logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất: an cư để công nhân yên tâm lạc nghiệp (03/12/2021)

Hiện nay, cả nước có khoảng 4 triệu 800 nghìn công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, trong đó hơn 70% đang thuê trọ trong các khu nhà người dân tự xây. Nhà trọ tạm bợ, diện tích nhỏ, thiếu các tiện ích tối thiểu, giá cả thuê trọ lại bấp bênh khiến công nhân gặp rất nhiều khó khăn.
Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy, có tới hơn một nửa trong số này có nhu cầu về nhà ở ổn định để công nhân an tâm gắn bó lâu dài với công ty, với khu công nghiệp. Thế nhưng các khu công nghiệp, các địa phương trên cả nước mới chỉ đáp ứng chỗ ở được khoảng 330 nghìn lao động. Con số này, một lần nữa nhắc lại những trì trệ trong việc xây dựng nhà ở cho công nhân vốn đã được đặt ra từ rất lâu, trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Việc làm này càng trở nên cấp bách sau đợt dịch covid 19 bùng phát vừa qua. Cùng khách mời là ông Lê Văn Nghĩa, Quyền Trưởng ban Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bàn luận rõ hơn về nội dung này.

Suy ngẫm về bình đẳng giới từ phát ngôn của chàng trai Huế gây xôn xao dư luận (2/12/2021)

Bạn đời không được phép sơn móng tay hay nhuộm tóc, phải có trình độ… thậm chí là “sẽ ly hôn nếu vợ không sinh được con trai”… đây là những tuyên bố của chàng trai gốc Huế về tiêu chí chọn người yêu trong một chương trình hẹn hò, khiến cộng đồng mạng đang bàn tán xôn xao. Nguyên nhân được giải thích là dòng tộc của chàng trai rất coi trọng con trai và muốn có cháu đích tôn nối dõi. Liên quan đến vấn đề này, chàng trai tâm sự rằng bản thân đồng ý với tư tưởng chuyện hệ trọng trong gia tộc “con trai là trụ cột, con gái chỉ ngồi mâm dưới”.
Những phát ngôn của chàng trai khiến cho nhiều người khá bất ngờ, thậm chí là “sốc nặng”, tạo ra không ít cuộc tranh cãi trái chiều. Tại sao một chàng trai 9X, sống ở thế kỷ 21 – thời đại 4.0 mà lại có tư tưởng trọng nam khinh nữ như vậy, nhất là giữa bối cảnh xã hội hiện đại đang cố gắng phấn đấu hướng tới bình đẳng giới.
Câu chuyện này cũng đặt cho chúng ta những suy ngẫm về bình đẳng giới trong xã hội hiện đại. TS Lý Tùng Hiếu, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cùng bàn luận về vấn đề này

Dạy học theo chương trình mới: Lúng túng với môn tích hợp (01/12/2021)

Một môn nhưng có đến 3 giáo viên cùng dạy; một bài kiểm tra, 3 giáo viên chuyền tay cùng chấm... đó là thực trạng sau gần 1 học kỳ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 6 với sự xuất hiện của các môn tích hợp. Năm học 2021- 2022 là năm đầu tiên triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới với lớp 2 và lớp 6 theo lộ trình. Với riêng khối 6, việc xuất hiện các môn tích hợp được coi là “làn gió mới” nhưng cũng mang đến không ít lúng túng cho các trường THCS trong công tác phân công giáo viên và sắp xếp thời khóa biểu.

Làm sao để hạn chế thấp nhất các phản ứng nặng trong quá trình tiêm phòng cho trẻ? (30/11/2021)

Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc tuần qua luôn vượt ngưỡng 12-13.000 ca/ ngày. Trong khi đó, biến thể mới Omicron đang báo động nguy cơ lây lan nhanh hơn. Để chủ động phòng chống dịch COVID-19 và thích ứng trong tình trạng bình thường mới, trong những ngày gần đây, hầu hết các địa phương trong cả nước đã tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho hàng triệu em nhỏ từ 12 đến 17 tuổi đảm bảo an toàn, đúng lộ trình. Tuy vậy, trong quá trình tiêm cũng xuất hiện rủi ro không mong muốn khiến 2 học sinh tại Bắc Giang và Hà Nội tử vong.
Làm sao để hạn chế thấp nhất các phản ứng nặng xảy ra trong quá trình tiêm phòng cho trẻ? Các cơ sở y tế địa phương cần tuân thủ quy trình an toàn tiêm chủng ở mức độ nào? Việc nhận biết các phản ứng tâm lý của cơ thể và phản ứng sốc do vắc xin cần được phân biệt ra sao để đảm bảo an toàn nhất cho trẻ? TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cùng bàn luận về câu chuyện này.

Cần phát triển thị trường văn hóa, nghệ thuật như thế nào để đưa văn hoá nghệ thuật Việt ra thế giới (29/11/2021)

Phát triển thị trường văn hóa, nghệ thuật Việt Nam là một trong những nội dung được nhắc tới như là giải pháp để phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới- theo tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết của Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng. Thế nhưng cần phát triển như thế nào để không chỉ định hình bản sắc mà còn đưa nghệ thuật văn hoá Việt ra thế giới là câu chuyện đang được rất nhiều người quan tâm.

Đánh giá chính sách hỗ trợ người lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp (26/11/2021)

Thực hiện Quyết định số 28/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), sau hơn 1 tháng triển khai, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực với hơn 28.000 tỷ đồng trong tổng số khoảng 38.000 tỷ đồng của gói hỗ trợ hỗ trợ được giải ngân. BHXH Việt Nam đã triển khai việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong toàn Ngành, rà soát, gửi danh sách cho đơn vị sử dụng lao động cho đến khâu chi trả hỗ trợ cho người lao động, cũng như quy trình thực hiện giảm đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho đơn vị, bảo hiểm xã hội Việt Nam đã rút ngắn thời hạn thực hiện xuống 50% so với quy định của Quyết định 28/2021

Củng cố văn hoá gia đình - nền tảng vững chắc xây dựng văn hoá xã hội (25/11/2021)

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng hôm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ 6 nhiệm vụ để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, trong đó nhấn mạnh yêu cầu giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt.
Có thể nói, củng cố văn hoá gia đình chính là nền tảng vững chắc xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Để có thêm góc nhìn về vấn đề này, cùng trò chuyện với khách mời là nhà báo Bùi Hoàng Tám, báo điện tử Dân trí, nhà văn Trang Hạ và chuyên gia tư vấn tâm lý, diễn giả truyền cảm hứng Tuệ An.

Cách ly F0 nhẹ và F1 tại nhà: Vì sao khó triển khai (24/11/2021)

Đến thời điểm này, ngoài TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Long, TP Cần Thơ, An Giang... thực hiện cách ly người bệnh F0 nhẹ và người tiếp xúc gần F1 tại nhà, thì nhiều địa phương khác vẫn chủ yếu dừng ở việc “thí điểm” hoặc “khuyến khích” cách ly F0 nhẹ và F1 tại nhà, còn lại vẫn điều trị F0 tại cơ sở y tế và F1 tại khu cách ly tập trung dù độ bao phủ vắc xin đều đã đạt ở mức cao. Đến thời điểm này, việc cách ly F0 nhẹ và F1 tại nhà đang có những kinh nghiệm và điều kiện thuận lợi gì để có thể triển khai? Vì sao các địa phương vẫn còn e ngại chưa thực hiện mà chỉ dừng ở “khuyến khích” hay “thí điểm”?

Xây dựng văn hóa học đường phù hợp với đổi mới giáo dục (23/11/2021)

Văn hóa học đường một lần nữa được đưa ra bàn thảo với sự lo lắng, sốt ruột thấy rõ của các chuyên gia và nhà giáo tại hội thảo “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Tuy nhiên, những giá trị làm nên văn hóa học đường như sự noi gương của người lớn, cách ứng xử giữa các mối quan hệ, tính trung thực trong thi cử, thành tích giáo dục lại nặng về các hoạt động mang tính hình thức, phong trào; chưa được quan tâm thực sự... làm ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh nhà trường.Vậy làm sao để xây dựng văn hóa học đường phù hợp, thích ứng với đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống, xã hội trong đó có giáo dục và đào tạo?

Tại sao lại khó xử lý hình sự tội trốn đóng bảo hiểm xã hội? (22/11/2021)

Hành vi công ty trốn đóng BHXH xảy ra rất phổ biến trong nhiều năm qua. Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi 2017 có bổ sung tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với mức chế tài nghiêm khắc như đối với những cá nhân có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, không đóng, đóng không đầy đủ bảo hiểm xã hội đã bị xử phạt hành chính mà vẫn vi phạm thì có thể bị phạt tù đến 1 năm. Nếu có tình tiết tăng nặng thậm chí còn có thể phạt ở khung cao hơn, phạt tù đến 7 năm và hành chính đến 1 tỉ đồng. Đầu năm nay, BHXH TP Hồ Chí Minh đã chuyển hồ sơ 76 doanh nghiệp nợ và trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN sang cơ quan Công an để xử lý theo Điều 216 của Bộ luật Hình sự với số tiền trốn đóng 154 tỷ đồng; Thế nhưng, hiện vẫn chưa khởi tố được vụ việc nào.
Tại sao lại khó xử lý hình sự tội trốn đóng bảo hiểm xã hội đến vậy và cần phải có giải pháp gì để cải thiện thực trạng này? Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Vượt “bão dịch”, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tiếp lửa đam mê (19/11/2021)

Covid19 xuất hiện tới nay đã gần hai năm, gây ra nhiều biến cố - tác động mọi hoạt động kinh tế-xã hội, trong đó có hoạt động giáo dục, đào tạo - giáo dục nghề nghiệp. Với đặc thù 80% thực hành, 20% lý thuyết, ngành giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều thách thức, khi công tác giảng dạy trực tiếp ngưng trệ, thu nhập-đời sống của gần 84 nghìn nhà giáo bị ảnh hưởng.
Ngọn lửa đam mê có thể tiếp diễn như thế nào và đâu là động lực cho các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh hiện tại? Nhân kỷ niệm 39 năm, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ông Trần Minh Thịnh – Vụ trưởng Vụ Nhà giáo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng bàn luận về câu chuyện này.

Giải pháp nào để chấm dứt kiểu dạy và học văn mẫu? (18/11/2021)

Khó khăn chưa dứt quanh chuyện dạy và học online, thì câu chuyện giáo dục khác lại tiếp tục thu hút sự quan tâm của xã hội. Đó là nạn học theo văn mẫu, bài mẫu. Câu chuyện này được chính Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu ra với quan điểm “chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới sự triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò”. Không chỉ trên diễn đàn tổng kết năm học 2020 - 2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022, trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, nội dung nạn học theo văn mẫu, bài mẫu cũng được Đại biểu quốc hội chất vấn người đứng đầu ngành giáo dục.
Việc chấm dứt kiểu dạy và học văn mẫu nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng trong dư luận xã hội vì đã “chạm” vào trăn trở của rất nhiều người. Bởi ai nấy đều nhận ra “tác dụng phụ” của cách dạy theo văn mẫu, bài mẫu, về lâu dài làm ảnh hưởng đến tư duy của học sinh, dẫn tới triệt tiêu sáng tạo của thầy và trò. “Cách nào để chấm dứt kiểu dạy và học văn mẫu” với góc nhìn của một cô giáo trực tiếp đang giảng dạy môn Ngữ văn cho nhiều thế hệ học trò – đó là Tiến sĩ ngữ văn Trịnh Thu Tuyết, nguyên là giáo viên môn Ngữ văn tại trường THPT Chu Văn An (Hà Nội).

Cạm bẫy tín dụng đen – vì sao nhiều người sập bẫy (17/11/2021)

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng triệu lao động mất việc, giảm giờ làm; hoạt động kinh doanh, buôn bán ngưng trệ khiến nhiều người lâm vào cảnh khó khăn, túng quẫn. Nhu cầu cần tiền trang trải nợ nần, cuộc sống tăng cao chính là “mảnh đất” màu mỡ cho tín dụng đen phát triển.
Lợi dụng tình hình này, các hình thức cho vay qua app, mạng xã hội, phát tờ rơi… lại đẩy mạnh hoạt động. Dù cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo và triệt phá nhiều vụ việc phức tạp, song nhiều người dân vẫn rơi vào vòng xoáy trả nợ không hồi kết, bị đe dọa, khủng bố tinh thần của các nhóm hoạt động tín dụng đen. Vậy cần những biện pháp quản lý nào để ngăn chặn tín dụng đen hoành hành trong tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Khách mời là Luật sư Phạm Thanh Bình – Công ty Luật Bảo Ngọc sẽ bàn luận rõ hơn về nội dung này.

Di sản văn hoá cần những hướng tiếp cận đa chiều như thế nào để thích ứng trong đại dịch Covid 19 (16/11/2021)

Hướng đến Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam 23/11 năm nay, nhiều địa phương trên cả nước tổ chức chuỗi hoạt động triển lãm, giao lưu văn hoá nghệ thuật nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hóa của Việt Nam với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid 19 diễn biến phức tạp nên hầu hết các trưng bày, triển lãm, chương trình biểu diễn nghệ thuật được tổ chức trực tuyến để đến với đông đảo người dân. Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam.

Giải thưởng sách quốc gia 2021: Sức bật mới của dòng sách thiếu nhi (12/11/2021)

Chưa bao giờ thị trường sách cho thiếu nhi lại phong phú như hiện nay. Tuy nhiên, dòng sách văn học thiếu nhi Việt Nam những năm gần đây vẫn thiếu vắng những tác phẩm thực sự hấp dẫn độc giả nhỏ tuổi, đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng cả về nội dung và hình thức. Tại Nhà hát Đài TNVN sẽ diễn ra Lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia năm 2021.
Tại cuộc họp báo Giải thưởng Sách Quốc gia năm nay, ban tổ chức bật mí là Giải thưởng Sách Quốc gia năm nay có 2 giải A, B dành cho thể loại sách thiếu nhi, sau nhiều năm bỏ trống giải A ở thể loại sách này. Điều này liệu có tạo sức bật mới cho dòng sách thiếu nhi của các tác giả trong nước hay không? Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Nguyên là một trong các giám khảo của Giải thưởng sách Quốc gia năm 2021, bàn luận về nội dung này.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h20-05h50 Mùa vàng
6h28-6h30 Quảng cáo
8h35-8h40 Quảng cáo
8h50-8h55 Quảng cáo
9h35-9h40 Quảng cáo
9h55-10h00 Quảng cáo
10h05-10h10 Quảng cáo
10h25-10h30 Quảng cáo
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
13h20-13h25 Quảng cáo
13h40-13h45 Quảng cáo
15h15-15h20 Quảng cáo
15h55-16h00 Quảng cáo
17h50-17h59 Quảng cáo
19h05-19h10 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
22h00-23h00 Thức cùng VOV
23h10-23h15 Rao sóng
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: