logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Lương tối thiểu 2024 – Bối cảnh mới, cần khách quan, hài hoà lợi ích (11/8/2023)

Phiên họp thứ nhất của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã diễn ra hôm 9/8 vừa qua - thảo luận, thương lượng về phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2024. Vẫn là… bên có – bên không; bên mong muốn nhiều – bên kỳ vọng không thay đổi. Hội đồng tiền lương quốc gia mới họp 1 lần, sẽ còn các phiên họp nữa dự kiến diễn ra vào quý Tư, mới có phương án trình Chính phủ. Việc điều chỉnh lương tối thiểu là quan trọng, cần thiết nhưng điều chỉnh tăng ở mức bao nhiêu, thực hiện từ thời điểm nào cho đảm bảo hợp lý, hài hoà lợi ích các bên… luôn là bài toán khó. Tính khách quan và công minh phải là yêu cầu tiên quyết mới mong việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2024 hợp tình-hợp lý, hỗ trợ phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.

Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề và bài học ứng phó (10/8/2023)

Những ngày qua, nhiều địa phương trên cả nước bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra. Nỗi đau, nỗi tang thương ập đến với nhiều gia đình khi lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra, gây thương vong cho người dân và vùi lấp nhà cửa, công trình, sạt trượt đường giao thông, hư hỏng nhiều diện tích hoa màu… Đáng nói là tình trạng sạt lở, sụt lún, nứt đất xảy ra nghiêm trọng ở nhiều nơi, đe doạ đến một số công trình, đường giao thông, hồ chứa thuỷ lợi, gây nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của người dân khiến tỉnh Đắc Nông đã phải công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai. Trước tình hình này, vấn đề tìm hiểu nguyên nhân, và đề ra các giải pháp ứng phó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai trước mắt và lâu dài hết sức quan trọng, cấp bách, nhất là năm nay được dự báo sẽ có nhiều đợt thiên tai, mưa bão dị thường.

Làm thế nào để giải bài toán thiếu giáo viên cho năm học mới 2023-2024 (8/8/2023)

Theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục và đào tạo, cả nước hiện còn thiếu hơn 118.000 giáo viên.
Bộ cũng thẳng thắn thừa nhận tình trạng thiếu giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập trên cả nước tiếp tục gia tăng. Dù rằng, các địa phương tích cực triển khai công tác tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được giao; tăng cường chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Năm học mới cũng không còn bao xa, thời điểm này, các địa phương lại bắt đầu tìm cách để giải bài toán cũ. Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là Bà Nguyễn Thị Mai Thoa - Ủy viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội.

Ưu tiên cho tăng trưởng, thúc đẩy cả tổng cung, tổng cầu, 3 động lực tăng trưởng (7/8/2023)

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7 và 7 tháng năm 2023 diễn ra cuối tuần qua, mặc dù nhận diện còn nhiều khó khăn, thách thức, song, trên cơ sở kết quả kinh tế - xã hội tháng 7 tốt hơn so tháng 6, góp phần vào kết quả chung của 7 tháng; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh “chưa thay đổi mục tiêu về tăng trưởng”. Như vậy trong 6 tháng cuối năm, phải đạt tăng trưởng khoảng 9%. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đặt trọng tâm chỉ đạo, điều hành là “ưu tiên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao đời sống cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội…”. Đáng lưu ý, trong 6 nội dung chỉ đạo điều hành, Chính phủ nhấn mạnh việc “Ưu tiên cho tăng trưởng, thúc đẩy cả tổng cung, tổng cầu, 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng)” và “Rút ngắn quy trình, thủ tục xây dựng thể chế và văn bản”. Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký VCCI, Trưởng Ban pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng bàn luận câu chuyện này.

Xuất khẩu gạo và bài toán đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh giá mặt hàng này liên tục tăng và tác động của El Nino vẫn kéo dài (04/8/2023)

Báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, chỉ số giá gạo thế giới đang ở mức cao nhất trong vòng 11 năm qua. Ngay sau khi thông báo của Ấn Độ cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo trắng thường có hiệu lực ngày 20/7, giá gạo xuất khẩu của hầu hết các quốc gia liên tục tăng theo ngày, trong đó có Việt Nam. Đây được xem là cơ hội cho các doanh nghiệp nước ta đẩy mạnh xuất khẩu gạo, gia tăng lợi nhuận cho cho người nông dân. Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của thị trường và tác động của El Nino, nước ta cần có sự cân đối lượng gạo xuất khẩu và tiêu dùng nội địa để vừa gia tăng kim ngạch xuất khẩu, vừa bình ổn giá thóc, gạo trong nước và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia ra sao? Người nông dân cần chú ý những vấn đề gì trước khi xuống giống vụ thu đông?

Tiêu chí nào để việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã đảm bảo bài bản, khoa học, hiệu quả? (3/8/2023)

Quận Hoàn Kiếm và 176 xã, phường của thành phố Hà Nội sẽ thuộc diện phải sáp nhập trong giai đoạn 2023-2025 nếu rà soát và đối chiếu với các tiêu chí theo Nghị quyết 35 của Quốc hội. Thông tin này nhận được nhiều ý kiến khác nhau trong những ngày qua. Việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã là việc khó, không chỉ tác động đến kinh tế, xã hội mà còn tác động đến vấn đề cán bộ, tổ chức hoạt động của bộ máy và thậm chí là quyền lợi của người dân. Vì thế, mới đây, tại hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn tới phải gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tạo ra không gian phát triển mới, tư duy mới, tầm nhìn mới. Để thực hiện được yêu cầu đó, chắc chắn, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã không thể là phép cộng cơ học của những tiêu chí về diện tích, dân số. Vậy các tiêu chí nào cần được tính toán để việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã đảm bảo bài bản, khoa học, hiệu quả?.Ông Ngô Sách Thực, nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng bàn luận câu chuyện này.

Vì sao lại có tình trạng này và giải pháp nào để ngăn chặn được hành vi chây ì, trốn nợ đóng BHXH? (02/8/2023)

Theo thống kê từ BHXH Việt Nam, tổng số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội của các cơ quan, đơn vị trong giai đoạn 2016 – 2022 là trên 10.000 tỷ đồng/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, BHXH Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra tại hơn 9.000 đơn vị, kết quả số tiền các đơn vị đã khắc phục, nộp tiền chậm đóng trong thời gian thanh tra kiểm tra trực tiếp là 425,4 tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022). Mới đây nhất, UBND Tp.HCM đã đề nghị công an vào cuộc, phối hợp với Bảo hiểm xã hội xác minh, củng cố hồ sơ và đề nghị khởi tố một số DN nợ đóng BHXH. Yêu cầu này của Tp.HCM xuất phát từ thực trạng nợ BHXH trên địa bàn không có chiều hướng giảm với hơn 82.000 DN chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT, tổng số tiền hơn 6.222 tỉ đồng. Có thể nói, tình trạng doanh nghiệp chây ì, nợ đóng BHXH ngày càng diễn biến phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động. Thực trạng này rất cần những biện pháp cụ thể, quyết liệt và đồng bộ để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động. Đây cũng là nội dung được bàn luận trong câu chuyện thời sự hôm nay với sự tham gia của ông Lê Đình Quảng, phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn lao động VN.

Tháo gỡ các điểm nghẽn và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (1/8/2023)

Văn kiện Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII nêu mục tiêu “Tiếp tục hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, với điểm mới nổi bật là việc xác định hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường nói chung, nhưng tập trung vào tháo gỡ những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển kinh tế thị trường của nước ta và nâng cao chất lượng thể chế. Cụ thể là hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia, xây dựng và thực thi pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Quá trình chuyển sang kinh tế thị trường vừa qua, Đảng ta đã xác định một trong những cản trở chính là hệ thống pháp luật còn chưa hoàn thiện, chồng chéo. Đồng thời, trước yêu cầu phát triển mới, đặc biệt là do tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhiều ngành, nghề mới ra đời cần phải có môi trường pháp lý bảo đảm cho sự phát triển. TS Nguyễn Quốc Việt- Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội, cùng nhìn nhận về quá trình “Tháo gỡ các điểm nghẽn và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Xuất khẩu gạo và bài toán đảm bảo an ninh lương thực (31/7/2023)

Báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, chỉ số giá gạo thế giới đang ở mức cao nhất trong vòng 11 năm qua. Ngay sau khi thông báo của Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo có hiệu lực ngày 20/7, giá gạo xuất khẩu của hầu hết các quốc gia tăng theo ngày, trong đó có Việt Nam.
Đây được xem là cơ hội cho doanh nghiệp nước ta đẩy mạnh xuất khẩu gạo, gia tăng lợi nhuận cho nông dân. Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của thị trường và tác động của El Nino, nước ta cần giải pháp gì để cân đối lượng gạo xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, vừa gia tăng kim ngạch xuất khẩu, vừa bình ổn giá thóc, gạo trong nước và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia? Ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA) cùng bàn luận câu chuyện này.

Hơn 52 nghìn học sinh lớp 1 bị xếp loại “chưa hoàn thành”: Lo ngại từ những con số (28/7/2023)

Theo báo cáo tổng kết năm học 2022-2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có trển 105.000 học sinh tiểu học bị đánh giá ở mức “chưa hoàn thành” – chiếm 1,2%. Đáng chú ý trong số này có hơn 52.000 học sinh lớp 1. Như vậy so với trên 1,7 triệu học sinh lớp 1 được đánh giá, có gần 3% “chưa hoàn thành” chương trình. Đây là năm học thứ ba thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1. Các con số này có bình thường không? Liệu có cần xem lại cách giáo dục, chất lượng dạy và học đối với lớp 1, nhất là khi triển khai chương trình - sách giáo khoa mới? Giải pháp nào đối với 52.000 học sinh lớp 1 chưa hoàn thành chương trình?

Thực hiện tốt chính sách với người có công trong tình hình mới (27/7/2023)

76 năm qua kể từ ngày 27-7-1947 được chọn là Ngày Thương binh, liệt sĩ, Đảng, Nhà nước đã ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách lớn tri ân những người có công với cách mạng, thể hiện truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc và bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa đối với người có nhiều cống hiến cho đất nước. Trong giai đoạn cách mạng mới, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định: “Thực hiện tốt chính sách người có công; đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội”. Làm sao để chế độ ưu đãi phù hợp với công lao, mức độ cống hiến của người có công, phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước?

Đến thời điểm nào Việt Nam có thể giải quyết được tình trạng thiếu vaccine? (25/7/2023)

Vào ngày 27/7 tới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương, WHO tại Việt Nam, UNICEF Việt Nam sẽ hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam trên 200.000 liều vaccine '5 trong 1' cho trẻ em. Đây là vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB và viêm gan B mà vì nhiều nguyên nhân, vaccine này trên toàn quốc đã hết từ tháng 2 đến nay. Bên cạnh đó, một số vaccine sởi và DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) tại các địa phương cũng phải chờ tổ chức mua sắm đấu thầu trở lại mới có để tiêm cho các em. Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, việc chúng ta tìm nguồn vaccine viện trợ có giải quyết được việc bao phủ tiêm phòng vaccine cho trẻ em trong cả nước trong năm 2023? Việc thiếu vaccine ảnh hưởng gì đến công tác phòng chống dịch và kế hoạch tiêm chủng cho trẻ?

Phát huy nội lực- cách thức để Việt Nam thích ứng và phát triển trong thế giới đầy biến động (24/7/2023)

Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với những khó khăn chưa từng có: Từ dịch bệnh, đến những bất ổn địa chính trị toàn cầu, tác động của biến đổi khí hậu… Sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu kéo theo những hệ lụy: giảm thu nhập, mất việc, nguy cơ phá sản… Sau đại dịch Covid – 19, mặc dù nền kinh tế của chúng ta không phải hứng chịu sự tàn phá nặng nề như một số quốc gia khác, nhưng cũng đã có những ảnh hưởng bất lợi, gây khó khăn cho phục hồi và phát triển kinh tế.
Việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả- Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII- là hết sức cần thiết để kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, qua đó nâng cao sức mạnh nội lực, xử lý hiệu quả các vấn đề nội tại và thách thức nổi lên, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. PGS.TS Nguyễn Ngọc Toàn- Phó Viện trưởng Viện Kinh tế- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng bàn luận câu chuyện này.

Nhìn lại một năm học triển khai chương trình, Sách giáo khoa mới ở bậc Trung học phổ thông (20/7/2023)

Học sinh thi tốt nghiệp Trung học phổ thông vừa biết điểm và cân nhắc các nguyện vọng để xét tuyển vào Đại học, cao đẳng, còn học sinh vào lớp 10 năm nay cũng đang băn khoăn lựa chọn các tổ hợp môn học - một trong những việc rất quan trọng để thích ứng với các thay đổi về thi cử, tuyển sinh đại học từ năm 2025. Năm học vừa qua là năm đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc Trung học phổ thông. Sau một năm học triển khai, chương trình mới đã bộc lộ một số bất cập, cần phải “gỡ” ngay khi năm học 2023-2024 đang cận kề.

Làm thế nào để vận hành hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương? (19/7/2023)

Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các địa phương là Thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Cần Thơ, Khánh Hòa, Đà Nẵng, thành phố Hà Nội và mới đây nhất là Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh. Có thể khẳng định sự cần thiết và tầm quan trọng của các cơ chế, chính sách đặc thù này để phát triển các địa phương. Tuy nhiên, những lực đẩy nào, những yếu tố gì cần được kích hoạt để tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ, đạt được mục tiêu đặt ra? Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong và GS-TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng trường Đại học kinh tế quốc dân, đại biểu Quốc hội khóa 14, 15 cùng bàn luận câu chuyện này.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h50-05h59 Quảng cáo
06h28-06h30 Quảng cáo
9h15-10h00 Đối thoại
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h00-13h30 CLB âm nhạc
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
23h30-24h00 Nhịp sống
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: