logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Cần bảo tồn thích ứng như thế nào các di tích lịch sử, kiến trúc văn hóa? (12/4/2022)

Những ngày qua, việc Hà Nội phá dỡ công trình số 61 Trần Phú, phường Điện Biên, quận Ba Đình để xây dựng cao ốc 11 tầng thu hút sự quan tâm của dư luận. Đây vốn là công trình được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20. Trước ý kiến của dư luận, mới đây, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công. Trong khi đó, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản yêu cầu rà soát về các chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc công trình tại số 61 phố Trần Phú, đảm bảo tuân thủ quy định, phù hợp với quy hoạch, không gian, kiến trúc, cảnh quan khu trung tâm chính trị Ba Đình. Đồng thời, các đơn vị nghiên cứu tiếp thu ý kiến phản ánh của báo chí, người dân, giới chuyên môn để có giải pháp thực hiện phù hợp, công bố thông tin đầy đủ, đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình đầu tư xây dựng công trình mới. Với nơi lõi đô thị của Hà Nội, có giá trị to lớn như quận Ba Đình, từng công trình, từng con đường, từng công viên, vườn hoa, từng viên đá lót, bảng tên đường đều là những câu chuyện mang giá trị văn hóa. Nhìn rộng ra, vậy các di tích lịch sử, kiến trúc văn hóa cần được bảo tồn thích ứng như thế nào? Việc xây dựng đô thị cần dựa trên nền tảng nào? KTS Đào Ngọc Nghiêm-Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội cùng bàn luận về câu chuyện này.

Tiêu chí an toàn phải đảm bảo ở mức cao nhất trong tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi (11/4/2022)

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra cuối tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu tiếp tục bao phủ vắc xin nhằm nâng cao khả năng phòng dịch, thích ứng an toàn, hiệu quả; đặc biệt phải “thần tốc” có vắc xin và tiêm nhanh nhất có thể cho người dân, nhất là trẻ em. Việc tiêm chủng cho trẻ em cần hoàn thành trong quý II, để đầu quý III, trẻ được đến trường học hè và cuối quý III bước vào năm học mới.
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, ngày 9/4, lô vắc xin đầu tiên cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi do Chính phủ Autralia tài trợ đã về đến Việt Nam và sẽ được triển khai tiêm chủng ngay sau khi hoàn thành kiểm định, tức vào ngày 15/4 tới.
- Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu công tác tiêm chủng vắc xin Covid 19 cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi phải đảm bảo tiêu chí an toàn ở mức cao nhất. Vậy công việc này đã được chuẩn bị ra sao? Cơ quan chuyên môn khuyến nghị các cơ sở tiêm chủng và gia đình những vấn đề gì nhằm đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ ở mức cao nhất theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ? TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cùng bàn luận về câu chuyện này.

Làm sao để giữ chân nhân viên ngành y tế? (8/4/2022)

Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, hơn 400 nhân viên y tế tại TP Hồ Chí Minh đã có đơn xin nghỉ việc. Trước đó, năm 2021 đã có hơn 1000 cán bộ, nhân viên y tế tại TP này xin rời khỏi ngành vì áp lực công việc. Đáng buồn vì đây không chỉ là câu chuyện của riêng ngành y tế TP Hồ Chí Minh, mà là thực tế đang diễn ra khắp cả nước, đặc biệt qua hơn 2 năm dịch bệnh Covid 19.
Việc “chảy máu chất xám” ở các tuyến y tế công lập đamg đặt ngành y tế trước nguy cơ rơi vào khủng hoảng do thiếu nhân lực đảm đương nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, dẫn đến đứt gẫy hệ thống y tế. Làm sao để giữ chân nhân viên ngành y tế khi diễn biến dịch Covid-19 cùng nhiều bệnh khác đang cần hơn bao giờ hết sự cống hiến của họ? TS.Bs Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh cùng bàn luận về câu chuyện này.

Từ vụ Tân Hoàng Minh: Báo động rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp – Những giải pháp phòng ngừa (07/4/2022)

Chỉ sau 1 ngày Ủy ban chứng khoán quyết định hủy 9 đợt chào bán trái phiếu của 3 công ty con thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) và các đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau vụ việc này, dư luận đặc biệt quan tâm đến quyền lợi của nhà đầu tư mua trái phiếu sẽ được đảm bảo ra sao. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tăng trưởng rất nóng 2 năm qua- với những rủi ro đã được cơ quan chức năng cảnh báo nhà đầu tư như thanh khoản, khả năng chi trả của nhà phát hành trái phiếu khi đáo hạn…, thì vụ việc Tân Hoàng Minh như một tín hiệu báo động rủi ro mới trên thị trường- tội phạm lừa đảo. Nhìn nhận về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, giải pháp nào phòng ngừa rủi ro với nhà đầu tư và biện pháp quản lý để định hướng thị trường phát triển bền vững, là nội dung được bàn luận trong câu chuyện thời sự hôm nay, với sự tham gia của chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong.

Tăng lương tối thiểu vùng: Phải hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động (5/4/2022)

Cuối tháng 3 vừa qua, kết thúc phiên họp về lương tối thiểu vùng của Hội đồng Tiền lương quốc gia, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 tới. Còn phía Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện cho người sử dụng lao động lại đề nghị tăng lương từ ngày 1-1-2023. Thông tin này đang thu hút sự quan tâm của nhiều người với những ý kiến trái chiều.
Vậy, thời điểm tăng lương như thế nào là hợp lý và mức tăng nên ra sao để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động? Ông Bùi Sĩ Lợi, Đại biểu QH khóa 14, nguyên phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội bàn luận về câu chuyện này.

Luật Thuế thu nhập cá nhân cần được sửa đổi theo hướng như thế nào? (04/4/2022)

Bộ Tài chính đang xin ý kiến sửa đổi 6 luật thuế quan trọng, trong đó, có Luật Thuế thu nhập cá nhân, đang được dư luận đặc biệt quan tâm bởi liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng và cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân. Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành được Quốc hội thông qua từ tháng 11/2007 và có hiệu lực từ năm 2009. Trong hơn 10 năm qua, Luật Thuế thu nhập cá nhân đi vào cuộc sống đã đạt được nhiều kết quả tích cực, như điều tiết thu nhập, động viên hợp lý thu nhập dân cư, phù hợp với thông lệ quốc tế, huy động nguồn ngân sách nhà nước… Tuy nhiên, sau hơn 10 năm có hiệu lực, Luật thuế Thu nhập cá nhân cũng đã bộc lộ những bất cập cần phải thay đổi, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.

Hành vi thao túng thị trường chứng khoán: Những hệ lụy và giải pháp lập lại kỷ cương, kỷ luật thị trường (01/4/2022)

Gần 2 tháng sau vụ việc Chủ tịch tập đoàn FLC –Trịnh Văn Quyết bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt về hành vi không công bố thông tin theo quy định- giao dịch “chui” ngày 10/01, thì ngày 29/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Trịnh Văn Quyết và các cá nhân có liên quan, về hành vi hành vi "thao túng thị trường chứng khoán"; "che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán". Trên các diễn đàn chứng khoán, đầu tư và trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều nhà đầu tư, người dân bày tỏ sự đồng tình về động thái nghiêm minh của cơ quan bảo vệ pháp luật, góp phần phát triển lành mạnh thị trường, nâng cao uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam. Vấn đề đặt ra, là làm sao để phát hiện, sớm ngăn ngừa và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, để thị trường chứng khoán minh bạch và phát triển bền vững? với sự tham gia bàn luận của Chuyên gia tài chính- PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

Xuất khẩu quý I và những yêu cầu đặt ra về quản trị rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu(31/3/2022)

Kim ngạch xuất nhập khẩu quý 1 ghi nhận tăng trưởng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, với tổng kim ngạch 176,35 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tăng 12,9% và nhập khẩu tăng 15,9%; Có 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 83,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD); Cán cân thương mại hàng hóa ghi nhận xuất siêu khoảng 809 triệu USD… Đó là những con số cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, góp phần vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế - với GDP quý đầu năm tăng 5,03% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ngay trong quý đầu năm các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam đã gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức và cả những rủi ro, khi dịch covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng nhanh dẫn đến nguy cơ thiếu lao động; Rồi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra; hay việc các container hạt điều xuất khẩu sang Italia có dấu hiệu bị lừa đảo v.v. Điều này đã đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, trong bối cảnh thế giới ngày càng có nhiều biến động khó lường.

Kịch bản nào cho các hoạt động kinh tế xã hội khi Covid 19 trở thành bệnh truyền nhiễm nhóm B (29/3/2022)

Theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Căn cứ quy định trên, dịch bệnh COVID-19 được xếp là bệnh truyền nhiễm nhóm A từ năm 2020. Sau hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19, ngày 17/3 Chính phủ có nghị quyết yêu cầu Bộ Y tế căn cứ tình hình dịch, chuyển biện pháp phòng chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B, tức nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Vậy nếu Covid 19 được xếp loại bệnh truyền nhiễm nhóm B, công tác điều trị, hoạt động y tế liên quan sẽ có thay đổi như thế nào? Kịch bản nào cho các hoạt động kinh tế xã hội?

Tháo gỡ điểm nghẽn để doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả (28/3/2022)

Hiện nay, cả nước ta có khoảng 800 doanh nghiệp Nhà nước, tổng tài sản lên tới 4 triệu tỉ đồng, đóng góp 28% thuế và các khoản nộp ngân sách, chi phối các ngành, lĩnh vực quan trọng, chiếm 24,6% tổng vốn đầu tư của Nhà nước và chiếm 12% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Thế nhưng những kết quả mà doanh nghiệp nhà nước đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, đặc biệt là chưa thật sự phát huy được vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế. Nguyên nhân do hiện nay các doanh nghiệp còn đang gặp nhiều điểm nghẽn trong hoạt động. Vậy, những điểm nghẽn đó là gì và cần được khắc phục ra sao để doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả, phát huy tốt vai trò là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường.

Làm sao để khoảng cách giữa lương và mức sống tối thiểu thu hẹp? (25/3/2022)

Từ ngày 1 tháng 4 tới, Bộ LĐ-TB và XH sẽ tổ chức điều tra lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu làm căn cứ xây dựng các nội dung về lương tối thiểu vùng và các chính sách liên quan. Theo kế hoạch, việc khảo sát sẽ được tiến hành tại 2.000 doanh nghiệp ở 18 tỉnh, thành phố đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước có số lượng doanh nghiệp lớn, thị trường lao động phát triển. Các nội dung chính được khảo sát ở doanh nghiệp là quỹ tiền lương theo công việc hoặc chức danh, quỹ phụ cấp lương, quỹ tiền thưởng, ăn ca, chi phí tuyển dụng đào tạo, quỹ công đoàn… Qua hoạt động điều tra, khảo sát, cơ quan chức năng đồng thời tiếp thu những kiến nghị, góp ý của doanh nghiệp về chính sách tiền lương tối thiểu có cần điều chỉnh trong năm 2022 hay không.
Xuất phát điểm chưa cao, trong khi lộ trình tăng lại kéo dài sau gần 10 năm, cộng với 2 năm lỡ hẹn vì dịch Covid-19, mức lương tối thiểu vẫn không đuổi kịp mức sống tối thiểu và đến nay kém xa lương đủ sống. Vì sao lương tối thiểu quá thấp? Làm sao để khoảng cách giữa lương và mức sống tối thiểu thu hẹp? Giải pháp nào để cân bằng giữa người lao động và doanh nghiệp? Tiến sỹ Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cùng bàn luận về câu chuyện này.

Tự lực, tự cường trong khôi phục và phát triển kinh tế xã hội giai đoạn hậu Covid 19 (24/3/2022)

Sau hơn 2 năm chịu tác động đa chiều từ đại dịch Covid 19, bức tranh hiện thực và tiềm năng kinh tế-xã hội Việt Nam vẫn được nhiều chuyên gia, trí thức trong và ngoài nước khái quát, nhận định với nhiều điểm sáng cùng thách thức, đặc biệt là những thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, đại dịch Covid19; bối cảnh đối đầu - cạnh tranh giữa các cường quốc. Khi cơ hội-thách thức song hành trong thế giới biến động khôn lường, tự lực-tự cường là vấn đề quan trọng, cần khơi dậy mạnh mẽ, để mọi thành phần kinh tế-xã hội nhận diện được, nỗ lực hơn, khôi phục kinh tế-xã hội sớm hơn kỳ vọng, tạo đà phát triển đất nước mạnh mẽ hơn.

Nở rộ phương thức xét tuyển Đại học 2022: Cần cân bằng quyền lợi và chất lượng (22/3/2022)

Theo đề án tuyển sinh của các trường đại học, nhiều trường đã bổ sung phương án tuyển sinh mới. Thống kê cho thấy hiện có khoảng 20 phương thức xét tuyển đầu vào đại học. Đặc biệt, một số trường xuất hiện nhiều tổ hợp lạ bên cạnh các tổ hợp truyền thống. Trường đại học đào tạo khối ngành sức khỏe tuyển sinh ngành Y không có môn Sinh học, khối kỹ thuật không có môn Toán, kiến trúc không có môn Vẽ…
Việc có quá nhiều phương thức tuyển sinh năm nay có thể dẫn đến những hệ quả không tốt trong dư luận xã hội, phần nào gây bối rối cho thí sinh trong việc nắm bắt thông tin, khó khăn khi lựa chọn cách xét tuyển phù hợp với năng lực. Chưa kể, xét tuyển ngành đặc thù nhưng không có môn đặc thù làm dấy lên lo ngại về chất lượng đầu vào cũng như sự phù hợp của việc mở rộng các tổ hợp xét tuyển thuộc các khối ngành đặc thù này? Chuyên gia giáo dục – TS Nguyễn Văn Cường, ĐH Postdam, CHLB Đức cùng bàn luận câu chuyện này.

Giải quyết chất thải liên quan đến dịch Covid-19 – Trách nhiệm thuộc về ai? (21/3/2022)

Hiện nay, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc COVID-19 ngày càng tăng. Rác thải sinh hoạt chưa xử lý của những F0 tự cách ly, điều trị tại nhà đang là nguy cơ lớn lây lan dịch bệnh cho cộng đồng khi chưa được phân loại, xử lý đúng. Mặc dù Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đều đã có các văn bản hướng dẫn rất cụ thể về việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải lây nhiễm phát sinh đối với người mắc COVID-19 điều trị tại nhà, nhưng thực tế việc này vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Vậy nguồn rác thải này nguy hiểm như thế nào đối với sức khỏe con người? Cần làm gì để xử lý triệt để các rác thải liên quan đến dịch Covid-19?

Tiếp dân xin đừng là hình thức (18/3/2022)

Số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước các cấp để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 67,6%; số lượt đoàn đông người tăng 9,2%. Đó là một vài con số trong báo cáo giám sát bước đầu về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021 được trình bày tại phiên họp mới đây của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Báo cáo cũng thẳng thắn nhận định: tình trạng khiếu kiện vượt cấp, gửi đơn không đúng cơ quan có thẩm quyền còn diễn ra khá phổ biến, nhất là cấp Trung ương.
Số lượng người dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị tăng có phản ánh thực tế công tác tiếp dân còn thiếu hiệu quả hay không? Tại sao những hạn chế, bất cập được nêu trong báo cáo về tình hình tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo lại là nhận định tồn tại từ nhiều năm? Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban dân nguyện của Uỷ ban thường vụ Quốc hội cùng bàn luận về câu chuyện này.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h20-05h50 Mùa vàng
6h28-6h30 Quảng cáo
8h35-8h40 Quảng cáo
8h50-8h55 Quảng cáo
9h35-9h40 Quảng cáo
9h55-10h00 Quảng cáo
10h05-10h10 Quảng cáo
10h25-10h30 Quảng cáo
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
13h20-13h25 Quảng cáo
13h40-13h45 Quảng cáo
15h15-15h20 Quảng cáo
19h55 đến 20h00 Quảng cáo
19h55 - 20h00 Quảng cáo
15h55-16h00 Quảng cáo
17h50-17h59 Quảng cáo
19h05-19h10 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
22h00-23h00 Thức cùng VOV
23h10-23h15 Rao sóng
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: