logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật cho giới trẻ: Phải bắt đầu từ tuyên truyền pháp luật (9/11/2020)

Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật do trẻ vị thành niên gây ra tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ phạm tội ngày càng manh động, nguy hiểm hơn, gây hậu quả nghiêm trọng. Làm sao để tuyên truyền pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật cho giới trẻ, nhất là trong bối cảnh phát triển đa chiều thông tin của mạng xã hội, của thời kỳ công nghệ 4.0 như hiện nay? Cơ quan chức năng cần phải làm gì để việc tuyên truyền pháp luật được giới trẻ tiếp nhận? Đây là chủ đề của câu chuyện thời sự hôm nay nhân Ngày Pháp luật Việt Nam hôm nay- 9/11, với sự tham gia của ông Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.

Để chất vấn và trả lời chất vấn không chỉ là hỏi - đáp trên nghị trường (06/11/2020)

Một trong những nội dung luôn nhận được sự quan tâm của cử tri tại các kỳ họp của Quốc hội, đó là phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường. Những vấn đề nóng, nổi cộm của đất nước sẽ được các đại biểu Quốc hội đại diện cho cử tri cả nước chất vấn các thành viên Chính phủ. Đây là một trong những hoạt động nằm trong nhiệm vụ giám sát của Quốc hội. Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 10 này sẽ có góc nhìn bao quát về những nội dung mà Quốc hội giám sát trong nhiệm kì khóa 14 và cả nhiệm kỳ khóa 13. Vậy, Chính phủ, các thành viên của Chính phủ đã thực hiện lời hứa trước cử tri như thế nào? Những gì còn tồn tại trong công tác giám sát của Quốc hội? Các đại biểu Quốc hội đã thực hiện vai trò giám sát của mình ra sao? Vấn đề này sẽ được chúng tôi bàn luận ngay sau đây với vị khách mời là ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội.

Kiên trì “mục tiêu kép” trước nhiều yếu tố bất định tác động tới nền kinh tế: Những yêu cầu đặt ra (5/11/2020)

Hôm nay là ngày thứ 3 Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về: kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, và một số nội dung quan trọng khác. Nhìn lại 2 ngày làm việc tại Hội trường, có thể thấy, các đại biểu đánh giá cao chủ trương của Đảng, chính sách điều hành của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kép về phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời kiến nghị bổ sung vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021-2025 một số nội dung liên quan đến an toàn hồ đập, trồng rừng, chương trình đổi mới giáo dục...
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế Chính phủ đề xuất cho phát triển trong 5 năm tới, đó là tăng trưởng GDP đạt 6,5 đến 6,7%, đòi hỏi phải có các giải pháp mạnh mẽ trong điều hành của năm 2021. Chúng tôi bàn về nội dung này, với chủ đề: “Kiên trì “mục tiêu kép” trước nhiều yếu tố bất định tác động tới nền kinh tế: Những yêu cầu đặt ra” - với khách mời là chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Thực hiện Chiến lược phát triển Dạy nghề giai đoạn 2011-2020: Một số bất cập song song nhiều điểm sáng (03/11/2020)

Mục tiêu chiến lược phát triển Dạy nghề giai đoạn 2011-2020 (nay là hoạt động giáo dục nghề nghiệp) là đến cuối năm nay, hoạt động dạy nghề không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề mà một số ngành nghề phải đạt trình độ ASEAN và thế giới; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội... Chúng ta đang ở những tháng cuối thực hiện các mục tiêu này. Mời quý vị cùng ông Mạc Văn Tiến – chuyên gia lĩnh vực việc làm, giáo dục nghề nghiệp và an sinh xã hội nhìn lại những hiệu quả đạt được, những bất cập-tồn tại và đề xuất giải pháp cần thực hiện đối với cả người dạy, người học, người quản lý, để công tác này hiệu quả hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Tăng trưởng kinh tế nhìn từ những điểm nhấn quan trọng trong công tác điều hành của Chính phủ trong năm 2020

Theo kế hoạch, trong 2 ngày 03+04/11, Quốc hội sẽ Thảo luận ở hội trường về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; Kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; Dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các kế hoạch: đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025… Nhìn lại những điểm nhấn quan trọng trong công tác điều hành của Chính phủ - để có thể đạt được các kết quả tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định vĩ mô, an sinh xã hội thời gian qua - trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới tăng trưởng âm bởi các tác động tiêu cực từ thiên tai, dịch bệnh, phóng viên Nguyên Long - theo dõi lĩnh vực kinh tế sẽ có những trao đổi cụ thể để làm rõ nội dung này.

“Doanh nghiệp sân sau” và những hệ lụy tiêu cực: Làm sao để ngăn chặn? (2/11/2020)

Trong phiên thảo luận về công tác tư pháp, phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng năm 2020 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14, câu chuyện sân sau của doanh nghiệp lại một lần nữa được các Đại biểu Quốc hội nêu ra. Qua vụ nâng khống giá thiết bị y tế vừa qua của một số doanh nghiệp, gây bức xúc dư luận, Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng đặt ra câu hỏi: Vậy những doanh nghiệp đó là ai? Có phải là sân sau của một vài người?
Doanh nghiệp sân sau của quan chức không phải là vấn đề mới, đã nhiều lần được vạch mặt chỉ tên nhưng cho đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để. Các doanh nghiệp đó cứ âm thầm tồn tại, gây nhiều hệ lụy tiêu cực, khiến xã hội bức xúc. Chúng tôi bàn luận cùng vị khách mời là Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội sâu hơn về nội dung này.

Nhân lên tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái - nét đẹp của người Việt: Câu chuyện từ bão lũ miền Trung (30/10/2020)

Bão lũ dồn dập lên dải đất miền Trung suốt gần một tháng qua gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đe dọa sinh kế của người dân miền Trung. Trong gian khó, lại ấm tình đồng chí, đồng bào với những nghĩa cử cao đẹp, tinh thần tương thân tương ái…
Tuy nhiên, bên cạnh những tình cảm, tấm lòng yêu thương, sẻ chia, ở đâu đó vẫn còn những “hạt sạn”, lợi dụng lòng tốt để lừa lọc, lợi dụng mạng xã hội để làm sai lệch vấn đề, thậm chí bôi nhọ, gây mất đoàn kết, chia rẽ tình cảm quân, dân, cán bộ cơ sở với người dân địa phương… Chúng tôi bàn về chủ đề: Cần nhân lên tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái - nét đẹp của người Việt: câu chuyện thực tế từ bão lũ miền Trung” với sự tham gia của khách mời là Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Giải pháp nào giải quyết tận gốc vấn đề rác thải - nhìn từ sự cố ở bãi rác Nam Sơn (Hà Nội)

Đêm 23/10, một số người dân xã Nam Sơn - Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) dựng lều bạt, không cho xe chở rác vào bãi tập kết. Ngay lập tức, tình trạng ùn ứ rác ở nhiều nơi trong khu vực nội thành Hà Nội đã diễn ra. Ngày 25/10, Thành ủy Hà Nội đã họp, ra văn bản chỉ đạo các biện pháp giải quyết tình trạng này. Từ 20 giờ ngày 26/10, bãi rác Nam Sơn đã hoạt động trở lại. Mặc dù bãi rác Nam Sơn đã hoạt động trở lại, nhưng cách đây chưa lâu, (khoảng 3 tháng trước thôi) bãi rác này cũng đã bị người dân phản đối không cho tập kết rác do không đồng thuận với phương án đền bù trong vùng ảnh hưởng của Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn. Sự việc người dân không cho tập kết rác ở những địa điểm gần khu vực dân cư sinh sống, hoặc không đồng ý xây dựng những lò đốt rác, xử lý rác thải ở nhiều địa phương trong cả nước thời gian qua đã cho thấy những tồn tại cần phải được giải quyết tận gốc. Câu chuyện thời sự hôm nay chúng tôi đề cập nội dung “Giải pháp nào giải quyết tận gốc vấn đề rác thải – nhìn từ sự cố ở bãi rác Nam Sơn, Hà Nội” – với sự tham gia bàn luận của GS. TS Nguyễn Hữu Dũng – Viện trưởng Viện môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam.

Ứng phó bão số 9, chủ động giống cây trồng, khôi phục sản xuất sau mưa lũ (27/10/2020)

Thiên tai gây mưa to, lũ lớn đã và đang có diễn biến vô cùng phức tạp tại nhiều nơi. Bão số 9 được nhận định là cơn bão có cường độ rất lớn, có khả năng đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, gây nguy cơ bão chồng bão, lũ chồng lũ khiến cuộc sống, sinh hoạt của người dân nhiều tỉnh miền Trung bị đảo lộn hơn bao giờ hết. Hiện nay việc cứu trợ, đảm bảo nhu cầu thiết yếu của bà con tại các vùng bị ảnh hưởng mưa lũ đang được thực hiện rất khẩn trương. Bão chồng bão, lũ chồng lũ đã gây những thiệt hại nghiêm trọng về sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh Miền Trung. Hàng vạn ha lúa bị cuốn trôi, trong khi thời vụ đã cận kề đặt ra yêu cầu trong việc chủ động giống cây trồng, khôi phục sản xuất sau mưa lũ. Biên tập viên Đài TNVN và ông Nguyễn Văn Vương – Trưởng phòng Cây Lương thực và Cây thực phẩm – Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cùng bàn luận về việc ứng phó bão số 9, chủ động giống cây trồng, khôi phục sản xuất sau mưa lũ

Các vấn đề đặt ra trong cải cách và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp (26/10/2020)

Năm 2020, công tác Tư pháp đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng công tác điều tra, truy tố xét xử đã được nâng lên rõ rệt, hạn chế cơ bản tình trạng oan sai và bỏ lọt tội phạm...Tuy nhiên so với chỉ tiêu Quốc hội giao và yêu cầu của công cuộc Cải cách tư pháp thì vẫn còn những vấn đề đặt ra, đáng chú ý là vẫn còn xảy ra tình trạng khởi tố, truy tố chưa chuẩn xác, thậm chí oan sai... Vậy cần làm gì để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các cơ quan Tư pháp, để không còn những vụ án oan sai, gây bức xúc dư luận. Đây là nội dung được bàn bàn luận trong Câu chuyện Thời sự hôm nay, với sự tham gia của Thạc sỹ- Luật sư Hoàng Văn Hướng-Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng-Đoàn Luật sư Hà Nội.

Góp ý vào văn kiện Đại hội Đảng: Làm thế nào để nhận được sự góp ý thực tâm của nhân dân? (23/10/2020)

Việc lấy ý kiến của nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng là nhằm tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, làm cho ý Đảng hợp với lòng dân. Thông qua việc công bố, thảo luận, lấy ý kiến của nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII sẽ góp phần tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động và ý chí quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Làm thế nào để việc lấy ý kiến không chung chung, hình thức? Làm thế nào để nhận được sự góp ý thực tâm của nhân dân và bộ lọc cầu thị của Đảng? Đây là nội dung trong Câu chuyện thời sự hôm nay, với sự tham gia của TS Nhị Lê – Nguyên Phó TBT Tạp chí Cộng sản.

Đảm bảo dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân vùng lũ miền Trung: Những yêu cầu đặt ra (22/10/2020)

Ngay trong cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày đầu tuần này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định: cấp ngay 5.000 tấn gạo và 500 tỷ cho 5 tỉnh miền Trung, gồm: Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh là 5 tỉnh thiệt hại nặng nề nhất, mỗi nơi được Chính phủ cấp 100 tỷ đồng và 1.000 tấn gạo để khắc phục khó khăn. Cùng với các biện pháp của Chính phủ, tinh thần tương thân, tương ái, hướng về miền Trung ruột thịt cũng được phát động, chia sẻ mạnh mẽ.
- Với một đất nước hàng năm phải hứng chịu hàng chục cơn bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ bất thường như Việt Nam, công tác dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng tránh thiên tai luôn là một trong những nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chú trọng. Câu chuyện thời sự đề cập nội dung: “Đảm bảo dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân vùng lũ miền Trung: Những yêu cầu đặt ra”, với sự tham gia của khách mời là ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương.

Ứng phó với mưa lũ kéo dài, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi xung yếu (16/10/2020)

Thiên tai gây mưa to lũ lớn đã và đang diễn biến phức tạp tại nhiều nơi. Đặc biệt tại các tỉnh miền Trung, mưa lũ lớn nhiều ngày nay khiến nhiều vùng bị chia cắt, nhiều nhà cửa, diện tích hoa màu của người dân chìm trong biển nước. Thiệt hại về người và tài sản là nghiêm trọng. Lượng mưa lớn còn đe dọa hàng trăm hồ đập, công trình thủy lợi lớn nhỏ khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Làm sao đảm bảo an toàn hồ đập và các công trình thủy lợi xung yếu, việc điều tiết hồ thủy lợi cần vận hành ra sao để đảm bảo phương án xả lũ thích hợp. Đây là nội dung của “Câu chuyện thời sự” chúng tôi bàn hôm nay với chủ đề “Ứng phó với mưa lũ kéo dài, làm sao đảm bảo an toàn công trình thủy lợi xung yếu” cùng vị khách mời là ông Nguyễn Đăng Hà –Vụ trưởng Vụ an toàn đập – Bộ NN và PTNT.

Thiên tai, nhân tai nhìn từ mưa lũ miền Trung (15/10/2020)

Mưa lớn liên tục, diễn biến phức tạp đã và đang gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung. Vì sao cứ đến hẹn lại lên, khu vực miền Trung – được xem là vùng “rốn của lũ, bão” lại gánh chịu thiệt hại lớn về người và của đến như vậy? Ngoài ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, còn yếu tố nào góp phần làm phức tạp thêm tình hình diễn biến mưa, lũ miền Trung? Liệu “nhân tai” có làm cho thiên tai thêm khó lường? Khách mời là ông Nguyễn Văn Tiến, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT sẽ cùng chúng tôi bàn luận về nội dung này.

Bản lĩnh doanh nhân Việt Nam – Vượt thách thức mang tên Covid-19 (13/10/2020)

Chịu tác động nhiều chiều từ đại dịch, 9 tháng qua, đã có nhiều doanh nghiệp phải từ bỏ cuộc đua nơi thương trường, nhưng rất nhiều doanh nhân-doanh nghiệp khác đã-đang nỗ lực trên nhiều khía cạnh. Không chỉ nhằm trụ được hoặc mong phục hồi năng lực vốn có, họ thích nghi với thời cuộc – có khả năng vươn lên mạnh mẽ, trong giai đoạn mới. Họ đang góp phần khẳng định bản lĩnh doanh nhân-doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng là chủ đề Câu chuyện thời sự ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Câu chuyện sinh động, ý nghĩa hơn qua chia sẻ của hai khách mời: ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam và ông Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần viễn thông FPT.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h50-05h59 Quảng cáo
06h28-06h30 Quảng cáo
9h15-10h00 Đối thoại
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h00-13h30 CLB âm nhạc
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
23h30-24h00 Nhịp sống
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: