logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Đến thời điểm nào Việt Nam có thể giải quyết được tình trạng thiếu vaccine? (25/7/2023)

Vào ngày 27/7 tới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương, WHO tại Việt Nam, UNICEF Việt Nam sẽ hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam trên 200.000 liều vaccine '5 trong 1' cho trẻ em. Đây là vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB và viêm gan B mà vì nhiều nguyên nhân, vaccine này trên toàn quốc đã hết từ tháng 2 đến nay. Bên cạnh đó, một số vaccine sởi và DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) tại các địa phương cũng phải chờ tổ chức mua sắm đấu thầu trở lại mới có để tiêm cho các em. Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, việc chúng ta tìm nguồn vaccine viện trợ có giải quyết được việc bao phủ tiêm phòng vaccine cho trẻ em trong cả nước trong năm 2023? Việc thiếu vaccine ảnh hưởng gì đến công tác phòng chống dịch và kế hoạch tiêm chủng cho trẻ?

Phát huy nội lực- cách thức để Việt Nam thích ứng và phát triển trong thế giới đầy biến động (24/7/2023)

Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với những khó khăn chưa từng có: Từ dịch bệnh, đến những bất ổn địa chính trị toàn cầu, tác động của biến đổi khí hậu… Sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu kéo theo những hệ lụy: giảm thu nhập, mất việc, nguy cơ phá sản… Sau đại dịch Covid – 19, mặc dù nền kinh tế của chúng ta không phải hứng chịu sự tàn phá nặng nề như một số quốc gia khác, nhưng cũng đã có những ảnh hưởng bất lợi, gây khó khăn cho phục hồi và phát triển kinh tế.
Việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả- Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII- là hết sức cần thiết để kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, qua đó nâng cao sức mạnh nội lực, xử lý hiệu quả các vấn đề nội tại và thách thức nổi lên, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. PGS.TS Nguyễn Ngọc Toàn- Phó Viện trưởng Viện Kinh tế- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng bàn luận câu chuyện này.

Nhìn lại một năm học triển khai chương trình, Sách giáo khoa mới ở bậc Trung học phổ thông (20/7/2023)

Học sinh thi tốt nghiệp Trung học phổ thông vừa biết điểm và cân nhắc các nguyện vọng để xét tuyển vào Đại học, cao đẳng, còn học sinh vào lớp 10 năm nay cũng đang băn khoăn lựa chọn các tổ hợp môn học - một trong những việc rất quan trọng để thích ứng với các thay đổi về thi cử, tuyển sinh đại học từ năm 2025. Năm học vừa qua là năm đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc Trung học phổ thông. Sau một năm học triển khai, chương trình mới đã bộc lộ một số bất cập, cần phải “gỡ” ngay khi năm học 2023-2024 đang cận kề.

Làm thế nào để vận hành hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương? (19/7/2023)

Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các địa phương là Thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Cần Thơ, Khánh Hòa, Đà Nẵng, thành phố Hà Nội và mới đây nhất là Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh. Có thể khẳng định sự cần thiết và tầm quan trọng của các cơ chế, chính sách đặc thù này để phát triển các địa phương. Tuy nhiên, những lực đẩy nào, những yếu tố gì cần được kích hoạt để tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ, đạt được mục tiêu đặt ra? Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong và GS-TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng trường Đại học kinh tế quốc dân, đại biểu Quốc hội khóa 14, 15 cùng bàn luận câu chuyện này.

Xây dựng vị trí việc làm: Căn cứ để cải cách tiền lương (18/7/2023)

Trước ngày 10/8, các bộ, ngành phải hoàn tất việc ban hành 2 thông tư làm cơ sở thực hiện việc rà soát, phê duyệt, điều chỉnh vị trí việc làm công chức, viên chức. Đây là yêu cầu được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nêu lên trong cuộc họp Ban Chỉ đạo xây dựng và quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được tổ chức mới đây. Phó Thủ tướng cũng khẳng định: "Đây là nhiệm vụ rất khó, nhạy cảm, nhưng không thể không làm để nâng cao tính minh bạch và chất lượng, hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo tiền đề cải cách chế độ tiền lương". Xây dựng vị trí việc làm đã có một hành trình dài từ nội dung được đưa vào các Nghị quyết của Trung ương cho đến các văn bản thể chế hoá Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và thực tiễn triển khai. Tuy nhiên, khó, rối, phức tạp là tình trạng chung của nhiều cơ quan, đơn vị khi tiến hành công việc này. Tại sao việc xây dựng vị trí việc làm lại khó khăn như vậy? Cần có những đổi mới như thế nào trong nhận thức và cách thức xây dựng để đảm bảo đúng mục đích của hoạt động này là xác định đúng vị trí việc làm, xác định đúng biên chế, cơ cấu ngạch công chức. Tiến sỹ Đinh Duy Hoà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ sẽ cùng bàn luận câu chuyện này.

Sửa thuế thu nhập cá nhân: đòi hỏi cấp bách từ cuộc sống (17/7/2023)

Mức thu nhập từ 11 triệu đồng trở lên phải đóng thuế thu nhập cá nhân và giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/người được cho là quá lạc hậu và được người dân phản ánh từ lâu. Sau khi mức lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng từ tháng 7, người dân càng lo lắng hơn về khoản thuế thu nhập cá nhân phải nộp. Trong Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15 ban hành mới đây, Quốc hội cũng đã đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, cân nhắc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với thực tiễn. Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cùng bàn luận câu chuyện này.

Cần có giải pháp mạnh và hiệu quả hơn để ngăn chặn từ sớm, từ xa các văn hóa phẩm có đường lưỡi bò và hình ảnh vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo của Tổ quốc (14/7/2023)

Thời gian gần đây, một số bộ phim nước ngoài được công chiếu tại nước ta có hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò” (là đường chín đoạn do Trung Quốc vạch ra, đòi chủ quyền phi pháp với gần như toàn bộ diện tích Biển Ðông), gây bất bình trong dư luận. Cục Điện ảnh đã vào cuộc yêu cầu ngừng công chiếu bộ phim “Barbie” của Mỹ và bộ phim Hướng gió mà đi có hình ảnh bản đồ phi pháp này. Hoan nghênh động thái kiên quyết của cơ quan quản lý Nhà nước, song nhiều ý kiến cũng cho rằng: Cần có giải pháp mạnh và hiệu quả hơn để ngăn chặn từ sớm, từ xa các văn hóa phẩm có đường lưỡi bò và hình ảnh vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Cần kiểm soát hoạt động bán bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng thương mại (11/7/2023)

Dù nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, nhưng theo Tổng cục Thống kê, trong nửa đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ qua kênh đại lý cá nhân, kênh đại lý tổ chức - bán qua ngân hàng... ước đạt 81.400 tỉ đồng, chỉ giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi theo kết luận thanh tra 4 công ty bảo hiểm nhân thọ, vừa được Bộ Tài chính công bố, tỉ lệ hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng bị hủy chỉ sau một năm rất cao, thấp nhất là 32,4% và cao nhất lên tới 73%. Dù chỉ mới thực hiện thanh tra ở 4 doanh nghiệp bảo hiểm gồm Prudential, MB Ageas, Sun Life, BIDV Metlife..., kết quả thanh tra của Bộ Tài chính cho thấy việc bán sản phẩm qua các ngân hàng đều có sai phạm, trong khi khách hàng bỏ hợp đồng sau khi mua lên cao. Điều này đồng nghĩa với hàng ngàn tỉ đồng của người dân bị mất trắng. Vấn đề đặt ra là làm sao có thể kiểm soát hoạt động bán bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với các ngân hàng thương mại?

Vượt khó khăn, xuất khẩu nông sản tăng trưởng mạnh (10/7/2023)

Năm 2023, ngành Nông nghiệp được nhận định sẽ đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt về xuất khẩu. Tuy nhiên, nhờ chủ động tháo gỡ vướng mắc, vượt qua khó khăn để gia tăng xuất khẩu nên 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 24,59 tỷ USD. Phân tích cụ thể vào từng ngành hàng thấy nổi lên rất nhiều điểm sáng, giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD như: Rau quả, cao su, gạo, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ… Trong đó, rau quả là một trong những mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh, đóng góp vào thành công chung của xuất khẩu thời gian qua. Cụ thể, kim ngạch  xuất khẩu riêng mặt hàng rau quả tính trong 6 tháng năm nay lên 2,75 tỷ USD, tăng 55,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Và hiện nay, rau quả đang là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất trong lĩnh vực nông sản. Ông Lê Thanh Hoà – Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT cùng bàn luận câu chuyện này.

Sửa luật thuế thu nhập cá nhân: đòi hỏi cấp bách từ cuộc sống (6/7/2023)

Mức thu nhập từ 11 triệu đồng trở lên phải đóng thuế thu nhập cá nhân và giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/người được cho là quá lạc hậu và được người dân phản ánh từ lâu. Sau khi mức lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng từ tháng 7, người dân càng lo lắng hơn về khoản thuế thu nhập cá nhân phải nộp. Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cùng bàn luận về câu chuyện này.

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh – Nhìn từ số liệu thống kê 6 tháng đầu năm. (5/7/2023)

Nền kinh tế đã đi qua nửa chặng đường của năm 2023, thu được một số kết quả đáng ghi nhận về kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn.
Nửa đầu năm, cả nước có 113.600 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, 100.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Số doanh nghiệp rút lui và số doanh nghiệp thành lập mới gần bằng nhau phản ánh hoạt động sản xuất kinh doanh đang khó khăn, cần được hỗ trợ để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển.

Ngập lụt, sạt lở ở Đà Lạt và câu chuyện tầm nhìn quy hoạch đô thị (04/7/2023)

Sạt lở kinh hoàng vùi lấp nhiều người, khiến 2 người tử vong; ngập úng nghiêm trọng mỗi khi xuất hiện mưa to. Đó là những gì đã và đang diễn ra tại Đà Lạt, Lâm Đồng. Khó ai có thể hình dung được thành phố cao nguyên Đà Lạt lại bị ngập lụt, nhưng điều đó đã xảy ra. Đã có nhiều câu hỏi đặt ra: Đà Lạt là thành phố cao nguyên, sườn núi, đồi dốc, lẽ ra rất dễ thoát nước, nhưng tại sao lại ngập? Liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở gây thiệt hại về người tài sản cho thấy vấn đề gì trong công tác giám sát xây dựng và tầm nhìn quy hoạch. Trách nhiệm của cơ quan chức năng ra sao khi tình trạng ngập lụt, sạt lở gây thiệt hại về người và tài sản.

Tăng lương cơ sở: Làm sao để không dẫn đến hiệu ứng tăng giá? (03/7/2023)

Sau 3 năm trì hoãn vì Covid-19, từ ngày 1/7 năm nay, mức lương cơ sở đã chính thức tăng thêm 20,8%, từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng. Với mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, lần tăng lương cơ sở lần này được kỳ vọng sẽ cải thiện thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vốn bị đánh giá là thấp hơn mức sống trung bình, giúp đội ngũ này có thể trang trải cuộc sống bằng thu nhập chính thức để toàn tâm toàn ý với công việc, tránh phát sinh tiêu cực như nhũng nhiễu, tham ô. Nhưng bên cạnh tâm lý phấn khởi, nhiều người cũng lo ngại giá cả tăng theo tăng lương, thậm chí còn tăng trước “đón đầu”. Bởi vậy, bài toán đặt ra là làm cách nào giám sát chặt chẽ, tránh hiệu ứng tăng lương dẫn đến tăng giá, để đời sống của cán bộ, công chức, viên chức thực sự được cải thiện chứ không chỉ là những con số.

Từ chỉ số thống kê tình hình doanh nghiệp - Cách nào xốc lại tinh thần kinh doanh? (30/6/2023)

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm của nước ta tăng 3,72%, thấp nhất so với cùng kỳ 12 năm trở lại đây và chỉ chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020, thời kỳ cao điểm của dịch Covid-19. Theo thông tin Tổng cục Thống kê công bố ngày hôm qua, 6 tháng đầu năm, cả nước có 75,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Gần 37,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Trong khi đó, Bình quân mỗi tháng có 16,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Sáu tháng qua, khó khăn tiếp tục bủa vây doanh nghiệp do những tác động nhiều chiều, từ rủi ro thị trường, tới rủi ro chính sách. Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Đại biểu quốc hội khóa XV.

Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô: Kỷ lục giải phóng mặt bằng và bài học tạo sự đồng thuận trong phát triển hạ tầng GT (29/6/2023)

Sau nhiều nỗ lực trong công tác chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là giải phóng mặt bằng, đền bù hỗ trợ tái định cư cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng, Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội đã chính thức được khởi công. Giải phóng mặt bằng, nhất là ở các thành phố lớn, luôn là khâu khó khăn nhất. Thế nhưng, chỉ 1 năm kể từ khi Quốc hội có nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án Đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô Hà Nội – đến nay công trình trọng điểm quốc gia này đã hoàn thành trên 80% khối lượng giải phóng mặt bằng. Riêng thành phố Hà Nội đạt 84%, vượt tiến độ đề ra, đảm bảo điều kiện khởi công dự án. Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội đã lập kỷ lục về giải phóng mặt bằng nhanh. Bằng cách nào Hà Nội giải được bài toán khó này? Bài học nào cho các địa phương từ việc triển khai Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội? Đại biểu Quốc hội khóa 15 Phạm Thị Thanh Mai, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH cùng bàn luận câu chuyện này.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h20-05h50 Mùa vàng
6h28-6h30 Quảng cáo
8h35-8h40 Quảng cáo
8h50-8h55 Quảng cáo
9h35-9h40 Quảng cáo
9h55-10h00 Quảng cáo
10h05-10h10 Quảng cáo
10h25-10h30 Quảng cáo
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
13h20-13h25 Quảng cáo
13h40-13h45 Quảng cáo
15h15-15h20 Quảng cáo
15h55-16h00 Quảng cáo
17h50-17h59 Quảng cáo
19h05-19h10 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
22h00-23h00 Thức cùng VOV
23h10-23h15 Rao sóng
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: