logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Ổn định kinh tế vĩ mô: Triển vọng, thách thức và khuyến nghị chính sách (22/9/2022)

Ngân hàng Phát triển Châu Á công bố Báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế châu Á năm 2022. Trong đó, cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, ADB giữ nguyên đánh giá triển vọng kinh tế như kỳ công bố tháng 4 vừa rồi, với mức tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) là 6,5% trong năm 2022 và 6,7% năm 2023. Lạm phát tương ứng là 3,8% và 4%.
Theo phân tích của ADB, trong bối cảnh thế giới bất định, “Kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022, được hỗ trợ bởi nền tảng kinh tế vững chắc, chính sách tiền tệ linh hoạt và sự phục hồi ổn định trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng trong nước. Ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam cùng làm rõ hơn những nhận định về sự phục hồi kinh tế nước ta, những thách thức đối với nền kinh tế, ổn định vĩ mô cùng những khuyến nghị chính sách.

45 năm Việt Nam gia nhập LHQ: Hành trình từ “tham gia” đến “định hình” (20/9/2022)

Vào ngày này cách đây 45 năm, (ngày 20/9/1977) lễ thượng cờ Việt Nam chính thức tổ chức tại trụ sở LHQ, ghi dấu ấn Việt Nam trở thành thành viên thứ 149 của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này. Sự kiện khẳng định sự ghi nhận của một tổ chức toàn cầu và cộng đồng quốc tế đối với một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do và dân chủ.
Trong chặng đường 45 năm qua, Việt Nam từ một nước chỉ được biết đến với chiến tranh, đói nghèo, đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia tích cực đi đầu trong các hoạt động của LHQ, có tiếng nói ngày càng quan trọng tại diễn đàn toàn cầu này, đồng thời Việt Nam cũng là đối tác quan trọng của LHQ.
- Nhìn lại chặng đường 45 năm đồng hành của Việt Nam trong LHQ, từ “tham gia” tới việc đóng góp cho sự “định hình” của tổ chức đa phương này, thực hiện những mục tiêu, sứ mệnh vì hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng chung toàn cầu, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cùng bàn luận về câu chuyện này.

Quyết liệt triển khai bỏ Sổ hộ khẩu (19/9/2022)

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát, điều chỉnh ngay để bãi bỏ các quy định về việc yêu cầu xuất trình Hổ hộ khẩu trong các giao dịch, thủ tục hành chính của công dân – đây là yêu cầu trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành. Bỏ xuất trình Sổ hộ khẩu là bước đi quyết liệt để tiến tới bỏ hoàn toàn Sổ hộ khẩu từ ngày 1/1/2023, là nền tảng trong việc phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025.
Bỏ xuất trình Sổ hộ khẩu là chủ trương được người dân rất ủng hộ, bởi thực tế nhiều năm qua cho thấy, việc phải có Sổ hộ khẩu mới giải quyết được các giao dịch, thủ tục hành chính đã gây ra không ít phiền hà, khó khăn cho người dân. Tuy nhiên, để thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ, khối lượng công việc cần phải gấp rút triển khai không hề nhỏ, liên quan đến việc rà soát, sửa đổi các quy định, quy trình thủ tục hành chính trước đây, đề ra các phương án để thay thế Sổ hộ khẩu trong xác minh thông tin cư trú, đầu tư trang thiết bị cho các cơ quan nhà nước phục vụ việc điện tử hóa xác minh thông tin của người dân… cùng bàn luận với Thiếu tá Hoàng Văn Dũng- Phó giám đốc Trung tâm Quốc gia về dân cư Cục Cảnh sát Hành chính về trật tự xã hội Bộ Công An.

Giải pháp công nghệ nào giúp chặn website lừa đảo, cuộc gọi rác? (16/9/2022)

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong tháng 8, số lượng website lừa đảo bị chặn là 163, tăng 83,1% so với tháng 7 năm nay và tăng 89,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mới đây, dưới sự chứng kiến của Cục Viễn thông, 7 nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Local, Itel và Gmobile đã cùng ký thoả thuận cam kết để thực hiện kế hoạch ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác và kế hoạch quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý SIM có dấu hiệu tồn kênh. Thế nhưng thực tế thì người dân vẫn nhận được hàng chục tin nhắn, cuộc gọi rác mỗi ngày. Vậy giải pháp công nghệ nào giúp chặn website lừa đảo, cuộc gọi rác?

Đấu giá biển số xe: công cụ quản lý nhà nước hay tài sản thuộc quyền định đoạt của người trúng đấu giá? (15/9/2022)

Sở hữu một biển số đẹp, độc là nhu cầu của nhiều người bởi lý do nó gắn với ý nghĩa may mắn và giá trị kinh tế. Thậm chí, không ít người chấp nhận bỏ ra nhiều tiền, qua môi giới để có thể đáp ứng được nhu cầu này. Vì thế, việc Chính phủ vừa có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá thu hút được sự quan tâm của nhiều người.
Biển số xe là một loại tài sản công, vậy người sở hữu nó có được toàn quyền định đoạt sau khi trúng đấu giá hay không? việc đấu giá biển số xe cần thực hiện như thế nào để đảm bảo công khai, minh bạch? Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty luật ANVI, Đoàn luật sư thành phố Hà nội cùng bàn luận câu chuyện này.

Cần giải pháp ổn định thị trường xăng dầu (13/9/2022)

Bộ Công Thương-Cơ quan quản lý và điều hành giá xăng dầu- khẳng định không thiếu xăng dầu, luôn sẵn sàng các phương án đảm bảo đáp ứng đầy đủ nguồn cung xăng dầu từ nay đến cuối năm; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát hệ thống bán lẻ xăng dầu, phát hiện nhanh tình trạng găm hàng, nghỉ bán và xử lý nghiêm các vi phạm, không để tình trạng cửa hàng bán lẻ thiếu xăng dầu, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh và đi lại của người dân. Tuy nhiên, không chỉ trước thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu tăng, mà ngay khi giá các mặt hàng xăng dầu đã được điều chỉnh giảm, thị trường bán lẻ xăng dầu vẫn tiếp tục chứng kiến cảnh nhiều cây xăng đóng cửa, hoặc treo biển hết hàng, nghỉ bán, hoặc chỉ bán cầm chừng, giảm/bỏ cột bơm… trong những ngày gần đây. Đến lúc cần phải làm rõ những yếu tố bất cập ảnh hưởng tới thị trường phân phối/bán lẻ xăng dầu, đảm bảo hài hoà lợi ích của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. “Cần giải pháp ổn định thị trường xăng dầu" - là nội dung Câu chuyện thời sự được chúng tôi bàn luận cùng chuyên gia kinh tế - PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính.

Ý nghĩa và lợi ích từ Nâng hạng tín nhiệm quốc gia (12/9/2022)

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế là Moody’s đã công bố quyết định nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam, từ mức Ba3, lên mức Ba2, với triển vọng Ổn định. Trước đó, vào cuối tháng 5 năm nay, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P cũng quyết định nâng mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên một bậc, từ mức BB, lên mức BB+, với triển vọng “Ổn định”.
Vậy Ý nghĩa và lợi ích từ Nâng hạng tín nhiệm quốc gia là gì? Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực như thế nào để lên các nấc thang cao hơn trong bảng xếp hạng quốc tế? Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn kinh tế Economica Việt Nam cùng bàn luận vấn đề này.

Cuộc chiến năng lượng – Giới hạn nào cho Nga và châu Âu (09/9/2022)

Viễn cảnh Nga cắt đứt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu đang dần hiện hữu khi Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông báo dừng vô thời hạn việc mở lại đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1. Giá gas tại châu Âu ngay lập tức tăng vọt, cộng với cuộc khủng hoảng giá điện chưa có lối thoát đang đẩy châu Âu vào tình thế vô cùng khó khăn ở thời điểm mùa đông đang đến rất gần. Châu Âu khó khăn, nhưng không có nghĩa Nga không chịu những tác động ngược từ chính những “đòn tấn công năng lượng” mà quốc gia này đang nhằm vào châu Âu. Cuộc chiến năng lượng giữa Nga và châu Âu đang bị đẩy lên nấc thang mới, thử thách giới hạn chịu đựng của cả hai bên. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine – nguồn cơn của những đòn trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và châu Âu – vẫn đang tiếp diễn phức tạp, liệu có cơ hội thỏa hiệp nào giữa hai bên trong cuộc chiến khí đốt này, hay hai bên đều quyết liệt dẫn đến cắt đứt mối liên kết về năng lượng đã kéo dài nhiều thập kỷ?

Lạm thu đầu năm học: Quy định xử lý nghiêm, vì sao vẫn xảy ra? (8/9/2022)

Lạm thu - câu chuyện cứ “đến hẹn lại lên” và là vấn đề luôn khiến phụ huynh, xã hội bức xúc mỗi khi bước vào năm học mới. Ngay đầu năm học 2022-2023 này, trong khi giá sách giáo khoa tăng cao, dự kiến học phí cũng tăng thì các khoản thu tại một số trường khiến gánh nặng càng đè lên vai phụ huynh, nhất là với những gia đình có thu nhập thấp, bấp bênh.
Điều đáng nói là, năm nào trước thềm năm học mới, Bộ GD&ĐT cùng các địa phương cũng ra công văn nhắc nhớ các khoản thu chi đầu năm. Cũng có nhiều trường hợp lạm thu bị phát hiện, đưa lên thông tin đại chúng, thậm chí có trường hợp lãnh đạo nhà trường bị kỷ luật. Tuy nhiên tình trạng lạm thu vẫn tái diễn, “biến tướng” và núp dưới tên gọi “tự nguyện”, “thỏa thuận” hoặc “xã hội hóa”… Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là Nhà giáo ưu tú – TS Nguyễn Thanh Sơn, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục – Ban Khoa giáo Trung ương, Nguyên Tổng Hiệu trưởng Hệ thống Giáo dục Vinschool, Nguyên Hiệu trưởng Hanoi Academy

SỨC MẠNH CỦA ÂM THANH (6/9/2022)

Công chúng báo chí ngày nay không chỉ có nhu cầu đọc-nghe hay xem những tin tức nhanh và đúng, họ bị thu hút bởi những thông tin truyền tải có chiều sâu, cách thức truyền tải hấp dẫn. Hơn hết là tinh, mang tới sự tiện lợi. Điều này dần hiện hữu khi lượng người di chuyển trên những phương tiện hiện đại ngày càng nhiều; việc sử dụng các thiết bị thông minh để thư giãn và tiếp cận thông tin ngày càng phổ biến.
Thực tế đó cho thấy, ÂM THANH nói chung, phát thanh nói riêng nếu được đầu tư khai thác, sẽ ngày càng khẳng định tính hữu dụng – đủ khả năng đáp ứng nhiều nhu cầu công chúng. Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là ông Nguyễn Thanh Lâm – Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông

60 năm quan hệ Việt Nam – Lào-biểu tượng cao đẹp về tình hữu nghị gắn bó keo sơn, bền chặt (5/9/2022)

Đúng ngày này cách đây 60 năm, ngày 5/9/1962, Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, là dấu mốc rất quan trọng trong quan hệ hai nước, khẳng định sự gắn bó mang tính vận mệnh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập của mỗi nước. Cùng nhìn lại chặng đường 60 năm lịch sử, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Suphanouvong đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo kế tục của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách, đã trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung hiếm có trên thế giới.
Mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện, đã trở thành tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai nhà nước, hai dân tộc Việt-Lào, là động lực, quy luật tồn tại và là yếu tố quyết định thắng lợi sự nghiệp cách mạng của mỗi nước. Nhân kỷ niệm 60 năm quan hệ Việt Nam-Lào, chúng ta cùng nhìn lại mối quan hệ hữu nghị đặc biệt này với khách mời là bác Đào Văn Tiến, 93 tuổi, chuyên gia Việt Nam, Người gắn bó với Cách mạng Lào ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thù trong, giặc ngoài đến khi tham gia vào Tổ chuyên gia giúp Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào trong công cuộc xây dựng đất nước sau ngày hòa bình lập lại.

Hồ Chí Minh: Người đặt nền móng xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam (2/9/2022)

Cách đây 77 năm, ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - văn bản có giá trị lịch sử trường tồn, đặt nền móng pháp lý cho việc xây dựng “Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân”.
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt về xây dựng Nhà nước pháp quyền được thể hiện rõ trong Cương lĩnh 1991 (sửa đổi, bổ sung 2011); đường lối chính sách sau hơn 35 năm đổi mới và Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng. Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Sơn, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh để rõ hơn những giá trị nền móng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9

Để năm học mới không bắt đầu từ ngày khai giảng (01/9/2022)

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường 5/9, khai giảng năm học mới 2022-2023. Đây là năm học vô cùng đặc biệt vì các em lại được vui bước tới trường, thay vì phải học trực tuyến kéo dài như những năm trước. Sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, năm học mới ít bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khách quan về dịch bệnh hơn, nhưng vẫn còn nhiều thách thức đặt ra đối với ngành giáo dục như việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, thiếu giáo viên, trường lớp…Làm sao để ngày khai giảng thực sự là ngày hội của học sinh và lễ khai giảng thực sự là một khởi đầu hạnh phúc cho một năm học mới? Hơn hết là tạo tiền đề để vượt qua những khó khăn, thách thức khi thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Giải pháp nào để đảm bảo an toàn cho trẻ khi sử dụng mạng xã hội? (30/8/2022)

Trong 3 tháng đầu năm 2022, có 89% trẻ em truy cập và sử dụng internet, trong số này, 87% sử dụng internet hàng ngày. Ngoài thời gian dành cho việc học, trung bình trẻ em sử dụng từ 5 - 7 tiếng/ngày vào mạng xã hội. Trong khi đó, chỉ 36% trẻ em (hầu hết là trẻ lớn hơn, độ tuổi 16-17) được dạy về việc đảm bảo an toàn trên mạng. Đây là khảo sát được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố mới đây.
Mặc dù, Internet và mạng xã hội đem lại cho trẻ em nhiều giá trị tích cực, giúp trẻ em có thể tìm hiểu thế giới một cách dễ dàng, gặp gỡ, giao lưu được với nhiều người, chia sẻ tình cảm, thông tin...
Tuy nhiên, sử dụng mạng xã hội nhiều cũng kèm theo những vấn đề tiêu cực cho trẻ em như: Tiếp cận với thông tin giả; truy cập vào những nội dung xấu độc; nghiện sử dụng mạng xã hội… Làm thế nào để đảm bảo an toàn cho trẻ khi sử dụng mạng xã hội? TS xã hội học Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng bàn luận câu chuyện này.

Nợ công giảm – Ý nghĩa cho điều hành chính sách vĩ mô, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (29/8/2022)

Theo bản tin nợ công số 14 vừa được Bộ Tài chính công bố, nợ công của Việt Nam giai đoạn 2017-2021 đang giảm mạnh từ mức 61,4% GDP xuống còn 43,1% GDP. Cùng với đó nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương cũng giảm dần. Nguyên nhân nào dẫn đến nợ công giảm mạnh? Nợ công giảm có ý nghĩa ra sao cho điều hành chính sách vĩ mô, phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định?

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h20-05h50 Mùa vàng
6h28-6h30 Quảng cáo
8h35-8h40 Quảng cáo
9h35-9h40 Quảng cáo
9h55-10h00 Quảng cáo
10h05-10h10 Quảng cáo
10h25-10h30 Quảng cáo
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
13h20-13h25 Quảng cáo
13h40-13h45 Quảng cáo
15h15-15h20 Quảng cáo
19h55 đến 20h00 Quảng cáo
19h55 - 20h00 Quảng cáo
15h55-16h00 Quảng cáo
17h50-17h59 Quảng cáo
19h05-19h10 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
22h00-23h00 Thức cùng VOV
23h10-23h15 Rao sóng
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: