Trong Tháng 8 này, thế giới
chứng kiến nhiều cuộc tập trận tại khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình
Dương với sự tham gia của nhiều cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Ấn
Độ, Anh, Australia, Nhật Bản… Đây là một trong những dấu hiệu cho
thấy các nước lớn ngày càng quan tâm nhiều hơn tới việc thể hiện sức
mạnh và giành ảnh hưởng tại khu vực mang tính chiến lược này.
- Vậy chính sách xoay trục về Ấn Độ Dương- Thái Bình
Dương của các nước lớn sẽ tác động ra sao tới tình hình khu vực? Cộng
đồng quốc tế cần làm gì để duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy sự phát
triển bền vững cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong bối
cảnh khu vực này đang trở thành tâm điểm của chiến lược cạnh tranh giữa
các nước lớn?
Chuyên gia phân tích
quốc tế Đỗ Sơn Hải, thuộc Học viện Ngoại giao và các phóng viên Thường trú Đài TNVN tại Australia, Indonesia, Mỹ và Ấn Độ
để cùng bàn luận về câu chuyện này.
Trong phiên họp đầu tiên của CP, nhiệm kỳ 2021-2026 ngày 11/8, Thủ tướng CP Phạm Minh Chính nêu rõ quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi NQ ĐH XIII của Đảng. Qua đó, tiếp tục bổ sung, góp phần hoàn thiện, phát triển lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, xây dựng nền dân chủ XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Trước đó, trong phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đầu tháng 7, CT nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh yêu cầu cần xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, công bằng, không thiên vị, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân là trung tâm và sau đó đã ký ban hành Kế hoạch 02 về xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Thực tế hiện nay, việc hoàn thiện pháp luật để xây dựng thành công nhà nước pháp quyền XHCN đặt ra những vấn đề gì cần quan tâm. Nội dung này được BTV Đài TNVN bàn luận cùng TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm VP QH.
60 năm kể từ ngày quân đội Mỹ phun rải hàng triệu lít chất độc hóa học xuống nhiều nơi ở miền Nam Việt Nam, cho đến nay, sự hủy diệt tàn khốc của những chất độc ấy vẫn âm thầm phá hoại môi trường sống và cướp đi tính mạng của nhiều thế hệ nạn nhân da cam. Chính phủ Việt Nam cùng các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đã có nhiều hoạt động, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin để phần nào chia sẻ, xoa dịu nỗi đau của họ. Hôm nay, 10/8, cả nước ta lại cùng sẻ chia nỗi đau ấy trong Ngày vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin và cũng tròn 60 năm xảy ra thảm họa này ở Việt Nam.
Đến thời điểm này, cả nước đã tiêm được hơn 9 triệu liều vaccine COVID-19 trong tổng số hơn 18 triệu liều đã về nước ta. Dự kiến trong những ngày tới, số người được tiêm chủng sẽ tiếp tục tăng khi Bộ Y tế vừa có đợt phân bổ mới. Tuy nhiên, trái với nhiều địa phương nơi người dân đang mong có nhiều vaccine để tiêm phòng thì thực trạng một số tỉnh, thành phố lại chậm trễ tiếp nhận, phân bổ, triển khai tiêm vaccin. Theo Bộ Y tế, địa phương, đơn vị tiêm chủng đạt tỷ lệ thấp sẽ bị điều chuyển vaccine Covid-19 cho nơi khác. Vậy nguyên nhân khiến một số địa phương có tiến độ tiêm chủng chủng thấp là do đâu? Từ chiến dịch tiêm chủng thần tốc của TP.HCM và Hà Nội, các tỉnh, thành phố khác có thể vận dụng được gì trong triển khai? BTV Thúy Ngà trao đổi với TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về nội dung này.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường - ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết người dân, doanh nghiệp, người lao động ở mọi lĩnh vực, ngành, nghề. Nhằm hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân-người lao động, nhiều chủ trương, chính sách mới đang và sẽ được triển khai, nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Làm thế nào để đó cũng chính là động lực lan tỏa: để người dân, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp - toàn nền kinh tế-xã hội cùng nhìn nhận lại và nỗ lực thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình, trong cuộc chiến chung – nhằm kiểm soát và hạn chế tối đa thiệt hại do Covid 19? Phóng viên VOV1 trao đổi, bàn luận cùng ông Nguyễn Quang Huân – Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam:
Trước sự lây lan nguy hiểm của biến thể virus Delta, các quốc gia trên thế giới đang tăng tốc tiêm chủng vaccine Covid-19, coi đây là biện pháp duy nhất để có thể thoát khỏi vòng xoáy dịch bệnh. Nhưng bức tranh tiêm chủng đang có sự phân hóa rất rõ nét giữa một bên là các quốc gia giàu có và sở hữu vaccine với một bên là các nước nghèo, các nước đang phát triển phải vật lộn tìm kiếm nguồn cung vaccine để khống chế dịch bệnh. Thậm chí nhiều người còn dùng hình ảnh “Một hành tinh – Hai thế giới” để nói về câu chuyện phân bổ vaccine trên toàn cầu. Vaccine Covid-19 được xem là chìa khóa để các quốc gia thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ, nhưng hơn thế, vaccine Covid-19 còn là một “vũ khí lợi hại” để các quốc gia gia tăng ảnh hưởng, làm “tăng nhiệt” cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn vốn đã rất nóng bỏng trong vài năm trở lại đây. Và một khi các nước lớn vẫn còn cạnh tranh “ngoại giao vaccine” thì sự phân bổ vaccine khó có thể đạt tới mục tiêu “công bằng” như nhiều tổ chức quốc tế kêu gọi. BTV Đài TNVN trao đổi cùng Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao về mối liên hệ giữa phân bổ vaccine Covid-19 và cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn.
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ Công thương, Y tế, Giao thông vận tải đã có nhiều văn bản đề nghị tạo thuận lợi cho việc vận tải hàng hóa, song một số một số địa phương thực hiện chưa đúng các chỉ đạo và hướng dẫn, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Làm sao tháo gỡ các nút thắt trong lưu thông hàng hóa, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng và thực hiện đúng các chỉ đạo của Trung ương? Cùng bàn luận nội dung này với khách mời Tiến sỹ Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông.
Chỉ còn 4 ngày nữa là diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 2 (6 và 7/8). Thế nhưng, hiện nay dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, thay đổi theo từng ngày ở nhiều địa phương và hầu hết các vùng miền. Hơn nữa, 19 tỉnh thành phố phía Nam vẫn đang tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Đảng và Nhà nước ta đã và đang kêu gọi cả hệ thống chính trị tập trung mọi nguồn lực cao nhất có thể để quyết tâm chống dịch, đẩy lùi dịch, sớm đưa cả nước về trạng thái bình thường mới. Mặt khác, việc tổ chức thi tốt nghệp THPT là một hoạt động vô cùng hệ trọng, đòi hỏi phải thực hiện quy chế thi rất nghiêm ngặt, “sai một li đi một dặm”.
Trong lúc cả nước đang chịu áp lực, dồn vật lực, tâm lực cho dập dịch như vậy thì tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 2 vào thời điểm này, liệu chúng ta có yên tâm? Những nơi buộc phải tổ chức thì làm sao để đảm an toàn và quyền lợi cho thí sinh và cán bộ làm thi? Chuyên gia giáo dục Trần Mạnh Tùng bàn luận về vấn đề này:
Dù đã bị thu hồi chỉ sau 2 ngày ban hành, nhưng công văn của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu để góp phần phòng, chống dịch bệnh COVID-19, có liệt kê 12 sản phẩm thuốc y học cổ truyền và thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị COVID -19 đã khiến nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng có trong danh mục tăng giá chóng mặt, từ vài trăm nghìn lên tới 1 đến 2 triệu đồng/hộp. Thậm chí còn khan hiếm tới mức, khách hàng muốn mua phải đặt cọc trước để chủ hiệu thuốc đặt hàng mới có sản phẩm.
Chưa bàn đến chất lượng, tác dụng thực sự của sản phẩm, nhưng trong thời điểm dịch bệnh, người dân đang khó khăn, chuyện dựa vào chính sách để đột ngột tăng giá, kiếm lời được xem là hành vi thiếu đạo đức và cần được lên án, xử lý nghiêm. Đặc biệt là trong lĩnh vực liên quan đến lĩnh vực y, dược, liên quan đến tính mạng, sức khỏe con người. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia Tp.HCM, Trưởng VP Luật sư Nguyễn Văn Hậu và cộng sự bàn luận về vấn đề này:
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các tỉnh phía bam trong bối cảnh dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là 19 tỉnh, thành giãn cách theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ khi Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đi vào hoạt động, các thành viên đã tích cực thực hiện việc tập hợp các đầu mối sản xuất, cung ứng nông sản, thực phẩm trong khu vực. Tính đến nay đã có gần 400 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm như rau củ, trái cây, thủy sản, lương thực… đăng kí với Tổ công tác để hỗ trợ phân phối, tiêu thụ.
Ngoài giúp người dân tổ chức sản xuất, đảm bảo nguồn cung nông sản, thực phẩm, Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN&PTNT tại các tỉnh phía Nam cũng nỗ lực kết nối các đầu mối sản xuất - tiêu thụ để thúc đẩy lưu thông, tạo thành chuỗi giá trị nông sản, gắn kết từ sản xuất đến thị trường. Đây không chỉ là giải pháp cấp bách ứng phó trong tình hình thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh mà cũng chính là biện pháp căn cơ để xây dựng một nền nông nghiệp chất lượng, gia tăng giá trị và phát triển bền vững trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, thành viên Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản của Bộ NN&PTNT tại các tỉnh, thành phía Nam.
Thế giới đang đối mặt với một giai đoạn rất nguy hiểm của đại dịch Covid-19 do sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới nguy hiểm. Đây là cảnh báo được TGĐ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Ghebreyesus đưa ra trong cuộc họp báo mới đây. Theo thống kê của WHO, tới nay đã ghi nhận 11 biến chủng của virus SARS-CoV-2. Trong đó, biến chủng Delta đã xuất hiện ở gần 130 nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong bối cảnh cơ chế phân bổ vaccine còn chưa thực sự bình đẳng, một số quốc gia trên thế giới, chẳng hạn như Anh đã mở cửa trở lại và dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.
Điều này cho thấy đang có rất nhiều cách ứng phó khác nhau đối với đại dịch. Vậy đâu là con đường phòng chống đại dịch hiệu quả đối với các quốc gia? Đâu là những kinh nghiệm cho Việt Nam? Cùng bàn về nội dung này với vị khách mời là Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam.
Với số ca mắc mới vượt ngưỡng 100 nghìn ca, riêng TP.HCM là địa phương có số ca mắc lên tới 60 nghìn ca, để giảm áp lực cho thành phố, đảm bảo an toàn cho người dân, nhiều địa phương mới đây đã tổ chức đón công dân và có kết hoạch đón người dân trở về từ vùng dịch. Song với đà lây lan rất mạnh của biến chủng Delta tại các vùng dịch, công tác tổ chức đón công dân ở điểm đi và đến cần có sự kiểm soát ra sao để dịch bệnh không lây lan ra cộng đồng? Trong giai đoạn nhiều tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các địa phương cần có kế hoạch ra sao để đảm bảo đón được công dân trở về an toàn? BTV Đài TNVN trao đổi cùng TS.BS Phạm Quang Thái, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về nội dung này.
Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát hiện nay, TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam đang thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ. Để vừa đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo cung ứng hàng hóa thông suốt, không bị đứt gãy, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của mình. Đối với ngành GTVT, Tổ công tác Đặc biệt của Bộ GTVT vừa được thành lập do Thứ trưởng Lê Đình Thọ làm tổ trưởng. Nhiệm vụ quan trọng của Tổ công tác là chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc ngành GTVT để bảo đảm vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu sản xuất, lương thực, thực phẩm, các hàng hóa thiết yếu được thông suốt, thiết kế, tổ chức thực hiện “luồng xanh” vận tải để đảm bảo hàng hóa vận chuyển thông suốt, lưu thông thuận tiện an toàn. Vậy hoạt động này trong thực tế đang diễn ra như thế nào? Đâu là những vướng mắc cần sớm tháo gỡ, để đảm bảo sự đồng thuận, thống nhất và đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc vận chuyển hàng hóa lưu thông toàn quốc.
Trong lúc đại dịch Covid-19 với chủng mới Delta đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường và đặt ra không ít thách thức với rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, thì làn sóng tin thất thiệt, tin giả mạo liên quan đến vấn đề này cũng bùng phát, hoành hành trên mạng xã hội, làm rối loạn thông tin, gây hoang mang trong dư luận.
Nạn tin giả "ăn theo” dịch Covid-19 được nhận định là không kém phần nguy hiểm so với bệnh dịch đang diễn ra. Lợi dụng khả năng ẩn danh trên mạng xã hội, một số đối tượng đã không ngần ngại đăng tải thông tin bịa đặt, xuyên tạc ác ý về tình hình dịch bệnh, mới đây nhất là hình ảnh sai sự thật về người chết vì COVID-19 tại một bệnh viện được cho là tại TP.HCM, nhưng thực tế là ở Myanmar.. Đây chỉ là 1 trong hàng loạt tin giả xuất hiện trên mạng xã hội trong thời gian gần đây, bóp méo những nỗ lực phòng chống dịch, gây hoang mang trong cộng đồng.
“Bệnh dịch tin giả” này cần xử lý ra sao? Và cần làm gì để ngăn chặn tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật? Ông Vũ Thế Bình - Giám đốc điều hành Công ty Netnam, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam cùng phân tích, bàn luận về vấn đề này.