tu” theo hình thức hạnh đầu đà, chân đất đi bộ từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc… đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, với nhiều câu hỏi: Điều gì đã khiến ông trở thành hiện tượng mạng xã hội và truyền thông, được công chúng đặc biệt quan tâm? Câu chuyện của ông gợi mở những suy ngẫm gì về hình ảnh một nhà tu hành, một bậc chân tu mà xã hội và nhân dân kỳ vọng? Những người đi theo Phật cần tìm hiểu thấu đáo giáo pháp sao cho đúng đắn và sâu sắc, để hướng về chính tín, rời bỏ mê tín?. Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Quang Hưng, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Tôn giáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhà văn, chuyên gia truyền thông Trang Hạ sẽ cùng bàn luận câu chuyện này.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h50-05h59 Quảng cáo
06h28-06h30 Quảng cáo
9h15-10h00 Đối thoại
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h00-13h30 CLB âm nhạc
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
23h30-24h00 Nhịp sống
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: