Kinh tế Việt Nam 2022 phục hồi mạnh mẽ sau dịch, thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng đứng đầu khu vực châu Á- Những dự báo, nhận định của các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển của nước ta từ hồi giữa năm, đã trở thành hiện thực qua những con số thống kê thuyết phục từ kết quả kinh tế 11 tháng qua, và những con số dự báo cả năm về tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước, xuất khẩu… Kết quả này là tổng hòa của nhiều yếu tố, từ điều hành vĩ mô, đến nỗ lực của doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, còn rất nhiều khó khăn doanh nghiệp phải đối mặt, ngoài những yếu tốc khách quan từ thị trường, thì chính là những rào cản trong môi trường kinh doanh- có xu hướng đang quay trở lại, thêm những điều kiện kinh doanh biến tướng, hình thành các rào cản mới. Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nội dung chính của Nghị quyết số 02 hàng năm của Chính phủ. Nhưng đây không chỉ là yêu cầu thường trực, mà càng là đòi hỏi quan trọng trong bối cảnh thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế hiện nay: Cải cách môi trường kinh doanh- phải thực chất! Các khách mời sẽ cùng bàn luận trong Câu chuyện thời sự: Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cơ quan đại diện cộng đồng doanh nghiệp.
Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa, cuốn sổ hộ khẩu giấy đã quen thuộc với biết bao thế hệ trong các gia đình sẽ chính thức bị bãi bỏ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều người dân vẫn bỡ ngỡ, băn khoăn, lo lắng về việc này vì trên thực tế vẫn còn nhiều giao dịch, nhiều thủ tục hành chính vẫn yêu cầu phải có sổ hộ khẩu. Thiếu tá Hoàng Văn Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát Hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cùng phân tích làm rõ hơn việc bãi bỏ sổ hộ khấu giấy cùng những vấn đề cần quan tâm.
Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực mở cửa du lịch (ngày 15/3/2022) nhờ triển khai thành công chương trình vaccine Covid-19. Nhưng Việt Nam đã không tận dụng được lợi thế khi sau 11 tháng chỉ đón 2,7 triệu lượt khách quốc tế, đến hết năm dự kiến đón 3,5 triệu, thấp hơn so với chỉ tiêu 5 triệu khách đề ra hồi đầu năm. “Đi sớm nhưng lại về muộn”- trong khi Thái Lan, Indonesia, Singapore đã vượt qua chỉ tiêu về du khách quốc tế mà họ đặt ra thì Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á sau COVID-19. Tìm nguyên nhân và tháo nút thắt đang là vấn đề được Chính phủ và ngành du lịch quan tâm khi mới đây Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Vậy, vì sao mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế của Việt Nam thất bại? Giải pháp nào để gỡ nút thắt, thu hút từ 8 đến 10 triệu khách quốc tế trong năm 2023? Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam cùng bàn luận về nội dung này.
Có thể nói, công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên cuối năm là một trong những giải pháp quan trọng nhằm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, cũng như chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Việc kiểm điểm, đánh giá một cách khách quan, thực chất sẽ giúp mỗi người có ý thức “tự soi, tự sửa”. Từ đó phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của đơn vị, của mỗi cán bộ, đảng viên. Vậy làm thế nào để nội dung này đúng thực chất, nghiêm túc và mang lại hiệu quả, tránh căn bệnh hình thức? Ông Nguyễn Túc, Ủy viên đoàn chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN cùng bàn luận về nội dung này.
Đã là cuối năm, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận với gói hỗ trợ phục hồi kinh tế dù các chính sách đã được ban hành kịp thời. Đây là câu hỏi cần được phân tích ở nhiều khía cạnh, đặc biệt trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch Covid vẫn dai dẳng, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, nền kinh tế toàn cầu đã và đang đối mặt với nhiều bất ổn khó lường. “Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý: hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển” là chủ đề Diễn đàn kinh doanh và pháp luật năm 2022 do Bộ tư pháp tổ chức diễn ra hôm nay. Trong đó, Tiếp cận các gói phục hồi kinh tế và quản trị rủi ro pháp lý là nội dung trọng tâm trong phiên thảo luận tại diễn đàn này. Tìm lời giải cho những vướng mắc trong tiếp cận các gói phục hồi kinh tế để có những giải pháp linh hoạt hơn, phù hợp hơn, có ý nghĩa hơn với doanh nghiệp, đặc biệt là các phản ứng điều chỉnh chính sách nhanh hơn, quản trị được rủi ro pháp lý trước những diễn biến nhanh, phức tạp của tình hình thế giới cũng như yêu cầu, đòi hỏi và nội lực của tình hình trong nước là vấn đề có tính bức thiết.
Chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa là kết thúc năm
2022- một năm khá nhiều biến động của kinh tế toàn cầu. Với kinh tế Việt
Nam, đà phục hồi sau dịch Covid 19 đã được khẳng định qua các chỉ số kinh tế
11 tháng. Theo thông tin dự báo từ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam tổ chức cuối
tuần qua, tăng trưởng GDP của nước ta trong năm 2022 sẽ đạt quanh mức
8%, cao hơn khá nhiều so với mục tiêu kỳ vọng là khoảng 6,5-7%. Tuy nhiên,
với những bất định của kinh tế thế giới- đã bắt đầu có những tác động tới Việt
Nam những tháng cuối năm 2022- cùng những vấn đề nội tại của nền kinh tế,
dự báo năm 2023 sẽ là một năm nhiều khó khăn trong ổn định vĩ mô, tiếp tục
đà phục hồi, tăng trưởng cao như năm 2022. Chuyên gia kinh tế trưởng. Ngân hàng phát triển Châu Á ADB tại Việt Nam – ông Nguyễn Minh Cường cùng bàn luận câu chuyện này.
Trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đầu tư nguồn lực để phát triển văn hóa; Từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, việc thúc đẩy để văn hóa thật sự trở thành nền tảng, động lực cho phát triển kinh tế-xã hội, để văn hóa "soi đường cho quốc dân đi" càng trở thành nhiệm vụ cấp thiết.
Để Văn hóa “soi đường cho quốc dân đi” thì việc huy động nguồn lực để đầu tư phát triển các lĩnh vực văn hóa luôn là vấn đề được quan tâm, bàn thảo. Nguồn lực cho văn hóa không chỉ liên quan đến tài chính mà còn là thể chế-chính sách về nguồn nhân lực. Làm sao để khơi thông nguồn lực cho văn hóa phát triển?....để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, góp phần phát triển bền vững đất nước, xây dựng xã hội phồn vinh, hạnh phúc? Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
Chính trường châu Âu rung chuyển liên quan tới cuộc điều tra tham nhũng hối lộ xảy ra tại Nghị viện châu Âu. Các cơ quan chức năng đã bắt giữ và thẩm vấn nhiều nhân viên của Nghị viện châu Âu. Nghị viện châu Âu đã bãi nhiệm bà Ê-va Kai-ki khỏi vị trí Phó chủ tịch vì nghị sĩ người Hy Lạp này bị cáo buộc nhận hối lộ của Qatar. Tổ chức Minh bạch Quốc tế, một tổ chức phi chính phủ chống tham nhũng, nhận định vụ việc là "bê bối hối lộ và tham nhũng có quy mô lớn", đòi hỏi "cải cách tận gốc hệ thống đạo đức và liêm chính của các thể chế EU". Vụ việc không chỉ tác động đến uy tín của các cơ quan công quyền Liên minh châu Âu (EU) mà còn có nguy cơ ảnh hưởng không nhỏ tới mối quan hệ với Qatar- nước được cho là liên quan vụ việc này.
Hôm nay, tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đang được tổ chức với sự tham gia của 980 đại biểu đại diện cho hơn 22 triệu đoàn viên, thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước. Trước đó, trong phiên làm việc thứ hai, Đại biểu đại hội đã tham gia 6 diễn đàn thảo luận, mỗi diễn đàn với các chủ đề
khác nhau, góp ý cho Văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII. Trong
đó, phiên thảo luận với chủ đề: “Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh
niên”, đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết, gắn với những giải pháp quan
trọng trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho
thanh thiếu nhi, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi đoàn viên, thanh niên đã đặt cá nhân mình hòa chung với dòng chảy của đất nước, của dân tộc, tạo sức mạnh cộng sinh to lớn mang lại những giá trị phát triển mới cho đất nước.
Vậy, những tiêu chí của khát vọng và lẽ sống nào phù hợp với Thanh niên hiện nay? Làm thế nào để xác định môi trường sẽ thúc đẩy ươm mầm khát vọng? Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm cùng bàn luận câu chuyện này.
Câu chuyện lát đá vỉa hè các tuyến phố Hà Nội lại nóng lên khi mới đây, trả lời báo chí về hiện tượng vỉa hè lát đá tự nhiên bị vỡ, hỏng sau một thời gian ngắn sử dụng, ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà nội cho rằng: những tuyến phố vỉa hè lát đá bị vỡ nát là do chất lượng đá. Cụ thể đá được khai thác bằng phương pháp nổ mìn nên đá bị om. Ngoài ra, đá marble thường có gân đá, không được đồng chất, khi mưa xuống thì bị giãn nở, tự vỡ, thậm chí không cần tác động vật lý. “Mưa rơi, đá vỡ” - lời giải thích của ông Giám đốc Sở Xây dựng có thực sự thuyết phục? và giả sử mưa làm đá vỡ (một chuyện rất khó tin) thì trách nhiệm trong khâu khảo sát, tuyển lựa vật liệu lát vỉa hè của cơ quan quản lý ở đâu? Cần làm gì để không còn tình trạng vỉa hè các tuyến phố nay lát mai lật, ngày kia lại lát, gây phiền toái cho người dân thủ đô, nhếch nhác đô thị, lãng phí nguồn lực và khiến dư luận dấy lên nghi ngờ có lợi ích nhóm trong quản lý, xây dựng, chỉnh trang vỉa hè đô thị?
Theo Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu của Chính phủ thì hôm nay (12/12) là ngày điều hành giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu của cơ quan quản lý nhà nước, do kỳ điều hành ngày 11/12 rơi vào chủ nhật. Với đà giảm của giá dầu thô cũng như giá xăng, dầu thành phẩm thế giới, giá xăng trong nước được kỳ vọng là sẽ giảm lần thứ 3 liên tiếp ở kỳ điều hành hôm nay; Chúng tôi sẽ cập nhật thông tin về giá bán lẻ mới các mặt hàng xăng, dầu – theo kế hoạch điều chỉnh từ 15h chiều nay. Như vậy là chỉ còn thêm 1 kỳ điều hành nữa (vào ngày 21/12) là hết năm kế hoạch 2022. Ông Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá - Bộ Tài chính sẽ cùng bàn luận chủ đề "Nhìn lại công tác điều hành thị trường xăng dầu năm 2022 và những vấn đề đặt ra trong năm 2023"
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh, thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch. Khen thưởng chính xác, kịp thời có tác dụng động viên, giáo dục và nêu gương, đồng thời cổ vũ thi đua phát triển lên tầm cao mới. Ngược lại, nếu khen thưởng không đúng, không kịp thời sẽ triệt tiêu động lực, thậm chí còn gây hậu quả xấu đối với công tác thi đua. Vì vậy, việc đánh giá, bình chọn danh hiệu thi đua và xét khen thưởng phải đúng người, đúng việc, phải căn cứ vào tiêu chuẩn cụ thể, dựa trên nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch. Thời gian qua, công tác khen thưởng nói riêng và thi đua, khen thưởng nói chung đã có nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, theo Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, công tác khen thưởng có lúc, có việc chưa kịp thời; khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp chưa nhiều, nhất là các hình thức khen bậc cao; tính tiêu biểu, nêu gương và lan tỏa trong công tác khen thưởng có lúc còn hạn chế. Vào thời điểm các cấp, ngành, địa phương đang thực hiện công tác tổng kết cuối năm, chúng tôi bàn luận câu chuyện Thi đua, khen thưởng phải thực chất với khách mời là ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong câu chuyện thời sự hôm nay.
Nghị quyết 27 yêu cầu nghiên cứu thành lập các thiết
chế mới về kiểm soát quyền lực để ngăn chặn hiệu quả tình trạng tham
nhũng, tiêu cực. Đây là lần đầu tiên Trung ương đề ra những giải pháp kiểm
soát quyền lực nhà nước theo nguyên tắc: mọi quyền lực đều được kiểm soát
chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến
đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn và lạm
dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm, xử lý vi phạm.
Vậy cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước cần phải được xây dựng như thế nào để ngăn chặn hiệu quả tham nhũng, tiêu cực? Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Sơn, Viện Chính trị học,
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh bàn luận câu chuyện này.
Công cuộc chuyển đổi số đang có những bước tiến ngày càng tích cực: Năm 2020, Việt Nam lần đầu tiên có tên trên bản đồ số toàn cầu; 2021 - Việt Nam có Ủy ban Chuyển đổi số Quốc gia; 2022 - Việt Nam tổ chức Ngày Chuyển đổi số Quốc gia, với nhiều hoạt động... Chuyển đổi số đang dần “ngấm” vào từng người dân, qua nhiều cách thức khác nhau. Vai trò của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp số đã và đang thể hiện ngày càng rõ nét trong công cuộc này. Nói vậy không có nghĩa chặng đường tiến tới Chính phủ số-Kinh tế số-Xã hội số Việt Nam chỉ toàn những điều thuận lợi. Tăng tốc chuyển đổi số trong bối cảnh kinh tế mới sẽ có nhiều thách thức, cần nỗ lực của mọi thành phần.