logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA: Cần sự hợp lực từ nhiều phía (17/9/2020)

Hoạt động thương mại xuất nhập khẩu từ đầu năm đến nay chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19, do nhiều nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại để phòng chống dịch lây lan trong cộng đồng. Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta ước đạt hơn 174 tỷ USD, chỉ tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhìn vào một số thị trường và sản phẩm, hàng hóa nông, thủy sản xuất khẩu thời gian qua cho thấy rõ, khu vực kinh tế trong nước đã thể hiện sự nỗ lực, tiếp tục là điểm sáng, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Việc khai thác các thị trường mà Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ghi nhận khá tích cực. Cụ thể Việt Nam đã tận dụng được những gì sau hơn một tháng Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực? Và cần phải làm gì để có thể khai thác, cũng như tận dụng tốt các cơ hội từ EVFTA mang lại? Đó là chủ đề của Câu chuyện thời sự hôm nay, với sự tham gia bàn luận của chuyên gia thương mại PGS. TS Phạm Tất Thắng.

Chuyển sát hạch và cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an: Làm sao đảm bảo chất lượng đào tạo, tránh lãng phí cơ sở hạ tầng, hạn chế tiêu cực? (15/9/2020)

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, cải cách hành chính và thực tiễn về trật tự, an toàn giao đường bộ hiện nay, Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ Tư pháp thống nhất để Bộ Công an báo cáo Quốc hội theo phương án: Vấn đề đào tạo sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ; nghĩa là sẽ chuyển công tác quản lý đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an phụ trách. Việc thống nhất phương án này được lý giải là để đảm bảo tính hợp lý, đồng bộ và thống nhất, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo vệ con người.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Bộ Công an sẽ có những bước tiếp nhận, triển khai như thế nào trong thời gian tới và làm sao đảm bảo chất lượng đào tạo sát hạch, tránh lãng phí cơ sở hạ tầng, hạn chế tiêu cực xảy ra trong sát hạch và cấp giấy phép lái xe? Đây cũng là chủ đề bàn luận với sự tham gia của vị khách mời là ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam.

Mở lại đường bay quốc tế - Làm sao đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19? (14/9/2020)

Tại phiên họp trực tuyến hôm 11/9 về phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các hãng hàng không xem xét mở lại đường bay thương mại quốc tế giữa Việt Nam với một số quốc gia, khu vực. Theo dự kiến, trong tuần này đường bay tới Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) sẽ được hoạt động. Quyết định mở lại đường bay quốc tế vào thời điểm này có ý nghĩa như thế nào? Và làm thế nào để đảm bảo an toàn, không để ảnh hưởng đến nỗ lực phòng chống dịch Covid-19 trong nước? Phóng viên Hà Nho cùng bàn luận vấn đề này với Tiến sĩ Vũ Văn Tính, Giảng viên Học viện hành chính Quốc gia.

Nhập nhèm sách giáo khoa và sách tham khảo: Cần có chế tài xử lý nghiêm (11/9/2020)

Ngay tuần đầu tiên của năm học mới 2020-2021, câu chuyện về sách giáo khoa trở thành chủ đề nóng khi nhiều phụ huynh phải “đỏ mắt” tìm kiếm sách giáo khoa lớp 6 do tình trạng khan hiếm, rồi phụ huynh lớp 1 phải bỏ ra 800.000 đồng để mua một bộ sách, mà trong đó tiền sách giáo khoa chỉ là phần nhỏ. Tình trạng khan hiếm sách, nhập nhèm giữa sách giáo khoa và sách tham khảo gây ảnh hưởng và mất lòng tin của phụ huynh học sinh nói riêng và xã hội nói chung. Giải pháp nào cho vấn đề này? Mời quý vị cùng khách mời của chương trình là chuyên gia giáo dục, TS Vũ Thu Hương bàn luận vấn đề này.

Vai trò của chuyển đổi số trong thực hiện mục tiêu phát triển (10/9/2020)

Nếu như trước kia, những thông tin về chuyển đổi số, kinh tế số, Chính phủ điện tử …chưa được nhiều người quan tâm hoặc cho là viễn cảnh, thì nhiều tháng trở lại đây,kể từ khi xuất hiện dịch Covid19, các hình thức khác nhau của công cuộc số hóa này đã xuất hiện trong từng ngôi nhà, trở thành công việc thường ngày của mỗi cá nhân – theo cách thức tự nhiên nhất. Mục tiêu “Nền kinh tế số Việt Nam” trở nên gần gũi hơn bao giờ hết ! Trong bài viết nhân dịp kỷ niệm 75 Cách mạng Tháng 8, Quốc khánh 02/09, với nhan đề "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội 13 của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã một lần nữa kêu gọi toàn hệ thống chính trị “Đẩy mạnh đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của những ngành mới, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính phủ số”. Vậy thực tế chúng ta đang ở đâu trong hành trình chuyển đổi số, chúng ta đang có những thuận lợi gì, đối mặt với những khó khăn, thách thức nào?
Bàn luận nội dung này, BTV Thu Trang trao đổi với khách mời là Thiếu tướng Lê Đăng Dũng - Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số Việt Nam.-

Vai trò nữ nghị sỹ trong bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ (8/9/2020)

Được tổ chức lần đầu tiên tại kỳ họp Đại hội đồng AIPO (sau này gọi là AIPA) lần thứ 19 năm 1998, theo sáng kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Malaysia, từ đó đến nay, Hội nghị Nữ nghị đã trở thành một cơ chế hoạt động thường niên và hiệu quả của AIPA. Nằm trong cơ cấu của Đại hội đồng, hội nghị thảo luận các chủ đề cùng quan tâm và tìm ra chiến lược nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ.
Hội nghị Nữ Nghị sỹ tại AIPA 41 lần này sẽ bàn về “Vai trò nữ nghị sỹ trong bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ”, đặc biệt, thể hiện trong bối cảnh đại dịch Covid- 19 có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân nói chung và những phụ nữ nói riêng. Khách mời là bà Lê Thu Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ trao đổi kỹ hơn về nội dung này.

Công tác đầu tư cơ sở vật chất để chuẩn bị năm học mới (4/9/2020)

Đối với giáo dục tiểu học, năm học này là năm đặc biệt – năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 (hay còn gọi là chương trình giáo dục phổ thông mới) bắt đầu từ lớp 1. Cùng với đội ngũ giáo viên thì cơ sở vật chất là điều kiện nòng cốt để ngành giáo dục và đào tạo thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngành giáo dục đã có thời gian chuẩn bị cho chương trình mới, đặc biệt là năm 2019 – một năm bản lề để hoàn tất các khâu chuẩn bị.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng đến thời điểm hiện tại, các địa phương đã đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, sẵn sàng tâm thế đồng hành cùng quá trình thực hiện đổi mới giáo dục. Để có nhiều thông tin hơn về việc chuẩn bị, đầu tư cơ sở vật chất để chuẩn bị năm học mới, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, BTV Lê Thu trao đổi với ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT.

Phòng chống mưa lũ: Giải pháp nào để đảm bảo an toàn hồ đập? (3/9/2020)

Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, nước ta sẽ có khả năng xuất hiện khoảng 7-9 cơn bão, trong đó khoảng từ 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam; nguy cơ mưa lũ lớn dồn dập và kéo dài ở khu vực miền Trung; lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Chính vì thế, tại cuộc họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các cấp, các ngành đề cao cảnh giác trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp ở các nước xung quanh và nước ta; Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan, thường xuyên chủ động, giao nhiệm vụ cụ thể để đôn đốc công tác quan trọng này.
Trong khi đó, thời gian gần đây, mưa lũ dồn dập, việc xả lũ liên tục từ các công trình thủy điện cả trong và ngoài nước cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới an toàn của các công trình thủy lợi, hồ đập trong mùa mưa lũ. Vậy để phòng chống thiên tai hiệu quả, nhất là trong tình hình mưa lũ lớn xảy ra vào cuối năm, giải pháp nào để đảm bảo an tòan cho các công trình thủy lợi, hồ đập… là chủ đề được bàn luận, với vị khách mời là ông Nguyễn Đăng Hà - Vụ trưởng Vụ An toàn đập – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bộ Công Thương sẽ sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu như thế nào trước yêu cầu của Chính phủ? (1/9/2020)

Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu được ban hành đầu tháng 9/2014. Sau tròn 6 năm ban hành và triển khai, Nghị định 83/2014 là cơ sở pháp lý để Liên Bộ Công thương - Tài chính điều hành xăng dầu trong nước, đảm bảo nguồn cung phục vụ sản xuất, tiêu dùng, tạo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong kinh doanh xăng dầu.
Đến nay, với sự thay đổi cơ cấu nguồn cung, số lượng doanh nghiệp đầu mối tăng, làm tăng tính cạnh tranh. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do dẫn đến có nhiều mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu khác nhau từ các thị trường, khu vực được hưởng ưu đãi thuế quan… Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi Nghị định 83 cho phù hợp với thực tế và nhu cầu phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh xăng dầu trong nước. Và, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài Chính tiếp thu, giải trình ý kiến của các Bộ, cơ quan… và hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83 trình Chính phủ trong tháng 9 này.
“Bộ Công Thương sẽ sửa đổi Nghị định 83/CP về kinh doanh xăng dầu như thế nào trước yêu cầu của Chính phủ?”. Đây cũng là chủ đề bàn luận với khách mời là ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương (đại diện Cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định 83/CP).

Đừng để dịch vụ hành chính công bị ách tắc, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp (31/8/2020)

Tại Hội nghị trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử bộ, ngành và Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử 63 tỉnh, thành phố diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra 1 tồn tại là tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vẫn thấp. Đến thời điểm này, vẫn còn 8 bộ, 25 tỉnh mới đạt tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 dưới 10%.
Vì sao có tình trạng chậm trễ này và cần làm gì để khắc phục? Nội dung này được bàn luận với khách mời là bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó giám đốc thường trực Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, tức ban 4 - Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.

Vì sao các bộ ngành địa phương xin trả lại hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công? (28/8/2020)

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với các địa phương, bộ, cơ quan trung ương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công tổ chức mới đây, con số được công bố thu hút sự quan tâm của dư luận đó là có 9 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương đề nghị chuyển trả vốn kế hoạch với tổng vốn là trên 6.300 tỷ đồng. Vì sao các đơn vị chuyển trả lại vốn đầu tư công? Yếu tố khách quan, chủ quan nào dẫn đến thực tế này? Câu chuyện Thời sự hôm nay, chúng ta cùng bàn luận nội dung này với vị khách mời là chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong.

Đại biểu Quốc hội có hai quốc tịch: Trách nhiệm và xử lý trách nhiệm như thế nào? (27/8/2020)

Thông tin đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh) bị cáo buộc có tên trong danh sách mua hộ chiếu Cộng hòa Síp với giá 2,5 triệu USD khiến dư luận quan tâm. Ngày 25/8, khi trao đổi với báo chí, đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc cho biết, vợ và con trai ông có quốc tịch Síp đã thực hiện các thủ tục bảo lãnh xin cấp quốc tịch Síp cho ông để sau khi ông nghỉ hưu sẽ thuận tiện đi lại, chăm sóc gia đình.
Sự việc đang được các cơ quan làm rõ, xem xét, xác minh một cách cẩn trọng để có những thông tin chuẩn xác. Đáng nói, đây không phải là trường hợp đầu tiên đại biểu Quốc hội mà có tới hai quốc tịch. Vụ việc này cần được nhìn nhận ở góc độ pháp luật như thế nào? Đại biểu Quốc hội cần có trách nhiệm, tinh thần trung thực, tự giác ra sao? Nội dung này được bàn luận với khách mời là luật sư Nguyễn Tiến Lập, luật sư thành viên cấp cao của Văn phòng Luật sư NH Quang&Cộng sự, đoàn luật sư thành phố Hà nội.

Đánh giá cán bộ công chức sao cho thực chất (25/8/2020)

Từ ngày 20/08, Nghị định 90 (thay thế hai nghị định 56 và 88) của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức viên chức có hiệu lực. Nghị định với nhiều điểm mới có giúp đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức thực chất hơn, tránh hình thức trong lĩnh vực này bấy lâu nay? Biên tập viên Đài TNVN trao đổi cùng ông Nguyễn Tư Long, phó Vụ trưởng vụ công chức, viên chức, Bộ Nội vụ trao đổi về nội dung này.

Những lợi ích khi phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam (24/8/2020)

Tuần lễ Năng lượng tái tạo sẽ diễn ra từ ngày 25/8 đến ngày 28/8/2020, với chủ đề “Đột phá để phục hồi và phát triển Xanh vì cuộc sống an lành”. Đây là sự kiện thường niên do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) và Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam khởi xướng từ năm 2016. Câu chuyện thời sự hôm nay, chúng tôi bàn về những lợi ích khi phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam. Vị khách mời tham gia chương trình là ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh (thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam).

An toàn người bệnh, an toàn trong điều trị mùa dịch Covid-19 (21/8/2020)

"Đưa ra nhiều giải pháp để kiểm soát dịch bệnh, giảm số ca mắc mới Covid-19; không để bệnh viện thành ổ dịch và không thể vì có bệnh nhân Covid-19 mà phải phong tỏa, đóng cửa"- là những chỉ đạo liên tục từ người đứng đầu Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 và lãnh đạo ngành y tế. Song những bài học từ Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng vẫn có thể lặp lại nếu cơ sở y tế, người bệnh còn chủ quan, lơi là trong phòng chống dịch.
Sau khi được tăng cường nhân lực từ các bệnh viện đầu ngành, công tác kiểm soát dịch bệnh tại miền Trung hiện nay ra sao? Giải pháp nào để đảm bảo an toàn cho người bệnh, an toàn cho công tác điều trị?. Để tìm hiểu nội dung này, cùng trao đổi với Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h50-05h59 Quảng cáo
06h28-06h30 Quảng cáo
9h15-10h00 Đối thoại
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h00-13h30 CLB âm nhạc
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
23h30-24h00 Nhịp sống
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: