logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em: Cần chung tay cả cộng đồng (1/6/2020)

Hôm nay (1/6) - Ngày Quốc tế thiếu nhi, toàn xã hội giành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em. Tại Hà Nội, sáng nay (01/06), Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 với chủ đề “Chung tay bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em” - với mục đích nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể gia đình và toàn xã hội về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, đặc biệt là công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng.
Có thể thấy, trong những năm gần đây, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đảm bảo các quyền của trẻ em và hội nhập với quốc tế. Luật Trẻ em 2016 cũng đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và các chính sách xã hội liên quan đến trẻ em. Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020 đã đưa ra khung chương trình, chính sách đầu tư cho trẻ em hướng tới một khung chính sách toàn diện cho trẻ em. Tuy nhiên công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em vẫn còn không ít khó khăn, thách thức cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn của các cấp ngành chức năng. Câu chuyện thời sự chúng tôi bàn về chủ đề: Bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em cần chung tay cả cộng đồng với sự tham gia bàn luận của ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Phòng chống tác hại của thuốc lá: Luật đã có nhưng vẫn khó xử phạt người hút thuốc nơi công cộng (29/5/2020)

Mỗi năm, thuốc lá cướp đi sinh mạng của 8 triệu người trên thế giới, trong số này, một triệu người vô tội bởi hút thuốc thụ động. Mặc dù Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã có hiệu lực từ năm 2013, trong đó, quy định rất cụ thể việc cấm hút thuốc tại các nơi công cộng nhưng trong thực tế việc xử phạt không hề dễ . Lực lượng thanh tra mỏng, ý thức người dân còn hạn chế là những nguyên nhân khiến việc thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá gặp nhiều khó khăn. Nhân ngày Thế giới phòng chống thuốc lá (31/5/2020), làm thế nào để Luật thực sự đi vào cuộc sống, phát huy được hiệu quả là điều mà Biên tập viên Đài TNVN cùng bàn với Luật Sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Trưởng Phòng Tranh Tụng- Công ty Luật TGS (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).

Ứng phó ra sao với khô hạn gay gắt khu vực Nam Trung Bộ? (28/5/2020)

Nắng nóng kéo dài, nhiều ngày không mưa khiến nhiều địa phương ở khu vực Nam Trung bộ đã phải công bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán. Dung tích các hồ chứa thủy lợi, thủy điện thấp hơn nhiều so với dung tích thiết kế. Đặc biệt, tại các tỉnh như Ninh Thuận Bình Thuận chỉ còn khoảng 13 - 17% so với dung tích thiết kế, nhiều hồ chứa nhỏ đã cạn nước. Cũng theo dự báo, trong thời gian còn lại của mùa khô năm nay, cụ thể từ tháng 6 đến tháng 8, tại khu vực Nam Trung bộ, lượng dòng chảy trên các sông hồ tiếp tục thiếu hụt nghiêm trọng, dẫn đến nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng...Bàn về giải pháp cho khu vực này để giải quyết tình trạng khô hạn, thiếu nước, khách mời là ông Nguyễn Hồng Khanh – Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi lợi ( Bộ NN&PTNT)

Làm gì để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tình trạng xâm hại trẻ em? (26/5/2020)

Gần 8.500 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý với hơn 8 nghìn 700 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, đa phần là trẻ bị xâm hại tình dục; hàng trăm trẻ bị bạo lực, bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt; Hơn 1 nghìn 300 trẻ bị xâm hại bằng các hình thức khác. Đây là con số báo cáo của Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội tính từ tháng 1/2015 đến tháng tháng 6 năm 2019. Trong các vụ xâm hại trẻ, phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề, gây bức xúc dư luận nhất là xâm hại tình dục, chiếm 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em.
Tình trạng xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng và gây hậu quả nghiêm trọng. Thực tế này xảy ra nhiều thời điểm, ở nhiều nơi, ngay cả ở những nơi tưởng chừng như bình yên nhất là gia đình hay trường học. Đây thực sự là vấn đề hết sức nghiêm trọng và đáng báo động. Theo chương trình nghị sự đã được xây dựng, ngày mai (27/5), Quốc hội sẽ dành trọn một ngày để thảo luận trực tuyến Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Phiên họp quan trọng này nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước.
Làm gì để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tình trạng xâm hại trẻ em? Khách mời là chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cùng bàn luận về nội dung này.

Không để cán bộ kê khai tài sản thiếu trung thực lọt vào bộ máy (25/5/2020)

Chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ XIII là nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng, có quan hệ đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển của đất nước. Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 12, khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 những người kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc, bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính …”.
Tuy nhiên trên thực tế đây là một nhiệm vụ rất khó khăn. Làm thế nào để lựa chọn được những cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, lãnh đạo thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới? Bàn về nội dung này, khách mời là TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ.

Đảm bảo an toàn học đường: Nâng cao vai trò của “tam giác” giáo dục: Nhà trường – Gia đình – Xã hội (22/5/2020)

Sự việc một phụ huynh học sinh ở tỉnh Long An xông vào lớp đánh cô giáo gây choáng phải nhập viện cấp cứu, khiến dư luận phẫn nộ. Trước đó, hàng loạt các vụ việc đáng tiếc cũng từng xảy ra trong môi trường giáo dục như phụ huynh ép giáo viên quỳ gối xin lỗi, gia đình học sinh đánh thầy giáo nhập viện, hay hành hung giáo viên dẫn đến nguy cơ sẩy thai... Chúng ta thường nói nhiều đến bạo lực học đường, đến những vụ việc giáo viên bạo hành với học sinh và lên tiếng bênh vực. Nhưng nay, chính giáo viên bị phụ huynh đánh thì ai sẽ bảo vệ giáo viên? để làm sao có một môi trường giáo dục an toàn rất cần sự tham gia của “tam giác” giáo dục: nhà trường – gia đình – xã hội.

Hiệp định EVFTA: Đổi mới cách tiếp cận, tận dụng cơ hội mà các FTA thế hệ mới mang lại (21/5/2020)

Trong ngày khai mạc của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội chính thức xem xét, thảo luận và sẽ thông qua Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ góp phần hình thành môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, từ đó tăng cường thúc đẩy thương mại, đầu tư, tạo chuỗi cung ứng mới. Hiện, các nước đang cố gắng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đặc biệt đang diễn ra rất mạnh tại EU nhất là trong bối cảnh ứng phó với những thay đổi do đại dịch Covid-19. Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, dự kiến nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU sẽ được hưởng lợi lớn. Nhưng bên cạnh đó cũng có không ít khó khăn thách thức? Doanh nghiệp cần phải tuân thủ những quy tắc khác nhau về hàng rào kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ... của Liên minh châu Âu. Phóng viên Văn Hiếu có cuộc trao đổi với ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương để làm rõ hơn nội dung này.

Nhận diện và loại bỏ những người có biểu hiện “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”? (18/5/2020)

Trong bài diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đặc biệt nhấn mạnh đến công tác cán bộ để chuẩn bị bầu vào Ban chấp hành Trung ương khoá XIII. Theo đó, kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong 7 khuyết điểm.
Nói về vấn đề nhân sự, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã có những câu thành ngữ rất đỗi gần gũi, dễ hiểu như: “Đừng nhìn gà hóa cuốc”, “Đừng thấy đỏ tưởng là chín”, đừng chỉ thấy “Cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong”. Điều này cho thấy, công tác cán bộ phải được thực hiện một cách thận trọng, tránh để xảy ra sai sót, nhìn gà hóa cuốc, không để mã bên ngoài đánh lừa bản chất bên trong. Những bất cập ấy đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ từng biểu hiện cụ thể để tham chiếu, soi rọi với từng cá nhân.
Tuy nhiên, làm thế nào để nhận diện và loại bỏ những người có biểu hiện này, đây không phải là câu chuyện dễ, mà cần có sự thẳng thắn, minh bạch trong công tác cán bộ. Khách mời là ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cùng bàn luận về câu chuyện này.

Nhân sự Đại hội XIII của Đảng: Lắng nghe để lựa chọn? (15/5/2020)

Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương khoá 12 đã bế mạc vào hôm qua sau 4 ngày làm việc, từ 11-14/5. Một trong những nội dung quan trọng được bàn trong hội nghị là công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa 13, với yêu cầu “Phải xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương - Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội Đảng thật sự là bộ tham mưu chiến đấu, là hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân tộc”. Công tác nhân sự, công tác cán bộ luôn được coi là việc gốc, là then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Vì thế, để xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt đáp ứng được yêu cầu, không phải là vấn đề đơn giản, dễ dàng, đòi hỏi sự công tâm, khách quan, minh bạch; đòi hỏi phải lắng nghe nhiều chiều; phải có sự ràng buộc trách nhiệm một cách rõ ràng đối với người giới thiệu, đề cử nhân sự. Khách mời là bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa 13 cùng bàn luận vấn đề này.

Làm gì để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, phát triển sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp? (14/5/2020)

Việt Nam, với độ mở của nền kinh tế là 200% GDP (tính theo tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP), được coi là một trong những nền kinh tế “mở” nhất thế giới. Trước những tác động của đại dịch Covid-19, mặc dù Việt Nam cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh ở trong nước, song, với một nền kinh tế - mà động lực tăng trưởng - là công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tới trên 80% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, và trong giá trị xuất khẩu của năm 2019 đạt hơn 263 tỷ USD không thể không kể đến hơn 40 tỷ USD đóng góp của ngành nông nghiệp - thì để có được tăng trưởng kinh tế như kỳ vọng, để hoạt động sản xuất được khơi thông - cũng đồng nghĩa phải khơi thông được thị trường xuất khẩu.
Nhìn lại kinh tế 4 tháng qua, mặc dù Việt Nam có tăng trưởng dương - trong khi rất nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới không có tăng trưởng, thậm chí là tăng trưởng âm; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vẫn tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu khoảng 3 tỷ USD - nhưng nhiều chuyên gia nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ chịu sự ảnh hưởng, tác động tiêu cực bởi dịch covid-19 rõ rệt hơn trong tháng 5 và quý 2 năm nay. Làm gì để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, phát triển sản xuất nhằm đạt mục tiêu 300 tỷ USD - trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới? Khách mời là ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương bàn luận về vấn đề này.

Ngành Giáo dục nỗ lực thực hiện nhiệm vụ “kép” trong bối cảnh sống chung với trạng thái "bình thường mới" (12/5/2020)

Dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát từ thời điểm đầu tháng 2 đã làm xáo trộn mọi mặt của đời sống xã hội; giáo dục và đào tạo cũng không nằm ngoài sự xáo trộn đó. Hơn 25 triệu học sinh, sinh viên nghỉ học kéo dài; kế hoạch năm học đảo lộn; các cơ sở giáo dục, nhất là hệ thống ngoài công lập gặp khó khăn.
Cũng vì dịch bệnh Covid-19 mà kỳ thi THPT sẽ được tổ chức muộn hơn mọi năm, dự kiến vào tháng 8 năm 2020; thời điểm này cả Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học đã có hiệu lực thi hành. Do vậy, sẽ không tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia như mọi năm mà tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mục đích của Kỳ thi tốt nghiệp THPT để lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và cũng có thể được các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Trong hoàn cảnh đặc biệt, toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực để thực hiện mục tiêu “kép”, vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo việc dạy và học không bị gián đoạn với chủ trương “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”. Chính sự chủ động, linh hoạt đã giúp ngành Giáo dục biến “nguy” thành “cơ” giữa đại dịch. Tuy nhiên, giai đoạn thực hiện mục tiêu “kép” của ngành giáo dục vẫn còn không ít khó khăn. Ngành Giáo dục làm gì để thích nghi với trạng thái “bình thường mới”? Khách mời là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cùng bàn về nhiệm vụ “kép” này.

Để nền kinh tế sớm phục hồi và có sức bật mới - Những việc cần làm ngay (11/5/2020)

Hậu Covid-19, bối cảnh "bình thường mới" khi lệnh giãn cách được nới lỏng, dịch bệnh đã đi qua, nhịp đập xã hội dần trở lại bình thường, nền kinh tế giống như chiếc lò xo bị nén lại và giờ là lúc sẵn sàng bung ra. Và doanh nghiệp phải cùng Chính phủ nắm lấy cơ hội đem lại sức sống mới cho nền kinh tế. “Mức độ thành công được xác định bằng những khó khăn sẽ vượt qua”. Đó là những lời nhắn gửi của Thủ tướng tới cộng đồng doanh nghiệp. Giải pháp nào có thể áp dụng được sớm? đâu là những việc cần làm ngay, làm từ đâu… là nội dung được tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp. Câu chuyện này được bàn luận vị khách mời là ông Nguyễn Quang Huân – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Halcom, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam.

Lời giải cho “cơn khát” nước sinh hoạt trong mùa khô tại Trung Bộ và Tây Nguyên (8/5/2020)

Tình hình hạn hán tại khu vực Trung Bộ và Tây nguyên đang hết sức nghiêm trọng. Hàng chục nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt, hàng nghìn ha đất nông nghiệp không canh tác được do thiếu nước và nhiễm mặn. Đây là thực tế đang gây không ít khó khăn cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Làm sao để đảm bảo được nguồn nước sinh hoạt cho các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên, cả trong ngắn hạn và lâu dài? Bàn về nội dung nà, khách mời là ông Lương Văn Anh, phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT.

Loạn giá mua máy xét nghiệm Covid-19: Đâu là nguyên nhân? (7/5/2020)

Sau những lùm xùm của tình trạng “loạn giá” trong việc mua máy xét nghiệm COVID-19, mà sự chênh lệch lên tới nhiều tỷ đồng khiến dư luận đặt câu hỏi: Liệu có hay không việc lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để “thổi giá” trang thiết bị phòng chống dịch hòng trục lợi, như vụ “thổi giá” chênh hơn 4 tỷ đồng khi mua hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống COVID-19 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội vừa bị phát hiện. BTV Đài TNVN cùng bàn luận với của Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội về nội dung này

Hậu covid - Cơ hội tổ chức lại giao thông đô thị (5/5/2020)

Khi vừa hết giãn cách xã hội, tại các thành phố lớn, lòng đường vỉa hè lại đông nghẹt như chưa hề có dịch bệnh xảy ra. Nhiều chuyên gia đặt vấn đề: hậu giãn cách xã hội là cơ hội tốt để chúng ta thiết lập lại trật tự văn minh đô thị, thực hiện các biện pháp hạn chế lưu lượng đi lại gây ùn tắc và tai nạn giao thông, những vấn đề nóng nhiều năm nay chưa có lời giải thỏa đáng nhất là với hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Bàn về vấn đề này, khách mời là TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h50-05h59 Quảng cáo
06h28-06h30 Quảng cáo
9h15-10h00 Đối thoại
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h00-13h30 CLB âm nhạc
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
23h30-24h00 Nhịp sống
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: