logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Đề xuất người dưới 18 tuổi lái xe máy điện và xe 50 phân khối phải có bằng lái – liệu có cần thiết? (20/3/2024)

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới đây, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đã đề nghị có quy định người từ 16 đến dưới 18 tuổi điều khiển xe máy dưới 50 phân khối hoặc xe máy điện, phải có giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ lái xe. Dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về sự cần thiết của đề xuất này, cũng như tính khả thi của nó. Bà Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cùng bàn luận câu chuyện này.

Giá vé máy bay nội địa quá cao ảnh hưởng sao đến ngành du lịch khi mùa cao điểm hè đang đến gần? (19/3/2024)

Hãng hàng không Pacific Airlines vừa trả toàn bộ tàu bay, tạm dừng khai thác để giảm nợ. Bamboo Airways cũng dừng sử dụng 2/3 số máy bay để thu hẹp qui mô. Trong khi đó, VietNam Airlines và Vietjet Air đang cho 44 máy bay đi bảo dưỡng, do động cơ bị lỗi. Đây là một trong những lí do chính khiến giá vé máy bay nội địa cao ngất ngưởng, đặc biệt trong dịp cao điểm 30/4 – 1/5 sắp tới. Giá vé máy bay ở mức “trên trời” ảnh hưởng sao đến ngành du lịch khi mùa cao điểm hè đang đến gần? Cần những điều tiết ra sao từ các ban ngành và cả các hãng hàng không để các đơn vị lữ hành, khách sạn, nhà hàng… cũng như người dân và cả nền kinh tế, xã hội không chịu tác động tiêu cực từ việc giá vé máy bay tăng quá cao? Về lâu dài, nên có sự đầu tư, chuẩn bị ra sao, để ngành du lịch nhiều địa phương và các doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại mỗi đợt giá vé máy bay tăng đột biến?

Tăng cường các hoạt động phòng chống lao trong cộng đồng (18/3/2024)

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là quốc gia thứ 11 trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao, lao kháng thuốc cao trên thế giới. Mỗi năm, nước ta có khoảng 172.000 bệnh nhân lao, nếu không được chữa trị, số người bị lây nhiễm sẽ tăng gấp nhiều lần. Vậy Chương trình chống lao Quốc gia triển khai các giải pháp gì nhằm tăng tối đa số bệnh nhân được phát hiện, chẩn đoán, điều trị để cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng? TS.BS cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban Điều hành Chương trình chống lao Quốc gia cùng bàn luận về câu chuyện này.

23 người tử vong và nguy cơ bùng phát bệnh dại: cần kiểm soát như thế nào? (15/3/2024)

Năm 2023 cả nước có 82 người chết vì bệnh tập trung ở các tỉnh Gia Lai, Bình Phước, Bến Tre, Nghệ An, Điện Biên. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 23 trường hợp tử vong do bệnh dại, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trước tình hình số người tử vong do bệnh dại và số người phải điều trị dự phòng bệnh dại tăng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Vì sao sau rất nhiều nỗ lực của các cấp chính quyền, tình trạng này vẫn tiếp tục tăng cao? Cần có giải pháp gì để giảm thiểu và tiến tới không còn người chết vì bệnh dại? Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ cùng bàn luận vấn đề này.

Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ - "Điểm hẹn lịch sử" tại Điện Biên (15/3/2024)

23 người tử vong và nguy cơ bùng phát bệnh dại: cần kiểm soát như thế nào?
- Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ - "Điểm hẹn lịch sử" tại Điện Biên
- “Câu lạc bộ đọc sách 2000” – dự án của một cụ ông Philippines góp phần truyền cảm hứng đọc sách cho giới trẻ

Cần điều chỉnh gì sau khi học sinh lớp 11 Hà Nội 'thi thử' tốt nghiệp THPT 2025 theo cách ra đề mới? (14/3/2024)

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa và cấu trúc định dạng đề thi của Kỳ thi Tốt nghiệp THPT từ năm 2025, một số địa phương đã có sự điều chỉnh trong dạy và học cũng như kiểm tra đánh giá phù hợp với yêu cầu mới. Mới đây, Hà Nội lần đầu tiên tổ chức kỳ thi khảo sát cho khoảng 100.000 học sinh lớp 11 nhằm giúp các em làm quen với cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Trước đó, kỳ thi khảo sát chỉ được Hà Nội thực hiện với học sinh lớp 12. Trong khi đó, tỉnh Nam Định cũng đã xây dựng đề thi theo định dạng đề thi mới của Bộ GD&ĐT và thử nghiệm trên 1.000 học sinh lớp 10 và 11. Không chỉ riêng Hà Nội, Nam Định, việc nghiên cứu và thử nghiệm ra đề thi theo định dạng đề thi Tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được nhiều địa phương triển khai khi đây là năm đầu tiên học sinh dự thi Tốt nghiệp THPT theo định dạng đề thi mới, với nội dung mới – chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chuyên gia giáo dục Trần Mạnh Tùng cùng bàn luận câu chuyện này.

Ô nhiễm không khí ở ngưỡng có hại cho sức khoẻ- chuyên gia lý giải nguyên nhân và biện pháp khắc phục (07/03/2024)

Liên tiếp trong những ngày gần đây, người dân Hà Nội thức dậy trong không khí mù mịt, tầm nhìn xa hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tham gia giao thông. Theo số liệu ghi nhận vào một số thời điểm trong buổi sáng, không khí ở thủ đô đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí.

Từ rạp chiếu phim đến gia đình: Làm gì để kiểm soát con cái xem phim 18+ một cách hiệu quả? (06/3/2024)

Mới đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc một số cụm rạp đã bất ngờ bị kiểm tra và bị phạt từ 60-80 triệu đồng do để lọt khán giả nhỏ tuổi vào xem bộ phim “Mai” của đạo diễn Trấn Thành vốn được dán nhãn “phim 18+”. Dư luận nhất là các bậc phụ huynh đều đồng tình với động thái này của các nhà quản lý văn hoá. Thế nhưng bên cạnh đó, nhiều vấn đề cũng được đặt ra. Các rạp chiếu phim đã bị phạt hành chính, nhưng liệu tình trạng này có tái diễn sau đợt kiểm tra vốn chỉ được tiến hành do có phản ánh từ báo chí. Nhất là khi công tác quản lý độ tuổi khán giả tại các rạp chiếu phim trước nay vẫn bị đánh giá là vô cùng lỏng lẻo. Hay kể cả có cấm, hạn chế ở rạp thì trẻ vẫn có thể tiếp cận thoải mái các bộ phim, nội dung 18+ ở bất cứ nền tảng mạng xã hội, ứng dụng xem phim trực tuyến nào. Vậy thì vấn đề kiểm soát, quản lý trẻ tiếp cận, xem “phim người lớn” cần nhìn nhận và xử lý ra sao? Nhà báo Hoàng Anh Tú - chuyên gia tâm lý, người rất gần gũi với giới trẻ và có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn, xử lý các vấn đề tâm lý thanh thiếu niên sẽ cùng bàn luận câu chuyện này.

Hành vi cố tình vi phạm an toàn giao thông, côn đồ, tấn công người thi hành công vụ: Cần xử lý nghiêm (05/3/2024)

Bạo lực khi tham gia giao thông giờ đây không phải câu chuyện mới trên đường phố. Nó có thể xảy ra với bất cứ ai, từ người điều khiển phương tiện cơ giới tới thô sơ, người già, người trẻ, từ xô xát nhẹ, tới những va chạm mạnh, thậm chí xảy ra án mạng. Thay vì bình tĩnh xử lý khi xảy ra va chạm thì không ít người tham gia giao thông lại thích dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Vụ việc xảy ra tại đường Vành đai 2, TP Hà Nội vừa qua là một tình huống như vậy. Mặc dù 2 đối tượng này đã bị cơ quan công an xử lý, nhưng vụ việc tiếp tục cho thấy hành vi cố tình vi phạm an toàn giao thông, bạo lực, côn đồ đang có chiều hướng gia tăng. Nghiêm trọng hơn, nhiều đối tượng sau khi vi phạm an toàn giao thông còn tấn công người thi hành công vụ. Mới đây nhất, đêm ngày 3/3, bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn vượt ngưỡng kịch khung, sau khi xin lực lượng làm nhiệm vụ không thành, 2 đối tượng ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đã tấn công tổ công tác Cảnh sát giao thông. Thực tế vừa nêu cho thấy các đối tượng thể hiện rõ sự manh động, có tính chất côn đồ, coi thường tính mạng người khác và coi thường pháp luật, vì vậy đòi hỏi phải có các chế tài đủ mạnh nhằm răn đe các đối tượng vi phạm, bảo vệ sự thượng tôn của pháp luật. Luật sư Huỳnh Phương Nam, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, Trưởng Văn phòng luật sư Huỳnh Nam sẽ cùng thảo luận về vấn đề này.

Giải quyết mâu thuẫn gia đình – bài học từ vụ dựng hiện trường giả tự tử để dọa chồng (4/3/2024)

Những ngày qua cộng đồng mạng đã trải qua cảm giác từ lo âu đến thở phào nhẹ nhõm sau khi biết được thông tin người phụ nữ ở Vĩnh Phúc cùng 3 đứa con nghi đã tự tử trên cầu Đông Trù (quận Long Biên), Hà Nội vẫn bình an vô sự. Hiện trường chiếc ô tô, những đôi dép, bức thư tuyệt mệnh để lại trên cầu tất cả chỉ là dàn dựng. Hành động bột phát của người phụ nữ này đã gây tâm lý tiêu cực cho nhiều người, đặc biệt là những người trong gia đình và ảnh hưởng đến hoạt động, nhiệm vụ của cơ quan chức năng khi phải huy động một lực lượng lớn để thực hiện công tác tìm kiếm trên sông mất rất nhiều thời gian và công sức. Hành vi mang bản thân và con ra để dọa tự tử của người phụ nữ ở Vĩnh Phúc sẽ phải đối mặt với các vấn đề pháp lý như thế nào? Trước các vấn đề mâu thuẫn gia đình – cần giải pháp nào để giải quyết, hóa giải tránh những sự việc đau lòng có thể xảy ra? Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cùng bàn luận câu chuyện này.

Những vấn đề đặt ra với kỳ thi tuyển sinh vào 10 năm 2024 (29/2/2024)

Thi 3 hay 4 môn để tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập đang là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của phụ huynh, học sinh. Năm học 2024-2025 là năm học cuối cùng của học sinh theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Từ năm học 2025- 2026, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sẽ theo nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Trong khi học sinh và các nhà trường tại Hà Nội đều đang nóng lòng ngóng chờ quyết định của thành phố về việc có hay không có môn thi thứ 4, thì nhiều địa phương đã chốt phương án thi lớp 10, chốt số môn thi, trong đó có những điều chỉnh mới để giảm áp lực cho kỳ thi đầu cấp.
Trong bối cảnh, các năm qua, nhiều địa phương tổ chức thi tuyển vào lớp 10 quá căng thẳng, mệt mỏi, biến thành một cuộc “chạy đua” gắt gao, thì bài toán làm thế nào để có một phương thức tuyển sinh phù hợp, giảm áp lực cho học sinh, giảm tốn kém cho xã hội lại được đưa ra bàn thảo. Nhà giáo ưu tú – TS Nguyễn Thanh Sơn, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục – Ban Khoa giáo Trung ương, Nguyên Tổng Hiệu trưởng Hệ thống Giáo dục Vinschool, Nguyên Hiệu trưởng Hanoi Academy cùng bàn luận câu chuyện này.

Giải mã sức hút của phim Việt mùa Tết 2024 (22/2/2024)

Những ngày qua, ngoài phim “Mai” của Trấn Thành lập kỷ lục về doanh thu phòng vé mùa phim Tết 2024, thì bộ phim “Đào, phở và piano” (đạo diễn Phi Tiến Sơn) cũng bỗng dưng trở thành “hiện tượng” phòng vé khi cháy vé liên tục mà không quảng bá rầm rộ, thậm chí khá im ắng giữa loạt phim Việt ra mắt cùng thời điểm. Cụ thể, Theo số liệu của Box Office Việt Nam - đơn vị thống kê độc lập, tính đến hết ngày 21/2, phim Đào, phở và piano ghi nhận mức doanh thu 1 tỷ đồng- một con số không tưởng đối với phim do Nhà nước đặt hàng và chỉ chiếu tại một rạp phim duy nhất. Trong khi đó, ra mắt cùng thời điểm, phim “Mai” của Trấn Thành đã chạm đến cột mốc doanh thu 400 tỉ đồng. Đây là kỷ lục phòng vé chưa từng có tiền lệ đối với một bộ phim Việt Nam. Mặc dù cùng lúc ra rạp theo những cách thức khác nhau, đạt doanh thu khác xa nhau, nhưng những gì mà cả 2 phim đạt được cho thấy phim Việt đang dần tạo được sức hút trong lòng công chúng. Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã sẽ cùng bàn luận câu chuyện này.

Giải pháp nào để tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực hiệu quả và chất lượng (21/2/2024)

Việc đăng ký thi đánh giá năng lực vừa qua của ĐH Quốc gia Hà Nội đã trở thành đợt đăng ký nhớ đời với phụ huynh và thí sinh, là thông tin nhận được sự quan tâm lớn của dư luận những ngày qua. Cụ thể, ngay sau khi Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội mở cổng đăng ký kỳ thi đánh giá năng lực đã xảy ra tình trạng nghẽn cổng đăng ký do số lượng thí sinh truy cập tăng cao. Trong các mùa tuyển sinh những năm gần đây, nhiều trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, ứng dựng công nghệ thông tin vào công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, do tình trạng nghẽn mạng và một số bất cập khác đã gây hoang mang, lo lắng cho thí sinh và gia đình. Giải pháp nào để tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực hiệu quả và chất lượng? Chuyên gia giáo dục Vũ Khắc Ngọc, Hệ thống giáo dục Học mãi - Người có nhiều kinh nghiệm trong đánh giá năng lực cùng bàn luận câu này.

Hơn 99% người lao động trở lại làm việc sau Tết: Nỗ lực lớn từ tổ chức Công đoàn (20/2/2024)

Không khí lao động tại các doanh nghiệp sản xuất đã rộn ràng khắp mọi miền đất nước. Những năm gần đây, hầu hết người lao động đều nghiêm túc quay trở lại làm việc sau Tết đúng hẹn, không còn tâm lý “tháng giêng là tháng ăn chơi”. Tình hình sản xuất đầu năm có điểm gì đáng chú ý? Đã có tín hiệu tích cực nào với thị trường việc làm? Và bài toán nào giúp doanh nghiệp cùng người lao động nỗ lực vượt khó giai đoạn này?

Giải pháp nào chấn chỉnh nạn ăn xin làm phiền du khách tại các lễ hội? (19/2/2024)

Những ngày đầu xuân năm mới là thời điểm nhiều lễ hội được tổ chức ở các địa phương trong cả nước. Đi lễ hay du xuân đầu năm, ai ai cũng muốn được thưởng ngoạn những không gian đẹp đẽ, vui tươi. Thế nhưng, hiện vẫn còn tình trạng người ăn xin tại lễ hội, di tích, điểm du lịch đầu xuân gây mất mỹ quan, làm phiền du khách đến tham quan, chiêm bái. Giải pháp nào chấn chỉnh tình trạng ăn xin làm phiền du khách tại các lễ hội? Chuyên gia xã hội học, PGS. TS Trịnh Hòa Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học Việt Nam cùng bàn luận câu chuyện này.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h20-05h50 Mùa vàng
6h28-6h30 Quảng cáo
8h35-8h40 Quảng cáo
8h50-8h55 Quảng cáo
9h35-9h40 Quảng cáo
9h55-10h00 Quảng cáo
10h05-10h10 Quảng cáo
10h25-10h30 Quảng cáo
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
13h20-13h25 Quảng cáo
13h40-13h45 Quảng cáo
15h15-15h20 Quảng cáo
15h55-16h00 Quảng cáo
17h50-17h59 Quảng cáo
19h05-19h10 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
22h00-23h00 Thức cùng VOV
23h10-23h15 Rao sóng
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: