logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

HNCC ASEAN-43: Khẳng định trung tâm kinh tế năng động toàn cầu và vai trò tích cực của Việt Nam (08/9/2023)

Sự kiện tâm điểm trong tuần là Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 diễn ra tại thủ đô Jakarta, Indonesia. Lấy hình ảnh “con thuyền ASEAN” đang tiến ra biển lớn, rộng mở với thế giới vì mục tiêu chung hòa bình, an ninh và ổn định, ngay tại phiên khai mạc, Tổng thống nước chủ nhà Indonesia Joko Widodo đã khẳng định rằng, ASEAN nhất trí và kiên định không biến khu vực thành nơi cọ xát quyền lực, mà là nơi nuôi dưỡng hợp tác và đối thoại vì hòa bình và thịnh vượng. Hiện thực hoá mục tiêu này, tại hội nghị cấp cao ASEAN 43, hàng loạt văn kiện quan trọng đã được thông qua, bao trùm tất cả những vấn đề cốt lõi của ASEAN, từ thúc đẩy tinh thần đoàn kết cho đến tăng tốc phát triển kinh tế khu vực… Nổi bật nhất là Tuyên bố Gia-các-ta về ASEAN tầm vóc - Tâm điểm của tăng trưởng (hay còn gọi là Thoả thuận ASEAN 4) đặt nền móng cho Tầm nhìn dài hạn cho Cộng đồng ASEAN đến năm 2045. Đây là lần đầu tiên, ASEAN đặt ra một tầm nhìn và lộ trình dài hơi như vậy, thể hiện một khu vực có tầm nhìn dài hạn và bền vững. PGS.TS.Dương Văn Huy - Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cùng trao đổi để cùng nhìn lại những kết quả nổi bật của chuỗi hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và vai trò tích cực, chủ động của Việt Nam trong ASEAN.

Cánh sóng vươn xa (7/9/2023)

11h30 phút ngày 7/9/1945, sau 5 ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời Tuyên ngôn khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Đài TNVN chào đời với lời xướng đầy tự hào: “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa”. Khoảnh khắc ấy, giờ phút ấy chỉ diễn ra trong 30 phút nhưng mãi in đậm vào ký ức của mỗi người dân Việt Nam.
Chúng tôi muốn nhắc lại dấu mốc lịch sử đặc biệt ấy để một lần nữa thêm tự hào về Đài Tiếng nói Việt Nam – cơ quan ngôn luận quan trọng hàng đầu đã luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng toàn Đảng, toàn dân suốt chiều dài lịch sử 78 năm qua. Hiện nay, trong xu thế phát triển của thời đại 4.0 và xu hướng tiếp nhận thông tin của công chúng có sự thay đổi, hơn bao giờ hết, mục tiêu kết nối, truyền tải thông tin, đưa làn sóng đến gần hơn với công chúng trở thành ưu tiên hàng đầu trong sự phát triển của Đài Tiếng nói Việt Nam. Với tâm thế đó và để vươn mình trở thành cơ quan truyền thông hiện đại, đa phương tiện, Đài Tiếng nói Việt Nam không ngừng chuyển mình, từ việc phát triển 4 loại hình báo chí, nâng cao chất lượng nội dung, cho đến tiếp cận chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới để “cánh sóng có thể vươn xa”. Cùng nghe những chia sẻ của ông Vũ Hải Quang - Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam để hiểu rõ hơn những nỗ lực, những định hướng “làm mới” việc truyền tải “Tiếng nói Việt Nam” đến thính giả mọi miền tổ quốc và ở nước ngoài.

Năm học 2023- 2024 – “năm học bứt tốc của đổi mới giáo dục” (5/9/2023)

Sáng nay (5/9), các địa phương trên toàn quốc đồng loạt tổ chức Lễ khai giảng năm học 2023-2024 trong không khí tươi vui, phấn khởi. Năm học 2023-2024 được coi là năm bứt phá, hay nói như cách của người đứng đầu ngành giáo dục là năm học bứt tốc trong quá trình đổi mới giáo dục phổ thông – chuẩn bị cho giai đoạn cuối của quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây là một năm vừa nhìn lại kết quả 3 năm đã triển khai, trực tiếp triển khai các lớp 4, 8, 11 và chuẩn bị các điều kiện triển khai các lớp cuối cùng. Với những yêu cầu đó, ngành giáo dục đang đứng trước năm học với khối lượng công việc nhiều nhất trong toàn bộ chu trình đổi mới. Yêu cầu đổi mới đi vào chiều sâu, đến từng môn học, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Những khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ cũng sẽ bộc lộ nhiều hơn so với những năm học trước. Do đó đòi hỏi phải dồn lực tập trung cao độ để vượt qua và đạt được mục tiêu đề ra. Một năm học nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, ngành giáo dục xác định những nhiệm vụ trọng tâm ra sao? Nhân dịp năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ câu chuyện này.

Những cơ hội để thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (04/9/2023)

Hơn 18 tỷ USD là tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đầu tư vào nước ta trong 8 tháng qua. Đáng chú ý là nếu như 6 tháng đầu năm tổng số vốn FDI chỉ thu hút được hơn 13 tỷ 400 triệu đô la Mỹ, giảm so với cùng kỳ năm ngoái, thì tháng 7 và tháng 8 tăng tốc với tổng số vốn đầu tư tăng thêm tới gần 5 tỷ đô, giúp 8 tháng qua nguồn vốn này tăng hơn 8% so với cùng kỳ. Điều gì đã tạo ra “cơn gió ngược” FDI ấn tượng trong 2 tháng qua và đâu là những cơ hội để thu hút dòng vốn chất lượng cao đang dịch chuyển trên toàn cầu?

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI tiếp tục đà tăng trong 8 tháng năm nay (31/8/2023)

Hơn 18 tỷ USD là tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đầu tư vào nước ta trong 8 tháng qua. Đáng chú ý là nếu như 6 tháng đầu năm tổng số vốn FDI chỉ thu hút được hơn 13 tỷ 400 triệu đô la Mỹ, giảm so với cùng kỳ năm ngoái, thì tháng 7 và tháng 8 tăng tốc với tổng số vốn đầu tư tăng thêm tới gần 5 tỷ đô, giúp 8 tháng qua nguồn vốn này tăng hơn 8% so với cùng kỳ. Điều gì đã tạo ra “cơn gió ngược” FDI ấn tượng trong 2 tháng qua và đâu là những cơ hội để thu hút dòng vốn chất lượng cao đang dịch chuyển trên toàn cầu?

Phân loại rác thải tại nguồn cần được vận hành đồng bộ? (30/8/2023)

Thời gian qua, việc phân loại chất thải tại nguồn đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Nhiều địa phương đã tích cực xây dựng các chương trình, dự án về phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, việc phân loại tại nguồn chưa đạt được kết quả cao do các chương trình phân loại rác tại nguồn ở các địa phương phần lớn chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, chưa quyết liệt. Mặt khác, nhiều địa phương chưa có thiết bị, phương tiện thu gom riêng đối với từng loại chất thải được phân loại.
Mới đây, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh thông tin: Dự kiến tháng 9 năm nay, Bộ TNMT sẽ ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Đây là cơ sở để các địa phương triển khai hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn theo lộ trình chậm nhất đến ngày 31/12/2024.
Vậy lộ trình từ năm 2025 bắt đầu thực hiện phân loại rác thải - thời gian chỉ còn hơn 1 năm, liệu có đủ để thực hiện kế hoạch đúng thời hạn Luật định? Cần có những kế hoạch, lộ trình và đầu tư đồng bộ ra sao? PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam cùng bàn luận vấn đề này.

Có nên xem xét lại việc đổi mới tuyển sinh Đại học? (28/8/2023)

Hai thủ khoa tổ hợp A00 (Toán-Lý-Hóa) toàn quốc kỳ thi Tôt nghiệp THPT năm 2023 với 29,35 điểm đều trượt nguyện vọng 1 ngành khoa học máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội. Câu chuyện vẫn đang thu hút sự quan tâm của dư luận cho tới thời điểm này. Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều thí sinh khác trên cả nước hiện được điểm số cao nhưng vẫn trượt nguyện vọng. Thực tế những năm qua cho thấy rất nhiều thí sinh điểm khá cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn trượt nguyện vọng 1, thậm chí rớt đại học. Hàng loạt băn khoăn đặt ra từ câu chuyện này như Thủ khoa toàn quốc gần 30 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1 có phải là chuyện quá kỳ lạ? Cách tính điểm của ĐH Bách khoa liệu có gây thiệt thòi cho thí sinh? Nếu nhìn ở góc độ tự chủ đại học cho thấy điều gì? Phải chăng cần phải xem xét lại việc đổi mới tuyển sinh khi để các trường đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển dẫn tới rối loạn? Chuyên gia giáo dục Đinh Đức Hiền – Trưởng khối THPT, Tổ trưởng Tổ tự nhiên THCS&THPT Trường Phổ thông liên cấp FPT Bắc Giang lý giải rõ hơn câu chuyện này.

Sàn giao dịch việc làm trực tuyến toàn quốc – đòi hỏi từ thực tiễn và trách nhiệm của các bên liên quan (25/8/2023)

Cả nước hiện có 82 trung tâm dịch vụ việc làm công lập, khoảng 500 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm tư nhân cùng mục đích kết nối cung cầu thị trường lao động. Tuy nhiên, thực tế, không phải đơn vị nào cũng xây dựng những sàn giao dịch việc làm trực tuyến hữu dụng thực sự với người lao động, với nền kinh tế. Liệu đó đã là tất cả nguyên nhân cho đề xuất cần sớm xây dựng 1 sàn giao dịch việc làm cấp độ Quốc gia? Yêu cầu cao nhất của 1 sàn giao dịch việc làm cấp quốc gia là gì và trách nhiệm của các bên liên quan trong câu chuyện này là gì? Kinh nghiệm quốc tế nào cho Việt Nam…PGS.TS Cao Văn Sâm – Chủ tịch Hội đồng cố vấn Viện Đào tạo và phát triển nhân lực, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam; Chuyên gia lao động, việc làm cùng bàn luận câu chuyện này.

Nhà nước biên soạn SGK: Làm sao để đảm bảo mục tiêu xã hội hóa? (22/8/2023)

Những vấn đề liên quan đến SGK đang là chủ đề nóng trên các diễn đàn, được dư luận quan tâm trước thềm năm học mới. Đặc biệt khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ GD-ĐT phải tổ chức biên soạn một bộ SGK. Trong Công điện ngày 16/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương có giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập được Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra trong triển khai chương trình phổ thông, SGK mới, trong đó có việc chuẩn bị nội dung một bộ SGK của Nhà nước. PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, nguyên Điều phối viên chính, Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ GD&ĐT, Thành viên Ban Phát triển Chương trình môn Tiếng Việt - Ngữ văn, cùng bàn luận câu chuyện này.

Mức lương cao liệu có phải là điều kiện cần để thu hút các nhà khoa học? (21/8/2023)

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trả mức lương 120 triệu đồng một tháng đối với chức danh lãnh đạo trung tâm nghiên cứu khoa học công lập để thu hút nhân tài về làm việc. Đây là một trong những đề xuất trong Đề án chế độ thu nhập cho chức danh lãnh đạo, người nghiên cứu khoa học do Sở Khoa học - Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh soạn thảo, dự kiến trình Hội đồng nhân dân thành phố thông qua trong tháng 9 tới. Nhu cầu nhân tài khoa học công nghệ ở bất cứ quốc gia, địa phương nào cũng cần. Tuy vậy, mức lương cao liệu có phải là điều kiện cần để thu hút các nhà khoa học? Ngoài tăng thu nhập, cần những giải pháp nào thu hút và giữ được nhân tài? Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường, Phó viện trưởng, Viện Nghiên cứu khoa học hành chính, Học viện Hành chính quốc gia cùng bàn luận câu chuyện này.

Điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh: Làm sao để đảm bảo quyền lợi của người bệnh? (18/8/2023)

Theo quy định của Bộ Y tế, khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/8. Đây là lần đầu tiên ngành Y tế có khung giá chung cho dịch vụ khám, chữa bệnh dịch vụ. Khung giá mới được kỳ vọng sẽ có mức giá thống nhất cho các dịch vụ y tế, tránh tình trạng mỗi nơi một giá như trước đây. Câu hỏi đặt ra là khi tiền khám dịch vụ tăng thì chất lượng liệu có tăng theo? Làm sao để đảm bảo quyền lợi của người bệnh khi đi khám chữa bệnh dịch vụ tại các cơ sở y tế công lập? TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội cùng bàn luận câu chuyện này.

Hoàn thành mục tiêu đón khách quốc tế khi thực hiện chính sách thị thực mới (16/8/2023)

Cùng thời điểm đó, nước ta cùng sẽ miễn thị thực cho công dân các nước thuộc nhóm trọng điểm du lịch như Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Italia, Vương quốc Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc ... với thời hạn tạm trú 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi điểm nghẽn visa đã được tháo gỡ, cần làm gì để hoàn thành mục tiêu đón 8 triệu lượt khách nước ngoài và có thể còn hơn nữa, nhất là mùa cao điểm du lịch quốc tế sẽ bắt đầu vào tháng 9 sắp tới.

Thành lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất: Làm thế nào để triển khai ý tưởng này hiệu quả? (15/8/2023)

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu thành lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất. Nhiều chuyên gia nhận định, việc cho ra đời sàn giao dịch này sẽ là một tín hiệu tốt cho thị trường, hạn chế tình trạng đầu cơ, thổi giá, tạo bong bóng trên thị trường đất đai. Bên cạnh đó, thông qua sàn giao dịch quyền sử dụng đất cơ quan chức năng sẽ xây dựng được cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường đất đai, giúp cơ quan dễ dàng hơn trong kiểm soát giao dịch thị trường. Tuy nhiên, từ ý tưởng đến hiện thực còn nhiều vấn đề cần được làm rõ. Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cùng bàn luận về việc xây dựng sàn giao dịch quyền sử dụng đất.

Tạm dừng tăng học phí: Áp lực chất lượng giáo dục Đại học (14/8/2023)

Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là học sinh, sinh viên trên trên cả nước bước vào năm học mới. Thời điểm này, những câu chuyện liên quan đến giáo dục là chủ đề đáng quan tâm của toàn xã hội. Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu Bộ GD-ĐT thống nhất với các bộ có liên quan để hoàn thiện dự thảo nghị định theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định số 81 và không tăng học phí năm học 2023 - 2024. Như vậy, đây sẽ là năm thứ 3 liên tiếp các trường đại học không tăng học phí kể từ khi Nghị định 81 có hiệu lực. Việc hoãn, tiếp tục chưa tăng học phí năm học 2023-2024 nhằm giảm gánh nặng cho người dân, đồng thời giúp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Quyết định này làm cho nhiều phụ huynh, học sinh thở phào, tạm trút gánh nặng học phí trước mắt, song cũng khiến các cơ sở giáo dục công lập - nhất là hệ thống trường đại học chịu nhiều áp lực. PGS TS Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội cùng bàn luận vấn đề này.

Lương tối thiểu 2024 – Bối cảnh mới, cần khách quan, hài hoà lợi ích (11/8/2023)

Phiên họp thứ nhất của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã diễn ra hôm 9/8 vừa qua - thảo luận, thương lượng về phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2024. Vẫn là… bên có – bên không; bên mong muốn nhiều – bên kỳ vọng không thay đổi. Hội đồng tiền lương quốc gia mới họp 1 lần, sẽ còn các phiên họp nữa dự kiến diễn ra vào quý Tư, mới có phương án trình Chính phủ. Việc điều chỉnh lương tối thiểu là quan trọng, cần thiết nhưng điều chỉnh tăng ở mức bao nhiêu, thực hiện từ thời điểm nào cho đảm bảo hợp lý, hài hoà lợi ích các bên… luôn là bài toán khó. Tính khách quan và công minh phải là yêu cầu tiên quyết mới mong việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2024 hợp tình-hợp lý, hỗ trợ phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

5h00-5h10 Rao sóng
5h20-5h50 Mùa vàng
5h50-5h55 Quảng cáo
6h28-6h30 Quảng cáo
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
12h57-13h00 Quảng cáo
13h20-13h25 Quảng cáo
15h15-15h20 Quảng cáo
15h55-16h00 Quảng cáo
16h00-17h00 Theo dòng TS
17h50-17h59 Quảng cáo
18h57-19h00 Quảng cáo
19h00-19h05 Bản tin TS
19h05-19h10 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
22h00-23h00 Thức cùng VOV
23h10-23h15 Rao sóng
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: