Nếu như mọi năm, cuối năm thường là thời điểm doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lượng lớn lao động để gia tăng sản xuất, đáp ứng đơn hàng cho đối tác. Thế nhưng năm nay lại khác, do khó khăn chung của thị trường thế giới, lạm phát tăng cao, tiêu dùng nhiều nước thắt chặt nên đơn hàng giảm sút khiến nhiều doanh nghiệp sụt giảm đơn hàng, đình đốn sản xuất, dẫn đến lao động bị mất việc làm. Dự báo “làn sóng” cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng cuối năm sẽ tiếp tục trầm trọng hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và đời sống của công nhân. Đâu là giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn qua đó hạn chế cắt giảm lao động? Những doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động thì cơ chế nào bảo vệ quyền lợi cho lao động khi họ bị giảm, bị mất việc làm? Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Ban quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng bàn luận câu chuyện này.
Năm nay mưa thuận, nên những vùng lúa - tôm ở Cà Mau được mùa. Tuy nhiên, tới thời điểm thu hoạch nhưng hàng ngàn tấn lúa ST24, ST25 của bà con đang bí đầu ra. Cơ quan chức năng địa phương kêu gọi doanh nghiệp có nhu cầu thu mua để gỡ khó cho người dân. Vậy tại sao lại xảy ra sự việc này? Nguyên nhân do đâu? Cần có những giải pháp gì để điệp khúc “được mùa mất giá” hay “giải cứu” nông sản cứ tiếp diễn khi vào vụ thu hoạch? Thị trường nông sản cần được xây dựng theo hướng nào?
Theo Bộ Nội vụ, tính đến 30/9 năm nay, qua kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, các bộ, ngành Trung ương giảm được 17 tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm được 90% phòng trong vụ. Các địa phương giảm được 7 sở và 2.159 phòng thuộc Sở và thuộc UBND cấp huyện. Bên cạnh đó các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý của các Bộ, ngành, địa phương cũng đã giảm 7.469 đơn vị. Đây là những kết quả đáng mừng qua hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính hiện nay vẫn còn đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm, như vẫn còn tình trạng chồng lấn chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; Cơ cấu tổ chức bên trong của Bộ, cơ quan ngang Bộ chưa thực sự tinh gọn, hợp lý, vẫn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, việc chuyển đổi từ loại hình tổ chức các vụ sang các cục, tổng cục còn thiếu luận cứ, không đảm bảo tiêu chí.
Sáng nay (28/11) tại TP Hồ Chí Minh diễn ra Diễn đàn Xúc tiến Xuất khẩu Việt Nam năm 2022 với chủ đề: "Xúc tiến xuất khẩu xanh” nhằm thực hiện thành công Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Trước đó, vào ngày 19/11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1445/QĐ-TTg về Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa, nhằm cụ thể hóa những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đã được nêu tại Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, hướng tới mục tiêu: Xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, khai mở các thị trường, lĩnh vực mới, có tiềm năng, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.…. Từ kết quả hoạt động xuất, nhập khẩu 11 tháng qua, nhiều dự báo cho thấy tổng giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2022 có khả năng đạt 750 tỷ USD và tiếp tục cân bằng cán cân thương mại (có xuất siêu). Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng ấn tượng, một chân kiềng đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế đất nước trong năm nay.
Việc thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đem lại kết quả tích cực cho kinh tế và thương mại hàng hóa trên các địa bàn này, thông qua thúc đẩy hoạt động sản xuất và thu mua, hướng tới hình thành chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hiện đại và bền vững. Nhiều sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã mở được đường vào các hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước, cũng như xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Phát triển thị trường hàng hóa và tăng khả năng tiếp cận thị trường cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cải thiện đời sống nhất là tại những địa phương nghèo ở Việt Nam đang là vấn đề được Chính phủ và nhiều bộ, ngành đặc biệt quan tâm. Vùng Dân tộc thiểu số và miền núi nước ta thuộc địa bàn 51 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung, nơi có địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu không thuận lợi và thiếu các cơ sở hạ tầng thiết yếu… Làm thế nào để thiết lập kết nối thị trường bền vững giữa các doanh nghiệp và các hợp tác xã thúc đẩy thương mại khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa trong các chuỗi giá trị thương mại cả nước, tạo thu nhập cho người dân? Câu chuyện thời sự hôm nay bàn về nội dung này với sự tham gia của vị khách mời là Tiến sĩ Trịnh Thị Thanh Thủy, Nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương - Bộ Công Thương.
Nhiều ích lợi nhưng chưa tiện và khi đi làm thủ tục hành chính vẫn cần xuất trình nhiều loại giấy tờ là ý kiến của nhiều người dân về việc đăng ký, sử dụng mã định danh điện tử trong thời gian vừa qua. Vậy những vướng mắc và khó khăn của thực tế này là gì? Làm thế nào để khi có tài khoản định danh điện tử, người dân thuận lợi hơn khi đi làm thủ tục hành chính cũng như thực hiện các giao dịch khác có liên quan? Đại tá Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục cảnh sát quản
lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ công an bàn luận về câu chuyện này.
Những ngày gần đây, liên tục có thông tin hàng nghìn công nhân bị chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc có nguy cơ mất việc ở các tỉnh, thành phía Nam. Dự báo “làn sóng” cắt
giảm lao động vì thiếu đơn hàng cuối năm sẽ tiếp tục trầm trọng hơn vào quý 4 năm nay và quý 1 năm sau.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, những ngành có người lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất là chế biến gỗ, dệt may, da giày; một số doanh nghiệp điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch… Sau hai năm đại dịch, những tưởng giai đoạn khó khăn nhất với người lao động đã qua, nhưng việc nhiều doanh nghiệp cắt giảm nhân sự lại khiến người lao động đối diện với những khó khăn mới khi thời điểm cuối năm đã cận kề. Vậy cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của hàng chục nghìn lao động bị mất việc, giảm việc cuối năm? Bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cùng bàn luận câu chuyện này.
Thị trường bất động sản đang rất khó khăn, đứng trước khả năng rơi vào suy thoái. Doanh nghiệp bất động sản cũng đang rất khó khăn, đặc biệt "rủi ro" bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản. Trong cuộc tiếp xúc giữa Chính phủ với các doanh nghiệp địa ốc lớn khu vực phía Nam mới đây, vướng mắc pháp lý được doanh nghiệp phản ánh là chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, mà nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất. Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký quyết định số 1435, thành lập Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố trực thuộc Trung ương. Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn, lãnh đạo doanh nghiệp và các chuyên gia kỳ vọng, Chính phủ sẽ nhanh chóng đưa ra những giải pháp thiết thực và kịp thời.
Kỷ niệm 92 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, (18/11/1930-18/11/2022), những ngày này, khắp các khu dân cư trên địa bàn cả nước đều tưng bừng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là dịp để tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với các hoạt động biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu, trao tặng nhà Đại đoàn kết, tổ chức bữa cơm Đại đoàn kết, vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh... Ngày hội đã góp phần động viên nhân dân phát huy truyền thống quê hương, dòng họ, là biểu hiện sinh động của lòng dân, gắn bó tình làng, nghĩa xóm, đồng lòng trong xây dựng và phát triển đất nước. Trong chuyên mục Câu chuyện thời sự ngày hôm nay, chúng tôi mời ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để cùng bàn về nội dung này.
Sau 7 năm triển khai Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo theo Quyết định 1162 của Chính phủ, thị trường hàng hoá khu vực này đã ngày càng đa dạng, phong phú hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc phát sinh cần tháo gỡ, như: giao thông, dịch vụ logistic chưa thuận lợi, chưa có nhiều cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến sản phẩm... Tiến sĩ Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương- Bộ Công thương cùng bàn luận vấn đề này.
Trong những năm gần đây, các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội tham gia ngày càng tích cực vào việc xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật thông qua phản biện xã hội. Nhờ vậy, các chủ trương, chính sách, pháp luật cũng ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu xã
hội, tạo nên sự đồng thuận nhằm phục vụ tốt hơn những vấn đề quốc kế, dân sinh. Thế nhưng trên thực tế, phản biện xã hội vẫn còn nhiều điều đáng bàn, nhiều điều cần khắc phục. Đáng chú ý đó là chất lượng, hiệu quả công tác phản biện xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa phát huy mạnh mẽ vai trò, sự tham gia của các thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân.
Để khắc phục những tồn tại đang đặt ra nhằm nâng cao hiệu quả công tác phản biện xã hội, ngày 26/10/2022, thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Chỉ thị số 18 về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam; Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa - xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng bàn luận câu chuyện này.
Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan liên quan để theo thẩm quyền và quy định hiện hành thực hiện tổng thể các giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, bao gồm cả những giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước đề xuất giao toàn diện vấn đề xăng dầu cho Bộ Công Thương quản lý đã nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, đại biểu Quốc hội. Việc chuyển quản lý xăng dầu về một đầu mối tránh được sự chồng chéo ra sao và liệu có chủ động hơn trong điều hành xăng dầu?.
Câu chuyện rau không rõ nguồn gốc, núp bóng vỏ bọc Vietgap tuồn vào một
số siêu thị lớn, nổi tiếng ở tp HCM làm nóng dư luận chưa kịp lắng xuống thì mới đây lực lượng chức năng lại phát hiện một hàng nghìn sản phẩm nhái các thương hiệu nổi tiếng như Gucci, Dior, Chanel, Louis Vuitton.v..v. tại Trung tâm thương mại Sài Gòn Square.Trung tâm thương mại Sài Gòn Square được ví như “thiên đường mua sắm” cho các tín đồ shopping với đa dạng các lĩnh vực và đầy đủ các mặt hàng đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn và khách thập phương. Điều đáng nói đây không phải lần đầu phát hiện bán hàng lậu, hàng nhái hàng giả tại trung tâm thương mại với số lượng lớn như vậy.
Những vụ việc này cho thấy công tác kiểm soát đầu vào của các siêu thị, trung tâm thương mại vẫn là câu hỏi lớn được đặt ra. Vì sao hàng kém chất lượng vẫn lọt vào kệ siêu thị, trung tâm thương mại dù đã trải qua chuỗi kiểm tra của cơ quan quản lý và kiểm soát nội bộ? Ai, đơn vị nào chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng này và cần có biện pháp mạnh ra sao để không lặp lại? Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, chuyên gia thương mại cùng bàn luận câu chuyện này.
Nước Mỹ lại đang chứng kiến một bầu không khí cạnh tranh gay cấn và nóng bỏng - giống như những gì đã diễn ra tại kỳ bầu cử Tổng thống 2 năm trước. Đã hơn 2 ngày sau khi các hòm phiếu đóng lại, kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ diễn ra ngày 8/11 vẫn chưa ngã ngũ. Các ứng cử viên của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa giành giật nhau từng phiếu với tỷ lệ chênh lệch rất sít sao - kể cả ở những bang tưởng chừng như đã là thành trì. Đặc biệt tại chiến trường Thượng viện, dù cả hai đảng rất nỗ lực để không “sẩy chân” nhưng đã có biến số bất ngờ tại một số bang chiến địa - khi các lá phiếu “đổi màu”!
Điều gì lại đang xảy ra với nước Mỹ khi mà dư âm cuộc bầu cử Tổng thống 2 năm trước vẫn còn đó? Liệu 2 năm tới của chính quyền Tổng thống Joe Biden đang đứng trước những thách thức nào? Chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế Phạm Phú Phúc - từng có nhiều năm công tác tại Mỹ sẽ phác họa bức tranh toàn cảnh về kỳ bầu cử giữa kỳ tại Mỹ năm nay.