logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Mở lối ra cho các loại xe vi phạm bị tịch thu chờ thanh lý (28/3/2023)

TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức bán đấu giá hàng chục ngàn xe tang vật quá thời hạn tạm giữ và không xác định được chủ sở hữu. Đây là giải pháp được đưa ra trước thực trạng các bãi giữ xe vi phạm bị quá tải, gây lãng phí tài sản, chi phí thuê kho bãi và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Bởi những chiếc xe sẽ xuống cấp nghiêm trọng khi để phơi mưa, phơi nắng lâu ngày.
Vào đầu tháng 4 tới đây, lô xe máy gần 1.000 chiếc tại kho tạm giữ Công an huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh sẽ được bán đấu giá. Mức giá khởi điểm gần 500 triệu đồng. Như vậy, bình quân chỉ hơn 500.000 đồng một xe. Nhưng ngay cả với những cái giá đồng nát sắt vụn ấy, lô xe được mang đấu giá 2 lần thì cả 2 lần đơn vị đấu giá đều “bỏ của chạy lấy người” khi bỏ cọc, không đến nhận tài sản. Câu chuyện các loại xe vi phạm bị tịch thu chờ thanh lý tại nhiều quận huyện của TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phố lớn sẽ chưa có hồi kết nếu thiếu quyết tâm mở "lối ra". Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là Luật sư Bùi Sinh Quyền, Trưởng Văn phòng luật sư Phúc Thọ.

Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản - Những điểm nhấn từ Nghị quyết 33 của Chính phủ (27/3/2023)

Thị trường bất động sản nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về thanh khoản. Sự mất cân đối giữa các phân khúc: trong khi bất động sản cao cấp dư cung, thì bất động sản giá bình dân, dành cho người có nhu cầu ở thực lại thiếu trầm trọng. Hàng loạt vướng mắc về thủ tục pháp lý, thiếu vốn khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh thậm chí dừng thi công xây dựng một số dự án, hoặc không triển khai các dự án mới. Nhằm khơi thông các “điểm nghẽn” của thị trường BĐS, ngày 11/3 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số (24/3/2023)

Trong bối cảnh cả nước đang hướng tới đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số để quản trị tốt quốc gia, thanh niên là lực lượng tiên phong, đi đầu trong chuyển đối số, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã lựa chọn năm 2023 là: “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”. Các hoạt động của Đoàn, Hội, Đội được chú trọng chuyển đổi số; các cấp bộ đoàn tích cực, chủ động, tiên phong tham gia vào quá trình xây dựng chính phủ số, xã hội số; áp dụng công nghệ số vào các hoạt động.
Vậy tổ chức Đoàn các cấp đang đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò, thế mạnh của thanh niên tham gia chuyển đổi số như thế nào? Cần làm gì để mỗi đoàn viên thanh niên chủ động tiên phong chuyển đổi số, áp dụng ngay trong công việc hàng ngày cũng như hỗ trợ cộng đồng chuyển đổi số? Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là Bí Thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết

Quản trị ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh tài chính toàn cầu nhiều biến động (23/3/2023)

Thị trường tài chính ngân hàng toàn cầu đang trong những ngày bất ổn nhất kể từ khủng hoảng kinh tế 2008, dự báo có thể châm ngòi một cuộc suy thoái mới. Từ đầu tháng 3, thị trường tài chính thế giới liên tục chứng kiến những ngân hàng rơi vào khủng hoảng như: sự kiện SVB tại Mỹ hay Credit Suisse tại Thụy Sỹ.
Trong bối cảnh kinh tế Thế giới nói chung, thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu nói riêng có quá nhiều biến động như vậy, hệ thống ngân hàng Việt Nam có bị nhiều tác động? Quản trị ngân hàng tại Việt Nam cần lưu ý những gì để xây dựng một nền tảng tài chính vững chắc, làm trụ đỡ cho kinh tế thị trường, phát triển kinh tế-xã hội? Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Theo Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, phương án nào tốt nhất cho người lao động? (22/3/2023)

Theo thống kê của Bộ Lao động thương binh và xã hội, giai đoạn 2016-2021, có hơn 4 triệu người rút BHXH một lần, rời khỏi hệ thống an sinh. Tốc tăng trung bình 11% mỗi năm. Trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số nhanh, dự báo đạt hơn 23 triệu, chiếm gần 21% dân số vào năm 2040, tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng khiến độ bao phủ an sinh ngày càng thu hẹp lại. Tương lai ngân sách nhà nước sẽ phải chi trợ cấp xã hội nhiều hơn cho những người già không có chế độ hưu trí. Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân và các bộ ngành, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội không hạn chế rút bảo hiểm xã hội 1 lần nhưng đề xuất hai phương án nhằm khuyến khích người lao động lựa chọn tham gia hoặc bảo lưu thời gian tham gia Bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Những đề xuất mới này có ngăn được “làn sóng” rút BHXH một lần luôn “nóng” trong những năm qua?

Các giải pháp đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia (21/3/2023)

Đề án "phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06) là đề án quan trọng, đột phá, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn. Qua một năm thực hiện, Đề án đã mang lại những kết quả tích cực bước đầu, làm tiền đề cho việc triển khai nhiệm vụ cho các năm tiếp theo. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế là "điểm nghẽn" làm chậm tiến độ triển khai Đề án.

Chuẩn hoá thông tin thuê bao di động, đòi hỏi từ thực tiễn và trách nhiệm của các bên liên quan (17/3/2023)

Sau ngày 31/3/2023 - tức là gần 2 tuần nữa- các thuê bao di động có thông tin chưa chuẩn xác sẽ bị khóa một chiều. Đến ngày 15/4, tình trạng không cải thiện, các nhà cung cấp sẽ khóa dịch vụ 2 chiều; và đến ngày 15/5 nếu thông tin chủ sở hữu vẫn chưa xác thực, số thuê bao sẽ bị thu hồi”. Đây là thông tin đang được hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu người quan tâm. Vì sao việc mua và sử dụng SIM điện thoại quá dễ dàng, đã gây nhiều hệ lụy, đến nay vẫn tiếp diễn? Vì sao cơ quan chức năng lại đặt vấn đề chuẩn hóa thông tin thuê bao di động vào thời điểm này? Đâu là những giải pháp sắp triển khai - cho cùng mục tiêu “chuẩn hóa” thông tin sở hữu thuê bao? Và các bên liên quan – bao gồm cả người dân, có vai trò, trách nhiệm như thế nào, trong vấn đề này? Ông Nguyễn Phong Nhã – Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cùng bàn luận vấn đề này.

Phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài: Vì sao chưa hiệu quả? (16/3/2023)

Bộ Chính trị vừa có thông báo số 50 Kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 12 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Một trong những yêu cầu được Bộ Chính trị nêu ra là nghiên cứu, ban hành chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị. Thu hút, trọng dụng nhân tài là chủ trương đã được đặt ra từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa hình thành được cơ chế, chính sách cụ thể nên chưa phát huy nhiều tác dụng. Vậy cần làm gì để thu hút được nhiều nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị?

Nông thôn năng động – Cộng đồng sáng tạo- Di sản gắn kết (14/3/2023)

Thời gian gần đây, việc phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới đã mang lại những lợi ích kép, tận dụng được lợi thế cảnh quan tự nhiên, văn hoá truyền thống, sản phẩm đặc trưng vùng miền, những điểm du lịch ở nông thôn đã trở thành điểm tìm về hấp dẫn của nhiều du khách, đồng thời mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân, làng quê cũng bừng dậy, khởi sắc hơn. Tiếp tục nhấn mạnh về phát triển du lịch nông thôn, Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 27/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành TW Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã nhấn mạnh đến nội dung: triển khai hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; xây dựng thí điểm và phát triển mô hình “Nông thôn năng động – Cộng đồng sáng tạo – Di sản gắn kết”. Vậy mô hình “Nông thôn năng động – Cộng đồng sáng tạo- Di sản gắn kết” được Nghị quyết của Chính phủ nhắc đến là gì và sẽ được phát triển ra sao trong thời gian tới?

Ngân hàng hạ lãi suất huy động, tác động như thế nào tới thị trường vốn và khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp (13/3/2023)

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 31 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2023, trong đó, đặc biệt, Chính phủ yêu cầu cần giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm lãi suất hợp lý, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát. Ngày 06/03, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm lãi suất huy động tiền đồng từ 0,2 - 0,6%/năm ở các kỳ hạn, trong khi thị trường chờ đợi ngân hàng giảm lãi vay xuống nhanh hơn. Đây là “đợt” giảm lãi suất huy động lần 2 của các ngân hàng. Vậy việc các ngân hàng thương mại hạ lãi suất huy động sẽ tác động thế nào tới thị trường vốn và khả năng tiếp cận vốn của doanh nghệp. Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cùng bàn luận câu chuyện này.

Kỷ niệm 75 năm: "CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy" (10/3/2023)

Đầu năm 1948, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 2 được tổ chức tại Tuyên Quang. Hội nghị đã phát động phong trào thi đua: “Rèn cán bộ, lập chiến công” trong toàn lực lượng Công an nhân dân (CAND). Sau khi dự Hội nghị, ông Hoàng Mai, Giám đốc Sở Công an Khu XII đã viết thư kính gửi lên Chủ tịch Hồ Chí Minh có nguyện vọng xin ý kiến chỉ đạo của Bác về nhiệm vụ, biện pháp công tác, nội dung giáo dục đạo đức, tác phong cho cán bộ, chiến sỹ Công an; tôn chỉ, mục đích và những việc phải làm của báo chí Công an. Đáp ứng nguyện vọng đó, ngày 11/3/1948, Bác Hồ đã có thư gửi Giám đốc Sở Công an Khu XII, trong thư Bác dạy: “…Công an của ta là Công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc. Đặc biệt, trên tờ báo phải luôn nhắc nhở anh em rèn luyện tư cách đạo đức. Tư cách người Công an cách mệnh là: Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính. Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc, phải tận tụy. Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo". 75 năm qua, Sáu điều dạy của Bác về “Tư cách người công an cách mệnh” vẫn còn nguyên giá trị và luôn có tính thời sự sâu sắc. Phát huy vai trò "nòng cốt" trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, toàn lực lượng CAND đã và đang tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Gỡ khó về thuốc, thiết bị, vật tư y tế: Cần hành lang pháp lý đầy đủ (9/3/2023)

Sau khi hàng loạt bệnh viện lên tiếng việc thiếu trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất, thậm chí có nơi dừng mổ phiên và ưu tiên mổ cấp cứu, chỉ trong 2 ngày mùng 3- 4/3 vừa qua, Chính phủ đã ban hành 2 văn bản là Nghị định 07 và Nghị quyết 30 nhằm tháo gỡ những nút thắt cho ngành y tế. Với nhiều điểm mới, 2 văn bản này giúp công tác mua sắm, đấu thầu và thanh toán Bảo hiểm y tế đối với trang thiết bị, vật tư y tế thông thoáng hơn, đồng thời tạo đà để các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh với mục tiêu tất cả vì người bệnh.
- Có thể khẳng định rằng, Nghị định 07 và Nghị quyết số 30 của Chính phủ được ban hành kịp thời với nhiều điểm mới quan trọng đã đem lại niềm vui cho người bệnh và các bệnh viện, kỳ vọng những khó khăn về trang thiết bị y tế và thuốc men sẽ sớm được tháo gỡ. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều câu hỏi đặt ra trong việc thực thi, trong đó có việc hoàn thiện hành lang pháp lý để các bệnh viện chủ động mua sắm trang thiết bị y tế và thuốc để đảm bảo công tác khám chữa bệnh được liên tục.Bà Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu quốc hội khóa XV cùng tham gia bàn luận chủ đề này.

Khẳng định vai trò và vị thế của phụ nữ trong xã hội hiện đại (08/3/2023)

Trong suốt chiều dài lịch sử, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước ngàn năm văn hiến, tạo dựng nên truyền thống bản sắc của người Việt nói chung và truyền thống riêng của phụ nữ Việt Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Tiếp nối truyền thống đó, trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, phụ nữ Việt Nam tiếp tục vượt qua mọi thành kiến và thử thách, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, duy trì ảnh hưởng của mình trên nhiều lĩnh vực như tham gia quản lý nhà nước, tham gia xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc, tham gia phòng chống tệ nạn xã hội, tham gia hoạt động đối ngoại… Những đóng góp của phụ nữ không chỉ tạo ra một xã hội tiến bộ, văn minh mà còn phát triển chính bản thân người phụ nữ. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Điều đó được thể hiện xuyên suốt trong các Nghị quyết Đại hội Đảng, các Nghị quyết và Chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác quần chúng, công tác vận động phụ nữ, công tác cán bộ nữ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn sự chênh lệch khá lớn giữa vai trò và vị thế xã hội của phụ nữ. Vì vậy, để tạo ra sự cân bằng giữa vị trí và vai trò của phụ nữ, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về giới và vấn đề bình đẳng giới.

Doanh nghiệp chây ỳ nợ đóng bảo hiểm xã hội: Giải pháp nào ngăn chặn? (07/3/2023)

Hàng trăm nghìn lao động đang bị “treo” quyền lợi do các doanh nghiệp chây ỳ đóng bảo hiểm xã hội với số tiền hàng chục nghìn tỷ đồng. Thực trạng doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội nhức nhối nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa có “thuốc đặc trị”. Đáng lo ngại hơn, hiện có khoảng 3.200 tỉ đồng chậm đóng bảo hiểm xã hội của gần 30.000 đơn vị, doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc có chủ là người nước ngoài bỏ trốn. Khoản tiền này rất khó thu hồi, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 200.000 người lao động. Giải pháp nào để giải quyết quyền lợi cho hàng trăm nghìn lao động này? Và đâu là biện pháp ngăn chặn từ sớm, từ xa tình trạng doanh nghiệp chây ỳ nợ đóng bảo hiểm xã hội?

Để cán bộ dám “xé rào” vì dân, vì nước (6/3/2023)

Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật ngày 23/2 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nêu rõ, Việt Nam đang phát triển, nền kinh tế chuyển đổi, thực tế biến động nhanh, nhiều vấn đề phát sinh mà các quy định không theo kịp. Quá trình xây dựng thể chế trước đó chưa lường hết những yếu tố mới nên còn vướng mắc về cơ chế. Vì vậy, cùng với mạnh dạn thí điểm các vấn đề vượt quy định thì những vấn đề đã chín, rõ, được thực tiễn chứng minh đúng, có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện.
Để việc mạnh dạn thí điểm các vấn đề vượt quy định như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ thì cốt yếu vẫn trông chờ vào đội ngũ cán bộ, công chức phải thật sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa 13 cùng bàn luận câu chuyện này.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h20-05h50 Mùa vàng
05h50-05h59 Quảng cáo
05h59-06h00 Báo giờ
06h28-06h30 Quảng cáo
07h00-08h30 Theo dòng TS
08h30-08h35 Bản tin VH-XH
08h35-08h40 Quảng cáo
08h50-8h55 Quảng cáo
09h35-09h40 Quảng cáo
09h55-10h00 Quảng cáo
10h00-10h05 Bản tin TS
10h05-10h10 Quảng cáo
10h25-10h30 Quảng cáo
11h05-11h10 Quảng cáo
11h35-11h50 Kết nối 54
12h57-13h00 Quảng cáo
13h20-13h25 Quảng cáo
13h40-13h45 Quảng cáo
14h05-14h50 Khởi nghiệp
15h15-15h20 Quảng cáo
15h55-16h00 Quảng cáo
16h00-17h00 Theo dòng TS
17h50-17h59 Quảng cáo
18h57-19h00 Quảng cáo
19h00-19h05 Bản tin TS
19h05-19h10 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
22h00-23h00 Thức cùng VOV
23h10-23h15 Rao sóng
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: