logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Kết nối thị trường tiêu thụ hàng hoá cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa (25/12/2022)

Việc thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đem lại kết quả tích cực cho kinh tế và thương mại hàng hóa trên các địa bàn này, thông qua thúc đẩy hoạt động sản xuất và thu mua, hướng tới hình thành chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hiện đại và bền vững. Nhiều sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã mở được đường vào các hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước, cũng như xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Phát triển thị trường hàng hóa và tăng khả năng tiếp cận thị trường cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cải thiện đời sống nhất là tại những địa phương nghèo ở Việt Nam đang là vấn đề được Chính phủ và nhiều bộ, ngành đặc biệt quan tâm. Vùng Dân tộc thiểu số và miền núi nước ta thuộc địa bàn 51 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung, nơi có địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu không thuận lợi và thiếu các cơ sở hạ tầng thiết yếu… Làm thế nào để thiết lập kết nối thị trường bền vững giữa các doanh nghiệp và các hợp tác xã thúc đẩy thương mại khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa trong các chuỗi giá trị thương mại cả nước, tạo thu nhập cho người dân? Câu chuyện thời sự hôm nay bàn về nội dung này với sự tham gia của vị khách mời là Tiến sĩ Trịnh Thị Thanh Thủy, Nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương - Bộ Công Thương.

Để tài khoản định danh điện tử tạo thuận lợi cho người dân khi làm thủ tục hành chính (24/11/2022)

Nhiều ích lợi nhưng chưa tiện và khi đi làm thủ tục hành chính vẫn cần xuất trình nhiều loại giấy tờ là ý kiến của nhiều người dân về việc đăng ký, sử dụng mã định danh điện tử trong thời gian vừa qua. Vậy những vướng mắc và khó khăn của thực tế này là gì? Làm thế nào để khi có tài khoản định danh điện tử, người dân thuận lợi hơn khi đi làm thủ tục hành chính cũng như thực hiện các giao dịch khác có liên quan? Đại tá Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ công an bàn luận về câu chuyện này.

Bảo vệ quyền lợi của hàng chục nghìn lao động bị mất việc dịp cuối năm (22/11/2022)

Những ngày gần đây, liên tục có thông tin hàng nghìn công nhân bị chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc có nguy cơ mất việc ở các tỉnh, thành phía Nam. Dự báo “làn sóng” cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng cuối năm sẽ tiếp tục trầm trọng hơn vào quý 4 năm nay và quý 1 năm sau.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, những ngành có người lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất là chế biến gỗ, dệt may, da giày; một số doanh nghiệp điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch… Sau hai năm đại dịch, những tưởng giai đoạn khó khăn nhất với người lao động đã qua, nhưng việc nhiều doanh nghiệp cắt giảm nhân sự lại khiến người lao động đối diện với những khó khăn mới khi thời điểm cuối năm đã cận kề. Vậy cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của hàng chục nghìn lao động bị mất việc, giảm việc cuối năm? Bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cùng bàn luận câu chuyện này.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn - thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững (21/11/2022)

Thị trường bất động sản đang rất khó khăn, đứng trước khả năng rơi vào suy thoái. Doanh nghiệp bất động sản cũng đang rất khó khăn, đặc biệt "rủi ro" bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản. Trong cuộc tiếp xúc giữa Chính phủ với các doanh nghiệp địa ốc lớn khu vực phía Nam mới đây, vướng mắc pháp lý được doanh nghiệp phản ánh là chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, mà nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất. Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký quyết định số 1435, thành lập Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố trực thuộc Trung ương. Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn, lãnh đạo doanh nghiệp và các chuyên gia kỳ vọng, Chính phủ sẽ nhanh chóng đưa ra những giải pháp thiết thực và kịp thời.

Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc, biểu hiện sinh động của lòng dân, gắn bó tình làng, nghĩa xóm (18/11/2022)

Kỷ niệm 92 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, (18/11/1930-18/11/2022), những ngày này, khắp các khu dân cư trên địa bàn cả nước đều tưng bừng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là dịp để tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với các hoạt động biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu, trao tặng nhà Đại đoàn kết, tổ chức bữa cơm Đại đoàn kết, vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh... Ngày hội đã góp phần động viên nhân dân phát huy truyền thống quê hương, dòng họ, là biểu hiện sinh động của lòng dân, gắn bó tình làng, nghĩa xóm, đồng lòng trong xây dựng và phát triển đất nước. Trong chuyên mục Câu chuyện thời sự ngày hôm nay, chúng tôi mời ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để cùng bàn về nội dung này.

Phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo: Cần sự đột phá (17/11/2022)

Sau 7 năm triển khai Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo theo Quyết định 1162 của Chính phủ, thị trường hàng hoá khu vực này đã ngày càng đa dạng, phong phú hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc phát sinh cần tháo gỡ, như: giao thông, dịch vụ logistic chưa thuận lợi, chưa có nhiều cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến sản phẩm... Tiến sĩ Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương- Bộ Công thương cùng bàn luận vấn đề này.

Để phản biện xã hội góp phần hiệu quả vào công cuộc phát triển đất nước (15/11/2022)

Trong những năm gần đây, các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội tham gia ngày càng tích cực vào việc xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật thông qua phản biện xã hội. Nhờ vậy, các chủ trương, chính sách, pháp luật cũng ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu xã hội, tạo nên sự đồng thuận nhằm phục vụ tốt hơn những vấn đề quốc kế, dân sinh. Thế nhưng trên thực tế, phản biện xã hội vẫn còn nhiều điều đáng bàn, nhiều điều cần khắc phục. Đáng chú ý đó là chất lượng, hiệu quả công tác phản biện xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa phát huy mạnh mẽ vai trò, sự tham gia của các thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân.
Để khắc phục những tồn tại đang đặt ra nhằm nâng cao hiệu quả công tác phản biện xã hội, ngày 26/10/2022, thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Chỉ thị số 18 về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam; Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa - xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng bàn luận câu chuyện này.

Bất ổn thị trường xăng dầu, nên hay không nên giao về một đầu mối cho Bộ Công thương quản lý? (14/11/2022)

Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan liên quan để theo thẩm quyền và quy định hiện hành thực hiện tổng thể các giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, bao gồm cả những giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước đề xuất giao toàn diện vấn đề xăng dầu cho Bộ Công Thương quản lý đã nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, đại biểu Quốc hội. Việc chuyển quản lý xăng dầu về một đầu mối tránh được sự chồng chéo ra sao và liệu có chủ động hơn trong điều hành xăng dầu?.

TTTM, siêu thị bán hàng nhái hàng giả, hàng lậu: ai chịu trách nhiệm? (11/11/2022)

Câu chuyện rau không rõ nguồn gốc, núp bóng vỏ bọc Vietgap tuồn vào một số siêu thị lớn, nổi tiếng ở tp HCM làm nóng dư luận chưa kịp lắng xuống thì mới đây lực lượng chức năng lại phát hiện một hàng nghìn sản phẩm nhái các thương hiệu nổi tiếng như Gucci, Dior, Chanel, Louis Vuitton.v..v. tại Trung tâm thương mại Sài Gòn Square.Trung tâm thương mại Sài Gòn Square được ví như “thiên đường mua sắm” cho các tín đồ shopping với đa dạng các lĩnh vực và đầy đủ các mặt hàng đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn và khách thập phương. Điều đáng nói đây không phải lần đầu phát hiện bán hàng lậu, hàng nhái hàng giả tại trung tâm thương mại với số lượng lớn như vậy.
Những vụ việc này cho thấy công tác kiểm soát đầu vào của các siêu thị, trung tâm thương mại vẫn là câu hỏi lớn được đặt ra. Vì sao hàng kém chất lượng vẫn lọt vào kệ siêu thị, trung tâm thương mại dù đã trải qua chuỗi kiểm tra của cơ quan quản lý và kiểm soát nội bộ? Ai, đơn vị nào chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng này và cần có biện pháp mạnh ra sao để không lặp lại? Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, chuyên gia thương mại cùng bàn luận câu chuyện này.

Bầu cử giữa kỳ tại Mỹ - Tình thế giằng co (10/11/2022)

Nước Mỹ lại đang chứng kiến một bầu không khí cạnh tranh gay cấn và nóng bỏng - giống như những gì đã diễn ra tại kỳ bầu cử Tổng thống 2 năm trước. Đã hơn 2 ngày sau khi các hòm phiếu đóng lại, kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ diễn ra ngày 8/11 vẫn chưa ngã ngũ. Các ứng cử viên của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa giành giật nhau từng phiếu với tỷ lệ chênh lệch rất sít sao - kể cả ở những bang tưởng chừng như đã là thành trì. Đặc biệt tại chiến trường Thượng viện, dù cả hai đảng rất nỗ lực để không “sẩy chân” nhưng đã có biến số bất ngờ tại một số bang chiến địa - khi các lá phiếu “đổi màu”! Điều gì lại đang xảy ra với nước Mỹ khi mà dư âm cuộc bầu cử Tổng thống 2 năm trước vẫn còn đó? Liệu 2 năm tới của chính quyền Tổng thống Joe Biden đang đứng trước những thách thức nào? Chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế Phạm Phú Phúc - từng có nhiều năm công tác tại Mỹ sẽ phác họa bức tranh toàn cảnh về kỳ bầu cử giữa kỳ tại Mỹ năm nay.

Thống nhất một đầu mối quản lý an toàn thực phẩm theo yêu cầu của Ban Bí thư và kinh nghiệm từ TPHCM (10/11/2022)

Mới đây, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành chỉ thị số 17 của Ban Bí thư về tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn lương thực, thực phẩm trong tình hình mới.
 Đáng chú ý, Ban Bí thư giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo tổng kết Luật An toàn thực phẩm và nghiên cứu kiện toàn bộ máy quản lý theo hướng thống nhất một đầu mối. Luật An toàn thực phẩm năm 2010 quy định, trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm ở Trung ương thuộc về ba bộ là Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương.  Ở các địa phương, công tác này do UBND các tỉnh, thành chịu trách nhiệm. Đặc biệt, đầu tháng 10 vừa qua, UBND TP.HCM có văn bản gửi Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ đề nghị góp ý dự thảo đề án thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM trên cơ sở Ban An toàn thực phẩm TP.HCM. Ban An toàn thực phẩm tại TPHCM cũng là mô hình đầu tiên trên cả nước. Bà Phạm Khánh Phong Lan – Đại biểu quốc hội khóa 15 -  Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cùng bàn luận câu chuyện này.

10 năm thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật: Thành tựu và trăn trở (09/11/2022)

Phổ biến giáo dục pháp luật có vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phổ biến giáo dục pháp luật, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công việc này. Ngày 20/6/2012 tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Cũng theo Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, ngày 09 /11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Đến nay, sau 10 năm thi hành Luật Phổ biến giáo dục pháp luật cũng như 10 năm thực hiện Ngày Pháp luạt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, công tác phổ biến giáo dục đã đạt nhiều kết quả thiết thức, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân. Tuy nhiên bên cạnh đó, công tác này hiện nay cũng đang đặt ra nhiều thách thức và rất cần những giải pháp đột phá để nâng cao hơn hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn – Góc nhìn từ người trong cuộc (07/11/2022)

Theo thông tin từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp nước ta đang gặp nhiều khó khăn, và gần một nửa số doanh nghiệp gặp khó khăn về tiếp cận vốn. Trong khi chi phí đầu vào của nhiều lĩnh vực sản xuất tăng cao, thì thị trường có nguy cơ co hẹp do nguy cơ suy thoái kinh tế ở nhiều nơi được coi là thị trường trọng điểm xuất khẩu của Việt Nam. Như vậy, bên cạnh những khó khăn thường trực với doanh nghiệp, thì bối cảnh những tháng cuối năm, và dự báo năm 2023, doanh nghiệp Việt Nam- với đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa- sẽ “khó chồng khó”. Vậy cần có những giải pháp gì để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp?

Thách thức, giải pháp phát triển Chính phủ điện tử (04/11/2022)

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá 15, sáng nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ trả lời chất vấn Quốc hội về các vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, trong đó có nội dung liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý Nhà nước, xây dựng Chính phủ số, Chính quyền số, công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia. Đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ thuộc 4 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á (hiện đang xếp thứ 6) về Chính phủ điện tử và trở thành Top 50 quốc gia dẫn đầu về phát triển Chính phủ số - đồng nghĩa với việc chúng ta phải tăng 36 bậc so với thứ hạng hiện nay, trong khi từ năm 2014 đến năm 2020 tăng được 13 bậc (từ 99 lên 86). Việc tăng thêm hơn 36 bậc chỉ trong vòng 3 năm nữa sẽ là một thách thức không nhỏ. Vậy làm thế nào để thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử và đặc biệt là đem lại hiệu quả trong việc vận hành dịch vụ công trực tuyến, hướng tới phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số đạt được mục tiêu đề ra?

Để tinh giản biên chế thực sự có hiệu quả (03/11/2022)

Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức viên chức là chủ trương lớn của Đảng và đang được các cơ quan, đơn vị từ cấp Trung ương xuống địa phương thực hiện quyết liệt trong những năm qua. Bên cạnh những kết quả đạt được, Kết luận của Bộ chính trị về vấn đề này cũng nêu rõ những tồn tại hạn chế. Đó là còn tình trạng “cào bằng”, giảm đồng đều 10% ở các cơ quan đơn vị; biên chế chủ yếu giảm cơ học, chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.v.v. Vấn đề này cũng đã được một số Đại biểu Quốc hội tập trung phân tích trong các phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 4 và sẽ là một trong những nội dung trọng tâm được Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h50-05h59 Quảng cáo
06h28-06h30 Quảng cáo
9h15-10h00 Đối thoại
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h00-13h30 CLB âm nhạc
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
23h30-24h00 Nhịp sống
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: