logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Tăng tiếp cận nhà ở xã hội - Tăng hiệu quả chính sách (02/6/2023)

Trong bối cảnh giá nhà đất tăng cao, người có thu nhập thấp rất khó để mua được một ngôi nhà, ổn định cuộc sống, vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Đây là chủ trương đúng đắn, nhân văn; đồng thời gắn liền với việc triển khai định hướng của Đảng, Nhà nước và liên quan đến quyền lợi của người dân. Đề án đặt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Tuy nhiên, để phát triển nhà ở xã hội hiệu quả hơn, cần thực hiện nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tế. Trên nghị trường quốc hội, vấn đề nhà ở xã hội cũng được nhiều đại biểu đề cập trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.

Tăng cường sự giám sát của người dân với cán bộ, công chức trong Dự thảo nghị định ban hành Bộ quy tắc đạo đức công vụ (01/6/2023)

Xuất phát từ tầm quan trọng của đạo đức công vụ cũng như thực trạng đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ở nước ta hiện nay, Bộ Nội vụ đang xây dựng Nghị định Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ làm căn cứ để các Bộ và địa phương thực hiện nghiêm túc, thống nhất trong cả nước. Hiện, Dự thảo này đã được Bộ Nội vụ gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Tuy nhiên, những ngày qua nhiều ý kiến đã cho rằng, bộ quy tắc đạo đức công vụ còn nhiều điều chưa có tính thực tiễn, còn hình thức. Vậy, khắc phục những bất cập này bằng cách nào, để tăng cường sự giám sát của người dân với đội ngũ cán bộ, công chức?

“Mở kho” dữ liệu số quốc gia - cơ hội, trách nhiệm và kỳ vọng từ cộng đồng doanh nghiệp (31/5/2023)

Trong kế hoạch Tuần làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 5, Quốc hội hóa XV, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến về Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Tạo lập, khai thác và quản lý nguồn dữ liệu số quốc gia là một trong những nội dung trọng tâm của Luật này. Đây cũng là vấn đề cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm trong “Năm dữ liệu số quốc gia 2023”, bởi như văn bản số 452 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành cách nay tròn 1 tuần: tình trạng “manh mún”, “cát cứ thông tin”, “chia cắt” và “co cụm dữ liệu” đang là rào cản – “tắc nghẽn” tiến trình chuyển đổi số của Việt Nam, làm chậm tốc độ tăng trưởng chung, trong khi doanh nghiệp được kỳ vọng, được giao nhiệm vụ nòng cốt tiến trình này.

Để chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% phát huy hiệu quả (30/5/2023)

Theo chương trình làm việc, trong 2 ngày 30 và 31/5, Quốc hội sẽ tập trung thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022 và giải pháp thúc đẩy thực hiện hiệu quả kế hoạch năm 2023. Trong đó, một nội dung nóng sẽ được các đại biểu quan tâm cho ý kiến, là việc tiếp tục thực hiện như thế nào đối với chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43 năm 2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao việc triển khai gói hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng 2% đã được Chính phủ thực hiện trong năm 2022. Tuy nhiên, phản hồi của cộng đồng doanh nghiệp cũng cho thấy, còn một số khó khăn, vướng mắc trong thực thi chính sách, nhất là đối với việc một số nhóm hàng hóa, dịch vụ không được áp dụng chính sách này, như kinh doanh tài chính, bất động sản… Ông Đậu Anh Tuấn, phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng bàn luận câu chuyện này.

Cần những giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng cài cắm lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật? (29/5/2023)

Trong những năm qua, công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện cả về nội dung, hình thức và kỹ thuật lập pháp, theo hướng thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch; thể hiện tư duy lập pháp mới trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tuy đạt được những thành tựu như vậy nhưng đáng tiếc là hệ thống pháp luật vẫn còn những bất cập, hạn chế, đặc biệt là tình trạng lồng ghép, cài cắm “lợi ích nhóm” trong các văn bản quy phạm pháp luật để trục lợi, hay còn gọi là tình trạng “tham nhũng chính sách”. Đây cũng là trăn trở của nhiều Đại biểu Quốc hội trong quá trình thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đang diễn ra tại Hà Nội. Vậy cần nhận diện lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật như thế nào và cần những giải pháp gì để khắc phục? Câu chuyện thời sự hôm nay, chúng tôi sẽ bàn về nội dung này với sự tham gia của Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI.

“Nóng” tranh luận về kỳ hạn đăng kiểm xe cơ giới (26/5/2023)

Nghiên cứu quy định chu kỳ kiểm định xe cơ giới theo số km để thay thế tiêu chí về thời gian sử dụng phương tiện như hiện nay cùng với tự động giãn chu kỳ kiểm định xe chở người dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải đang là vấn đề thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. Những ý tưởng nghiên cứu, đề xuất mới về chu kỳ kiểm định xe cơ giới được xem là một trong những giải pháp “gỡ rối” cho hoạt động đăng kiểm hiện nay, khi các trung tâm đăng kiểm đang chịu áp lực rất lớn với số xe cần được kiểm định trong 6 tháng tới lên đến 2,5 triệu xe. Nhưng tính khả thi của những đề xuất này đến đâu lại là vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng cả về khía cạnh kỹ thuật cũng như pháp lý.

Đừng để kiến nghị của cử tri rơi vào khoảng lặng (25/5/2023)

Theo dự kiến chương trình làm việc của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15, ngày mai, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4. Đây là lần đầu tiên, Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri được thảo luận trực tiếp tại Hội trường trong một Kỳ họp Quốc hội. Gần 2.600 ý kiến, kiến nghị gửi đến Kỳ họp thứ 4, không chỉ là tâm tư, nguyện vọng mà còn là niềm tin của cử tri gửi gắm tới cơ quan đại diện cho mình. Vì thế, phiên thảo luận có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc củng cố niềm tin của cử tri và Nhân dân với cơ quan dân cử. Theo báo cáo, 99,8% kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4 đã được giải quyết- một tỷ lệ rất cao các kiến nghị được trả lời. Nhưng đây cũng không phải lần đầu các kiến nghị được giải quyết với tỷ lệ cao như vậy. Trong Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 15, tỷ lệ này đạt được là 100%. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là chất lượng giải quyết, trả lời của Chính phủ, các bộ, ngành đã thực sự hài lòng cử tri hay chưa khi các Trụ sở tiếp công dân Trung ương, trụ sở Quốc hội, Chính phủ hay ở một số địa phương hàng ngày người dân vẫn căng biểu ngữ, khiếu nại vượt cấp? Giải pháp nào để kiến nghị của cử tri không rơi vào khoảng lặng? Để có thêm những góc nhìn về hoạt động đổi mới này của Quốc hội, ông Hoàng Anh Công, Phó trưởng ban Dân nguyện, thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cùng bàn luận.

Giải pháp nào để thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế năm 2023 theo đúng mục tiêu đề ra? (23/5/2023)

Hôm qua, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 15 đã khai mạc. Báo cáo về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023 đã được trình bày tại phiên họp này. Đây là một nội dung hết sức quan trọng được cử tri, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm. Bởi lẽ, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước ta nói riêng và thế giới trong năm 2022 và Quý I năm 2023 đang rất khó khăn. Dự báo trong thời gian tới, những thách thức còn rất lớn, đòi hỏi những giải pháp quyết liệt từ Chính phủ. Vậy làm gì để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm nay? Ông Phan Đức Hiếu Uỷ viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội sẽ cùng bàn luận câu chuyện này.

Tuyển sinh đầu cấp: Đặt cọc, giữ chỗ trường tư, “cuộc chơi” đầy may rủi” (22/5/2023)

Chuyện tuyển sinh đầu cấp, nhất là vào lớp 10 vốn đã luôn nóng vì căng thẳng hơn thi đại học, vài năm nay càng nóng lên bởi những bức xúc của phụ huynh xoay quanh việc các trường ngoài công lập yêu cầu đóng các khoản phí lớn khi nộp hồ sơ. Nếu rút sẽ không được trả lại khoản tiền này. Những khoản này được gọi là “phí giữ chỗ”, “phí ghi danh” hay “đặt cọc”, với mức giá dao động từ 2 triệu đến cả chục triệu đồng, cũng có thể từ 10 đến 30 triệu đồng/học sinh (tùy trường).
Năm học 2023-2024, có 55,7% học sinh lớp 9 vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội, khiến nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 10 lo lắng đến mất ăn, mất ngủ. Vì thế, ngoài áp lực chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10, không ít phụ huynh còn phải rước thêm những vất vả, chỉ vì những khoản tiền phải bỏ ra để yên tâm chắc chắn con mình có một suất học. Nhà giáo ưu tú – TS Nguyễn Thanh Sơn, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Khoa giáo Trung ương, Uỷ viên Hội Khoa học tâm lý giáo dục VN cùn bàn luận vấn đề này.

Gỡ khó bài toàn thiếu vacxin (19/5/2023)

Thời gian gần đây, người dân nhiều địa phương trên cả nước lâm vào tình trạng thiếu vacxin khi đi tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Để không trì hoãn lịch tiêm, nhiều người phải chi số tiền không nhỏ để tiêm vắc xin dịch vụ. Đáng lo ngại, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng thiếu vacxin cục bộ ở các địa phương mà tình trạng này đã xuất hiện từ lâu, nay lại có dấu hiệu trầm trọng hơn. Nguyên nhân vì sao và cơ chế nào tháo gỡ vướng mắc này để trẻ em được tiêm phòng đủ liều lượng, đúng thời điểm các vacxin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia?

Quy hoạch Điện 8 được ban hành: Giải tỏa nỗi lo thiếu điện trong dài hạn. (18/5/2023)

Sau gần 4 năm từ lúc khởi thảo xây dựng, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ( gọi tắt là Quy hoạch điện VIII) với mục tiêu chuyển đổi năng lượng, phát triển hệ sinh thái năng lượng tái tạo và xuất nhập khẩu điện vừa được Thủ tướng chính phủ ký phê duyệt ngày 15/5 vừa qua.
Việc ban hành Quy hoạch điện trong bối cảnh áp lực cung cấp điện được dự báo hết sức căng thẳng do hạn hán, thủy điện thiếu nước, nhiều nguồn năng lượng sơ cấp cho phát điện (như than, khí) đang phải phụ thuộc nhập khẩu, nguy cơ thiếu khoảng 5.000 MW công suất nguồn điện của miền Bắc ngay trong cao điểm mùa hè này; Thậm chí khả năng thiếu hụt còn cao hơn nếu nhu cầu tiêu dùng cho sản xuất và đời sống tăng cao đột biến, hoặc xảy ra sự cố đối với các nguồn điện, lưới điện truyền tải… Quy hoạch Điện VIII - được đón nhận với kỳ vọng sẽ giải tỏa nỗi lo thiếu điện trong cả trước mắt và dài hạn. Vấn đề là làm sao để sớm hiện thực hóa các nội dung của quy hoạch!

Để việc lấy phiếu tín nhiệm là căn cứ quan trọng để bố trí cán bộ (17/5/2023)

Trong các ngày từ 15 đến 17/5, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13. Một trong những nội dung quan trọng của hội nghị là việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Ủy viên Bộ chính trị và Ban bí thư. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là để thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn các chủ trương, đường lối, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm "tự soi", "tự sửa", tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và không ngừng nâng cao trách nhiệm nêu gương, trình độ, năng lực công tác... Kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ... Vấn đề đặt ra là làm thế nào để việc lấy phiếu tín nhiệm đạt được kết quả thực chất, công bằng và công tâm, thực sự là căn cứ quan trọng để bố trí cán bộ? Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban văn hoá, giáo dục của Quốc hội sẽ cùng bàn luận chủ đề này.

“Nóng” tranh luận về kỳ hạn đăng kiểm xe cơ giới (16/5/2023)

Nghiên cứu quy định chu kỳ kiểm định xe cơ giới theo số km sử dụng để thay thế tiêu chí về thời gian sử dụng phương tiện như hiện nay cùng với tự động giãn chu kỳ kiểm định xe chở người dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải đang là vấn đề thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. Những ý tưởng nghiên cứu, những đề xuất mới về chu kỳ kiểm định xe cơ giới được xem là một trong những giải pháp “gỡ rối” cho hoạt động đăng kiểm hiện nay, khi các trung tâm đăng kiểm đang chịu áp lực rất lớn với số xe cần được kiểm định trong 6 tháng tới lên đến 2,5 triệu xe. Nhưng tính khả thi của những đề xuất này đến đâu lại là vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng cả về khía cạnh kỹ thuật cũng như pháp lý. TS. Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cùng bàn luận câu chuyện này.

Nhìn lại hoạt động của UB Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, sau 5 năm thành lập & những yêu cầu đặt ra (15/5/2023)

Tại Chỉ thị số 12/CT-TTg về “Nhiệm vụ, giải pháp đổi mới hoạt động của UB Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy nguồn lực đầu tư của 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc”, Thủ tướng yêu cầu UB ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình Thủ tướng CP trước ngày 15/5/2023 kế hoạch triển khai kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục hoàn thiện và đổi mới hoạt động của Ủy ban. Đồng thời, phải có phương án xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài nhiều năm; trong đó, phải hoàn thành xử lý dứt điểm trong tháng 5/2023 báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với một số dự án “nghìn tỷ” thua lỗ. “Nhìn lại hoạt động của UB Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sau 5 năm thành lập & những yêu cầu đặt ra” là chủ đề của Câu chuyện thời sự với sự tham gia bàn luận cùng vị khách mời là Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

Làm gì để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, gỡ khó cho doanh nghiệp? (12/05/2023)

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng có hơn 19.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Quý I năm nay, lần đầu tiên số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, khi trải qua gần 3 năm bị tác động, ảnh hưởng của dịch Covid 19, rồi những khó khăn thị trường do tác động của những diễn biến bất định trên toàn cầu. Trong khi đó, những thủ tục hành chính, hoặc những điều kiện kinh doanh kiểu mới, ẩn dưới hình thức quy chuẩn kỹ thuật… tiếp tục thêm gánh nặng chi phí, rào cản cho doanh nghiệp.
Thông tin từ phiên họp thứ 23 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5, QH khóa 15, nội dung về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được các đại biểu đề nghị bổ sung vào báo cáo trình Quốc hội. Câu chuyện Thời sự bàn nội dung: “Làm gì để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, gỡ khó cho doanh nghiệp?”, với sự tham gia của TS Nguyễn Minh Thảo Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Nguyên nhân nào khiến tình trạng sạt lở và sụt lún tại khu vực ĐBSCL gia tăng và cách thức nào ứng phó hiệu quả? (11/5/2023)

Liên tiếp những ngày qua, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra các vụ sạt lở bờ sông, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Sạt lở không phải là chuyện mới ở đồng bằng sông Cửu Long nhưng mức độ và thiệt hại của sạt lở ngày càng khốc liệt hơn và đáng lo ngại tình trạng này đang diễn ra ngay cả mùa khô. Ngoài tác động của biến đổi khí hậu thì còn nguyên nhân nào khác khiến tình trạng sạt lở và sụt lún tại khu vực ĐBSCL gia tăng và cách thức nào ứng phó hiệu quả?

Giải pháp nào giải quyết tình trạng quá tải trường lớp học (09/5/2023)

Sĩ số vượt quá 60 em/lớp, phụ huynh thức thâu đêm suốt sáng xếp hàng nộp hồ sơ cho con hay phải bốc thăm may rủi để con được đến trường, những cuộc đua vào trường công với tỉ lệ chọi “nảy lửa”... Đó là nghịch lý bi hài đang diễn ra hàng năm, đỉnh điểm là dịp tuyển sinh đầu cấp tại nhiều tỉnh, thành phố. Quy mô dân số ngày càng gia tăng, trong khi tốc độ bổ sung lớp học không thể theo kịp, quỹ đất cho giáo dục ngày càng “eo hẹp” khiến nỗi lo thiếu trường, lớp, quá tải sĩ số đang là áp lực không nhỏ đối với các địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn. Vậy cần có giải pháp nào cho bài toán quá tải trường, lớp? Ông Phạm Hùng Anh – Vụ Cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ cùng bàn luận câu chuyện này.

Giảm 2% thuế suất VAT - những tác động đến nền kinh tế (8/5/2023)

Chính phủ đã đồng ý đề xuất của Bộ Tài chính về việc giảm 2% thuế VAT với tất cả hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 10% xuống còn 8%, để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp vào tháng 5 này.
Như vậy, sau hơn 4 tháng thuế giá trị gia tăng (VAT) trở về mức cũ, người dân và doanh nghiệp hồ hởi trước tin sắp được giảm thuế VAT thêm 6 tháng nữa. Việc giảm 2% thuế VAT cho các hàng hóa, dịch vụ sẽ kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh như thế nào và tác động ra sao đến nền kinh tế? PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính cùng bàn luận câu chuyện này.

Sớm khắc phục những "hạt sạn" trong du lịch - nhìn từ kỳ nghỉ vàng 30/4 - 1/5 (05/5/2023)

Hôm nay đã là ngày làm việc thứ 2 sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5. Với ngành du lịch Việt Nam, kỳ nghỉ này thực sự tạo ra cơ hội “vàng”, đem lại sức bật mới cho ngành du lịch với những con số ấn tượng về số lượng du khách cũng như doanh thu tại các địa phương. Tuy nhiên bên cạnh mặt tích cực, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra với ngành du lịch trong dịp nghỉ lễ năm nay, cần có những giải pháp khắc phục để ngành du lịch phát triển bền vững trong thời gian tới. Ông Nguyễn Quí Phương – Vụ trưởng Vụ Lữ hành – Tổng cục Du lịch sẽ cùng bàn luận về câu chuyện này.

Tìm giải pháp căn cơ, giải quyết dứt điểm vấn đề thu hồi đất, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất (4/5/2023)

Theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, đã có hơn 11 triệu lượt ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật đất đai sửa đổi, trong đó vấn đề Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhận được hơn 1 triệu lượt ý kiến và vấn đề giá đất cũng nhận được gần 1 triệu lượt ý kiến.
Trên thực tế, những bất cập, vướng mắc trong thực hiện chính sách pháp luật về thu hồi đất đã gây nên những bức xúc của người dân có đất bị thu hồi; phát sinh các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo. Vậy đâu là cơ sở pháp lý để xử lý có hiệu quả, giải quyết dứt điểm vấn đề thu hồi đất, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất? Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Uỷ Ban Tài chính ngân sách Quốc hội và Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường kiêm Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội.

Bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm: Cơ chế nào đủ mạnh? (03/5/2023)

Tháo gỡ nút thắt, khơi thông điểm nghẽn, đó là lá chắn pháp lý để bảo vệ đội ngũ cán bộ 6 dám, quyết liệt trong hành động, vì lợi ích quốc gia và dân tộc. Thực tế, thời gian gần đây, bên cạnh việc xử lý nghiêm những cá nhân sai phạm, Đảng ta đồng thời luôn giữ vững quan điểm bảo vệ cán bộ, đảng viên năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Tuy nhiên, để có được đội ngũ cán bộ như vậy thì cần xây dựng cơ chế, tạo môi trường như thế nào để họ sáng tạo và cống hiến? Bà Nguyễn Thị Thanh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương và PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản sẽ cùng bàn luận chủ đề này.

Kinh tế xanh – Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam (02/5/2023)

Trong những năm gần đây, cụm từ “kinh tế xanh” được nhắc đến như một chiến lược dài hạn nhằm đạt được sự tăng trưởng kinh tế, trong khi vẫn duy trì sự bền vững về môi trường. Trong nền kinh tế xanh, sự tăng trưởng về thu nhập, việc làm thông qua việc đầu tư của Nhà nước và tư nhân cho nền kinh tế làm giảm phát thải các-bon, ô nhiễm môi trường, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Kinh tế xanh tập trung vào ba trụ cột chính gồm: công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Dù phát triển xanh là một trong những hướng đi tất yếu mà Việt Nam đang theo đuổi nhưng con đường tiến tới "nền kinh tế xanh" đang đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Để Việt Nam vượt qua các khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển, cần có sự đồng hành giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, cùng chia sẻ tầm nhìn và chiến lược phát triển nhanh, xanh và bền vững.

Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức (1/5/2023)

Tháng Công nhân năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch covid 19 đã qua nhưng những khó khăn vẫn đang đè nặng lên nền kinh tế nói chung và công nhân lao động nói riêng. Lạm phát toàn cầu tăng, kinh tế suy giảm, đơn hàng đứt gãy, số công nhân lao động mất việc, giảm việc gia tăng, kéo theo đời sống vật chất, tinh thần giảm sút. Vậy tháng công nhân năm nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ có những hoạt động trọng tâm nào để hỗ trợ công nhân và cùng doanh nghiệp vượt khó? Ông Nguyễn Mạnh Kiên, Phó trưởng Ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tái diễn “ép” học sinh không thi vào lớp 10 công lập: Phân luồng hay bệnh thành tích? (28/4/2023)

Vụ lùm xùm “o ép” học sinh kém không thi vào lớp 10 trường công lập tại Hà Nội năm trước khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo phải vào cuộc tưởng chừng sẽ được chấn chỉnh, song năm nay tình trạng này lại tái diễn. Đây là vấn đề đã âm ỉ trong dư luận nhiều năm qua. Thậm chí đã xuất hiện những nghi hoặc phải chăng đến từ cả áp lực phân luồng hay mượn danh tư vấn hướng nghiệp để vận động học sinh yếu kém không thi lớp 10 để đảm bảo thành tích. Chuyên gia giáo dục – TS Lê Thống Nhất, Người sáng lập hệ thống Big Schools, Vina Schools sẽ cùng bàn luận chủ đề này.

Gỡ khó thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Từ chính sách đến thực thi (27/3/2023)

Nhằm hỗ trợ, gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, liên tiếp các chính sách được ban hành, mới đây nhất là thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước, với nội dung quan trọng là kể từ ngày 24/04 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023, tổ chức tín dụng được mua lại trái phiếu doanh nghiệp mà tổ chức tín dụng đã bán khi đáp ứng một số điều kiện tại Thông tư này. Trước đó, là Nghị định 08 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong nỗ lực tháo gỡ vướng mắc liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn “đỉnh đáo hạn” năm nay và năm tới. Kỳ vọng của thị trường rất lớn, nhưng để những chính sách phát huy hiệu quả, gỡ khó và thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, thực sự là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, phụ thuộc phần lớn vào việc triển khai trên thực tế. PGS TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính sẽ cùng bàn luận câu chuyện này.

Tháng Công nhân năm 2023: kết nối công nhân, xây dựng tổ chức (25/4/2023)

Ngày 27/4 tới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động Trung ương chính thức phát động Tháng Công nhân năm 2023 với chủ đề “Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức” và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động, với chủ đề: “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”. Dù dịch Covid 19 đã qua, nhưng những khó khăn vẫn đang đè nặng lên nền kinh tế nói chung và công nhân lao động nói riêng. Do lạm phát toàn cầu tăng, kinh tế suy giảm, đơn hàng đứt gãy, nên số công nhân lao động mất việc, giảm việc gia tăng, kéo theo đời sống vật chất, tinh thần giảm sút. Vậy tháng công nhân năm nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ có những hoạt động trọng tâm nào để hỗ trợ công nhân và cùng doanh nghiệp vượt khó?

Giải pháp nào để hiện thực hóa 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội? (24/4/2023)

“Nhà ở xã hội” đang là chủ đề rất được quan tâm trong những ngày gần đây. Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 388 phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”. Đề án đặt ra mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành hơn 1 triệu căn. Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn, vấn đề đặt ra hiện nay là phải làm gì để hiện thực hóa mục tiêu của Đề án là xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội và đưa những căn hộ này đến được với người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất?

Tăng học phí: Liệu có là rào cản vào Đại học? (21/4/2023)

Sau 2 năm không tăng học phí, nhiều trường đại học, học viện dự kiến tăng 10-20% học phí từ năm học 2023-2024. Sở dĩ các cơ sở giáo dục đại học tăng học phí là áp dụng theo Nghị định 81 của Chính phủ về quản lý học phí (có hiệu lực từ ngày 15/10/2021). Câu chuyện học phí trường đại học tăng “chóng mặt” luôn nóng trước mỗi mùa tuyển sinh và được giải thích là tăng theo lộ trình khi các trường thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, trên cơ sở tính đúng, tính đủ. Thế nhưng, tăng học phí như thế nào là hợp lý để vừa đảm bảo chất lượng giáo dục, vừa không ảnh hưởng tới quyền lợi cũng như cơ hội học tập của sinh viên là bài toán khó. PGS TS Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội sẽ cùng bàn luận câu chuyện này.

Định vị Thương hiệu quốc gia Việt Nam Xanh đang đặt ra những yêu cầu gì? (20/4/2023)

Đã tròn 15 năm (kể từ năm 2008) Thủ tướng Chính phủ chọn ngày 20/4 hàng năm là Ngày Thương hiệu Việt Nam, nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam; Đồng thời khơi dậy khát vọng của các cấp, các ngành, xã hội, cộng đồng doanh nghiệp trong công cuộc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia. "Xây dựng thương hiệu - doanh nghiệp xanh để "Định vị Thương hiệu Quốc gia Việt Nam xanh" trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức là chủ đề của Câu chuyện thời sự, với sự tham gia bàn luận của chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI).

Để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng – cần hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo(19/4/2023)

Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững, nâng cao tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế.
Mục tiêu cụ thể của chương trình: Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; hình thành và phát triển nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong bối cảnh thế giới giới có nhiều biến động, bất định, khó lường, nền kinh tế nói chung, khu vực kinh tế tư nhân nói riêng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, bản thân khối kinh tế này cũng bộc lộ nhiều hạn chế do khách quan và chủ quan, việc hiện thực hóa những mục tiêu này đòi hỏi quyết tâm rất lớn. Tiến sĩ Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) và ông Trần Toàn Thắng – Viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và đầu tư cùng bàn luận nội dung này.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

5h20-5h50 Mùa vàng
5h50-5h59 Quảng cáo
5h59-6h00 Báo giờ
06h28-6h30 Quảng cáo
08h35-8h40 Quảng cáo
9h35-9h40 Quảng cáo
9h55-10h00 Quảng cáo
10h00-10h05 Bản tin TS
10h05-10h10 Quảng cáo
10h25-10h30 Quảng cáo
11h05-11h10 Quảng cáo
11h54-11h59 quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h20-13h25 Quảng cáo
13h05-13h20 Mùa vàng (PL)
13h40-13h45 Quảng cáo
14h00-14h05 Bản tin TS
15h15-15h20 Quảng cáo
15h55-16h00 Quảng cáo
17h50-17h59 Quảng cáo
17h55-17h59 Quảng cáo
18h57-19h00 Quảng cáo
19h05-19h10 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
22h00-23h00 Thức cùng VOV
23h10-23h15 Rao sóng
00h00-04h45 Nhập hệ
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: