
“Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp là lợi thế của quốc gia”. Đó là một tinh thần mới, một khẳng định chắc chắn, rõ ràng quan điểm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII trong Nghị quyết 19 ban hành ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết 26 Hội nghị Trung ương 7 Khoá X năm 2008 cũng đã đặt ra quan điểm “nông dân là chủ thể của quá trình phát triển”, nhưng sau gần 15 năm triển khai, vai trò và vị trí chủ thể này của nông dân vẫn chưa được thể hiện như mong đợi. Nghị quyết 19 lần này đã thay đổi vị trí của “nông dân” lên đứng đầu tiên, trước “nông nghiệp”, “nông thôn”. Sự chuyển đổi này chính là yêu cầu trong đường hướng lãnh đạo thời gian tới và cũng là đòi hỏi gắt gao từ thực tế của người nông dân để thích ứng với tình hình mới.
Nội dung này được chúng tôi bàn luận trong chương trình Diễn đàn chủ nhật hôm nay có chủ đề: “Để nông dân là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn”, với sự tham gia của các vị khách mời:
- Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương;
- Ông Tăng Minh Lộc, nguyên Cục trưởng, Chánh văn phòng điều phối Nông thôn mới trung ương, Phó chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) - (gọi tắt là Hiệp định EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/08/2020, nghĩa là chỉ còn 1 tuần nữa là tròn 2 năm.
Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch Covid-19, song cộng đồng doanh nghiệp của cả Việt Nam và 27 quốc gia thành viên EU đã khai thác có hiệu quả các ưu đãi từ hiệp định này, nhất là các nhóm ngành hàng,lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam... Cơ hội của Việt Nam từ thị trường EVFTA là rất lớn, không chỉ ở chiều xuất khẩu mà còn cả chiều nhập khẩu và đầu tư. Song, những thách thức đặt ra cũng không ít và vẫn còn ở phía trước, đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn, cả từ Chính phủ, các cơ quan quản lý tới mỗi doanh nghiệp và người dân…
“Nhìn lại 2 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực - Những tác động tới nền kinh tế” là chủ đề của Diễn đàn chủ nhật tuần này, với sự tham gia bàn luận của các vị khách mời: Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM); Bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP):

Để tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục có đóng góp lớn hơn vào mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới bền vững ở nước ta trong những năm tới thì vấn đề đặt ra là làm sao phát huy được vai trò làm chủ của người nông dân. Điều này cần được nhìn nhận như một yếu tố then chốt để Đảng và Nhà nước, Chính phủ tiếp tục bổ sung, ban hành các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích người nông dân nước ta có tâm thế và khát vọng vươn lên làm chủ. Đó là làm chủ quy trình sản xuất, làm chủ kiến thức khoa học công nghệ và kỹ năng tiếp cận thị trường để không bị tụt lại phía sau trong quá trình toàn cầu hoá và cạnh tranh gay gắt hiện nay. Nghị quyết 20/NQ – TW ngày 16/06/2022 của BCH Trung ương Đảng khoá 13 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới một lần nữa khẳng định vấn đề này. Chương trình Diễn đàn Chủ nhật hôm nay, chúng tôi sẽ bàn sâu về nội dung này với chủ đề “Phát huy vai trò làm chủ của nông dân trong quá trình phát triển kinh tế hợp tác xã” với sự tham gia của 2 vị khách mời: TS Đặng Kim Sơn – Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; TS Nguyễn Tiến Định, Trưởng phòng Kinh tế hợp tác, Cục Kinh tế hợp tác & phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn).
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy sự hồi phục tích cực khi GDP 6 tháng đạt mức tăng 6,42%. Nhưng nhiều dự báo cho thấy, lạm phát và chi phí sản xuất tăng cao sẽ tiếp tục là những khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế trong những tháng cuối năm. Vậy áp lực ẩn sau mức tăng trưởng kỷ lục của GDP 6 tháng đầu năm 2022 là gì? Kịch bản tăng trưởng của nền kinh tế nước ta trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng cao ra sao? Đây là nội dung sẽ được bàn luận trong Diễn đàn Chủ nhật, với sự tham gia của các vị khách mời:
- Chuyên gia tài chính - giá cả thị trường, TS Vũ Đình Ánh.
- Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu Economica Vietnam.
Đảng và Nhà nước ta luôn xác định rõ tầm quan trọng của phát triển bền vững, đưa quan điểm phát triển bền vững vào các nghị quyết và chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững cần có hệ thống các giải pháp tổng thể, trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc tri thức, chuyên nghiệp hoá người nông dân, bởi họ chính là chủ thể thực hiện. Làm được điều này sẽ giúp chuyển nhanh từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản và đảm bảo sự bền vững về môi trường. Đây là nội dung chúng tôi bàn luận trong Diễn đàn chủ nhật với sự tham gia của hai vị khách mời:
GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ths. Lưu Đức Khải, Phó Trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư.
Không chỉ góp phần quan trọng đảm bảo nguồn năng lượng cho đất nước, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đem lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp và gia đình. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết nóng nực của mùa hè ở miền Bắc, nhu cầu điện tăng cao; Những tác động từ cuộc xung đột Nga - Ucraina gây ra những xáo trộn, ảnh hưởng về nguồn cung năng lượng của nhiều quốc gia.
Bàn về giải pháp cải thiện, nâng cao chất lượng sử dụng năng lượng ở Việt Nam - là chủ đề của Diễn đàn chủ nhật cuối tháng 6, với sự tham gia của 2 vị khách mời: Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo TKNL - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương; Ông Chu Bá Thi - Chuyên gia năng lượng cao cấp, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam:

Trong hơn 4 năm qua, Việt Nam đã thực thi các giải pháp kiểm soát đánh bắt để tuân thủ Luật pháp của Châu Âu về khai thác thuỷ sản bất hợp pháp không báo cáo, không theo quy định (gọi tắt là IUU). Tuy nhiên đến hết năm 2021, phía EC vẫn đánh giá một số kết quả chống khai thác IUU chưa có sự chuyển biển rõ nét. Mặc dù tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài có giảm nhưng chưa thực sự vững chắc và vẫn diễn biến phức tạp. Theo Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, các địa phương có tàu cá và ngư dân bị bắt giữ, xử lý nhiều là Kiên Giang, Cà Mau, Bình Định. Đáng chú ý, thời gian gần đây, xuất hiện một số vụ việc nghiêm trọng như sử dụng tên, đăng ký tàu giả để khai thác hải sản trái phép; chống đối người thi hành công vụ.
Nếu các địa phương không tăng cường các giải pháp và hành động quyết liệt để tháo gỡ thẻ vàng thì mục tiêu gỡ thẻ vàng của EC trong năm 2022 mà Thủ tướng Chính phủ đề ra khó có thể thực hiện được. Đây cũng là nội dung được bàn luận trong Diễn đàn Chủ nhật trực tiếp với chủ đề: “Kiên quyết thực hiện chống khai thác IUU để sớm tháo gỡ thẻ vàng của EC” với sự tham gia của 2 vị khách mời.
1. Ông Lê Quốc Anh, Phó CT UBND tỉnh Kiên Giang
2. Ông Vũ Duyên Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Khai Thác, Tổng cục thủy sản, Bộ NNPTNT

Cộng đồng doanh nghiệp được cổ vũ mạnh mẽ khi chưa đầy hai thập kỷ Đảng ta 2 lần ra Nghị quyết dành riêng cho khu vực kinh tế tư nhân. Nghị quyết đầu tiên vào năm 2002; tiếp đến là Nghị quyết 10, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, ban hành ngày 03/6/2017. Năm năm qua, Nghị quyết thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh hơn, đóng góp ngày càng quan trọng cho kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, để khu vực này tăng trưởng mạnh về chất và thực sự trở thành “động lực quan trọng của nền kinh tế”, còn nhiều “điểm nghẽn” cần khơi thông; còn nhiều thách thức cần nhận diện, điều chỉnh linh hoạt. Diễn đàn bàn luận-góp phần sáng tỏ nội dung này, với sự tham gia của Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược lớn, luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Để tạo bước phát triển đột phá, toàn diện cho lĩnh vực này, Hội nghị Trung ương 7 khoá X năm 2008 đã ban hành Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Qua thực tế gần 15 năm triển khai, tính đúng đắn của một Nghị quyết mang tầm chiến lược của Đảng đối với một khu vực chiếm phần đông dân số và lực lượng lao động của cả nước đã được khẳng định. Vượt qua những thử thách của thiên tai, địch hoạ, sản xuất nông nghiệp đã gặt hái được những mùa vàng, bứt phá tăng trưởng, là trụ đỡ của nền kinh tế; nông thôn mới khởi sắc, hoàn thành trước mục tiêu đề ra; nhiều vấn đề về đời sống nông dân được giải quyết và ngày một nâng cao.
Qua thực tế 15 năm, quãng đường chưa phải là dài trên chặng đường phát triển đất nước nhưng cũng đã đủ để thấy được tính đúng đắn, sát hợp của một Nghị quyết khi ý Đảng hợp lòng dân. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng được bàn thảo tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 5 khoá XIII và những vấn đề của nông dân, nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được bàn thảo, gợi mở và tháo gỡ tại cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân diễn ra tại Sơn La tuần trước.
Bài học kinh nghiệm và hướng đi tiếp theo của nông nghiệp, nông dân, nông thôn là gì? Phải chăng đây là thời điểm để có thể Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục ban hành một Nghị quyết mới về lĩnh vực chiến lược quan trọng này? Chương trình Diễn đàn Chủ nhật hôm nay bàn về nội dung này với sự tham gia của TS Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT; Ông Hoàng Trọng Thuỷ, chuyên gia nông nghiệp.

Đến thời điểm này, đại dịch COVID 19 đã tạm lắng và hầu như các hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh tế đang trở lại bình thường và phục hồi. Nhiều động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đang quay trở lại dần như trước đại dịch Covid-19 và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có bước phục hồi và tăng trưởng, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng dương của GDP trong những tháng đầu năm nay. Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, 11,71 tỷ USD là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào Việt nam trong 5 tháng đầu năm. Trong khi vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài đạt 7,71 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cũng cho thấy, dòng vốn đầu tư nước ngoài đã đi vào phục vụ các ngành sản xuất- kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế.
Trong bối cảnh thế giới tiến vào kỷ nguyên của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, Việt nam kiên định ưu tiên thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0, dòng vốn này đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, rất cần những cơ chế, chính sách để Việt nam thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài này. Đây cũng là nội dung chính của Diễn đàn chủ nhật trực tiếp với chủ đề “Thu hút FDI chất lượng cao- triển vọng và thách thức”. Khách mời là ông Phan Hữu Thắng- nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư và ông Nguyễn Văn Toàn- Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Thưa quý vị và các bạn!
Chắc hẳn thời gian qua, quý vị và các bạn cũng đã nghe và chứng kiến sức tàn phá khủng khiếp của thiên tai, bão lũ trên khắp mọi miền đất nước. Sự dị thường của thời tiết được thể hiện ngay trong những đợt mưa lũ lớn trái quy luật giữa mùa khô, kèm theo dông lốc, sóng lớn tại các tỉnh ven biển miền Trung dịp tháng 4 vừa tồi. Sự dị thường đó cũng khiến cho một số loại thiên tai hiếm gặp đã xảy ra ngay tại nước ta như động đất ở Kon Tum.
Để ứng phó với thiên tai cực đoan, không theo qui luật đòi hỏi sự vào cuộc, tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, đoàn thể, chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế và toàn thể cộng đồng.
Những bài học kinh nghiệm nào được rút trong công tác ứng phó với những đợt thiên tai bất thường trong thời gian qua – đây là nội dung mà chúng tôi và các vị khách mời sẽ cùng trao đổi trong chương trình Diễn đàn chủ nhật hôm nay, 22/05, ngày truyền thống PCTT của nước ta.
"Thanh lọc" thị trường, bảo đảm kỷ cương và minh bạch để phát tr6iển bền vững thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời ổn định tâm lý nhà đầu tư trong thời điểm này, tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong dài hạn, là nhiệm vụ đặt ra cho cơ quan chức năng. Cùng với đó, nhà đầu tư cũng cần xác định tâm thế như thế nào trong vòng xoáy thông tin hiện nay, phương thức nào vượt qua giông bão hiện tại? Những nội dung này được bàn luận trong Diễn đàn chủ nhật, với sự tham gia của các vị khách mời:
- Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán Tân Việt.
- Ông Trương Thanh Đức, chuyên gia chính sách tài chính, Giám đốc Công ty Luật ANVI.
Ngày 4/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Ðề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quyết định này được kỳ vọng đưa công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng của kinh tế biển nước ta và sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu về công nghiệp nuôi biển khu vực châu Á và đứng trong tốp 5 trên thế giới về sản lượng và giá trị xuất khẩu sản phẩm nuôi biển. Thực tế tại Việt Nam, nuôi biển đã và đang phát triển tại nhiều địa phương.Tuy vậy, lĩnh vực nuôi biển còn gặp nhiều thách thức như nghề nuôi biển còn manh mún, cơ sở hạ tầng hạn chế, công cụ quản lý chưa đồng bộ.
Khách mời tham dự chương trình:
-PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam.
- Ông Trần Công Khôi, phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Đổi mới sáng tạo có thể ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lĩnh vực nào, có thể bắt nguồn từ bất cứ ai. Đổi mới sáng tạo làm nên thương hiệu cá nhân, doanh nghiệp, ngành hàng, làm nên thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế. Ở giai đoạn kinh tế mới, đây càng là vấn đề then chốt - thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế đất nước. Đáng chú ý, để có thể tận dụng được những tiến bộ của khoa học công nghệ, góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao lợi thế cạnh tranh, cần nguồn nhân lực chất lượng - có thể nhận diện được những cơ hội-tiềm năng, biến ý tưởng mới mẻ, sáng tạo thành hiện thực, không chỉ phục vụ lợi ích và thu lời từ một cộng đồng nhỏ, mà phát triển mạnh mẽ thương hiệu Việt Nam. Diễn đàn góp phần sáng tỏ nội dung này, với sự tham gia bàn luận của ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương; ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) và doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2021, Lê Anh Tiến - CEO Công ty cổ phần công nghệ Chatbot.