logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Bê bối tham nhũng rúng động châu Âu - kẽ hở trong kiểm soát quyền lực (16/12/2022)

Chính trường châu Âu rung chuyển liên quan tới cuộc điều tra tham nhũng hối lộ xảy ra tại Nghị viện châu Âu. Các cơ quan chức năng đã bắt giữ và thẩm vấn nhiều nhân viên của Nghị viện châu Âu. Nghị viện châu Âu đã bãi nhiệm bà Ê-va Kai-ki khỏi vị trí Phó chủ tịch vì nghị sĩ người Hy Lạp này bị cáo buộc nhận hối lộ của Qatar. Tổ chức Minh bạch Quốc tế, một tổ chức phi chính phủ chống tham nhũng, nhận định vụ việc là "bê bối hối lộ và tham nhũng có quy mô lớn", đòi hỏi "cải cách tận gốc hệ thống đạo đức và liêm chính của các thể chế EU". Vụ việc không chỉ tác động đến uy tín của các cơ quan công quyền Liên minh châu Âu (EU) mà còn có nguy cơ ảnh hưởng không nhỏ tới mối quan hệ với Qatar- nước được cho là liên quan vụ việc này.

Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên (15/12/2022)

Hôm nay, tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đang được tổ chức với sự tham gia của 980 đại biểu đại diện cho hơn 22 triệu đoàn viên, thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước. Trước đó, trong phiên làm việc thứ hai, Đại biểu đại hội đã tham gia 6 diễn đàn thảo luận, mỗi diễn đàn với các chủ đề khác nhau, góp ý cho Văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII. Trong đó, phiên thảo luận với chủ đề: “Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên”, đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết, gắn với những giải pháp quan trọng trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi đoàn viên, thanh niên đã đặt cá nhân mình hòa chung với dòng chảy của đất nước, của dân tộc, tạo sức mạnh cộng sinh to lớn mang lại những giá trị phát triển mới cho đất nước.
Vậy, những tiêu chí của khát vọng và lẽ sống nào phù hợp với Thanh niên hiện nay? Làm thế nào để xác định môi trường sẽ thúc đẩy ươm mầm khát vọng? Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm cùng bàn luận câu chuyện này.

Cần làm gì để không còn tình trạng vỉa hè các tuyến phố nay lát mai lật, gây phiền toái cho người dân và lãng phí nguồn lực? (13/12/2022)

Câu chuyện lát đá vỉa hè các tuyến phố Hà Nội lại nóng lên khi mới đây, trả lời báo chí về hiện tượng vỉa hè lát đá tự nhiên bị vỡ, hỏng sau một thời gian ngắn sử dụng, ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà nội cho rằng: những tuyến phố vỉa hè lát đá bị vỡ nát là do chất lượng đá. Cụ thể đá được khai thác bằng phương pháp nổ mìn nên đá bị om. Ngoài ra, đá marble thường có gân đá, không được đồng chất, khi mưa xuống thì bị giãn nở, tự vỡ, thậm chí không cần tác động vật lý. “Mưa rơi, đá vỡ” - lời giải thích của ông Giám đốc Sở Xây dựng có thực sự thuyết phục? và giả sử mưa làm đá vỡ (một chuyện rất khó tin) thì trách nhiệm trong khâu khảo sát, tuyển lựa vật liệu lát vỉa hè của cơ quan quản lý ở đâu? Cần làm gì để không còn tình trạng vỉa hè các tuyến phố nay lát mai lật, ngày kia lại lát, gây phiền toái cho người dân thủ đô, nhếch nhác đô thị, lãng phí nguồn lực và khiến dư luận dấy lên nghi ngờ có lợi ích nhóm trong quản lý, xây dựng, chỉnh trang vỉa hè đô thị?

Nhìn lại công tác điều hành thị trường xăng dầu năm 2022 và những vấn đề đặt ra trong năm 2023 (12/12/2022)

Theo Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu của Chính phủ thì hôm nay (12/12) là ngày điều hành giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu của cơ quan quản lý nhà nước, do kỳ điều hành ngày 11/12 rơi vào chủ nhật. Với đà giảm của giá dầu thô cũng như giá xăng, dầu thành phẩm thế giới, giá xăng trong nước được kỳ vọng là sẽ giảm lần thứ 3 liên tiếp ở kỳ điều hành hôm nay; Chúng tôi sẽ cập nhật thông tin về giá bán lẻ mới các mặt hàng xăng, dầu – theo kế hoạch điều chỉnh từ 15h chiều nay. Như vậy là chỉ còn thêm 1 kỳ điều hành nữa (vào ngày 21/12) là hết năm kế hoạch 2022. Ông Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá - Bộ Tài chính sẽ cùng bàn luận chủ đề "Nhìn lại công tác điều hành thị trường xăng dầu năm 2022 và những vấn đề đặt ra trong năm 2023"

Để thi đua, khen thưởng sao cho thực chất (09/12/2022)

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh, thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch. Khen thưởng chính xác, kịp thời có tác dụng động viên, giáo dục và nêu gương, đồng thời cổ vũ thi đua phát triển lên tầm cao mới. Ngược lại, nếu khen thưởng không đúng, không kịp thời sẽ triệt tiêu động lực, thậm chí còn gây hậu quả xấu đối với công tác thi đua. Vì vậy, việc đánh giá, bình chọn danh hiệu thi đua và xét khen thưởng phải đúng người, đúng việc, phải căn cứ vào tiêu chuẩn cụ thể, dựa trên nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch. Thời gian qua, công tác khen thưởng nói riêng và thi đua, khen thưởng nói chung đã có nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, theo Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, công tác khen thưởng có lúc, có việc chưa kịp thời; khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp chưa nhiều, nhất là các hình thức khen bậc cao; tính tiêu biểu, nêu gương và lan tỏa trong công tác khen thưởng có lúc còn hạn chế. Vào thời điểm các cấp, ngành, địa phương đang thực hiện công tác tổng kết cuối năm, chúng tôi bàn luận câu chuyện Thi đua, khen thưởng phải thực chất với khách mời là ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong câu chuyện thời sự hôm nay.

Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước cần phải được xây dựng như thế nào để ngăn chặn hiệu quả tham nhũng, tiêu cực? (8/12/2022)

Nghị quyết 27 yêu cầu nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về kiểm soát quyền lực để ngăn chặn hiệu quả tình trạng tham nhũng, tiêu cực. Đây là lần đầu tiên Trung ương đề ra những giải pháp kiểm soát quyền lực nhà nước theo nguyên tắc: mọi quyền lực đều được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn và lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm, xử lý vi phạm.
Vậy cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước cần phải được xây dựng như thế nào để ngăn chặn hiệu quả tham nhũng, tiêu cực? Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Sơn, Viện Chính trị học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh bàn luận câu chuyện này.

Nhìn lại một năm chuyển đổi số quốc gia – 2022, nhận diện những thách thức trong chặng đường mới (07/12/2022)

Công cuộc chuyển đổi số đang có những bước tiến ngày càng tích cực: Năm 2020, Việt Nam lần đầu tiên có tên trên bản đồ số toàn cầu; 2021 - Việt Nam có Ủy ban Chuyển đổi số Quốc gia; 2022 - Việt Nam tổ chức Ngày Chuyển đổi số Quốc gia, với nhiều hoạt động... Chuyển đổi số đang dần “ngấm” vào từng người dân, qua nhiều cách thức khác nhau. Vai trò của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp số đã và đang thể hiện ngày càng rõ nét trong công cuộc này. Nói vậy không có nghĩa chặng đường tiến tới Chính phủ số-Kinh tế số-Xã hội số Việt Nam chỉ toàn những điều thuận lợi. Tăng tốc chuyển đổi số trong bối cảnh kinh tế mới sẽ có nhiều thách thức, cần nỗ lực của mọi thành phần.

Ưu tiên gỡ khó cho doanh nghiệp, quyết định giải ngân vốn đầu tư công: đâu là giải pháp? (6/12/2022)

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, rất nhiều số liệu thống kê cho thấy những gam màu sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2022. Mặc dù vậy, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh đến những khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý. Trong đó, có việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch. Nhiều doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng; Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn… Thủ tướng yêu cầu “Chủ động và quyết liệt hơn nữa trong đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện các công trình trọng điểm, nhất là về giao thông, năng lượng...”. “Ưu tiên gỡ khó cho doanh nghiệp, quyết định giải ngân vốn đầu tư công” là yêu cầu đặt ra với cả nước, trong bối cảnh “nguồn vốn mồi” thúc đẩy tăng trưởng “chưa đạt yêu cầu đề ra”. Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cùng bàn luận câu chuyện này.

Tìm giải pháp hỗ trợ công nhân lao động mất việc cuối năm (5/12/2022)

Nếu như mọi năm, cuối năm thường là thời điểm doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lượng lớn lao động để gia tăng sản xuất, đáp ứng đơn hàng cho đối tác. Thế nhưng năm nay lại khác, do khó khăn chung của thị trường thế giới, lạm phát tăng cao, tiêu dùng nhiều nước thắt chặt nên đơn hàng giảm sút khiến nhiều doanh nghiệp sụt giảm đơn hàng, đình đốn sản xuất, dẫn đến lao động bị mất việc làm. Dự báo “làn sóng” cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng cuối năm sẽ tiếp tục trầm trọng hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và đời sống của công nhân. Đâu là giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn qua đó hạn chế cắt giảm lao động? Những doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động thì cơ chế nào bảo vệ quyền lợi cho lao động khi họ bị giảm, bị mất việc làm? Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Ban quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng bàn luận câu chuyện này.

Xây dựng thị trường bền vững cho nông sản - nhìn từ việc hàng nghìn tấn lúa sạch ST24, ST25 Cà Mau chưa có đầu ra (02/12/2022)

Năm nay mưa thuận, nên những vùng lúa - tôm ở Cà Mau được mùa. Tuy nhiên, tới thời điểm thu hoạch nhưng hàng ngàn tấn lúa ST24, ST25 của bà con đang bí đầu ra. Cơ quan chức năng địa phương kêu gọi doanh nghiệp có nhu cầu thu mua để gỡ khó cho người dân. Vậy tại sao lại xảy ra sự việc này? Nguyên nhân do đâu? Cần có những giải pháp gì để điệp khúc “được mùa mất giá” hay “giải cứu” nông sản cứ tiếp diễn khi vào vụ thu hoạch? Thị trường nông sản cần được xây dựng theo hướng nào?

Tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị để nâng cao hiệu quả hoạt động (01/12/2022)

Theo Bộ Nội vụ, tính đến 30/9 năm nay, qua kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, các bộ, ngành Trung ương giảm được 17 tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm được 90% phòng trong vụ. Các địa phương giảm được 7 sở và 2.159 phòng thuộc Sở và thuộc UBND cấp huyện. Bên cạnh đó các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý của các Bộ, ngành, địa phương cũng đã giảm 7.469 đơn vị. Đây là những kết quả đáng mừng qua hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính hiện nay vẫn còn đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm, như vẫn còn tình trạng chồng lấn chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; Cơ cấu tổ chức bên trong của Bộ, cơ quan ngang Bộ chưa thực sự tinh gọn, hợp lý, vẫn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, việc chuyển đổi từ loại hình tổ chức các vụ sang các cục, tổng cục còn thiếu luận cứ, không đảm bảo tiêu chí.

Dấu ấn Xuất khẩu 2022 và những vấn đề đặt ra trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 (28/11/2022)

Sáng nay (28/11) tại TP Hồ Chí Minh diễn ra Diễn đàn Xúc tiến Xuất khẩu Việt Nam năm 2022 với chủ đề: "Xúc tiến xuất khẩu xanh” nhằm thực hiện thành công Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Trước đó, vào ngày 19/11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1445/QĐ-TTg về Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa, nhằm cụ thể hóa những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đã được nêu tại Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, hướng tới mục tiêu: Xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, khai mở các thị trường, lĩnh vực mới, có tiềm năng, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.…. Từ kết quả hoạt động xuất, nhập khẩu 11 tháng qua, nhiều dự báo cho thấy tổng giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2022 có khả năng đạt 750 tỷ USD và tiếp tục cân bằng cán cân thương mại (có xuất siêu). Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng ấn tượng, một chân kiềng đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế đất nước trong năm nay.

Kết nối thị trường tiêu thụ hàng hoá cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa (25/12/2022)

Việc thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đem lại kết quả tích cực cho kinh tế và thương mại hàng hóa trên các địa bàn này, thông qua thúc đẩy hoạt động sản xuất và thu mua, hướng tới hình thành chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hiện đại và bền vững. Nhiều sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã mở được đường vào các hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước, cũng như xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Phát triển thị trường hàng hóa và tăng khả năng tiếp cận thị trường cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cải thiện đời sống nhất là tại những địa phương nghèo ở Việt Nam đang là vấn đề được Chính phủ và nhiều bộ, ngành đặc biệt quan tâm. Vùng Dân tộc thiểu số và miền núi nước ta thuộc địa bàn 51 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung, nơi có địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu không thuận lợi và thiếu các cơ sở hạ tầng thiết yếu… Làm thế nào để thiết lập kết nối thị trường bền vững giữa các doanh nghiệp và các hợp tác xã thúc đẩy thương mại khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa trong các chuỗi giá trị thương mại cả nước, tạo thu nhập cho người dân? Câu chuyện thời sự hôm nay bàn về nội dung này với sự tham gia của vị khách mời là Tiến sĩ Trịnh Thị Thanh Thủy, Nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương - Bộ Công Thương.

Để tài khoản định danh điện tử tạo thuận lợi cho người dân khi làm thủ tục hành chính (24/11/2022)

Nhiều ích lợi nhưng chưa tiện và khi đi làm thủ tục hành chính vẫn cần xuất trình nhiều loại giấy tờ là ý kiến của nhiều người dân về việc đăng ký, sử dụng mã định danh điện tử trong thời gian vừa qua. Vậy những vướng mắc và khó khăn của thực tế này là gì? Làm thế nào để khi có tài khoản định danh điện tử, người dân thuận lợi hơn khi đi làm thủ tục hành chính cũng như thực hiện các giao dịch khác có liên quan? Đại tá Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ công an bàn luận về câu chuyện này.

Bảo vệ quyền lợi của hàng chục nghìn lao động bị mất việc dịp cuối năm (22/11/2022)

Những ngày gần đây, liên tục có thông tin hàng nghìn công nhân bị chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc có nguy cơ mất việc ở các tỉnh, thành phía Nam. Dự báo “làn sóng” cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng cuối năm sẽ tiếp tục trầm trọng hơn vào quý 4 năm nay và quý 1 năm sau.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, những ngành có người lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất là chế biến gỗ, dệt may, da giày; một số doanh nghiệp điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch… Sau hai năm đại dịch, những tưởng giai đoạn khó khăn nhất với người lao động đã qua, nhưng việc nhiều doanh nghiệp cắt giảm nhân sự lại khiến người lao động đối diện với những khó khăn mới khi thời điểm cuối năm đã cận kề. Vậy cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của hàng chục nghìn lao động bị mất việc, giảm việc cuối năm? Bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cùng bàn luận câu chuyện này.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h50-05h59 Quảng cáo
06h28-06h30 Quảng cáo
9h15-10h00 Đối thoại
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h00-13h30 CLB âm nhạc
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
23h30-24h00 Nhịp sống
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: