logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Từ kết quả kinh tế nửa đầu năm- Triển vọng và thách thức cho “tăng trưởng kỳ vọng” 2022 (30/6/2022)

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trong nước GDP tăng 6,42% – cao hơn tốc độ tăng cùng kỳ 2 năm 2020-2021, nhưng vẫn chưa trở lại mức tăng trước khi xuất hiện đại dịch Covid 19; Cả nước có 76.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 13,6%; Khách quốc tế đến Việt Nam tăng gần gấp 7 lần cùng kỳ trước; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI thực hiện tại Việt Nam ước đạt 10,06 tỷ USD - là mức tăng cao nhất cùng kỳ 5 năm liền kề… Đây là những tín hiệu tích cực trong nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế quốc tế đang biến động phức tạp không ngừng, khả năng sẽ còn tác động mạnh tới hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề và đời sống xã hội. Cần những giải pháp tốt hơn, quyết liệt hơn - và phải là những giải pháp đột phá…cho mục tiêu kiềm chế lạm phát, mục tiêu tăng trưởng kỳ vọng 2022. Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Võ Trí Thành cùng bàn luận về nội dung này.

Hơn 10 năm, Hà Nội “chưa phát hiện tham nhũng”: Kiểm tra nội bộ đừng “hữu danh vô thực” (28/6/2022)

Một thông tin thu hút sự quan tâm của dư luận là trong báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 6 tháng đầu năm nay vừa được UBND thành phố Hà Nội công bố, qua công tác kiểm tra nội bộ, Hà Nội chưa phát hiện, xử lý vụ việc nào có liên quan đến tham nhũng. Trước đó, vào năm 2021, tại hội nghị tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, Hà Nội cũng thông báo: Trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020, qua công tác tự kiểm tra nội bộ, thành phố Hà Nội cũng chưa phát hiện trường hợp tham nhũng nào. Kết quả này liệu có đáng mừng và có phản ánh được đúng thực chất tình hình tham nhũng hiện nay ở Hà Nội? Phải chăng do công tác kiểm tra nội bộ của các cơ quan, đơn vị quá yếu kém nên không thể phát hiện được tham nhũng?

Tháo gỡ vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị y tế và ổn định tâm lý cán bộ ngành y sau những ồn ào tiêu cực (27/6/2022)

Thiếu thuốc, nhiều máy móc thiết bị y tế phải “trùm chăn” vì không có vật tư để vận hành, sửa chữa, thay thế... Đây là thực trạng tại nhiều bệnh viện và cơ sở y tế trong cả nước sau hàng loạt vụ sai phạm ở ngành y thời gian qua. Sự bất thường này rõ ràng không phải chuyện riêng của ngành y tế, mà của cả xã hội, khi vấn đề này có mức độ ảnh hưởng đến người bệnh mỗi ngày một mạnh mẽ và lan rộng, có nguy cơ biến thành cuộc khủng hoảng, đòi hỏi chúng ta có trách nhiệm giải quyết ngay.
Cùng bàn luận nội dung hai vị khách mời là Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, hiện là đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội.

Những dấu ấn trong quan hệ Việt Nam – Campuchia (24/6/2022)

Ngày 24/6 cách đây 55 năm, Việt Nam và Campuchia đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một chương mới trong lịch sử chung của hai dân tộc. So với bề dày lịch sử quan hệ giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia, 55 năm tuy chưa phải là dài, song lại là giai đoạn vô cùng ý nghĩa đối với quan hệ hai nước. Đó là giai đoạn được đánh dấu bởi những sự kiện lịch sử không thể quên khi hai nước cùng đoàn kết hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập từ chế độ thực dân, lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển của mỗi nước.
55 năm qua, dù trải qua nhiều thử thách và thăng trầm của lịch sử, nhưng tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống và sự hợp tác toàn diện tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia đã không ngừng được củng cố và phát triển, trở thành biểu tượng thiêng liêng, tài sản chung vô giá của hai nước mà lãnh đạo và nhân dân hai nước luôn nỗ lực gìn giữ và phát huy. Trong bối cảnh thế giới và khu vực đang có nhiều chuyển biến phức tạp khó lường, Việt Nam và Campuchia càng tăng cường hơn nữa đoàn kết, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Campuchia tại Việt Nam Chay Navuth cùng chúng ta nhìn lại những dấu ấn đáng chú ý trong quan hệ Việt Nam – Campuchia trong 55 năm qua cũng như triển vọng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.

Nhà nước định giá: Liệu có làm “hạ nhiệt” giá sách giáo khoa? (23/6/2022)

Vấn đề giá sách giáo khoa (SGK) tăng “phi mã” đã làm “nóng” dư luận thời gian qua, thậm chí những bức xúc đó đã được được các Đại biểu Quốc hội lắng nghe phản ánh trên nghị trường nhằm tìm ra giải pháp để đảm bảo giá SGK thấp nhất. Theo nghị quyết của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, SGK sẽ được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật giá. Việc nhanh chống đưa SGK vào danh mục quản lý giá – một mặt hàng rất đặc biệt, thiết yếu để có giá trần và giá sàn trong quá trình quản lý của các cơ quan chức năng là việc làm cấp thiết. Cùng bàn nội dung: “Nhà nước định giá: Liệu có làm “hạ nhiệt” giá sách giáo khoa?”, với sự tham gia bàn luận của ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam.

Chuyển đổi số - con đường mà báo chí cần bước đi nhanh và quyết liệt (21/6/2022)

Báo chí Việt Nam đang chịu tác động từ tầm nhìn chuyển đổi số quốc gia, với rất nhiều thay đổi về công nghệ làm báo và thay đổi hành vi của độc giả, khán, thính giả. Điều đó đòi hỏi không còn cách nào khác, các cơ quan báo chí cần bước đi nhanh và quyết liệt nếu không muốn bị tụt hậu, mất đi độc giả, khán thính giả và hậu quả đương nhiên là sự sống còn của chính cơ quan báo chí. Trong công cuộc chuyển đổi số đó không chỉ đỏi hỏi thay đổi về công nghệ mà chính con người mới là trung tâm. Chính lúc này là lúc cần hơn nữa sự vào cuộc của báo chí để báo chí trở thành dòng thông tin chủ lưu quan trọng nhất, tin cậy nhất; đồng thời đòi hỏi mỗi nhà báo cần có “trách nhiệm” nhiều hơn nữa đối với xã hội… Những vấn đề này sẽ được chúng tôi làm rõ trong Câu chuyện Thời sự hôm nay với sự tham gia của Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân dân.

Đề xuất tách Tổng cục đường bộ và câu chuyện tinh gọn bộ máy (20/6/2022)

Theo tờ trình Dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT, có nội dung được dư luận quan tâm là đề xuất tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tách ra làm 2 đơn vị quản lý như vậy sẽ dẫn tới sự trùng lắp, chồng chéo và đặc biệt là đi ngược lại chủ trương tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước đang được triển khai thực hiện. GS.TS Ngô Thành Can, Học viện Hành chính Quốc gia cùng bàn luận về nội dung này.

Thách thức chính sách khi giảm số năm đóng BHXH (17/6/2022)

Tại buổi đối thoại giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với công nhân lao động hôm 12/6 vừa qua, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết Chính phủ đã giao Bộ chủ trì xây dựng dự luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi với 11 nhóm chính sách mới và năm 2023 sẽ trình Quốc hội xem xét. Một trong những sửa đổi là giảm dần số năm đóng BHXH xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia muộn, có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ngắn, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội. Vấn đề này đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người lao động. Bên cạnh những ý kiến đồng tình, không ít người cho rằng, việc thay đổi chính sách theo hướng giảm năm đóng BHXH thay vì giảm tuổi nghỉ hưu sẽ không đem lại nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt sau một thời gian thực thi, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã bộc lộ nhiều bất cập, như thời gian đóng quá dài, tối thiểu 20 năm mới được hưởng lương hưu, với tỷ lệ 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội….
Vậy cần có những thay đổi về chính sách như thế nào khi giảm số năm đóng BHXH, nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động? Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng bàn luận câu chuyện này.

Cơ chế nào gỡ khó cho công tác đấu thầu thuốc (16/6/2022)

Thời điểm này, tình trạng thiếu thuốc đang xảy ra khắp các bệnh viện các tuyến, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác điều trị cho bệnh nhân. Thực tế này một phần do trước đó, ngành y tế có một số cán bộ bị xử lý kỷ luật, bị bắt giữ vì những sai phạm trong quản lý, điều hành hoạt động mua sắm, đầu thầu khiến các cơ sở y tế lo ngại và mong sớm có các cơ sở pháp luật rõ ràng chặt chẽ hơn để tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực này. Vì sao các cơ sở y tế lại ko mặn mà với việc đấu thầu dù biết sẽ gặp không ít khó khăn trong công tác khám chữa bệnh? Cần có cơ chế pháp luật như thế nào để quản lý, giám sát và “gỡ khó” cho công tác đấu thầu? Khắc phục thực trạng thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân?

Kinh tế tư nhân Việt Nam - Động lực quan trọng cho tăng trưởng (14/6/2022)

Cộng đồng doanh nghiệp được cổ vũ mạnh mẽ khi chưa đầy hai thập kỷ Đảng ta 2 lần ra Nghị quyết dành riêng cho khu vực kinh tế tư nhân. Nghị quyết đầu tiên vào năm 2002; tiếp đến là Nghị quyết 10, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, ban hành ngày 03/6/2017. 5 năm qua, Nghị quyết thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh hơn, đóng góp ngày càng quan trọng cho kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, để khu vực này tăng trưởng mạnh về chất và thực sự trở thành “động lực quan trọng của nền kinh tế”, còn nhiều “điểm nghẽn” cần khơi thông; còn nhiều thách thức cần nhận diện, điều chỉnh linh hoạt.

Từ môi trường đầu tư đến đầu tư gắn với môi trường: Những đòi hỏi từ thực tiễn (13/6/2022)

Nhiều năm qua, hàng loạt các chỉ số liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách… được các tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế nghiên cứu và công bố, với các yêu cầu ngày càng cao hơn. Sự hưởng ứng tham gia của các tổ chức, cá nhân vào các điều tra mang tính mở này cho thấy nhu cầu, đòi hỏi của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về sự đảm bảo cho một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch cũng như năng lực quản trị, điều hành, thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương. Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng bàn luận câu chuyện này.

Quy hoạch đô thị bị băm nát: Phải làm rõ trách nhiệm và xử lý những cá nhân sai phạm (10/6/2022)

Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng vừa ký ban hành Kết luận số 39 thanh tra Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hà Nội; Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội; loạt các chủ đầu tư dự án có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch và quản lý xây dựng khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. Trong kết luận này, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt vi phạm, sai sót, tồn tại trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch tại một loạt dự án.
Những sai phạm này chỉ là phẩn nổi của tảng băng chìm. Trước đó, dư luận cũng đã nhiều lần lên tiếng về những bất hợp lý trong quá trình điều chỉnh quy hoạch đô thị ở Thủ đô Hà Nội đã và đang gây ra nhiều bất tiện cho cuộc sống của người dân nhưng lại có lợi cho các chủ đầu tư. Nhiều người đặt câu hỏi: Liệu có hay không lợi ích nhóm chi phối trong việc điều chỉnh quy hoạch đô thị? Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong vấn đề này ra sao? Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng bàn luận về câu chuyện này.

Thời hạn sở hữu chung cư – cần hài hòa giữa yêu cầu quản lý và quyền lợi của người dân (09/6/2022)

Đề xuất quy định về thời hạn sở hữu chung cư từ 50-70 năm như dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) của Bộ Xây dựng đã tạo nên nhiều luồng ý kiến tranh luận trái chiều, trong đó vấn đề được quan tâm nhiều nhất là quyền sở hữu nhà ở của người dân cùng các quyền, lợi ích hợp pháp kèm theo. Trước những luồng ý kiến này, Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) thông tin rõ hơn về đề xuất này, tập trung giải thích về thời hạn sở hữu chung cư, cách xử lý khi chung cư hết hạn sử dụng hay đảm bảo quyền của người dân trong thời gian sở hữu… Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh đề xuất này nhằm tạo cơ sở pháp lý để khắc phục khó khăn, vướng mắc trong công tác cải tạo, xây dựng nhà chung cư cao tầng. Vậy đề xuất thời hạn sở hữu chung cư cần được nhìn nhận như thế nào, trong đó yếu tố hài hòa giữa yêu cầu quản lý và quyền lợi của người dân cần được tính toán ra sao?

Làm gì để BHXH thực sự là chỗ dựa cho người lao động? (07/6/2022)

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến năm 2020, cả nước mới có hơn 33% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, vẫn còn gần 32 triệu người trong lực lượng lao động trong độ tuổi lao động (khoảng 66,5%) chưa tham gia. Lý giải việc số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội thấp, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, sau 6 năm thi hành Luật BHXH, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật đã bộc lộ những bất cập, hạn chế. Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra mục tiêu: đến năm 2030 sẽ có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Đây được xem là một thách thức rất lớn nếu ngành chức năng không sớm có những giải pháp căn bản cả về chính sách lẫn công tác tổ chức thực hiện. Vậy Làm gì để BHXH thực sự là chỗ dựa cho người lao động?

Từ việc Facebook nộp thuế nhà thầu tại Việt Nam: Xác định nghĩa vụ thuế của các nền tảng trực tuyến xuyên biên giới (6/6/2022)

Theo thông báo của Meta- Công ty mẹ của Facebook, từ ngày 1.6, khách hàng từ Việt Nam đăng quảng cáo trên Facebook sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) 5%. Số tiền này sẽ được Facebook đóng thuế nhà thầu tại Việt Nam. Nhìn nhận thế nào về việc này, khi Facebook – nền tảng mạng xã hội số 1 toàn cầu nhưng nhiều năm qua chưa đóng thuế đối với khoản doanh thu trực tiếp từ khách hàng không thông qua đại lý quảng cáo tại Việt Nam? Ông Nguyễn Văn Phụng, Chuyên gia cao cấp về Thuế và Quản trị doanh nghiệp- Nguyên Cục trưởng cục thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục thuế, Bộ Tài chính cùng bàn luận về câu chuyện này.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h20-05h50 Mùa vàng
6h28-6h30 Quảng cáo
8h35-8h40 Quảng cáo
8h50-8h55 Quảng cáo
9h35-9h40 Quảng cáo
9h55-10h00 Quảng cáo
10h05-10h10 Quảng cáo
10h25-10h30 Quảng cáo
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
13h20-13h25 Quảng cáo
13h40-13h45 Quảng cáo
15h15-15h20 Quảng cáo
19h55 đến 20h00 Quảng cáo
19h55 - 20h00 Quảng cáo
15h55-16h00 Quảng cáo
17h50-17h59 Quảng cáo
19h05-19h10 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
22h00-23h00 Thức cùng VOV
23h10-23h15 Rao sóng
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: