logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Cần thiết và cấp bách để đưa đất nước phát triển (10/1/2023)

Trong phiên bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ 2 diễn ra vào chiều qua, Quốc hội khóa 15 đã thông qua Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là nội dung quan trọng nhất tại kỳ họp bất thường lần thứ hai này của Quốc hội. Đây là lần đầu tiên nước ta tiến hành quy hoạch tổng thể quốc gia, một việc chưa có tiền lệ nên rất mới và rất khó. Quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên phạm vi cả nước đều phải dựa trên quy hoạch cấp cao nhất này do đó việc Quốc hội thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia là rất cần thiết và cấp bách.

Quà Tết cho người nghèo và các đối tượng chính sách: Làm sao để hiệu quả (9/1/2023)

Một mùa xuân mới lại về mang theo những món quà Tết đầy ý nghĩa, mang đến nụ cười hạnh phúc cho biết bao người. Với người nghèo, họ càng thấy ấm áp hơn khi những vòng tay yêu thương luôn rộng mở. Đó là niềm tin, điểm tựa và là động lực để họ tiếp tục vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Hòa chung không khí đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tích cực triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho người nghèo theo đúng tinh thần “không để hộ nào, gia đình nào và người nào không có Tết”. Vậy, đến thời điểm này, những gói quà mang nặng nghĩa Đảng, tình dân với tinh thần “tương thân, tương ái” đã đến với những hộ nghèo, đối tượng chính sách, người có công với cách mạng thiết thực và hiệu quả? Với vai trò của mình, Mặt trận tổ quốc đã tổ chức giám sát để những phần quà được trao đúng đối tượng, tránh thất thoát, lãng phí hay trùng lắp, bỏ sót đối tượng?...Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao đổi về vấn đề này.

Mở cửa biên giới và công tác giám sát dịch bệnh (06/1/2023)

Đến thời điểm hiện tại, số ca mắc và tử vong hằng tuần hiện chỉ bằng khoảng 1/5 so với một năm trước, nhưng vẫn còn ở mức cao. Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới WHO cảnh báo về sự lưu hành hơn 500 biến thể phụ của Omicron, có khả năng lây truyền cao và tránh được hệ miễn dịch, dẫn đến nguy cơ dịch bùng phát trở lại. Từ ngày 8/1 tới đây, Trung Quốc mở cửa biên giới và bỏ cách ly kiểm dịch, các chuyên gia đánh giá đây là cơ hội giao thương thương mại giữa hai nước, song cũng có thể dẫn đến nhiều ca nhiễm bệnh nhập cảnh vào nước ta. Để tìm hiểu về công tác giám sát dịch bệnh cùng tâm thế chung sống an toàn khi giao thương đi lại giữa các nước được khôi phục, trong câu chuyện thời sự hôm nay, chúng tôi trao đổi với GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế về nội dung này.

Lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sao cho thực chất và hiệu quả? (5/1/2023)

Từ ngày 3/1/2023 đến hết ngày 15/3/2023, Dự thảo Luật đất đai sửa đổi được lấy ý kiến nhân dân. Đây là dự án luật có nhiều nội dung quan trọng, có sức tác động lớn đến mọi chủ thể trong xã hội đồng thời ảnh hưởng đến quá trình phát triển đất nước, bởi đất đai là nguồn lực quan trọng.
Để bảo đảm Luật đất đai sửa đổi có tính khả thi, là cơ sở pháp lý bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước, góp phần thúc đẩy, phát huy được các giá trị kinh tế, xã hội của nguồn lực đất đai, việc lấy ý kiến nhân dân là yếu tố có ý nghĩa then chốt. Lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật đất đai sửa đổi cần thực chất, khoa học, minh bạch, hiệu quả, phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân. Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là giáo sư, tiến sỹ khoa học Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường.

Đạt tăng trưởng vượt xa mục tiêu đề ra: Nông sản Việt vươn ra biển lớn (03/1/2023)

Năm 2022 vừa qua, ngành Nông nghiệp gặp phải vô vàn khó khăn do ảnh hưởng lạm phát trên toàn cầu, từ xung đột Nga – Ucraina, khiến cho giá nhiều loại vật tư nông nghiệp tăng với tốc độ phi mã, gây ảnh hưởng tới nhiều ngành nghề. Ngoài ra, những khó khăn còn tồn tại từ nhiều năm trước cũng góp phần gây tác động lớn đối với ngành Nông nghiệp. Tuy nhiên, với nỗ lực vượt khó của cả bộ, ngành, chính quyền địa phương và người dân, với nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao đã được xuất chính ngạch, đi các thị trường được xem là khó tính, mở rộng cánh cửa cho nông sản Việt ra thế giới. Gạo Việt lên kệ siêu thị Pháp, trái cây mở rộng thị trường sang Mỹ hay Việt Nam ký nhiều nghị định thư, nhiều hàng hóa xuất khẩu lập kỷ lục mới… Nhờ vậy, năm 2022, Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 53 tỷ USD, vượt xa mục tiêu được giao là 50 tỷ USD. Kết quả này tạo sức bật tăng trưởng giá trị xuất vượt bậc trong năm nay 2023, năm mà được nhìn nhận sẽ có rất nhiều khó khăn, thử thách lớn, để tiếp tục khẳng định vai trò Nông nghiệp là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế, đặc biệt trong khó khăn.

Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới (2/1/2023)

Trong những ngày cuối cùng của năm 2022, tại Hội nghị Sơ kết 1 năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) và tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai các nhiệm vụ năm 2023 và trong thời gian tới của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2023 là Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới, dứt khoát phải xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Vậy, để 2023 này thực sự là năm dữ liệu số như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đang đặt ra những vấn đề gì cần quan tâm. Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và phát triển truyền thông IPS, Hội Truyền thông số Việt Nam cùng bàn luận câu chuyện này.

Ấn tượng tăng trưởng kinh tế 2022, bàn giải pháp đạt mục tiêu kế hoạch 2023 (30/12/2022)

Tổng Cục thống kê vừa công bố Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 vào sáng qua (29/12). Theo đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng 8,02% - một mức tăng ấn tượng - hơn cả sự mong đợi. Đáng ghi nhận là cả 3 khu vực đóng góp chính của nền kinh tế là nông nghiệp, công nghiệp và thương mại - dịch vụ đều có sự tăng trưởng đáng kể. Cùng với tăng trưởng cao là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ấn tượng tăng trưởng kinh tế 2022, bàn giải pháp đạt mục tiêu kế hoạch 2023 (30/12/2022)

Tổng Cục thống kê vừa công bố Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 vào sáng qua (29/12). Theo đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng 8,02% - một mức tăng ấn tượng - hơn cả sự mong đợi. Đáng ghi nhận là cả 3 khu vực đóng góp chính của nền kinh tế là nông nghiệp, công nghiệp và thương mại - dịch vụ đều có sự tăng trưởng đáng kể. Cùng với tăng trưởng cao là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cải cách môi trường kinh doanh- Cần thực chất (27/12/2022)

Kinh tế Việt Nam 2022 phục hồi mạnh mẽ sau dịch, thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng đứng đầu khu vực châu Á- Những dự báo, nhận định của các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển của nước ta từ hồi giữa năm, đã trở thành hiện thực qua những con số thống kê thuyết phục từ kết quả kinh tế 11 tháng qua, và những con số dự báo cả năm về tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước, xuất khẩu… Kết quả này là tổng hòa của nhiều yếu tố, từ điều hành vĩ mô, đến nỗ lực của doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, còn rất nhiều khó khăn doanh nghiệp phải đối mặt, ngoài những yếu tốc khách quan từ thị trường, thì chính là những rào cản trong môi trường kinh doanh- có xu hướng đang quay trở lại, thêm những điều kiện kinh doanh biến tướng, hình thành các rào cản mới. Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nội dung chính của Nghị quyết số 02 hàng năm của Chính phủ. Nhưng đây không chỉ là yêu cầu thường trực, mà càng là đòi hỏi quan trọng trong bối cảnh thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế hiện nay: Cải cách môi trường kinh doanh- phải thực chất! Các khách mời sẽ cùng bàn luận trong Câu chuyện thời sự: Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cơ quan đại diện cộng đồng doanh nghiệp.

Bỏ sổ hộ khẩu giấy và những vấn đề cần quan tâm (26/12/2022)

Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa, cuốn sổ hộ khẩu giấy đã quen thuộc với biết bao thế hệ trong các gia đình sẽ chính thức bị bãi bỏ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều người dân vẫn bỡ ngỡ, băn khoăn, lo lắng về việc này vì trên thực tế vẫn còn nhiều giao dịch, nhiều thủ tục hành chính vẫn yêu cầu phải có sổ hộ khẩu. Thiếu tá Hoàng Văn Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát Hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cùng phân tích làm rõ hơn việc bãi bỏ sổ hộ khấu giấy cùng những vấn đề cần quan tâm.

Gỡ nút thắt để thu hút từ 8 - 10 triệu khách quốc tế trong năm 2023? (23/12/2022)

Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực mở cửa du lịch (ngày 15/3/2022) nhờ triển khai thành công chương trình vaccine Covid-19. Nhưng Việt Nam đã không tận dụng được lợi thế khi sau 11 tháng chỉ đón 2,7 triệu lượt khách quốc tế, đến hết năm dự kiến đón 3,5 triệu, thấp hơn so với chỉ tiêu 5 triệu khách đề ra hồi đầu năm. “Đi sớm nhưng lại về muộn”- trong khi Thái Lan, Indonesia, Singapore đã vượt qua chỉ tiêu về du khách quốc tế mà họ đặt ra thì Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á sau COVID-19. Tìm nguyên nhân và tháo nút thắt đang là vấn đề được Chính phủ và ngành du lịch quan tâm khi mới đây Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Vậy, vì sao mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế của Việt Nam thất bại? Giải pháp nào để gỡ nút thắt, thu hút từ 8 đến 10 triệu khách quốc tế trong năm 2023? Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam cùng bàn luận về nội dung này.

Đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên cuối năm - tránh căn bệnh hình thức (22/12/2022)

Có thể nói, công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên cuối năm là một trong những giải pháp quan trọng nhằm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, cũng như chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Việc kiểm điểm, đánh giá một cách khách quan, thực chất sẽ giúp mỗi người có ý thức “tự soi, tự sửa”. Từ đó phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của đơn vị, của mỗi cán bộ, đảng viên. Vậy làm thế nào để nội dung này đúng thực chất, nghiêm túc và mang lại hiệu quả, tránh căn bệnh hình thức? Ông Nguyễn Túc, Ủy viên đoàn chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN cùng bàn luận về nội dung này.

Tiếp cận các gói phục hồi kinh tế và quản trị rủi ro pháp lý (20/12/2022)

Đã là cuối năm, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận với gói hỗ trợ phục hồi kinh tế dù các chính sách đã được ban hành kịp thời. Đây là câu hỏi cần được phân tích ở nhiều khía cạnh, đặc biệt trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch Covid vẫn dai dẳng, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, nền kinh tế toàn cầu đã và đang đối mặt với nhiều bất ổn khó lường. “Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý: hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển” là chủ đề Diễn đàn kinh doanh và pháp luật năm 2022 do Bộ tư pháp tổ chức diễn ra hôm nay. Trong đó, Tiếp cận các gói phục hồi kinh tế và quản trị rủi ro pháp lý là nội dung trọng tâm trong phiên thảo luận tại diễn đàn này. Tìm lời giải cho những vướng mắc trong tiếp cận các gói phục hồi kinh tế để có những giải pháp linh hoạt hơn, phù hợp hơn, có ý nghĩa hơn với doanh nghiệp, đặc biệt là các phản ứng điều chỉnh chính sách nhanh hơn, quản trị được rủi ro pháp lý trước những diễn biến nhanh, phức tạp của tình hình thế giới cũng như yêu cầu, đòi hỏi và nội lực của tình hình trong nước là vấn đề có tính bức thiết.

Nhận diện thách thức cho ổn định kinh tế vĩ mô 2023 - Những khuyến nghị chính sách (19/12/2022)

Chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa là kết thúc năm 2022- một năm khá nhiều biến động của kinh tế toàn cầu. Với kinh tế Việt Nam, đà phục hồi sau dịch Covid 19 đã được khẳng định qua các chỉ số kinh tế 11 tháng. Theo thông tin dự báo từ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, tăng trưởng GDP của nước ta trong năm 2022 sẽ đạt quanh mức 8%, cao hơn khá nhiều so với mục tiêu kỳ vọng là khoảng 6,5-7%. Tuy nhiên, với những bất định của kinh tế thế giới- đã bắt đầu có những tác động tới Việt Nam những tháng cuối năm 2022- cùng những vấn đề nội tại của nền kinh tế, dự báo năm 2023 sẽ là một năm nhiều khó khăn trong ổn định vĩ mô, tiếp tục đà phục hồi, tăng trưởng cao như năm 2022. Chuyên gia kinh tế trưởng. Ngân hàng phát triển Châu Á ADB tại Việt Nam – ông Nguyễn Minh Cường cùng bàn luận câu chuyện này.

Khơi thông nguồn lực cho văn hóa phát triển (17/12/2022)

Trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đầu tư nguồn lực để phát triển văn hóa; Từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, việc thúc đẩy để văn hóa thật sự trở thành nền tảng, động lực cho phát triển kinh tế-xã hội, để văn hóa "soi đường cho quốc dân đi" càng trở thành nhiệm vụ cấp thiết.
Để Văn hóa “soi đường cho quốc dân đi” thì việc huy động nguồn lực để đầu tư phát triển các lĩnh vực văn hóa luôn là vấn đề được quan tâm, bàn thảo. Nguồn lực cho văn hóa không chỉ liên quan đến tài chính mà còn là thể chế-chính sách về nguồn nhân lực. Làm sao để khơi thông nguồn lực cho văn hóa phát triển?....để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, góp phần phát triển bền vững đất nước, xây dựng xã hội phồn vinh, hạnh phúc? Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h50-05h59 Quảng cáo
06h28-06h30 Quảng cáo
9h15-10h00 Đối thoại
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h00-13h30 CLB âm nhạc
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
23h30-24h00 Nhịp sống
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: