logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Động lực để TPHCM tiếp tục bứt phá (30/4/2021)

Hôm nay, kỷ niệm 46 năm ngày giải hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2021). 46 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa lịch sử trọng đại của Đại thắng Mùa Xuân 1975 vẫn còn nguyên giá trị. Sự kiện lịch sử vĩ đại ấy không chỉ là niềm tự hào đối với dân tộc Việt Nam, mà còn ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế, những người luôn kề vai sát cánh trong cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và xuất hiện một số khó khăn, TP.HCM vẫn nổi lên là địa phương phát triển năng động, sáng tạo, tiếp tục giữ vị trí đầu tàu kinh tế, đóng góp hơn 22% GDP và khoảng 27% tổng thu ngân sách của cả nước. Năm 2021, TP.HCM đứng trước những vận hội, thời cơ và xuất hiện những động lực mới cho khởi đầu một giai đoạn phát triển mới.

100 ngày đầu nhiệm kỳ: Dấu ấn Joe Biden (29/04/2021)

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ cán mốc 100 ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình vào ngày mai - 30/4. Từ trước tới nay, con số 100 ngày vừa là dấu mốc vừa là thước đo quan trọng đối với bất cứ nhà lãnh đạo nào trên thế giới. Riêng với ông Biden, dư luận đặc biệt quan tâm vì nhiều lý do. Bởi ông là vị Tổng thống được lựa chọn từ một cuộc bầu cử mang tính lịch sử chưa từng có của nước Mỹ hiện đại. Và ông cũng được kế thừa một di sản được đánh giá là “hỗn loạn và khó lường” của người tiền nhiệm. Nhìn lại “chương đầu tiên” trong 4 năm nhiệm kỳ Tổng thống, nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ liệu đã kịp tạo dấu ấn nào mang tên “Joe Biden”? Và đâu là những lời hứa chưa kịp thực hiện?

Gỡ nút thắt thể chế, tạo đột phá cho đầu tư, sản xuất kinh doanh (27/4/2021)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có văn bản (số 514) chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu rà soát các quy định của pháp luật gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội… nhằm khơi thông và huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho đầu tư, kinh doanh, phục vụ người dân và doanh nghiệp… Những yêu cầu này của Thủ tướng Chính phủ nói lên điều gì? “Gỡ nút thắt thể chế, tạo đột phá cho đầu tư, sản xuất kinh doanh” là nội được bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích.

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại nước ngoài: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng” (26/4/2021)

Liên quan đến việc “thương hiệu” gạo “ST25” được các doanh nghiệp của Hoa Kỳ nộp đơn đăng ký tại Hoa Kỳ (và cả Việt Nam) dẫn đến nguy cơ mất thương hiệu và doanh nghiệp Việt Nam không xuất khẩu được loại gạo này vào thị trường Hoa Kỳ, mặc dù Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) - cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ đã khẳng định: ST25 không thể được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền tại Việt Nam cũng như Hoa Kỳ cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Câu chuyện gạo ST25 tiếp tục làm dấy lên lo ngại về việc các thương hiệu Việt bị “cướp trắng” do sự lơ là, chưa quan tâm chính đáng đến vấn đề sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam. Bởi đây không phải lần đầu tiên thương hiệu của Việt Nam bị các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký trước. Những bài học về mất thương hiệu tại nước ngoài đã có, nhưng vì sao doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa rút được kinh nghiệm? Cần làm gì để nâng cao nhận thức về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ thương hiệu-nhãn hiệu nói riêng của doanh nghiệp Việt Nam tại các thị trường nước ngoài? Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại nước ngoài: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng” đây là vấn đề được ông Nguyễn Văn Bảy- Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) phân tích.

Vì sao ngành đường sắt tụt hậu và cơ chế nào để ngành đường sắt phục hồi phát triển? (23/4/2021)

Được xây dựng từ năm 1881, song, đến nay đường sắt Việt Nam vẫn không có km cao tốc hay đường đôi nào. Từ khi mới hình thành, đường sắt được coi là loại hình vận tải "vàng", được người dân ưu tiên lựa chọn vì độ an toàn cao do được chạy một mình một đường. Nhưng cho đến nay, đường sắt Việt Nam không có nhiều thay đổi so với thế kỷ trước cả về hạ tầng lẫn chất lượng dịch vụ, dẫn đến vận tải đường sắt chỉ chiếm thị phần rất nhỏ trong toàn ngành giao thông.
Đại dịch Covid-19 bùng phát tiếp tục bồi thêm cú đấm vào ngành đường sắt. Khối tài sản trị giá hàng chục tỷ USD hao mòn theo thời gian gây nhức nhối, lãng phí một nguồn lực to lớn của đất nước. Hiện hơn 11.000 người lao động, tuần đường, trực gác chắn ... thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang bị nợ lương, đứng trước nguy cơ phải bỏ việc. Khó khăn chồng chất khó khăn đã khiến Tổng Công ty đường sắt Việt Nam vừa phải "kêu cứu" lên Thủ tướng Chính phủ vì khó có thể trụ vững đến hết tháng 4/2021.
Vì sao ngành đường sắt tụt hậu và cơ chế nào để ngành đường sắt phục hồi phát triển? Đây là vấn đề được Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Xuân Phong, Chủ tịch Hội kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam phân tích.

Chi phí không chính thức: “Tham nhũng vặt” cần phải loại trừ (22/4/2021)

Trong tuần qua, có 2 con số thu hút sự quan tâm của dư luận. Đó là vẫn còn tới hơn 32% người dân phải trả thêm chi phí ngoài quy định mới làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và còn có gần 45% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức. Đây là những con số được đưa ra trong Báo cáo Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020 và Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam (PCI) năm 2020. Điều đáng ghi nhận là chi phí bôi trơn của các doanh nghiệp theo PCI 2020 đã giảm đáng kể trong giai đoạn 5 năm qua. Đây là kết quả của sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương trong cải thiện mức độ minh bạch trong điều hành kinh tế; tiếp tục tập trung giảm thiểu gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp thông qua việc thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức cho các doanh nghiệp. Điều này cho thấy, môi trường kinh doanh của nước ta vẫn đang duy trì đà cải thiện.
- Tuy nhiên điều mà người dân và doanh nghiệp mong muốn là làm sao để không còn những loại chi chí ám ảnh như vậy, làm sao để môi trường kinh doanh được thực sự trong sạch, không còn những hành vi nhũng nhiễu, đòi hỏi chung chi như “căn bệnh ghẻ ruồi rất khó chịu” gây bất bình dư luận, gây mất lòng tin của dân, làm hư hỏng cán bộ.
- Làm thế nào để loại bỏ những hành vi tham nhũng vặt như vậy để người dân, doanh nghiệp không phải phiền lòng vì những thứ nhũng nhiễu, “vặt” mà không “vặt”. Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI bàn luận về nội dung này.

Sức hút thương hiệu Việt Nam – Thực tiễn và triển vọng (20/04/2021)

Trước đây, mỗi khi bàn luận kỳ vọng phát triển thương hiệu quốc gia, truyền thông thường đặt vấn đề: Làm thế nào xóa bỏ ấn tượng Việt Nam là một nước nghèo, một nước chịu nhiều tổn thất, thiệt thòi từ chiến tranh hay Việt Nam đang ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu...? Giờ đây, Tâm và Thế của người Việt Nam, của nền kinh tế Việt Nam đã khác, khát vọng hơn, hiểu mình, hiểu người hơn; hiểu cần làm gì với mình và với thế giới hơn bất cứ thời điểm nào. Nói vậy có đồng nghĩa là chúng ta đang có một bệ phóng hoàn hảo để phát triển kinh tế nhanh, mạnh hơn, định giá thương hiệu đất nước, con người Việt Nam tốt hơn hay không? Cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phần nào lý giải câu chuyện này.

Tăng học phí đại học: Làm sao để đạt về lý, thuận về tình? (19/4/2021)

Hầu hết trường đại học hiện nay đã công bố đề án tuyển sinh năm học 2021 - 2022. Trong đó, mức thu học phí dự kiến cho các hệ đào tạo của năm học tới cũng được các trường công bố. Theo đó, có trường chỉ tăng trên dưới 1 triệu đồng/năm nhưng cũng có trường công bố mức học phí tăng “phi mã”, thậm chí gấp 5 lần so với những năm trước.
Câu chuyện học phí trường đại học tăng “chóng mặt” không phải năm nay, mà diễn ra từ nhiều năm trước và được giải thích là tăng theo lộ trình. Có điều, năm nay có sự khác biệt là nhiều trường đại học có mức tăng rất cao và được các trường giải thích là do thực hiện tự chủ tài chính, trên cơ sở tính đúng, tính đủ.
Học phí tăng mạnh do các trường đang và sẽ áp dụng cơ chế tự chủ, nhưng việc tăng thế nào là hợp lý thì không phải trường nào cũng đưa ra được. Nếu nhà trường không có bài toán tài chính rõ ràng, thì sẽ rơi vào tình trạng thu không đủ bù chi, hoặc thu quá cao so với mặt bằng của xã hội. Và nếu như mức học phí quá cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi cũng như cơ hội học tập của sinh viên.
“Tăng học phí đại học: Làm sao để đạt về lý, thuận về tình?” là nội dung được TS Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đại học, Viện Khoa Giáo dục Việt Nam phân tích.

PCI 2020: Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng như thế nào về nỗ lực cải cách của chính quyền các cấp trong 5 năm tới? (16/4/2021)

Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố hôm qua, 15/4/2021. PCI - chỉ số đánh giá chất lượng điều hành kinh tế để thúc đẩy DN phát triển - được nghiên cứu từ chính những cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân về môi trường kinh doanh tại Việt Nam nhằm đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh và chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố ở Việt Nam. PCI mùa thứ 16 có điểm gì mới, khác biệt so với các năm trước? Chất lượng môi trường đầu tư của Việt Nam ra sao dưới góc nhìn các doanh nghiệp trong nước cũng như nhà đầu tư nước ngoài (FDI)? Cách nào để Doanh nghiệp đầu tư theo hướng xanh hơn, bền vững hơn? Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng như thế nào về nỗ lực cải cách của chính quyền các cấp trong 5 năm tới? Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao đổi rõ hơn vấn đề này.

Làm thế nào để chốt danh sách các ứng cử viên ĐBQH, ĐB HĐND đáp ứng đủ tiêu chuẩn và chất lượng? (15/04/2021)

Cho đến thời điểm hiện nay, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đang bước vào giai đoạn nước rút quan trọng, hoàn thiện tất cả các bước lấy phiếu tín nhiệm cử tri nơi cư trú, nơi công tác đối với người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp, hoàn thành việc thẩm tra, xác minh lịch sử chính trị và kết luận tiêu chuẩn chính trị của người ứng cử chuẩn bị tích cực cho quá trình hiệp thương lần ba đạt kết quả cao nhất. Vậy làm thế nào để bước sàng lọc cuối cùng chốt danh sách các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đáp ứng đủ tiêu chuẩn và chất lượng?

Thực hiện “mục tiêu kép” khi triển khai hộ chiếu vắc xin (13/4/2021)

Sau nhiều ngày kiểm soát tốt dịch bệnh, chúng ta vẫn thực hiện các biện pháp căn cơ phòng chống dịch, bảo đảm an toàn nhưng tận dụng thời gian để mở cửa, phát triển kinh tế, trong đó có bàn kế hoạch thực hiện hộ chiếu vắc xin cho trong thời gian tới. Vậy kịch bản nào cho “mục tiêu kép” khi triển khai hộ chiếu vắc xin? PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng bàn luận về nội dung này.

Liên thông và “mở kho” dữ liệu quốc gia – Giải pháp tạo thuận lợi tối đa cho công cuộc chuyển đổi số? (12/04/2021)

Cách nay tròn một tuần, ngay sau lễ tuyên thệ-nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gợi mở kế hoạch hành động-điều hành nền kinh tế thời gian tới, trong đó, đặc biệt coi trọng chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ. Vấn đề là chúng ta đang ở đâu trong hành trình chuyển đổi số? Đâu là những thuận lợi cần thúc đẩy, khó khăn-rào cản nào cần xóa bỏ hoặc nới lỏng để công cuộc chuyển đổi số thực sự hanh thông như kỳ vọng? Câu chuyện thời sự góp một góc nhìn về nội dung này với sự tham gia của ông Hoàng Việt Anh – Phó Tổng Giám đốc Phụ trách chuyển đổi số, Tập đoàn FPT, đồng thời là thành viên Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam VINASA.

Bàn giải pháp vực dậy doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện mục tiêu kép (09/04/2021)

Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 3 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và hoàn tất thủ tục giải thể tăng cao. Tính chung, trong 3 tháng đầu năm nay đã có tới hơn 40 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020. Nghĩa là trung bình mỗi tháng đã có hơn 13 nghìn 400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Bàn giải pháp vực dậy doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện mục tiêu kép là nội dung Câu chuyện thời sự được bàn luận trong chương trình.

Thuốc nào để cắt cơn “sốt” đất? (08/04/2021)

Sau mỗi kỳ tăng nóng về BĐS, luôn có giai đoạn điều chỉnh, giảm giá, thậm chí đóng băng thị trường. Trong quá khứ việc này đã diễn ra nhiều lần. Còn năm nay, sau khi dịch bệnh covid19 được kiểm soát, thì ngay những tháng sau Tết tình trạng sốt đất lại diễn ra khắp các tỉnh trong Nam ngoài Bắc đều với những cách thức thổi giá, tung tin đón đầu quy hoạch tạo nên bong bóng sốt giá. Trong khi đó, theo Ngân hàng thế giới đánh giá trong quản trị đất đai, Việt Nam thuộc nhóm tốt về xây dựng pháp luật, nhưng yếu về thực thi pháp luật; Các quyết định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thiếu khả thi, dẫn đến tình trạng quy hoạch “treo”. Quá trình thực thi pháp luật chồng chéo, yếu kém đã khiến các cơn nóng, lạnh của thị trường đất đai qua đi, để lại nhiều hệ lụy.

Cạnh tranh nước lớn và dịch chuyển của bàn cờ địa chính trị thế giới (6/4/2021)

Bất chấp đại dịch Covid-19 làm “đóng băng” nhiều hoạt động của đời sống xã hội thế giới, có thể thấy chỉ trong hơn hai tháng qua, môi trường ngoại giao quốc tế trở nên sôi động hơn. Mỹ và Trung Quốc vẫn là tâm điểm chú ý của thế giới. Với nhiều động thái, Mỹ làm "hồi sinh" các liên minh truyền thống vốn bị suy yếu trong 4 năm qua, Trung Quốc cũng tìm kiếm các đối tác, củng cố các mối quan hệ đối tác mới, thể hiện tham vọng “cầm trịch”trong các vấn đề toàn cầu... 3 tháng đầu năm 2021, cạnh tranh ảnh hưởng giữa các trục đối trọng Mỹ - phương Tây với một bên là Nga-Trung càng gay gắt hơn. Cạnh tranh nước lớn đang diễn ra như thế nào, sự dịch chuyển tập hợp lực lượng hiện nay tác động đến tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương ra sao? Tác động của nó tới khu vực ASEAN và Việt Nam chúng ta như thế nào?

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h50-05h59 Quảng cáo
06h28-06h30 Quảng cáo
9h15-10h00 Đối thoại
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h00-13h30 CLB âm nhạc
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
23h30-24h00 Nhịp sống
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: