logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam - Nguy cơ lây lan, khó kiểm soát dịch Covid-19 trong cộng đồng (23/7/2020)

Đến ngày 23/7, thế giới đã vượt mốc hơn 15 triệu người mắc Covid-19, hơn 600.000 ca tử vong, trong khi số ca mắc mới vẫn không ngừng gia tăng tại nhiều quốc gia. Có những nước đã cho thấy làn sóng Covid-19 thứ hai, thậm chí thứ ba đã trở lại như Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines, Indonesia… Việt Nam đã trải qua gần 100 ngày không có ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng một số lượng không nhỏ người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở. Trong nước là tình trạng quá tải ở các sân bay, nhà ga, bến tàu do nhu cầu lưu thông của người dân tăng cao. Vậy những nguy cơ nào có thể xảy ra đe dọa nguy cơ xuất hiện Covid-19 trong cộng đồng? Khách mời là Bác sỹ Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cùng bàn về nội dung này.

Gỡ nút thắt để giải ngân bằng được hơn 630.000 tỷ đồng vốn đầu tư công (21/7/2020)

Tại Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương về đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Trách nhiệm của Chính phủ, các địa phương cả nước rất lớn trong điều hành đất nước, nhất là, phải tập trung giải ngân vốn đầu tư công gần 28 tỷ USD, tương đương 633 nghìn tỷ đồng. Làm gì để giải ngân được 100% số vốn này, trong khi “tình trạng nhận vốn nhưng không tổ chức thực hiện, chậm giải ngân đã diễn ra nhiều năm, nhiều nơi…”? “Gỡ nút thắt để giải ngân bằng được hơn 630 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công” là chủ đề của Câu chuyện thời sự hôm nay, với sự tham gia bàn luận của Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Để công tác thi đua khen thưởng đi vào thực chất: Tránh tình trạng “khen thưởng từ trên xuống"(20/7/2020)

Thời gian qua, công tác thi đua khen thưởng đã được các Bộ, ngành địa phương triển khai kịp thời, tích cực, chủ động với nhiều phong trào thiết thực, sáng tạo, tập trung giải quyết một số khâu yếu, nhất là tuyên truyền người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến. Mặc dù vậy, tại hội nghị triển khai công tác 6 tháng cuối năm mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương đã chỉ rõ thực trạng, khoán trắng cho Hội đồng thi đua, khen thưởng ở các địa phương, thiếu sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, hệ thống chính trị đối với công tác này, nhất là tình trạng bệnh thành tích trong thi đua, khen thưởng, thậm chí nhiều nơi khi tổ chức thường “Khen thưởng từ trên xuống” ưu tiên cho các đồng chí lãnh đạo, rồi mới đến nhân viên. Khiến công tác thi đua khen thưởng chưa đi vào thực chất, và hướng đến tôn vinh được những người lao động, những con người bình thường. Bà Trần Thị Hà, nguyên Thứ trưởng Bội Nội vụ, nguyên Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương cùng bàn về vấn đề này.

Tăng cường minh bạch trong quản lý ngân sách (17/7/2020)

Theo dự báo của ngành Tài chính, năm nay thu ngân sách cả nước sẽ bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19. Nghị quyết của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV cũng nêu rõ, khả năng phải điều chỉnh các chỉ tiêu ngân sách nếu tác động của dịch còn kéo dài. Trong điều kiện khó khăn, làm sao cân đối ngân sách, để bảo đảm các mục tiêu phát triển? Thu thế nào, chi ra sao, càng cần phải tính kỹ hơn lúc bình thường- thuận lợi, và quá trình này phải được giám sát chặt chẽ hơn. Luật ngân sách Nhà nước 2015, có hiệu lực từ năm ngân sách 2017, đã bổ sung quy định về giám sát ngân sách nhà nước của cộng đồng. Kết quả khảo sát về Chỉ số công khai ngân sách bộ, cơ quan trung ương (MOBI) và Chỉ số công khai ngân sách cấp tỉnh (FOBI) 3 năm liên tiếp, cho thấy những chuyển biến tích cực trong thực hiện công khai ngân sách theo Luật. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế trong quá trình này. Làm sao để việc “công khai” phải thực chất, công khai đi liền với minh bạch? Câu chuyện thời sự hôm nay chúng tôi bàn nội dung này với sự tham gia bàn luận của chuyên gia tài chính, PGS.TS Vũ Sỹ Cường.

Phòng cháy, chữa cháy rừng làm sao để hiệu quả? (16/7/2020)

Nước ta có diện tích rừng lớn nên vào mùa hanh khô, nắng nóng, thường có nguy cơ bị cháy rừng. Gần đây liên tiếp xảy ra các đợt nắng nóng cùng với hành động bất cẩn của con người khiến nhiều diện tích rừng ở Hà Tĩnh, Nghệ An cháy dữ dội, gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng và ảnh hưởng tới môi trường. Mặc dù các ngành chức năng, địa phương đều tích cực và rất vất vả khi tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng nhưng nhiều vụ cháy rừng vẫn diễn ra và hậu quả để lại rất nặng nề. Dường như sức người khó thể chống lại được với sức tàn phá dữ dội của cháy rừng. Làm sao để phòng chống cháy rừng đạt hiệu quả? Chúng ta cần nhìn nhận lại công tác phòng chống cháy rừng để rút kinh nghiệm cũng như đưa ra các giải pháp hữu hiệu hơn để ngăn ngừa cháy rừng trong thời gian tới. ông Nguyễn Hữu Thiện, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng bàn luận về câu chuyện này.

Tinh giản cán bộ phường, xã: Làm sao vẫn tăng chất lượng giải quyết công việc? (14/7/2020)

Thực hiện Nghị định 34 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, dẫn tới một số lượng không nhỏ các cán bộ không chuyên trách sẽ phải nghỉ việc. Điều này sẽ gây ra những áp lực không nhỏ cho đội ngũ cán bộ, công chức, công việc ngày một nhiều nhưng nhân lực lại ngày càng ít. Vấn đề đặt ra là việc tinh giản cán bộ xã, phường này cần được tiến hành như thế nào để chính quyền cấp xã, phường vẫn đảm bảo phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp, không làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng giải quyết công việc được giao của đội ngũ cán bộ. Nội dung này sẽ được bàn luận trong Câu chuyện thời sự hôm nay, với sự tham gia của ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Quy hoạch để báo chí phát triển lành mạnh và hiệu quả hơn (13/7/2020)

Trải qua thời gian khá dài, báo chí Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, có những thời điểm, số lượng các cơ quan báo chí quá nóng ở cả 4 loại hình: báo in, phát thanh, truyền hình và nhất là báo điện tử. Chính vì vậy, ngày 3/4/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 362/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Triển khai quyết định, ngày 4/6/2019, Bộ TT&TT đưa ra kế hoạch triển khai việc sắp xếp các cơ quan báo chí. Trải qua 95 năm hình thành và phát triển, hiện nền báo chí cách mạng của nước ta đang thực hiện rốt ráo vấn đề tái cơ cấu báo chí, hay nói cách khác là quy hoạch báo chí. Đây được xem là cơ hội để báo chí phát triển đúng hướng, chính quy, bài bản, lành mạnh hơn, tránh chồng chéo, lãng phí và góp phần ngăn chặn được những vi phạm trong hoạt động báo chí. Để có cái nhìn sâu sắc hơn về ý nghĩa của việc quy hoạch báo chí, cùng bàn luận với khách mời là ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Phương án biểu giá điện 5 bậc thang và phương án 1 giá điện: Những vấn đề đặt ra (10/7/2020)

Trong bối cảnh hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình tăng cao trong các tháng 5 và 6 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với gia tăng sử dụng điện cho điều hòa và các thiết bị làm mát mùa nắng nóng, còn do những bất cập của biểu giá điện bậc thang hiện hành. Bộ Công Thương khẳng định đang lấy ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện (theo phương án 5 bậc thang, thay vì 6 bậc như hiện nay) để thay thế cho Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ (đã ban hành từ ngày 07/4/2014).
Thế nhưng, trong những ngày gần đây, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực điện năng cho biết đang nghiên cứu phương án “1 giá điện” để ban hành song song với phương án biểu giá điện 5 bậc thang để người dân được quyền lựa chọn. Việc đề xuất cùng lúc tồn tại 2 phương án biểu giá điện như vậy liệu người dân có lợi hơn không? Những vấn đề gì đặt ra sau đề xuất này? Đó cũng là chủ đề của Câu chuyện thời sự được bàn luận với vị khách mời là PGS. TS Bùi Xuân Hồi - Giảng viên cao cấp Bộ môn Kinh tế năng lượng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia- cơ hội và thách thức (9/7/2020)

Tháng 6/2020 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Đây là bước cụ thể hóa Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Câu chuyện thời sự hôm nay chúng tôi bàn nội dung: “Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia- Cơ hội và thách thức”, với sự tham gia của là ông Nguyễn Huy Dũng- Cục trưởng Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và truyền thông.

Học sinh nghỉ hè 3 tháng – vừa mừng, vừa lo (7/7/2020)

Câu chuyện nghỉ hè của học sinh một lần nữa lại là chủ đề bàn luận sôi nổi trong những ngày qua. Hè này, vì dịch COVID-19, học sinh sẽ có thời gian nghỉ là 1,5 tháng. Nhưng dự kiến từ năm sau, thời gian kết thúc năm học là ngày 31/5, thời gian bắt đầu năm học mới là từ 1/9. Như vậy, các em sẽ được nghỉ trọn vẹn 3 tháng hè. Hiện dư luận đã có sự phân chia thành 2 luồng ý kiến - ủng hộ và lo lắng. Trong khi nhiều phụ huynh, giáo viên, học sinh vui mừng vì có nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi sau những ngày học vất vả, học sinh có cơ hội được rèn luyện thêm kĩ năng sống cho bản thân, gia đình có thêm cơ hội gắn bó giữa cha mẹ và con cái. Nhưng cũng có không ít phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh ở thành phố lo chỗ trông con, còn nhà trường “ngại” học sinh nghiện game, quên nề nếp, kiến thức. Câu chuyện thời sự hôm nay, chúng tôi mời đến phòng phát thanh trực tiếp PGS TS Trần Thanh Nam - chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội để cùng trao đổi về nội dung này.

Hòa giải thành công cần dân vận khéo (6/7/2020)

Trong cuộc sống, rất nhiều những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh, tưởng chừng rất nhỏ nhặt nhưng nếu không được giải quyết kịp thời nó sẽ âm ỉ trở thành điểm nóng, gây ra những hậu quả khôn lường cho xã hội. Vì tranh chấp đất đai, anh em ruột thịt sẵn sàng cầm dao chém nhau, hay đơn giản chỉ vì bật nhạc quá to, bất đồng về quan điểm sống, 2 gia đình hàng xóm láng giềng vốn đang thân thiết, tối lửa tắt đèn có nhau đã phát sinh mâu thuẫn, đánh chửi nhau, gây mất trật tự xã hội ở địa phương. Những tranh chấp, mâu thuẫn đó sẽ kịp thời được hóa giải nếu được phát hiện sớm, được hòa giải thành công. Từ lâu, hòa giải ở cơ sở đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống trong cộng đồng dân cư.
Hiện nay cả nước có gần 96.900 tổ hòa giải ở ơ sở, được thành lập tại các thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố với hơn 600 nghìn hòa giải viên. Các hòa giải viên luôn có mặt kịp thời ngay từ khi phát sinh các tranh chấp, mâu thuẫn, bằng kỹ năng dân vận khéo của mình để hóa giải những mâu thuẫn khiến tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết, nhờ thế, an ninh trật tự được bảo đảm. Đây cũng là nội dung được bàn luận với khách mời là ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.

Những lưu ý nhìn từ thực tế tăng trưởng kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 (3/7/2020)

Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2020 ước tính chỉ tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước. Với một nền kinh tế có độ mở lớn, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trên thế giới - là các đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam - bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của dịch Covid-19, thậm chí có những nền kinh tế không có tăng trưởng hoặc tăng trưởng âm, GDP 6 tháng đầu năm của Việt Nam có tăng trưởng dương - được cho là kết quả đáng ghi nhận. Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, hoạt động sản xuất - kinh doanh đã dần hồi phục, song, những khó khăn, bất ổn vẫn luôn tiềm ẩn, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, phù hợp và linh hoạt trước những biến động khó lường. “Những lưu ý nhìn từ thực tế tăng trưởng kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020” - là nội dung được chúng tôi bàn luận trong Câu chuyện thời sự sáng nay - với sự tham gia của chuyên gia kinh tế, TS Lê Duy Bình.

Bỏ viên chức suốt đời, thay đổi tư duy để hướng tới cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho xã hội (2/7/2020)

Bắt đầu từ ngày hôm qua (01/07), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức chính thức có hiệu lực. Một trong những điểm mới của luật là sẽ không giữ hợp đồng “không xác định thời hạn”, hay nói cách khác là không còn hình thức biên chế suốt đời với viên chức. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao hiệu quả làm việc của đội ngũ những người cung cấp những dịch vụ công thiết yếu cho xã hội; từng bước xoá bỏ tình trạng chây ì, làm việc kém hiệu quả. Tuy vậy, quy định được đánh giá là tiến bộ ấy có xoá bỏ được tình trạng “sáng cắp ô đi tối cắp ô về” của một bộ phận người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập nói riêng và cơ quan Nhà nước nói chung hay không? Trong câu chuyện Thời sự hôm nay, chúng tôi mời tới phòng phát thanh trực tiếp ông Nguyễn Tư Long, Phó vụ trưởng Vụ công chức viên chức, Bộ Nội vụ để bàn về câu chuyện này.

ĐBSCL sạt lở - mối nguy cho người dân (30/6/2020)

Cùng với nỗi lo về hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, xói lở bờ sông, bờ biển diễn ra nghiêm trọng đang ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và phát triển kinh tế xã hội toàn vùng ĐBSCL. Tình trạng sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến phức tạp ở dọc theo các tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, các nhánh sông chính và cả bờ biển với gần 600 điểm sạt lở, tổng chiều dài lên đến trên 800 km… Nhiều km đường, nhà cửa của người dân đã bị “hà bá” nuốt chửng chỉ sau một đêm. Làm thế nào để phòng tránh nguy cơ sạt lở và ổn định cuộc sống cho người dân vùng ĐBSCL? Ông Tăng Quốc Chính, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT cùng bàn về nội dung này.

Hướng đi nào cho lao động thất nghiệp do dịch Covid-19? (29/6/2020)

Theo thống kê mới nhất của Bộ Lao động thương binh và xã hội, do tác động của dịch Covid 19, cả nước có 18.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; 42% gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, 31% doanh nghiệp thiếu nguyên vật liệu, kèm theo đó là hàng triệu người bị ngừng việc. Riêng thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 100 nghìn lao động bị mất việc, làm việc không lương. Cách đây ít ngày, công ty PouYuen Việt Nam có trụ sở tại thành phố HCM đã cho hơn 2.700 lao động nghỉ việc.
Câu hỏi đang được nhiều người đặt ra lúc này là: Hướng đi nào cho những công nhân lao động phải nghỉ việc? Tổng liên đoàn lao động Việt Nam – cơ quan đại diện cho người lao động có những phương án hỗ trợ nào để tiếp sức người lao động vượt khó? Phóng viên Bích Ngọc trao đổi với vị khách mời là bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h50-05h59 Quảng cáo
06h28-06h30 Quảng cáo
9h15-10h00 Đối thoại
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h00-13h30 CLB âm nhạc
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
23h30-24h00 Nhịp sống
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: