logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân (10/10/2022)

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là một trong ba trụ cột phát triển nhanh, bền vững; đồng thời là một trong những khâu đột phá lớn, góp phần “tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh". Nhìn nhận cụ thể, Việt Nam đang ở đâu trong hành trình này? Đâu là những thuận lợi cần thúc đẩy, khó khăn-rào cản nào cần vượt qua để chuyển đổi số đạt kỳ vọng về các mục tiêu phát triển, giúp “giải quyết các vấn đề của xã hội - vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”? Ông Nguyễn Phú Tiến – Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng bàn luận về câu chuyện này.

Một tháng sau khai giảng, giáo viên thiếu cả về số lượng và chất lượng: Từng bước gỡ khó (7/10/2022)

Giáo viên phải “chạy show” liên trường, liên cấp hoặc dạy những môn chưa từng được đào tạo chuyên môn; thiếu giáo viên nhiều hiệu trưởng, hiệu phó phải đứng lớp thường xuyên; một môn nhưng có đến 3 giáo viên cùng dạy; môn tích hợp đã thực hiện được 2 năm nhưng đến nay chưa có giáo viên được đào tạo chính quy giảng dạy tích hợp… đó là những nghịch lý đã và đang xảy ra đối với ngành giáo dục sau 1 tháng khai giảng năm học mới.
Dù đã trải qua năm thứ 2 nhưng trong báo cáo tổng kết năm học 2021 - 2022 mới đây, Bộ GD&ĐT thừa nhận tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định của chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đáng chú ý là  thiếu giáo viên tiếng Anh , tin học ở cấp tiểu học và thiếu giáo viên âm nhạc, mỹ thuật bậc THPT. Trong khi đó, ở các môn tích hợp, thực tế hiện nay giáo viên không được đào tạo chính quy để giảng dạy mà đều từ các môn riêng lẻ qua bồi dưỡng để dạy. Trong khi đó, chưa có sinh viên tốt nghiệp ở các trường đào tạo giáo viên chính quy các môn mới của chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Vậy giải pháp nào để tháo gỡ những vướng mắc này? PGS.TS Nguyễn Chí Thành - Trưởng khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cùng bàn luận nội dung này.

Công tác tổ chức, cán bộ: Những khiếm khuyết cần được lấp đầy (06/10/2022)

Công tác tổ chức, cán bộ có vai trò quyết định đến việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Chất lượng đội ngũ cán bộ là nhân tố chủ yếu quyết định chất lượng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Thực tế cho thấy, ở đâu công tác cán bộ được tiến hành nghiêm túc, đúng nguyên tắc, quy định của Đảng, ở đó cán bộ hăng hái phấn đấu. Ngược lại, ở đâu công tác tổ chức, cán bộ thực hiện không đúng nguyên tắc, quy trình, thiếu dân chủ, lãnh đạo độc đoán, có tiêu cực thì các cán bộ tốt sẽ không muốn phấn đấu vươn lên, thậm chí không yên tâm công tác. Trong phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã chỉ rõ: Công tác tổ chức, cán bộ và thực hiện trách nhiệm nêu gương của đảng viên có mặt còn hạn chế; chưa thật sự bảo đảm tính dân chủ, minh bạch, thiếu cơ chế phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng, trọng dụng nhân tài; chưa kiểm soát tốt được quyền lực trong công tác cán bộ; một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp còn thiếu gương mẫu, ảnh hưởng xấu đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng. Vậy cần khắc phục những vấn đề đang đặt ra trong công tác tổ chức, cán bộ như thế nào? Cần làm gì để có đội ngũ cán bộ đủ tâm, đủ tầm và đủ tài, “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách”.

Tăng tốc về đích: Những nhiệm vụ đặt ra quý cuối năm (04/10/2022)

Từ kết quả tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 3 ước tính đạt 13,67% so với cùng kỳ, đưa tăng trưởng GDP 9 tháng năm nay đạt 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong vòng 12 năm trở lại đây. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng GDP của năm nay. Theo đó, ở phương án thấp, tăng trưởng GDP sẽ đạt 7,5% và phương án cao tăng trưởng GDP cả năm dự kiến sẽ đạt khoảng 8%. Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, không thuận lợi, nhưng cùng với tăng trưởng cao, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát ở trong tầm kiểm soát và các cân đối lớn được đảm bảo… Đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước. Song, với một nền kinh tế có độ mở lớn (tới hơn 200% GDP) như Việt Nam, vẫn còn rất nhiều rủi ro tiềm ẩn - tác động từ bên ngoài cũng như từ chính nội tại của nền kinh tế, tạo áp lực rất lớn lên tăng trưởng cũng như kiểm soát lạm phát trong thời gian tới, đòi hỏi tiếp tục có những giải pháp điều hành linh hoạt, mạnh mẽ và quyết liệt hơn.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước (3/10/2022)

Sáng nay tại Hà Nội, Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 chính thức khai mạc. Một trong những nội dung quan trọng được bàn thảo tạo Hội nghị là Đề án “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa 10) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”.
Việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới là nội dung rất quan trọng trong 10 nhiệm vụ xây dựng Đảng mà Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã đề ra, nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo đảm đổi mới chính trị đồng bộ, phù hợp với đổi mới kinh tế, phù hợp với tiến trình xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy dân chủ trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo và trong điều kiện bản thân Đảng và hệ thống chính trị đang tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động, khắc phục tình trạng suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Vậy đâu là những kết quả nổi bật đạt được sau 15 năm tiến hành đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hệ thống chính trị? Thực tiễn hiện nay đặt ra những yêu cầu mới nào? Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Quốc Lý, Nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Nhìn nhận khả năng phục hồi và chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh toàn cầu bất định (30/9/2022)

GDP 9 tháng tăng 8,83% - là mức tăng cao nhất cùng kỳ giai đoạn 10 năm qua. Kinh tế trong nước khởi sắc ở hầu hết các lĩnh vực dù bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn vì xung đột Nga - U-crai-na kéo dài, lạm phát duy trì ở mức cao, với xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa và thời tiết diễn biến bất thường ở nhiều quốc gia”. Thông tin này vừa được đại diện Tổng Cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định trong cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội Quý 3 và 9 tháng năm 2022, tổ chức ngày hôm qua. Kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự kiến. Con số thống kê là minh chứng thực tiễn cho những nhận định của nhiều chuyên gia, nhà phân tích kinh tế qua các Diễn đàn, hội thảo được tổ chức gần đây. Câu chuyện thời sự hôm nay, chúng ta cùng nhìn nhận khả năng phục hồi và chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh toàn cầu bất định, với sự tham gia của khách mời là chuyên gia kinh tế- TS Nguyễn Minh Phong.

Việt Nam có gỡ được thẻ vàng thuỷ sản khi EC kiểm tra? (29/9/2022)

Tại cuộc họp lần thứ 6 của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, cuối tháng 10/2022, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tới Việt Nam kiểm tra tình hình thực hiện các khuyến nghị về chống khai thác IUU, cũng như đầu tư hạ tầng, tình hình nuôi trồng thủy sản. Đây là cơ hội để Việt Nam gỡ thẻ vàng IUU cũng như khẳng định những cam kết của nước ta trong việc phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế. Việt Nam bị EC cảnh báo "thẻ vàng" từ ngày 23/10/2017. Sau gần 5 năm, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cùng các bộ, ban, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực nhằm gỡ cảnh báo này. EC cũng đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai các giải pháp. EC khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ và đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, hiện nước ta vẫn gặp nhiều thách thức trong việc gỡ thẻ vàng của EC đối với thủy sản khai thác. Vậy đâu là nguyên nhân? Những khó khăn, thách thức còn tồn tại là gì? Liệu Việt Nam có gỡ được thẻ vàng khi mà chỉ còn 1 tháng nữa là đoàn công tác của EC sẽ tới Việt Nam kiểm tra tình hình thực hiện khai thác IUU.

Cơ hội nào từ tuyến cao tốc kết nối vùng dài nhất cả nước? (26/9/2022)

Ngày 1/9 vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã chính thức khánh thành, đưa vào hoạt động tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái dài 80km. Đây được coi là “mảnh ghép cuối cùng” để Quảng Ninh hoàn thành tuyến cao tốc xuyên tỉnh dài 176 km, trở thành địa phương có số km đường cao tốc lớn nhất, chiếm gần 17% trong 1.046km cao tốc toàn quốc tính đến hiện tại. Nhưng không chỉ có vậy, cao tốc này cũng giúp hoàn chỉnh tuyến cao tốc gần 600km, kéo dài từ cửa khẩu Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long tới cửa khẩu quốc tế Móng Cái – là chuỗi cao tốc kết nối vùng dài nhất Việt Nam hiện nay.
Với việc kết nối 3 cửa khẩu quốc tế quan trọng nhất khu vực miền Bắc là Lào Cai, Hữu Nghị và Móng Cái; 3 sân bay quốc tế là Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn; hệ thống cảng biển và logistics, các cực tăng trưởng kinh tế của phía Bắc và các đô thị lớn, các khu kinh tế ven biển… hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại này sẽ mở ra không gian phát triển gì cho Quảng Ninh và nhiều địa phương dọc tuyến ? Đâu là cơ hội dành cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp? Những cơ hội này nên được tận dụng như thế nào?

Giải pháp nào để hạn chế xu hướng công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc (23/9/2022)

Làn sóng công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển từ khu vực công sang khu vực tư đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Tính từ thời điểm xuất hiện dịch Covid 19 đến nay, đã có hàng nghìn công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc. Thậm chí, trong số này có cả những cán bộ cấp Vụ Trưởng, Vụ Phó và Trưởng phòng. Công chức, viên chức xin thôi việc, nghỉ việc không phải là câu chuyện mới, nhưng thực tế lại khiến dư luận hết sức quan tâm, bởi hiện tượng "rời công, sang tư" đang có xu hướng tăng lên. Nguyên nhân của thực tế này là gì và làm sao để có thể để giữ chân được đội ngũ công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước? Cùng bàn luận câu chuyện này với khách mời là ông Nguyễn Tiến Dĩnh- nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Ổn định kinh tế vĩ mô: Triển vọng, thách thức và khuyến nghị chính sách (22/9/2022)

Ngân hàng Phát triển Châu Á công bố Báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế châu Á năm 2022. Trong đó, cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, ADB giữ nguyên đánh giá triển vọng kinh tế như kỳ công bố tháng 4 vừa rồi, với mức tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) là 6,5% trong năm 2022 và 6,7% năm 2023. Lạm phát tương ứng là 3,8% và 4%.
Theo phân tích của ADB, trong bối cảnh thế giới bất định, “Kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022, được hỗ trợ bởi nền tảng kinh tế vững chắc, chính sách tiền tệ linh hoạt và sự phục hồi ổn định trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng trong nước. Ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam cùng làm rõ hơn những nhận định về sự phục hồi kinh tế nước ta, những thách thức đối với nền kinh tế, ổn định vĩ mô cùng những khuyến nghị chính sách.

45 năm Việt Nam gia nhập LHQ: Hành trình từ “tham gia” đến “định hình” (20/9/2022)

Vào ngày này cách đây 45 năm, (ngày 20/9/1977) lễ thượng cờ Việt Nam chính thức tổ chức tại trụ sở LHQ, ghi dấu ấn Việt Nam trở thành thành viên thứ 149 của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này. Sự kiện khẳng định sự ghi nhận của một tổ chức toàn cầu và cộng đồng quốc tế đối với một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do và dân chủ.
Trong chặng đường 45 năm qua, Việt Nam từ một nước chỉ được biết đến với chiến tranh, đói nghèo, đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia tích cực đi đầu trong các hoạt động của LHQ, có tiếng nói ngày càng quan trọng tại diễn đàn toàn cầu này, đồng thời Việt Nam cũng là đối tác quan trọng của LHQ.
- Nhìn lại chặng đường 45 năm đồng hành của Việt Nam trong LHQ, từ “tham gia” tới việc đóng góp cho sự “định hình” của tổ chức đa phương này, thực hiện những mục tiêu, sứ mệnh vì hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng chung toàn cầu, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cùng bàn luận về câu chuyện này.

Quyết liệt triển khai bỏ Sổ hộ khẩu (19/9/2022)

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát, điều chỉnh ngay để bãi bỏ các quy định về việc yêu cầu xuất trình Hổ hộ khẩu trong các giao dịch, thủ tục hành chính của công dân – đây là yêu cầu trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành. Bỏ xuất trình Sổ hộ khẩu là bước đi quyết liệt để tiến tới bỏ hoàn toàn Sổ hộ khẩu từ ngày 1/1/2023, là nền tảng trong việc phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025.
Bỏ xuất trình Sổ hộ khẩu là chủ trương được người dân rất ủng hộ, bởi thực tế nhiều năm qua cho thấy, việc phải có Sổ hộ khẩu mới giải quyết được các giao dịch, thủ tục hành chính đã gây ra không ít phiền hà, khó khăn cho người dân. Tuy nhiên, để thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ, khối lượng công việc cần phải gấp rút triển khai không hề nhỏ, liên quan đến việc rà soát, sửa đổi các quy định, quy trình thủ tục hành chính trước đây, đề ra các phương án để thay thế Sổ hộ khẩu trong xác minh thông tin cư trú, đầu tư trang thiết bị cho các cơ quan nhà nước phục vụ việc điện tử hóa xác minh thông tin của người dân… cùng bàn luận với Thiếu tá Hoàng Văn Dũng- Phó giám đốc Trung tâm Quốc gia về dân cư Cục Cảnh sát Hành chính về trật tự xã hội Bộ Công An.

Giải pháp công nghệ nào giúp chặn website lừa đảo, cuộc gọi rác? (16/9/2022)

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong tháng 8, số lượng website lừa đảo bị chặn là 163, tăng 83,1% so với tháng 7 năm nay và tăng 89,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mới đây, dưới sự chứng kiến của Cục Viễn thông, 7 nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Local, Itel và Gmobile đã cùng ký thoả thuận cam kết để thực hiện kế hoạch ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác và kế hoạch quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý SIM có dấu hiệu tồn kênh. Thế nhưng thực tế thì người dân vẫn nhận được hàng chục tin nhắn, cuộc gọi rác mỗi ngày. Vậy giải pháp công nghệ nào giúp chặn website lừa đảo, cuộc gọi rác?

Đấu giá biển số xe: công cụ quản lý nhà nước hay tài sản thuộc quyền định đoạt của người trúng đấu giá? (15/9/2022)

Sở hữu một biển số đẹp, độc là nhu cầu của nhiều người bởi lý do nó gắn với ý nghĩa may mắn và giá trị kinh tế. Thậm chí, không ít người chấp nhận bỏ ra nhiều tiền, qua môi giới để có thể đáp ứng được nhu cầu này. Vì thế, việc Chính phủ vừa có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá thu hút được sự quan tâm của nhiều người.
Biển số xe là một loại tài sản công, vậy người sở hữu nó có được toàn quyền định đoạt sau khi trúng đấu giá hay không? việc đấu giá biển số xe cần thực hiện như thế nào để đảm bảo công khai, minh bạch? Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty luật ANVI, Đoàn luật sư thành phố Hà nội cùng bàn luận câu chuyện này.

Cần giải pháp ổn định thị trường xăng dầu (13/9/2022)

Bộ Công Thương-Cơ quan quản lý và điều hành giá xăng dầu- khẳng định không thiếu xăng dầu, luôn sẵn sàng các phương án đảm bảo đáp ứng đầy đủ nguồn cung xăng dầu từ nay đến cuối năm; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát hệ thống bán lẻ xăng dầu, phát hiện nhanh tình trạng găm hàng, nghỉ bán và xử lý nghiêm các vi phạm, không để tình trạng cửa hàng bán lẻ thiếu xăng dầu, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh và đi lại của người dân. Tuy nhiên, không chỉ trước thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu tăng, mà ngay khi giá các mặt hàng xăng dầu đã được điều chỉnh giảm, thị trường bán lẻ xăng dầu vẫn tiếp tục chứng kiến cảnh nhiều cây xăng đóng cửa, hoặc treo biển hết hàng, nghỉ bán, hoặc chỉ bán cầm chừng, giảm/bỏ cột bơm… trong những ngày gần đây. Đến lúc cần phải làm rõ những yếu tố bất cập ảnh hưởng tới thị trường phân phối/bán lẻ xăng dầu, đảm bảo hài hoà lợi ích của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. “Cần giải pháp ổn định thị trường xăng dầu" - là nội dung Câu chuyện thời sự được chúng tôi bàn luận cùng chuyên gia kinh tế - PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

5h00-5h10 Rao sóng
5h20-5h50 Mùa vàng
5h50-5h55 Quảng cáo
6h28-6h30 Quảng cáo
8h35-8h40 Quảng cáo
8h50-8h55 Quảng cáo
9h35-9h40 Quảng cáo
9h55-10h00 Quảng cáo
10h05-10h10 Quảng cáo
10h25-10h30 Quảng cáo
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
12h57-13h00 Quảng cáo
13h20-13h25 Quảng cáo
15h15-15h20 Quảng cáo
15h55-16h00 Quảng cáo
16h00-17h00 Theo dòng TS
17h50-17h59 Quảng cáo
18h57-19h00 Quảng cáo
19h00-19h05 Bản tin TS
19h05-19h10 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
22h00-23h00 Thức cùng VOV
23h10-23h15 Rao sóng
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: