Trong tuần dư luận xôn xao và bàng hoàng khi nam sinh lớp 11 ở xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An bước đầu khai nhận nguyên nhân dẫn đến cái chết của bé 5 tuổi là làm theo game online. Chiều 7/6, bé 5 tuổi xin phép qua nhà nam sinh lớp 11 chơi - gia đình hàng xóm. Đến tối cùng ngày, gia đình không thấy con về liền báo cơ quan chức năng và tổ chức đi tìm. Qua trích xuất camera an ninh, người dân xác định nam sinh lớp 11 là người tiếp xúc cuối cùng với bé. Phải 2 ngày sau, ngày 9/6, nam sinh này mới dẫn cơ quan chức năng vào khu vực giấu bé 5 tuổi thì phát hiện bé đã chết. Hiện trường vụ án cách nhà 10 km. Hai tay bé bị trói, miệng bị bịt băng keo và vải. Cạnh thi thể bé còn có xúc xích và bánh. Công an cho biết, nam sinh lớp 11 này làm theo gameonline đưa bé rồi sau đó sẽ đưa bé về như mình là người hùng có công tìm bé. Tuy nhiên, khi thấy gia đình, cơ quan chức năng đi tìm kiếm, nam sinh này lo sợ không đưa bé về nữa, dẫn đến sự việc đau lòng. Bước đầu xác định bé bị chết do bị bỏ đói, khát trong nhiều giờ.
Từ vụ việc này, vấn đề đặt ra hiện nay là người lớn liệu có biết trẻ em, vị thành niên đang xem, làm gì trên mạng với đầy rẫy những tiêu cực? Biện pháp nào bảo vệ trẻ em để không xảy ra những thảm cảnh đau lòng này? Chuyện bàn trà hôm nay sẽ bàn nội dung này với vị khách mời là Phó Giáo sư - Tiến sỹ Phạm Mạnh Hà, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Những năm gần đây, chính quyền và cơ quan các cấp ngành, doanh nghiệp chú trọng công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động hơn rất nhiều, nhưng số vụ tai nạn lao động vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống. Vì sao công tác an toàn vệ sinh lao động vẫn chưa phát huy hiệu quả như mong đợi? Doanh nghiệp có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe người lao động thế nào sau những tai nạn đáng tiếc ấy? Chuyên mục Chuyện bàn trà hôm nay chúng tôi bàn về câu chuyện này với bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động VN.
Người xưa từng nói: “Nhân bất thập toàn”, nghĩa là không ai sinh ra đã trở nên hoàn hảo. Có những sai lầm mới có những thành công. Mỗi khi sai lầm xảy ra để hạn chế những hậu quả đáng tiếc và làm cho tâm hồn được bình yên hơn thì lời xin lỗi đúng lúc, kịp thời, chân thành và biết sửa sai là thực sự cần thiết. Điều này lại càng đặc biệt quan trọng hơn trong môi trường công vụ, đối với mỗi cán bộ đảng viên, công chức.
Tuy vậy, rất đáng tiếc, trong khi có những lời xin lỗi của cán bộ công chức được đưa ra đúng lúc, đúng thời điểm, với một thái độ cầu thị, chân thành, thì cũng có không ít cán bộ ngại xin lỗi, lười xin lỗi mỗi khi mình làm sai; lại có những người rất chịu khó đưa ra lời xin lỗi nhưng với một thái độ hời hợt, thiếu thực tâm. Đây là nội dung BTV Thanh Trường trao đổi với khách mời là luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico.
Đô thị hóa và công nghiệp hóa đã đưa nhiều làng quê trên mọi miền tổ quốc phát triển, đời sống kinh tế rồi cơ sở hạ tầng của mỗi làng quê, người dân được nâng lên trông thấy. Tuy vậy, đô thị hóa và công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng ở các miền quê cũng đã và đang để lại nhiều mặt trái, đòi hỏi mỗi cơ quan quản lý nhìn lại và suy xét. Đó là tình trạng "phố" hóa quê; môi trường, không gian sống, kiến trúc mỗi làng quê bị phai nhạt, bị ô nhiễm, bị thu hẹp. Đó còn là những phong tục, đức tính tốt đẹp của người quê cũng bị mai một ít nhiều dưới mặt trái và áp lực cơm áo gạo tiền. Làm sao vừa phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân ở các làng quê nhưng vẫn giữ được hình ảnh thanh bình, yên ả, gần gũi và bình dị vốn có của mỗi làng quê. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam sẽ trò chuyện về nội dung này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà chính trị lỗi lạc, danh nhân văn hóa mà còn là nhà ngoại giao xuất sắc. Tư tưởng đối ngoại và phong cách ngoại giao của Người là sự kết tinh truyền thống của dân tộc và tinh hoa của nhân loại, trong đó ngoại giao nhân dân là một “binh chủng” đa kênh và đa năng quan trọng, cùng với ngoại giao Đảng và Nhà nước hợp thành nền ngoại giao tổng hợp của quốc gia.
Phong cách ứng xử tài tình của Người trong hoạt động đối ngoại đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam cũng như phong trao đấu tranh cho nền hòa bình chung của nhân loại. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói "sự ứng xử linh hoạt của Hồ Chí Minh trong giao tiếp ngoại giao đã trở thành những câu chuyện huyền thoại".
"Nghệ thuật ngoại giao HCM – Ngoại giao vì con người" là câu chuyện bàn luận với vị khách mời là ông Lê Hải Bình, Phó trưởng ban chuyên trách, Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên Giáo Trung ương.
Hôm nay (9/5) là một ngày đặc biệt với Liên bang Xô Viết, Liên bang Nga ngày nay và thế giới – 75 năm Ngày chiến thắng Phát Xít. Chiến thắng Phát xít của Hồng quân Liên Xô và quân đồng minh cách đây 75 năm đã đập tan một đội quân đồ tể tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại, giết hại hàng triệu người dân Do Thái trên toàn cầu và phủ bóng đen khắp châu Âu, châu Á trong những năm thập niên 30, đầu thập niên 40 của thế kỷ trước.
75 năm đã trôi qua nhưng những bài học lịch sử của cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít vẫn còn nguyên giá trị. Bài học lịch sử cho thấy sự cần thiết phải nỗ lực đoàn kết, hợp tác bảo vệ hòa bình, ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột, tôn trọng lợi ích hợp pháp, chính đáng của các quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế, thông qua các cơ chế song phương và đa phương cũng như tăng cường sự hiểu biết, củng cố tình đoàn kết, hữu nghị của nhân dân các nước trên thế giới. Chúng ta cũng cần cảnh giác trước những mưu toan “viết lại lịch sử” cũng như khôi phục chủ nghĩa phát xít mới. Trong ngày rất nhiều ý nghĩa này, chuyện bàn trà hôm nay chúng tôi có chủ đề: Ngày chiến thắng Phát xít và khát vọng hòa bình! Vị khách mời tham gia chương trình là nhà báo Nguyễn Đăng Phát, Tổng Biên tập tạp chí Bạch Dương, Hội Hữu nghị Việt Nam – Liên Bang Nga.
Vào những ngày này, có một sự liên tưởng khá thú vị giữa chiến dịch mùa Xuân lịch sử năm 1975 và chiến dịch mùa Xuân 2020 khi quân dân cả nước đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ đẩy lùi dịch covid 19. Nếu như ngày 30 tháng 4 năm 1975, hai tiếng Việt Nam được nhắc đến trên toàn thế giới với Đại thắng mùa Xuân, non sông thu về một mối thì hôm nay, vẫn hai tiếng Việt Nam được cả thế giới nhắc đến với những thành công ấn tượng trong cuộc chiến với dịch Covid-19. Làm sao để giữ lấy nguồn năng lượng này, để lan tỏa một tinh thần chống dịch như chống giặc sang chống sự tụt hậu, chống sự trì trệ như chống giặc để phát triển kinh tế xã hội hậu Covid-19. Đây cũng là chủ đề chuyện bàn trà với vị khách mời là nhà văn, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thọ.
Tạp chí Newsweek ghi nhận: Những ngày qua bề mặt Trái đất yên tĩnh hơn, giảm đáng kể những rung động trên đất liền, chủ yếu do lượng xe cộ giảm, tạm dừng thi công nhiều công trình xây dựng giữa đại dịch… Và có lẽ hơn bao giờ hết, đây là thời điểm để con người nhìn lại chính mình, đã ứng xử với tự nhiên, với môi trường, với trái đất ra sao trong biết bao nhiêu năm qua, để rồi cùng ý thức chung tay bảo vệ trái đất, bảo vệ hành tinh xanh, qua đó cũng chính là bảo vệ mỗi công dân trên toàn cầu này. Đây cũng là nội dung bàn luận với sự tham gia của vị khách mời là nhà báo Đỗ Doãn Hoàng – người có nhiều năm thực hiện các phóng sự điều tra, những bài viết về sự tàn phá môi trường, hủy hoại thiên nhiên của con người của cả ở trong nước và một số nơi trên thế giới.
Cả tuần nay, ngoài chuyện lo chống dịch Covid-19, thì dư luận Thái Bình và cả nước đặc biệt quan tâm về vụ án "đại gia" Đường Nhuệ - Nguyễn Xuân Đường và vợ bảo kê, đánh người và nghi án "thu phí" tiền hỏa táng người chết trong suốt thời gian dài vừa bị cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thái Bình khởi tố bắt tạm giam với khởi đầu về tội "cố ý gây thương tích". Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình gửi thư khen và động viên Công an tỉnh phải triệt phá tận gốc đem lại sự bình yên cho người dân. Nhưng, câu hỏi được đặt ra vì sao đại gia Đường Nhuệ lại có thể lộng hành suốt thời gian dài vẫn chờ câu trả lời? Khách mời là Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học của Bộ Công an và nhà báo Bùi Hoàng Tám, Báo Dân Trí bàn về nội dung này với câu chuyện: "Giang hồ núp bóng doanh nhân và hệ lụy".
Những thuận lợi nào và những phiền toái, khó khăn nào nảy sinh trong dạy và học trực tuyến cần chung tay khắc phục? Liệu dịch bệnh có đang là cơ hội để thay đổi phương thức giảng dạy từ trực tiếp sang đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa, hướng tới một xã hội học tập ở mọi nơi, mọi lúc?
Cùng trò chuyện về chủ đề này là thầy giáo, tiến sỹ Lê Thống Nhất, người khởi xướng các kỳ thi Toán, Tiếng Anh trên Internet cách đây hơn 10 năm và cho ra đời Trường học lớn BigSchool gần 4 năm nay.
Dịch bệnh Covid-19 lây lan nhanh trên thế giới khiến cuộc sống của hàng tỉ người dân bị đảo lộn, căng thẳng. Nhiều người lo lắng thái quá và suy nghĩ bi quan, song nhiều người cũng đã điềm tĩnh hơn, không còn lo lắng quá đà, những ngày này nhiều người đã chọn một tâm thế khác. Đó là điều chỉnh lại nếp sống, thói quen sinh hoạt, xây dựng nền tảng hệ miễn dịch khỏe mạnh, sức đề kháng tốt để sống vui, sống khỏe hơn.
Ở nước ta, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, từ ngày 1/4 giãn cách xã hội trong 14 ngày để chung tay đẩy lùi dịch bệnh; nhiều người, nhiều gia đình ở nhà nhiều nhất có thể. Chúng ta đã đang và sẽ làm gì ở nhà trong hơn chục ngày này để cuộc sống luôn vui vẻ, lạc quan? Trao đổi với Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Tập đoàn Lê Group về vấn đề này.
Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp hơn khiến hàng loạt doanh nghiệp rơi vào tình trạng hoạt động ngưng trệ hoặc đứng trước nguy cơ phá sản. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng chục nghìn người lao động sẽ phải nghỉ việc, thôi việc tạm thời và rơi vào cảnh thất nghiệp. Làm thế nào để doanh nghiệp và người lao động cùng vượt qua khó khăn hiện nay? Cả người lao động, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan đang ứng phó ra sao trước đại dịch để giảm thấp nhất thiệt hại của mình? Khách mời là bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao đổi về vấn đề này.
Biên tập viên Thanh Trường và Nhà văn Hữu Việt cùng bàn về câu chuyện hãy yêu thương, đoàn kết, sẻ chia, loại bỏ kỳ thị người nhiễm và người nghi nhiễm Covid-19.
Phát hiện sớm ca bệnh, khoanh vùng và cách ly y tế những trường hợp nghi nhiễm là giải pháp then chốt, là một trong những biện pháp quan trọng nhất phòng chống hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trong bối cảnh chưa có thuốc đặc trị và vaccine. Để thực hiện được công việc này, ngoài nỗ lực của Chính phủ, đội ngũ cán bộ Y tế và các ngành, thì ý thức của mỗi công dân là điều quan trọng. Vậy cách ly y tế có đáng sợ? Người dân cần hiểu đúng về các ly y tế ra sao để chung tay đẩy lùi dịch Covid-19? Phóng viên Đài TNVN trao đổi với bác sỹ Trần Văn Phúc, bệnh viện Xanh-pôn Hà Nội.