Bluezone, Sổ sức khỏe điện tử; Tiêm chủng, NCOVI, tokhaiyte.vn;... hàng loạt ứng dụng, trang web đưa vào sử dụng trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thời gian qua, khiến người dân cảm thấy bối rối. Điều này vô tình gây nhiễu thông tin cho người sử dụng, khiến họ khó phân biệt đâu là ứng dụng chính thống, đâu là ứng dụng không chính thống. Các ứng dụng được áp dụng như thế nào, đặc biệt hiện nay, một số tỉnh, thành cũng đưa ra ứng dụng khai báo y tế như các bộ, ngành đang triển khai, làm nảy sinh bất tiện trong việc sử dụng.
Mới đây Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Thông tin truyền thông chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tích hợp các phần mềm này, thống nhất 1 phần mềm sử dụng chung trên toàn quốc trong phòng chống dịch, đảm bảo thuận tiện cho người dân. Việc này cần được triển khai nhanh chóng ra sao và cần lưu ý những gì khắc phục hạn chế, bất cập từ các app đang có?- Hai vị khách mời là chuyên gia công nghệ Mai Duy Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam và nhà báo Lê Thanh Phong, báo Lao Động, cùng bàn vấn đề này
PGS,TS Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công An, chuyên gia phân tích quốc tế bàn luận về câu chuyện này.
Công tác phòng chống dịch Covid-19 đợt thứ 4 này đang có những tín hiệu khả qua. Số ca tử vong ở TPHCM giảm dần, từ mức có thời điểm hơn 300 ca, thì nay xuống còn hơn 200 ca. Quận 7 và huyện Củ Chi đã công bố kiểm soát được dịch bệnh. Số địa phương không có ca nhiễm mới là hơn 20 tỉnh thành phố.
Nhưng để đưa số ca lây nhiễm về 0 như trước đây theo nhận định của nhiều chuyên gia là không thể. Với các biến thể khác nhau, tốc độ lây lan cũng như mức độ nhiễm cộng đồng hiện nay việc chấp nhận virus như một phần của cuộc sống là đã hiện hữu.
Do đó, "sống chung với Covid-19" là cụm từ hot đang được nhiều người quan tâm. Làm thế nào để cân bằng giữa việc ứng phó với dịch và phát triển kinh tế, xã hội và đi lại, vui chơi, giải trí của người dân? Mở cửa như thế nào để thật khoa học và nhân văn là vấn đề đặt ra.
Chỉ còn khoảng 1 tuần nữa học sinh cả nước chính thức bước vào năm học mới. Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên Bộ Giáo dục và đào tạo đã quyết định cho phép các địa phương triển khai dạy và học trực tuyến đại trà cho các em học sinh, trong đó dạy trực tuyến cho cả học sinh lớp 1. Nhiều phụ huynh lo việc học của con sẽ như thế nào, có thích nghi được với môi trường mới hay không và đặc biệt là học trực tuyến thì chất lượng sẽ ra sao khi các con chưa hề biết đọc, biết viết? Lo lắng của phụ huynh cũng có cơ sở bởi lớp 1 là lứa tuổi đặc biệt nhất trong các khối đầu cấp, học sinh chuyển từ mầm non lên tiểu học, làm quen với viết, đọc nên việc dạy học trực tuyến sẽ rất khó khăn cho cả thầy lẫn trò. Phụ huynh cần làm gì để đồng hành cùng con trong chặng đường học vỡ lòng qua online chưa có tiền lệ này?
Nhiều địa phương đang tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, thậm chí áp dụng cao hơn Chỉ thị 16, tùy theo thực tế của từng địa phương để sớm ngăn chặn đại dịch, đưa cuộc sống của người dân trở về trạng thái bình thường mới. Việc siết chặt các quy định về giãn cách cũng đồng nghĩa với việc hàng triệu công nhân tiếp tục phải tạm ngưng làm việc. Khó khăn chồng chất khó khăn. Trong bối cảnh này chính quyền các cấp và đặc biệt là Tổng liên đoàn lao động Việt Nam – tổ chức đại diện cho công nhân đã và đang có những chương trình hành động, chính sách nào mới hỗ trợ công nhân đoàn viên hiệu quả hơn? BTV Thanh Trường trao đổi với bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam để hiểu rõ thêm về sự khó khăn của các đoàn viên công nhân hiện nay và những chính sách hỗ trợ.
Hòa chung các nỗ lực phòng chống dịch bệnh, nhiều tác phẩm âm nhạc về đề tài phòng chống COVID, về quê hương, Tổ quốc trong chương trình "Hát Lên Việt Nam – Let’s sing Việt Nam", sân chơi âm nhạc quy mô lớn do Đài TNVN tổ chức, tiếp tục nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo thính giả gần xa.
Kể từ khi phát động vào tháng 2 vừa qua, cuộc thi đã nhận được hàng trăm ca khúc từ nhiều tỉnh thành trong nước và các quốc gia trên thế giới, với nhiều phong cách âm nhạc khác nhau. Rất nhiều ca khúc có ca từ giản dị nhưng toát lên tình yêu vô bờ với quê hương Việt nam, “Việt Nam trong trái tim tôi” của các bạn bè quốc tế cũng làm lay động lòng người. Cùng gặp gỡ Nhạc sĩ Doãn Nguyên, Trưởng Ban Âm nhạc VOV3, Đài TNVN để giao lưu và nghe những chia sẻ về cuộc thi này.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục ban hành Công điện 1068 yêu các Bộ ngành, địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó chỉ đạo các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 phải thực hiện nghiêm, thực chất, hiệu quả, chắc chắn, chặt chẽ hơn việc giãn cách theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu, ở yên đấy” để thực hiện triệt để việc giãn cách, cách ly theo quy định. Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội phải đặc biệt cung cấp miễn phí lương thực, thực phẩm thiết yếu nhất cho người dân gặp khó khăn, bảo đảm không để bất kỳ ai bị thiếu ăn, thiếu mặc. Vậy các tỉnh, thành phố liên quan đã thực hiện chỉ đạo này ra sao? Còn những vướng mắc, khó khăn gì khi vận động, kêu gọi, kiểm soát người dân ở các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội không rời địa bàn?
Câu chuyện ngày thứ 7 hôm nay, nhà văn Nguyễn Quang Vinh bình luận về những hình ảnh đẹp trong tuần vừa qua, qua phần dẫn chuyện của BTV Thanh Trường với chủ đề “Chống dịch covid 19 từ nghĩa đồng bào”.
Sự lây lan mạnh của dịch covid-19 thì cũng là lúc tinh thần đùm bọc yêu thương, giúp đỡ, sẻ chia của người Việt càng lên cao hơn. Chúng ta chứng kiến đội ngũ tuyến đầu làm việc không ngừng nghỉ cứu chữa bệnh nhân; những hình ảnh y bác sỹ mọi miền Tổ quốc, không quản xa xôi, lên đường tiếp sức đồng nghiệp miền Nam; hay những đội từ thiện luồn lách từng con ngõ nhỏ, xóm nhỏ mang cơm, thực phẩm cho người yếu thế, như những mạch nước ngầm âm thầm chảy. Rồi những đoàn người lao động tự do bao năm bươn trải nơi đô thị, nay vì dịch bệnh phải trở về quê trên những chiếc xe máy, thậm chí là xe đạp, hay đi bộ cả trăm km. Trên đường đi họ được giúp đỡ, sẻ chia từ cả lực lượng thực thi nhiệm vụ chống dịch và các tổ chức, cá nhân. Đó là tinh thần “Chống dịch covid 19 từ nghĩa đồng bào”. Nhà văn Nguyễn Quang Vinh bình luận về những hình ảnh đẹp như vậy trong tuần.
Đợt dịch thứ 4 lan rộng đang khiến nhiều nơi bị phong tỏa, doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất; kéo theo hàng triệu lao động phải nghỉ việc, mất việc. Có thể nói, chưa bao giờ hàng triệu công nhân lao động lại rơi vào cảnh khốn khó như hiện nay.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã đưa ra nhiều quyết sách hỗ trợ kịp thời cho những người yếu thế, trong đó có công nhân bị mất việc và có hoàn cảnh khó khăn. Đó là gói 62.000 tỷ đồng, và gần đây là Nghị quyết 68 với gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng. Cùng với Chính phủ, chính quyền địa phương, công đoàn các cấp thời gian qua cũng đã đồng hành sát cánh cùng công nhân chung sức vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng bàn luận về vấn đề này.
Tin giả - fakenews là chủ đề không mới, nhưng luôn mang tính thời sự khi thời gian qua liên tiếp xuất hiện các tin giả ở mọi lĩnh vực, mọi thời điểm, và xảy ra ở nhiều địa phương. Nóng nhất hiện nay là các tin giả liên quan tới dịch bệnh covid 19, lệnh thực hiện giãn cách xã hội ở các địa phương. Nổi bật nhất là trong tuần, tại tp HCM nhiều người dân bất chấp lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đổ xô đến các siêu thị, trung tâm thương mại mua tích trực thực phẩm sau khi nghe tin giả tp HCM sẽ áp dụng lệnh phong tỏa toàn thành phố.
Nhận diện tin giả, nguyên nhân xuất hiện, tác hại của nó và đề xuất giải pháp ngăn chặn tin giả để người dân có ý thức nâng cao cảnh giác, chủ động phòng, chống tin giả, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội là vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng hiện nay. Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh và luật sư Diệp Năng Bình, đoàn luật sư tp HCM.
Thành phố HCM đang trải qua đợt dịch căng thẳng nhất từ trước tới nay. Người dân toàn thành phố như đang phải tạm dừng lại, một khoảng dừng cần thiết, hạn chế di chuyển đến mức thấp nhất để cắt nguồn lây dịch covid 19. Trong khó khăn đó lại sáng lên các hoạt động thiện nguyện không biết mệt mỏi của nhiều tổ chức, cá nhân.
Cùng với sự vào cuộc, hỗ trợ của các cấp chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội, nhiều tháng qua, hàng nghìn cá nhân, tổ chức tập hợp, quyên góp, tiền, hàng nhu yếu phẩm mang đến cho những lao động nghèo, những người yếu thế đang gặp khó khăn vì dịch bệnh. Họ như mạch nước ngầm mát lành kết nối và giúp hàng chục nghìn dân nghèo có bữa ăn đủ đầy trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.Cùng nghe chia sẻ của hai vị khách mời là anh Nguyễn Tuấn Khởi, Giám đốc Food Bank Việt Nam, chủ nhân ý tưởng "Tủ lạnh cộng đồng" dành cho người nghèo, khách sạn cộng đồng cho đội ngũ tuyến đầu và nhóm người yếu thế cùng rất nhiều ý tưởng, chương trình từ thiện tại TP Hồ Chí Minh và chị Trần Thị Thùy Dung, Chủ nhiệm câu lạc bộ Du lịch Quảng Bình - thành viên nhóm " Người Quảng Bình góp cá gửi TPHCM" để hiểu thêm về những chương trình thiện nguyện của họ.
Tại Hà Nội lại vừa xảy ra vụ việc đau lòng khi một cháu bé 5 tuổi tử vong do bị rơi từ tầng 11 tòa nhà chung cư Vinaconex 1 (phường Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) sáng mùng 1 tháng 7 vừa qua.
Đây không phải là những vụ việc cá biệt, mà trên phạm vi cả nước, đặc biệt là các khu đô thị lớn, thời gian qua liên tục xảy ra những trường hợp thương tâm này. Làm sao để có thể phòng ngừa những ẩn họa đối với trẻ nhỏ từ các chung cư cao tầng? Bố mẹ và những người lớn cần có sự quan tâm tới con trẻ trong những ngày nghỉ hè và nghỉ ở nhà phòng dịch này ra sao để trẻ thực sự được an toàn? Cùng bàn nội dung này với vị khách mời là phó giáo sư tiến sỹ, kiến trúc sư Nguyễn Quang Minh, giảng viên Đại học Xây dựng Hà Nội.
Hơn một năm qua, diễn biến của dịch COVID-19 đã có những tác động đến hoạt động thường nhật, thói quen sinh hoạt của hàng triệu gia đình. Nhiều người phải điều chỉnh các hoạt động của bản thân và gia đình để “thích ứng” với dịch bệnh; nhiều gia đình đối mặt với khó khăn kép do dịch bệnh, đặc biệt là những gia đình công nhân viên chức người lao động. Nhằm thắp lên ngọn lửa yêu thương, gắn kết giữa các thành viên trong mỗi gia đình, hướng tới ngày gia đình Việt Nam 28 tháng 6, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã lựa chọn, biểu dương gia đình công nhân viên chức lao động tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2016-2020. BTV Thanh Trường trao đổi với bà Đỗ Hồng Vân, Phó Trưởng Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về Chương trình ý nghĩa này, để mỗi người có thêm động lực, nguồn cảm hứng, gắn kết gia đình nhiều hơn, chung sức vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.