logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Ngăn chặn cán bộ sai phạm: Phải làm tốt tự phê bình và phê bình (26/6/2020)

Trong cuộc tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ sau kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 14 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ ra một căn bệnh có thể coi là cố hữu trong công tác xây dựng đảng, đó là tự phê bình và phê bình còn nể nang, đặc biệt là đối với thủ trưởng đơn vị, thậm chí là không dám có ý kiến góp ý, phê bình.
Vấn đề đặt ra là việc tự phê bình và phê bình cần được sử dụng như thế nào cho đúng, góp phần ngăn chặn những biểu hiện lệch lạc, sai phạm của cán bộ, Đảng viên ngay từ cơ sở. Bàn về nội dung này, khách mời là ông Nguyễn Viết Chức, ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trợ cấp thất nghiệp do dịch Covid-19: Những thông tin đáng chú ý! (25/6/2020)

Thông thường, số người lao động đến làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp tại các trung tâm dịch vụ việc làm năm sau cao hơn năm trước chỉ khoảng 10%. Gần hai tháng trở lại đây, do tác động của dịch Covid-19, lượng lao động tới các đơn vị này đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng đột biến, đặc biệt lao động diện nhận hỗ trợ từ gói 62 nghìn tỷ đồng. Với khối lượng công việc lớn chưa từng có, chắc chắn, cán bộ công chức ngành bảo hiểm và các đơn vị liên quan đều đang vất vả, cần sự cẩn trọng.
Chuyện sẽ không đáng bàn nếu giới truyền thông không ghi nhận những khúc mắc, bất cập trong quá trình triển khai chính sách này-giai đoạn này. Khách mời là Ông Vũ Minh Tiến – Viện trưởng Viện Công nhân, công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ cung cấp những thông tin thực tiễn và tìm lời giải cho vấn đề.

Có nên đưa giáo viên mầm non vào danh mục nghề nặng nhọc được nghỉ hưu sớm? (23/06/2020)

Theo quy định của Bộ Luật Lao động (sửa đổi), từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam, 55 tuổi 4 tháng đối với nữ, sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi đạt độ tuổi 62 đối với nam vào năm 2028 và 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng quy định một số đối tượng lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… có thể nghỉ hưu sớm, ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định.
Bộ Lao động Thương binh và xã hội đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu với người lao động. Nhiều ý kiến băn khoăn: liệu giáo viên mầm non có được xếp vào nghề nghiệp đặc biệt? Có nên đưa giáo viên mầm non vào danh mục nghề nặng nhọc được nghỉ hưu sớm hay không? Bàn về nội dung này, khách mời là ông Nguyễn Ngọc Ân, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

Xảy ra hàng loạt sự cố công trình thủy lợi: Giải pháp nào với tình trạng hồ đập xuống cấp nghiêm trọng? (22/6/2020)

Hiện trên cả nước có gần 7.000 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích trên 11 tỷ khối. Trong số hồ chứa có dung tích từ 1 triệu đến trên 10 triệu khối thì rất nhiều hồ đã bị hư hỏng nặng và đang tiếp tục xuống cấp theo năm tháng, đặc biệt, khi mưa lũ lớn kéo dài sẽ rất nguy hiểm. Hàng năm việc sửa chữa, duy tu các công trình thủy lợi để đạt khả năng vận hành cao nhất vẫn được tiến hành thường xuyên. Tuy nhiên, các hồ đập vẫn xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt, mùa mưa bão đang diễn ra với nhiều diễn biến xấu như lũ lụt gây thiệt hại lớn tới tính mạng, tài sản của người dân.
Với dự báo nhiều bất thường có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm nay, càng khiến người dân sống gần khu vực có hồ, đập hư hỏng, xuống cấp cảm thấy bất an. Vậy những hồ, đập hiện nay mức độ an toàn ra sao, giải pháp nào với tình trạng hồ đập xuống cấp? là chủ đề chúng tôi bàn trong “Câu chuyện thời sự” với khách mời là ông Nguyễn Đăng Hà - Vụ trưởng Vụ An toàn đập, Tổng cục Thủy lợi – Bộ NN &PTNT.

Cách tính phí rác thải theo kg liệu có khả thi với thực tế nước ta? (19/6/2020)

Tuần qua, vấn đề thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng - kg, dù mới chỉ được nêu ra để bàn thảo trong Kỳ họp của Quốc hội về Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, nhưng đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Bên cạnh những ý kiến đồng tình, cũng có người lo ngại tính khả thi của phương án này. Thậm chí, một số người lo lắng vì quy định có thể làm tăng thêm gánh nặng chi phí trong sinh hoạt. Vậy cách tính phí rác thải theo kg là như thế nào? Liệu có khả thi với tình hình thực tế tại nước ta? PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam bàn luận vấn đề này.

Những yêu cầu về cải cách thể chế khi thực hiện EVFTA (18/6/2020)

Ngày 8-6 vừa qua, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Lợi ích mang lại là thúc đẩy gia tăng thương mại hai chiều, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng quy mô xuất khẩu nhiều ngành thế mạnh như nông sản, thuỷ sản, dệt may… Người dân được tiếp cận hàng hóa nguyên phụ liệu, trang thiết bị máy móc, đặc biệt là mỹ phẩm chất lượng cao. EVFTA cũng là cơ hội đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn, cải cách thể chế.
Tuy nhiên, để thực thi Hiệp định, cần tiến hành nhiều công việc, trong đó có công tác xây dựng pháp luật, thể chế. Cần những yêu cầu cụ thể nào trong quá trình rà soát pháp luật để thực thi Hiệp định EVFTA? Bàn về chủ đề này, biên tập viên Đình Hiếu trao đổi với khách mời là Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Để sông hồ không là những kênh chứa nước thải (16/6/2020)

Theo chương trình, hôm nay Quốc hội thảo luận Luật Môi trường sửa đổi. Từ lâu, câu chuyện sống chung với thiên nhiên, giảm áp lực môi trường lên đất, nước, không khí đã là chủ đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Cũng đã rất lâu rồi, câu chuyện làm sao để những con sông chảy qua thành phố không trở thành nơi chứa nước thải cũng là mối quan tâm của từng người dân đô thị. Tuy nhiên, nhiều năm rồi, chính quyền các thành phố lớn vẫn loay hoay với bài toán này. Trong câu chuyện Thời sự hôm nay, chúng ta sẽ bàn về chủ đề “Để sông hồ không còn là những kênh chứa nước thải” với TS Đào Trọng Tứ, trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam.

Vì sao doanh nghiệp khó vay tiền từ gói 62.000 tỷ đồng? (15/6/2020)

Thông tin nhận được sự quan tâm của dư luận những ngày này là đã hơn một tháng thực hiện Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ về “Các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19”, ở nhiều địa phương, các đơn vị chức năng không nhận được bất kỳ hồ sơ thụ hưởng ưu đãi nào từ doanh nghiệp. Cụ thể, trong Quyết định có nội dung “người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính được vay vốn lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương ngừng việc cho người lao động”. Tuy nhiên, đến ngày 10/06, Cổng Dịch vụ công quốc gia tiếp nhận 661 hồ sơ của 227 doanh nghiệp, chỉ có 9 hồ sơ được duyệt, 597 hồ sơ bị từ chối do không đủ điều kiện, số còn lại đang được xử lý. Ở một địa phương cụ thể là thành phố Hồ Chí Minh thì đã không có hồ sơ khẳng định nhu cầu vay vốn từ nhóm đối tượng này.
Doanh nghiệp không thiếu - không có nhu cầu vay vốn chính sách; thủ tục rườm rà, phức tạp, làm khó cho doanh nghiệp; hay thực tiễn này còn ẩn chứa những nguyên nhân gì? Biên tập viên Thu Trang trao đổi cùng vị khách mời là ông Nguyễn Quang Huân – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Halcom, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam.

Thanh Hóa: Làm gì để vực dậy kinh tế sau COVID-19? (12/6/2020)

Đại dịch Covid 19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới tốc độ tăng trưởng của cả nước nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Vậy Thanh Hóa sẽ làm gì để đạt được mục tiêu trở thành điểm sáng kinh tế, tỉnh công nghiệp trọng điểm cả nước và trước mắt là giúp doanh nghiệp vực dậy sau ảnh hưởng từ dịch Covid 19? Đây cũng là nội dung mà chúng tôi bàn tới trong Câu chuyện Thời sự hôm nay với sự tham gia của khách mời là ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa.

Cần cơ chế minh bạch cho hoạt động cho vay trực tuyến (11/6/2020)

Thời gian gần đây, nhiều ứng dụng cho vay trực tuyến đã quảng cáo, chào mời cho vay với thủ tục đơn giản, có thể vay một khoản tiền nhỏ từ 5 triệu đồng, mà không cần phải thế chấp… Chính sự dễ dàng trong thủ tục phê duyệt cho vay nên nhiều người đã dễ dàng rơi vào “bẫy tín dụng đen”. Vì sao gọi đây là các bẫy tín dụng đen? Làm thế nào có thể minh bạch các hoạt động tín dụng qua app cho vay trực tuyến? Khách mời là ông Trần Việt Vĩnh - Nhà sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Đổi mới Tài chính Fiin, từng nhận giải thưởng “Doanh nhân Vàng Việt Nam năm 2019”, Công ty Fiin được bình chọn là 1 trong 10 Thương hiệu nổi tiếng hàng đầu năm 2019, cùng bàn luận về chủ đề này.

Những việc cần làm để doanh nghiệp và nền kinh tế có thể tận dụng tối đa các cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại (9/6/2020)

Sáng qua (8/6), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (gọi tắt là hiệp định EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (gọi tắt là hiệp định EV-IPA). Theo kế hoạch, sau khi 2 bên hoàn tất các thủ tục cuối cùng, Hiệp định EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ 2 sau khi Hiệp định được phê chuẩn, có nghĩa là khả năng EVFTA sẽ có hiệu lực từ ngày 01/08/2020.
Trong suốt thời gian qua, thông qua các tuyến tin, bài, phóng sự, chương trình tọa đàm, phỏng vấn chuyên gia, cơ quan quản lý, doanh nghiệp… chúng tôi đã cung cấp thông tin tới quý thính giả về quá trình 10 năm đàm phán để đi đến ký kết và thông qua hiệp định này; về những cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại cho Việt Nam. Trong câu chuyện thời sự hôm nay, chúng ta cùng nhìn lại những cam kết mở cửa của Việt Nam cũng như những thách thức của EVFTA - đặt ra những nhiệm vụ, những việc cần làm để doanh nghiệp và nền kinh tế có thể tận dụng tối đa các cơ hội mà hiệp định này mang lại.

Cơ hội của Việt Nam khi Hiệp định thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực (8/6/2020)

Hôm nay Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (gọi tắt là hiệp định EV-FTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (gọi tắt là hiệp định EV-IPA). Sau khi được Quốc hội Việt Nam thông qua và Chính phủ Việt Nam hoàn tất các thủ tục cuối cùng, EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020. Với những cam kết của hiệp định, EVFTA được đánh giá là đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, EVFTA mang lại những cơ hội gì cho đất nước, cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam? Đây cũng là nội dung chúng tôi bàn luận trong Câu chuyện thời sự, với 2 vị khách mời là: Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - và ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên, Bộ Công Thương.

Bài toán nào xử lý rác thải sinh hoạt? (5/6/2020)

Theo ước tính của các chuyên gia, mỗi ngày cả nước ta phát sinh tổng lượng chất thải rắn lên tới khoảng 59 nghìn tấn. Đến năm 2025, con số này được ước tính đạt 91 triệu tấn/năm, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng từ 10 - 16% người 1 ngày mỗi năm. Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng lớn, tính chất ngày càng phức tạp, tạo áp lực lớn đến môi trường. Trong khi đó, sức chịu tải của môi trường có “ngưỡng” nhất định. Nhân ngày môi trường thế giới, chúng tôi mời PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng bàn về câu chuyện này.

Làm gì để ngăn chặn tình trạng phá rừng liên tiếp xảy ra? (4/6/2020)

Nạn chặt phá rừng trái phép hiện nay đang trở thành một trong những vấn đề hàng đầu cần được giải quyết triệt để. Vậy, đâu là nguyên nhân của hàng loạt vụ phá rừng liên tục gia tăng trong thời gian gần đây, giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này là chủ đề bàn luận với vị khách mời là GS. TS Nguyễn Ngọc Lung – Viện trưởng Viện Quản lý Rừng bền vững và chứng chỉ rừng.

Chạy phiếu bầu, phiếu giới thiệu trước Đại hội – Cơ chế nào để loại bỏ? (2/6/2020)

Chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, chạy quy hoạch, chạy phiếu bầu, là câu chuyện thường thấy trước mỗi kỳ Đại hội. Nó được xem là mối nguy hiểm nhất, gây ra nhiều hậu họa nhất khi làm hư hỏng cán bộ; suy yếu hệ thống“rường cột” nước nhà; làm xói mòn lòng tin của nhân dân. Nó được gọi bằng cái tên là tham nhũng quyền lực, tham nhũng cán bộ. “Đã chạy là không dùng”. Nhưng để thấy rõ ai “chạy”; để sàng lọc được những cán bộ luồn lách bằng mọi cách lọt vào bộ máy, không phải là việc dễ dàng. Cần làm sao để nhận diện, chỉ rõ và loại bỏ ai không xứng đáng? Cần làm gì để chọn được người thực đức, thực tài lãnh đạo đất nước? Câu chuyện Thời sự hôm nay với sự tham gia của TS Nguyễn Minh Phong, Phó ban tuyên truyền lý luận – Báo Nhân dân bàn luận về nội dung này.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h50-05h59 Quảng cáo
06h28-06h30 Quảng cáo
9h15-10h00 Đối thoại
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h00-13h30 CLB âm nhạc
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
23h30-24h00 Nhịp sống
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: