logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Tuyển sinh đại học 2023: Nhiều kỳ thi riêng, cần cân bằng giữa chất lượng và quyền lợi (07/2/2023)

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học trên cả nước đã công bố đề án tuyển sinh dự kiến năm 2023 với các thông tin về phương thức xét tuyển và tổng chỉ tiêu tuyển sinh. So với năm 2022, phương án tuyển sinh của các trường không có nhiều thay đổi, chỉ có một vài điều chỉnh về tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh giữa các phương thức xét tuyển. Một trong những điểm thay đổi rõ nét trong tuyển sinh năm nay là số lượng trường đại học, đại học sử dụng kết quả từ kỳ thi riêng như: kỳ thi đánh giá năng lực, kỳ thi đánh giá tư duy… để xét tuyển tăng lên. Cùng với đó, vẫn có nhiều phương thức xét tuyển, trong đó có xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Việc nở rộ các phương thức xét tuyển, các kỳ thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực khiến thí sinh và phụ huynh lo lắng. Hiện nhiều thí sinh đang loay hoay trong việc lựa chọn các kỳ thi. Vậy làm sao để cân bằng giữa chất lượng đào tạo và quyền lợi của thí sinh? Chúng tôi bàn nội dung này cùng sự tham gia của chuyên gia giáo dục Đinh Đức Hiền - Hệ thống giáo dục Học mãi.

Thấy gì từ việc Facebook, Google, Apple... kê khai, nộp thuế gần 1.800 tỷ đồng ngay trong ngày làm việc đầu Xuân mới? (6/2/2023)

Theo thông tin từ Tổng Cục thuế công bố cách đây ít ngày, ngay trong ngày làm việc đầu Xuân mới Quý Mão, 3 “người khổng lồ” công nghệ là Meta (công ty mẹ của Facebook), Google và Apple đã nộp gần 1.800 tỷ đồng qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài tại Việt Nam.
Số thuế cả “nghìn tỷ” này nói lên điều gì? Ông Nguyễn Văn Phụng, Chuyên gia cao cấp về Thuế và Quản trị doanh nghiệp - Nguyên Cục trưởng cục thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục thuế, Bộ Tài chính cùng bàn luận câu chuyện này.

Nhìn lại những dấu ấn trong công tác xây dựng Đảng năm 2022, và những kết quả đột phá trong việc xây dựng thể chể trong Đảng (03/2/2023)

Hôm nay, ngày 3/2, Đảng ta tròn 93 tuổi. 93 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử và thời đại, làm thay đổi cuộc đời mỗi con người và vận mệnh cả dân tộc. Từ thực tiễn lịch sử lãnh đạo của Đảng cho thấy, thắng lợi của cách mạng Việt Nam chính là thắng lợi của công tác xây dựng Đảng. Trong mọi điều kiện hoàn cảnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được Đảng ta quan tâm và được coi là nhiệm vụ “then chốt” có ý nghĩa sống còn. Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng, chúng ta cùng nhìn lại những dấu ấn trong công tác xây dựng Đảng năm 2022, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng với những kết quả đột phá trong việc xây dựng thể chể trong Đảng, công tác xây dựng hệ thống chính trị; đến việc sàng lọc đội ngũ cán bộ, tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng tiêu cực. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ cùng bàn luận.

Động lực nào cho kinh tế Việt Nam năm 2023 (02/2/2023)

Năm 2022 vừa qua là một năm thành công với kinh tế Việt Nam khi GDP đạt tốc độ tăng trưởng 8,02% trong bối cảnh kinh tế quốc tế biến động khôn lường. Trong đó, các hoạt động xuất nhập khẩu đạt kết quả ấn tượng; thu hút FDI không chỉ ở những con số, mà đáng khích lệ hơn khi đó là dự cảm, dự định của các nhà đâu tư quốc tế - họ tin tưởng vào thị trường Việt Nam, mong muốn được hợp tác với các doanh nhân-doanh nghiệp Việt Nam. Nhìn nhận sâu xa, đó không chỉ là những kết quả về mặt kinh tế, mà những nỗ lực trong hoạt động kinh tế đang bồi đắp thêm – gia tăng sức hút của thương hiệu Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nhưng thẳng thắn nhìn lại, vẫn còn những bất cập, rào cản tồn tại, nếu có thể tháo gỡ hoặc đánh giá đúng và có những biện pháp quản trị rủi ro, giảm thiểu thiệt hại, kinh tế nói riêng, sự phát triển của đất nước nói chung sẽ mạnh mẽ, bền vững hơn.

Nâng cao hiệu quả, hiệu lực kiểm toán Nhà nước, góp phần thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế xã hội (31/1/2023)

Theo đánh giá của UBTV Quốc hội, trong năm 2022, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thực hiện tốt vai trò kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài chính công, tài sản công, đưa ra những đánh giá, chỉ rõ những bất cập, hạn chế, thiếu sót trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; đưa ra những kiến nghị xử lý tài chính, chỉ rõ những bất cập, những lỗ hổng về cơ chế, chính sách. Trên cơ sở đó, các cơ quan có thẩm quyền xem xét, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực công. Bên cạnh kiểm toán thường xuyên, năm 2022, KTNN thực hiện thành công kiểm toán Chuyên đề Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ. Đây là vấn đề được đại biểu QH và cử tri rất quan tâm. Qua kiểm toán, KTNN đã đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong quản lý, điều hành, sử dụng các nguồn lực cho phòng, chống dịch. Đặc biệt, năm 2022, lần đầu tiên KTNN có báo cáo Quốc hội ý kiến về chủ trương đầu tư đối với 5 dự án quan trọng quốc gia. Các ý kiến của KTNN được Quốc hội, các đại biểu Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao. Năm 2023, trong bối cảnh đất nước đang tập trung cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với nhiều chương trình, nhiệm vụ cấp bách đặt ra…, nhiệm vụ kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài chính công, tài sản công, phòng chống tham nhũng càng cấp thiết. Câu chuyện Thời sự hôm nay, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, Hà Thị Mỹ Dũng, sẽ trao đổi về chủ đề “Nâng cao hiệu quả, hiệu lực kiểm toán Nhà nước, góp phần thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế xã hội”.

Cải thiện môi trường kinh doanh: Giữ vững niềm tin cho doanh nghiệp trong năm 2023 (30/1/2023)

Năm 2022 cả nước đã có hơn 208 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động - con số kỷ lục từ trước đến nay. Song, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc rút lui khỏi thị trường cũng ghi nhận ở mức rất cao, với hơn 143.000 doanh nghiệp. Bên cạnh những tác động từ bên ngoài thì vẫn còn rất nhiều tồn tại từ chính các điều kiện kinh doanh, thủ tục rườm rà, thậm chí là chất lượng của các văn bản pháp luật chưa thực sự tốt. Đặc biệt là văn bản hướng dẫn thực thi còn chậm và chồng chéo... cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cùng bàn luận câu chuyện này.

Hiệp định Paris, đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam và những bài học đặt ra trong bối cảnh mới (27/1/2023)

Ngày này cách đây 50 năm trước, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết, buộc Mỹ phải rút khỏi Việt Nam và Đông Dương, chấm dứt dính líu quân sự ở miền Nam Việt Nam. Với Hiệp định này, nhân dân Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu đánh cho Mỹ cút, mở ra thuận lợi mới cho mục tiêu đánh cho Ngụy nhào, tạo tiền đề giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước với đại thắng mùa xuân năm 1975.
Tuy nhiên, để buộc Mỹ ký vào bản Hiệp định Paris năm 1973 là một chặng đường đầy chông gai kéo dài hơn 4 năm 8 tháng. Đây cũng là một trong những cuộc đấu tranh dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao nước ta ở thế kỷ 20. Để đạt được thắng lợi cuối cùng trên bàn đàm phán Paris năm ấy, chúng ta đã mất hơn 10 năm chuẩn bị với những nỗ lực phi thường trên mặt trận quân sự và ngoại giao. Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là GS- NGND Vũ Dương Ninh, nguyên Chủ nghiệm khoa quốc tế học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội, nhà nghiên cứu lịch sử quốc tế và PGS,TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng viện lịch sử Đảng, Học viện hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, chuyên gia nghiên cứu về lịch sử quân sự Việt Nam trong phần đầu của Câu chuyện Thời sự và Đại sứ Ngô Quang Xuân, nguyên Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại LHQ trong Phần 2.

Để Tết cổ truyền trở thành nguồn năng lượng cho phát triển

Tết Nguyên Đán là tết cổ truyền của người Việt Nam. Trải qua thời gian, ngày nay, trong nhịp sống hối hả, trong tâm thức của nhiều người Việt, Tết vẫn là dịp gia đình đoàn tụ cùng nhau quây quần bên mâm cơm, cùng nhau thăm hỏi người thân, cùng nhau đi lễ, chúc tết đầu năm… cầu mong một năm mới an lành, may mắn, an khang, thịnh vượng. Nhiều phong tục ngày Tết vẫn được lưu giữ từ năm này qua năm khác, từ đời này qua đời khác như cúng ông công ông Táo ngày 23 tháng Chạp, dọn dẹp nhà cửa, bày mâm ngũ quả, đón giao thừa, xông đất, hái lộc, đi lễ đầu năm, lì xì… làm cho Tết của người Việt có những nét rất riêng. Tuy nhiên, từ thực tế “đón Tết” những năm qua, khi những phong tục đẹp không còn giữ được ý nghĩa ban đầu, hoặc không còn được duy trì ở nhiều gia đình, thì đã có những tranh luận, liệu thời “4.0”, Tết có mất dần ý nghĩa, sự thiêng liêng? Làm sao để gìn giữ, phát huy những nét đẹp của Tết cổ truyền, để Tết trở thành nguồn năng lượng cho mỗi người, mỗi nhà, góp phần tạo thành sức mạnh nội sinh trong quá trình phát triển của quốc gia? TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội sẽ cùng bàn luận về nội dung này.

Canh giữ mùa Xuân từ hướng biển (19/1/2023)

Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023 đang cận kề nhưng nhiều con tàu của lực lượng Cảnh sát biển vẫn ra khơi trực chốt ngoài biển khơi và những điểm đảo thực hiện nhiệm vụ.
Khác với mọi năm, bên cạnh đảm bảo an toàn cho mọi hoạt động kinh tế trên biển, trực Tết năm nay với lực lượng Cảnh sát biển còn có nhiệm vụ quan trọng đó là cùng ngành thuỷ sản thực hiện cao điểm 180 ngày tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đảm bảo an toàn cho ngư dân vươn khơi bám biển xuyên Tết và nhiều hoạt động khác, bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo của Tổ quốc góp phần bảo vệ sự bình yên cho nhân dân vui Tết đón Xuân. Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là Đại tá Lương Đình Hưng, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ pháp luật, BTL Cảnh sát biển Việt Nam

Dịch vụ công trực tuyến hướng đến phục vụ lợi ích của người dân và doanh nghiệp (18/1/2023)

Thời gian qua, việc ứng dụng Dịch vụ công trực tuyến là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai Chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số. Hiện, đã có 4.290 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (chiếm 66% số lượng thủ tục hành chính).
Tuy nhiên số lượng dịch vụ công trực tuyến được sử dụng còn thấp ( chỉ khoảng 25,6%). Có thể nói, đưa thành công các dịch vụ công lên môi trường trực tuyến mới chỉ là tạo thêm một kênh để giải quyết các thủ tục hành chính. Điều quan trọng, các cơ quan, đơn vị cần có các giải pháp để người dân khai thác và sử dụng kênh giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, từ đó mới phát huy hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến. Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là Bà Phạm Ngọc Thủy – Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và ông Vũ Hoàng Liên – Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam.

Tuyên chiến với gian lận trên môi trường thương mại điện tử: Nhiệm vụ trọng tâm và những giải pháp cấp bách trong năm 2023 (17/1/2023)

Bước vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, trở thành kênh phân phối quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16 tỷ 400 triệu đô la Mỹ, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được một số tổ chức ghi nhận nằm trong top 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Bên cạnh những mặt tích cực, tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử cũng diễn ra phức tạp. Tăng cường xử lý vi phạm hàng giả, gian lận thương mại và chống thất thu thuế trên môi trường thương mại điện tử - được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023.

Bước tiến trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (16/1/2023)

Vừa qua, chủ trì phiên họp thứ 23 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định, qua 10 năm, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhận thức ngày càng sâu, quyết tâm ngày càng cao hơn, cách làm ngày càng bài bản, lớp lang hơn, số lượng vụ án đưa ra xử lý ngày càng nhiều trên hầu hết các lĩnh vực, ở cả các địa phương. Năm 2022, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn. Nhất là gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm, miễn nhiệm, từ chức theo quy định của Đảng, Nhà nước, để lại dấu ấn tốt, củng cố thêm niềm tin của nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2022. Có thể thấy, bước tiến trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thể hiện ở cách làm ngày càng bài bản, lớp lang, chắc chắn hơn và thuyết phục hơn. Bên cạnh đó, công tác này đã được thực hiện rất nhân văn, nhân nghĩa, nhân ái, nhân tình nhưng vẫn đủ răn đe và giáo dục, ngăn ngừa là chính. PGS.TS Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng bàn về câu chuyện này.

Không chủ quan với Covid-19 trong dịp Tết khi một số biến thể phụ mới xuất hiện (13/1/2022)

Nhằm tăng cường phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023, Bộ Y tế mới đây ban hành Công điện khẩn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur; các bệnh viện trực thuộc Bộ. Trong văn bản này, Bộ Y tế nhấn mạnh các địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại các cửa khẩu, phát hiện trường hợp nghi ngờ, mắc COVID-19 để xử lý kịp thời, đặc biệt các đối tượng nhập cảnh từ các khu vực đang bùng phát dịch, từ các nơi xuất hiện các biến thể mới, nguy hiểm của virus SARS-CoV-2; đẩy mạnh giám sát tại cộng đồng, tại các cơ sở khám, chữa bệnh nhằm sớm phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường. Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông tin về sự lưu hành hơn 500 biến thể phụ của Omicron có khả năng lây truyền cao và tránh được hệ miễn dịch, dẫn đến nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại. Tại nước ta, kết quả nghiên cứu cho thấy, có sự dịch chuyển từ biến thể phụ BA.5 của Omicrion sang biến thể phụ BA.2.75 trong 3 tháng cuối năm ngoái. Ngoài ra, còn ghi nhận sự xuất hiện của biến thể phụ XBB.1.5 vào tháng 12 năm 2022, đây được coi là biến thể siêu lây nhiễm đang xuất hiện tại gần 30 quốc gia, trong đó có những nước dịch bệnh đang bùng phát mạnh. Đáng chú ý là từ ngày 8/1, Trung Quốc đã mở cửa biên giới với các nước, trong đó có Việt Nam. Với diễn biến phức tạp của dịch Covid 19 tại Trung Quốc, nhiều người dân lo ngại nguy cơ dịch bệnh với biến thể mới xâm nhập và bùng phát tại nước ta. Khi Tết Nguyên đán cận kề, hoạt động giao thương, đi lại sôi động như hiện nay, việc kiểm soát dịch bệnh với những biến thể mới cần thực hiện như thế nào? Đâu là những giải pháp phù hợp để phòng chống dịch bệnh?

Nhìn lại 4 năm Hiệp định CPTPP có hiệu lực với Việt Nam: Những điểm cần lưu ý (12/1/2023)

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/01/2019. Sau 4 năm thực thi, hoạt động xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vào thị trường CPTPP tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu và xuất siêu. Qua đó, đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch covid- 19 cũng như các tác động khác của kinh tế thế giới. Tuy nhiên sau 4 năm thực thi Hiệp định CPTPP, cũng đã bộc lộ nhiều thách thức. Đồng thời, với các diễn biến mới từ thị trường CPTPP, doanh nghiệp cần nắm vững hơn các cam kết từ Hiệp định này, để tận dụng tốt hơn những lợi thế từ hiệp định. Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương cùng bàn luận về câu chuyện này.

Đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (11/1/2023)

Tết Nguyên đán đang đến rất gần, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa đang tăng và tập trung trong một giai đoạn ngắn. Dự trữ hàng hóa dịp này sẽ tăng khoảng 10 - 12% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu đối với một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến...
Càng những ngày giáp Tết Nguyên đán, hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua sắm, tiêu dùng càng được đẩy mạnh nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ gia tăng vi phạm trong lưu thông, kinh doanh hàng hóa…Vấn đề là làm sao phải thực sự đảm bảo về số lượng, chất lượng hàng hoá, từ đó thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa. Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội và đại diện một doanh nghiệp phân phối bán lẻ, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG (BRG Retaill).

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

5h00-5h10 Rao sóng
5h20-5h50 Mùa vàng
5h50-5h55 Quảng cáo
6h28-6h30 Quảng cáo
8h35-8h40 Quảng cáo
8h50-8h55 Quảng cáo
9h35-9h40 Quảng cáo
9h55-10h00 Quảng cáo
10h05-10h10 Quảng cáo
10h25-10h30 Quảng cáo
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
12h57-13h00 Quảng cáo
13h20-13h25 Quảng cáo
15h15-15h20 Quảng cáo
15h55-16h00 Quảng cáo
16h00-17h00 Theo dòng TS
17h50-17h59 Quảng cáo
18h57-19h00 Quảng cáo
19h00-19h05 Bản tin TS
19h05-19h10 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
22h00-23h00 Thức cùng VOV
23h10-23h15 Rao sóng
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: