VOV1 - Chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm và ban hành nhiều Nghị quyết nhằm tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Dưới sự lãnh đạo của Đảng với phương pháp, cách thức cầm quyền dân chủ, khoa học, thường xuyên được đổi mới phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ từng thời kỳ, sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung, sự nghiệp đổi mới nói riêng, đã lập nhiều kỳ tích, đạt được thành tựu. Tuy nhiên, trong bài viết của mình mới đây, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã cho rằng: “Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu có nội dung chưa rõ; phân cấp, phân quyền chưa mạnh”. Điều này đã cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; đồng thời tạo cơ chế “xin-cho”. Việt Nam đang đứng trước kỷ nguyên mới, với những thách thức mới, yêu cầu mới. Để thực hiện mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, thì một trong những giải pháp cần thực hiện đó là cần phân cấp, phân quyền như thế nào để "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" nhằm thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh, thành phố - nhân tố để quyết định sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội.