logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Có nên xóa bỏ bao cấp các hội, tổ chức nghề nghiệp? Giới hạn nào để các hội ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội… vận động ủng hộ? (02/7/2022)

Sau những ồn ào dư luận về việc Hội Nhà văn Việt Nam gửi công văn tới các tỉnh, thành phố, đề nghị hỗ trợ mua vé máy bay và vé xe đi lại cho các đại biểu dự hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 tại Đà Nẵng, mới đây, công chúng lại xôn xao về văn bản của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo một địa phương “vận động đóng góp tài chính để chuẩn bị Đại hội đại biểu Phật giáo của tỉnh” này, nêu rõ mốc thời hạn và hạn mức đóng góp cụ thể của từng huyện, thành phố từ 70 triệu đến 100 triệu đồng. Câu hỏi được nhiều người đặt ra lúc này là: Có nên xóa bỏ bao cấp các hội, tổ chức nghề nghiệp? Giới hạn nào để các hội ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội… vận động ủng hộ? Cần xây dựng văn hóa tài trợ ra sao với các Hội – Đoàn này?

Làm cách nào để Lịch sử trở thành môn học hấp dẫn và thiết thực (25/6/2022)

Câu chuyện về môn Lịch sử trong Chương trình phổ thông mới 2018 vẫn luôn “nóng” suốt thời gian qua. Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV mới đây, một trong những điều đáng chú ý trong Nghị quyết của Quốc hội là yêu cầu Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội về việc lịch sử là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục cấp THPT. Theo quy trình, Chính phủ sẽ phải giao Bộ GD-ĐT tiến hành nghiên cứu, có quyết định cụ thể đối với môn Lịch sử.
Dưới góc nhìn của các chuyên gia giáo dục, các nhà Sử học thì những tranh luận trong thời gian qua là tín hiệu vui, để chúng ta rốt ráo tìm ra những hướng đi tích cực cho môn Lịch sử. Hơn hết là làm cách nào để Lịch sử trở thành môn học hấp dẫn và thiết thực. Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là TS Nguyễn Phương Thanh – Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Trầm cảm – Những tiếng khóc không thành lời (18/6/2022)

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tự tử, vụ án cha, mẹ giết hại con thơ gây rúng động dư luận. Nhiều vụ trong số đó có nguyên nhân do mắc bệnh trầm cảm, nạn nhân bị stress kéo dài, không thể chia sẻ cùng ai, nhiều người thân trong gia đình cũng không hề hay biết. Chỉ khi xảy ra sự việc, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì những người xung quanh mới lờ mờ nhận ra, người thân mình dường như bị trầm cảm thời gian dài. Câu hỏi đặt ra là chúng ta biết gì về thế giới của những người trầm cảm? Làm sao để mỗi người biết cách tự cân bằng cuộc sống khi gặp phải những bế tắc, stress trong cuộc sống nhiều áp lực ngày nay? Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là bác sỹ Trần Văn Phúc, bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội.

U23 Việt Nam: từ kỳ tích Thường Châu tới giấc mơ Tashkent (11/6/2022)

Đội bóng đá U23 Việt Nam đã vào vòng Tứ kết giải Vô địch U23 châu Á sau chiến thắng 2-0 trước U23 Malaisia, hòa 1-1 U23 Hàn Quốc - đương kim vô địch giải và hòa 2-2 trước U23 Thái Lan. Từ Thường Châu, Trung Quốc 5 năm trước, huấn luyện viên Park Hang Seo tạo ra dàn cầu thủ mới với tư duy và lối chơi bóng mới cho bóng đá Việt Nam, đã đưa U23 Việt Nam lên đỉnh cao, đạt ngôi nhì giải đấu; Nay thầy trò huấn luyện viên Gông Oh Ky-un cũng đang khát khao viết tiếp giấc mơ ở Tashkent, Uzbekistan với lối đá hiện đại, giàu thể lực, giàu kỹ thuật và tâm lý ổn định, quyết tâm vượt lên chính mình. Thử thách tiếp theo với thầy trò huấn luyện viên Gông Oh Ky-un là đội tuyển A rập xê út trong trận tứ kết diễn ra vào 23 giờ tối mai (12/6) theo giờ Việt Nam. Nhà báo thể thao Trương Anh Ngọc cùng bàn luận câu chuyện này.

Giải pháp nào tháo gỡ những vướng mắc để chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân lao động phát huy hiệu quả? (4/6/2022)

Dù đã 2 tháng triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08 của Thủ tướng Chính phủ, song tại nhiều địa phương, chính sách này vẫn chưa đến tay người lao động. Theo báo cáo mới nhất của Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB và XH, đến nay mới có khoảng 11 nghìn lao động nộp hồ sơ với tổng số tiền hỗ trợ dự kiến chỉ khoảng 33 tỷ đồng. Đây là kết quả quá khiêm tốn so với con số hàng triệu người lao động cần được hỗ trợ tiền nhà trọ và so với gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng mà Chính phủ đưa ra.
Việc giải ngân chậm gói chính sách này cũng là vấn đề nóng được các Đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm, thảo luận tại kỳ họp thứ 3. Nhiều đại biểu đặt vấn đề “tiền đã có, đối tượng đã rõ, mục tiêu hỗ trợ cụ thể nhưng vì sao tiền hỗ trợ vẫn khó đến tay người lao động? Vậy vướng mắc nằm ở đâu? Biện pháp nào để thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ này cho người lao động? Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Đi tìm lời giải cho thực trạng loay hoay tuyển chọn người tài của các địa phương (28/5/2022)

Trong 3 năm tp HCM chỉ mời gọi được 5 chuyên gia, nhà khoa học (gọi chung là nhân tài). Riêng người có tài năng đặc biệt thì vẫn chưa thu hút được ai. Thông tin được lãnh đạo tp HCM đưa ra mới đây khiến dư luận bất ngờ về kết quả thu hút nhân tài của địa phương này. Đặc biệt khi tp HCM từng thành công trong việc mời gọi các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt trong và ngoài nước đến làm việc ở những lĩnh vực thành phố quan tâm phát triển bằng nhiều chính sách ưu đãi vượt trội. Vì sao tp Hồ Chí Minh lại có kết quả thụt lùi trong thu hút, trọng dụng nhân tài như vậy?

Gỡ nút thắt đời sống văn hóa công nhân ở khu công nghiệp (21/05/2022)

Cả nước đang trong những ngày cao điểm của Tháng công nhân, hướng về công nhân với nhiều hoạt động thiết thực, hỗ trợ các công nhân lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Đây cũng là dịp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân - lực lượng lao động đông đảo trong xã hội, từ đó đáp ứng tốt hơn về nhu cầu cả vật chất và tinh thần cho họ. Nhưng thực tế cho thấy nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất đang thiếu vắng các khu vui chơi giải trí, văn hóa thể thao cho công nhân khiến đời sống văn hóa của lực lượng lao động chính của xã hội rất nghèo nàn. Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Hà Nội chuyển công viên lớn nhất thủ đô từ “công viên đóng” sang “công viên mở”: bước tiến mới trong quản lý (14/05/2022)

Trên thế giới, việc xây dựng công viên mở được thực hiện từ lâu. Việt Nam có nhiều công viên mở ở Đà Nẵng, TPHCM,... cũng đã áp dụng mô hình này. UBND Hà Nội đang có kế hoạch nâng cấp công viên chuyển từ “công viên đóng” sang “công viên mở”, không còn hàng rào và mở cả về quản lý, cơ chế.Trong đó, có công viên Thống Nhất - công viên nội đô lớn nhất Hà Nội.
Kế hoạch này nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân và giới chuyên gia quy hoạch. Đa số ý kiến cho rằng, việc này là hết sức cần thiết. Vậy làm gì để thúc đẩy nhanh quá trình này; việc chuyển từ trạng thái “đóng” sang “mở” cần lưu ý những gì trong công tác quản lý để công viên thực sự phát huy tác dụng. Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Hãy là khách du lịch văn minh (7/5/2022)

Ngành du lịch bội thu trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 4 ngày nghỉ lễ ngành phục vụ khoảng 5 triệu lượt khách với tổng doanh thu khoảng 22.000 tỷ đồng. Một con số ấn tượng và du lịch đã thực sự hồi sinh sau 2 năm vì dịch covid 19.
Tuy vậy bên cạnh những kết quả tích cực cùng cần nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại. Đáng tiếc những tồn tại đó không chỉ đến từ các đơn vị cung cấp dịch vụ mà đến từ ngay chính cách hành xử thiếu văn minh của du khách. Vụ việc 22 khách du lịch ăn gần 4 yến hải sản rồi tố nhà hàng “chặt chém”; những ứng xử thiếu văn minh như xả rác bừa bãi hay như ồn ào nơi công cộng là một ví dụ. Phó giáo sư tiến sỹ Phạm Trung Lương, chuyên gia du lịch và nhà báo Lê Thanh Phong, báo Lao động bàn về câu chuyện này.

Ký ức những năm tháng không thể nào quên (30/4/2022)

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, dòng tin tức chiến thắng từ chiến trường của các cơ quan báo chí như Báo Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Giải phóng, Thông tấn xã Việt Nam, báo Quân đội nhân dân... đã làm nức lòng nhân dân mọi miền Tổ quốc, càng hun đúc ý chí quyết chiến quyết thắng, tất cả cho tiền tuyến. Để có được tin tức, hình ảnh nóng hổi từ mặt trận, các nhà báo đã vượt qua mưa bom bão đạn để làm nhiệm vụ người lính tiên phong nơi chiến trường. Nhân kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975 – 30/04/2022), phóng viên Nguyên Nhung có cuộc trò chuyện với Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam về những năm tháng hào hùng không thể nào quên. Ông là một trong ít phóng viên chiến trường được may mắn chứng kiến thời khắc lịch sử trưa 30 tháng 4 năm 1975 có mặt tại Dinh Độc lập và là tác giả bức ảnh đi vào lịch sử: “Xe tăng quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập trưa 30/4/1975".

Nới trần làm thêm, những rủi ro tiềm ẩn đảm bảo an toàn lao động (23/4/2022)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua đề xuất nâng giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 60 giờ và mở rộng giới hạn làm thêm tối đa đến 300 giờ/năm cho tất cả các ngành nghề. Chính sách này nhằm tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp khi mà đơn hàng thì tăng lên, trong khi số công nhân lao động lại thiếu hụt cục bộ vì mắc covid 19, phải tạm nghỉ. Do là chính sách đặc thù, cấp bách nên chỉ áp dụng đến hết năm nay. Nhiều ý kiến cho rằng đây là chính sách hợp lý, kịp thời, vừa giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, vừa giúp lao động có thêm thu nhập. Tuy vậy cũng đặt ra vấn đề làm thế nào bảo vệ sức khỏe và đảm bảo an toàn lao động khi người lao động phải kéo dài thời gian làm thêm giờ.

Phẫu thuật thẩm mỹ: cần lưu ý những gì? (16/4/2022)

Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, liên tiếp xảy ra các ca tai biến sau thẩm mỹ ở Hà Nội và TP. HCM. Nhẹ thì bị hoại tử, biến dạng, nặng thì tử vong. Đẹp đâu không thấy, chỉ tiền mất tật mang.Vì sao lại xảy ra tình trạng này? Trách nhiệm của cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở ra sao? Người có nhu cầu làm đẹp cần lưu ý gì khi đi phẫu thuật thẩm mỹ? Bác sỹ Đình Minh, Trưởng khoa phẫu thuật thẩm mỹ, bệnh viện E Hà Nội và luật sư Nguyễn Thế Truyền, đoàn luật sư Hà Nội cùng bàn luận câu chuyện này.

Ngăn chặn quấy rối và xâm hại tình dục bằng cách nào? (9/4/2022)

Vụ việc nữ sinh viên tố cáo một trưởng khoa của trường đại học xâm hại, bạo lực tình dục trong thời gian dài, gây sốc dư luận chưa kịp lắng xuống thì mới đây một đơn tố cáo nữa của một nữ nhà báo, nhà thơ bị đồng nghiệp của mình quấy rối, xâm hại cách đây hơn 20 năm. Dù đây mới chỉ là đơn tố cáo, sự việc sai phạm tới đâu sẽ được các cơ quan chức năng tiếp nhận đơn điều tra, làm rõ. Song qua những vụ việc này ít nhiều cho thấy quấy rối và xâm hại tình dục đang là hành vi cần được nhận diện và loại bỏ. Tiến sỹ tâm lý học Khuất Thu Hồng và tiến sỹ luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư Hà Nội cùng bàn luận về vấn đề này.

Cần khen thưởng những cán bộ dám nghĩ, dám làm (02/04/2022)

“Cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá cần được khen thưởng” là ý kiến được một số đại biểu Quốc hội chuyên trách đề xuất khi góp ý vào dự thảo Luật thi đua khen thưởng sửa đổi tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách diễn ra trong tuần. Đề xuất này nhận được sự quan tâm chú ý của dư luận, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, Đảng ta đang rất chú trong khuyến khích cán bộ “6 dám: là dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách; quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” – như trong Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đã đề ra. Cùng bàn luận cụ thể vấn đề này với khách mời là Đại biểu Quốc hội khóa 13, phó giáo sư tiến sỹ Bùi Thị An và nhà báo Bùi Hoàng Tám, báo điện tử Dân Trí.

Tuyển chức danh hiệu trưởng: Làm sao để tránh hình thức và thực sự lựa chọn được người tài (26/3/2022)

Hiện nay, hiệu trưởng ở nhiều trường trong cả nước chủ yếu được đề bạt theo quy hoạch rồi ở vị trí hiệu trưởng cho đến lúc về hưu. Vì thế, câu chuyện Hà Nội sẽ thí điểm thi tuyển gần 40 chức danh hiệu trưởng ở các trường học nhận được nhiều sự quan tâm từ xã hội. Trước đó, một số địa phương trên cả nước đã tổ chức thi tuyển chức danh hiệu trưởng như: Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tuyên Quang… và được dư luận ủng hộ. Đây không đơn thuần chỉ là việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị, mà còn là đòi hỏi của thực tiễn, trước yêu cầu đổi mới công tác quản lý, quản trị nền giáo dục, lựa chọn những con người tài đức thông qua thi tuyển.
Với chính sách này, nhiều người kỳ vọng, nền giáo dục sẽ có những luồng gió mới đến từ những nhân tố mới. Vấn đề quan trọng nhất là việc tổ chức thực hiện ra sao để đảm bảo tính minh bạch, công bằng, tránh hình thức và thực sự lựa chọn được người tài. TS.NGƯT Nguyễn Thanh Sơn – Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục, Ban Khoa giáo Trung ương, nguyên hiệu trưởng các trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình, THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội cùng bàn luận về câu chuyện này.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h50-05h59 Quảng cáo
06h28-06h30 Quảng cáo
9h15-10h00 Đối thoại
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h00-13h30 CLB âm nhạc
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
23h30-24h00 Nhịp sống
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: