logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Thành tựu phòng chống COVID-19 nhìn từ việc nghiên cứu, sản xuất vaccine Sars Cov-2 “made in Viet Nam (31/12/2020)

Trong những ngày cuối cùng của năm 2020 này, trong khi rất nhiều nước trên thế giới đang “đắm chìm” vì dịch bệnh Covid-19 với mọi hy vọng đều dồn vào vắc xin tiêm phòng, thì Việt Nam cũng đang đẩy nhanh việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin này. Việc các quốc gia đang phát triển như Việt Nam tham gia vào cuộc đua sản xuất vắc xin đã cho thấy trình độ công nghệ trong lĩnh vực dược phẩm của Việt Nam đã theo kịp sự phát triển chung của thế giới. Theo các chuyên gia y tế, các cơ sở nghiên cứu, sản xuất vắc xin Covid-19 của Việt Nam đã đi đúng hướng, lựa chọn công nghệ phù hợp khi lựa chọn công nghệ vector virus. Đây là công nghệ khá mới, ngay cả vắc xin của Nga công bố thành công cũng chính là những vector virus. Vậy chúng ta đang có những bước tiến như thế nào trong nghiên cứu, sản xuất vắc xin Covid 19? Bộ Y tế đang có sự hỗ trợ cũng như quản lý nhằm đảm bảo quy trình an toàn cho vắc xin ra sao? Đây là nội dung sẽ được bàn luận trong câu chuyện Thời sự hôm nay, với sự tham gia của vị khách mời là ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế, Chánh Văn phòng Chương trình Phát triển Vắc xin Quốc gia về nội dung này

Dấu ấn của Nhiệm kỳ xuất khẩu - xuất siêu (2016-2020): Từ Chiến lược, tầm nhìn đến kết quả thực tiễn (29/12/2020)

Báo cáo của Tổng Cục Thống kê cho thấy, năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước tiếp tục vượt mốc 500 tỷ USD (ước đạt 543,9 tỷ USD) cao hơn khoảng 27 tỷ USD so với năm 2019. Tăng trưởng xuất nhập khẩu đạt 5,1%, trong đó riêng xuất khẩu tăng trưởng 6,5% so với năm 2019. Xuất siêu đạt hơn 19 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016. Những con số này đã đưa Việt Nam đứng thứ 22 thế giới về quy mô kim ngạch và năng lực xuất khẩu; đứng thứ 26 về quy mô thương mại quốc tế. Điều gì đã giúp cho Việt Nam - một nền kinh tế có độ mở lên tới 200% GDP đạt được những thành công như vậy - đặc biệt trong cả nhiệm kỳ 5 năm 2016-2020 này? Câu chuyện thời sự hôm nay, chúng ta cùng nhìn lại những giải pháp quan trọng trong công tác điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành cũng như nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong thực thi các giải pháp này, đặc biệt là việc tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết, qua trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh với phóng viên Nguyên Long ngay sau đây:

Biến thể mới Sars Cov 2 – Kịch bản nào để Việt Nam ứng phó? (28/12/2020)

Những ngày này, thông tin về biến chủng virus Sars Cov-2 mới với tốc độ lây lan hơn 70% xuất hiện không chỉ ở Anh, Nam Phi mà đã xuất hiện tại nhiều nước châu Âu, châu Á, trong có Malaysia, Singapo, Nhật Bản. Các chuyên gia dịch tễ Việt Nam lo ngại khả năng dịch sẽ xâm nhập vào nước ta bởi số lượng người nhập cảnh nhiễm virus vẫn lớn. Liệu Việt Nam có thể ngăn ngừa được nguy cơ biến thể mới của chủng vi rút Sars Cov-2 xâm nhập vào nước ta? Trong trường hợp xuất hiện các ca bệnh mang chủng mới trong cộng đồng, chúng ta cần có những kịch bản nào để ứng phó? Chúng tôi bàn về nội dung này, với sự tham gia vị khách mời là PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế.

Hoàn thiện pháp luật để ngăn chặn kinh doanh đa cấp trá hình (25/12/2020)

Hơn 6.000 bị hại tại 49 tỉnh, thành phố tham gia vào hệ thống bán hàng đa cấp do Lê Xuân Giang cầm đầu, với số tiền bị chiếm đoạt lên đến hơn 1000 tỷ đồng là những con số đáng chú ý trong vụ án 'lừa đảo chiếm đoạt tài sản' xảy ra tại Công ty CP Liên Kết Việt, đang được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm.
Vì sao nhiều người dính bẫy của hoạt động bán hàng đa cấp trá hình đến vậy? Phải chăng do các quy định của pháp luật chưa chặt chẽ, còn nhiều lỗ hổng, công tác quản lý còn chồng chéo, thiếu đồng bộ? Cần hoàn thiện pháp luật như thế nào để sớm ngăn chặn, không để các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trá hình lừa đảo người dân? Đây là nội dung được bàn luận với sự tham gia của Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO.

Cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển xe máy dưới 50 phân khối làm sao để tránh xáo trộn?(24/12/2020)

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong nhóm giải pháp về người điều khiển phương tiện có nêu, tới đây người đi xe đạp điện, xe gắn máy có động cơ dưới 50 phân khối phải thi để được cấp giấy phép lái xe. Như vậy sẽ có hàng vạn người dưới 18 tuổi đang điều khiển xe dưới 50 phân khối phải tham gia đào tạo để được cấp giấy phép theo quy định. Vấn đề mà nhiều người dân quan tâm là việc đào tạo và cấp giấy phép lái xe sẽ được tiến hành như thế nào? Có thời gian và lộ trình ra sao để tránh sự xáo trộn? Câu chuyện Thời sự hôm nay, chúng tôi bàn về nội dung này, với sự tham gia của Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thủy-Nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Giao thông, người có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông

Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình – điều kiện gỡ thẻ vàng (22/12/2020)

Cụ thể hóa Luật Thủy sản 2017, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ban hành nghị định, thông tư, trong đó có quy định ngày 1/4/2020 là thời hạn cuối cùng bắt buộc ngư dân phải lắp đặt xong thiết bị giám sát hành trình (GSHT) ở các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Vậy nhưng tính đến thời điểm này, đã gần 8 tháng sau thời gian quy định, việc lắp đặt thiết bị GSHT cho tàu cá tại không ít địa phương vẫn chưa đạt 100% mục tiêu đề ra. Vì sao lại có độ trễ trong việc triển khai thực hiện quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình? Việc thực hiện còn những khó khăn, vướng mắc gì? Đây là nội dung được bàn luận trong Câu chuyện thời sự hôm nay, với sự tham gia của ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục thủy sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Làm gì để cải cách thủ tục hành chính đi vào thực chất, gắn với chuyển đổi số ở Việt Nam? (21/12/2020)

Công tác cải cách thủ tục hành chính thời gian qua đã thực chất chưa? Những vấn đề gì cần đặt ra và rút kinh nghiệm để giảm tối đa những phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân, doanh nghiệp cũng như thích ứng với công cuộc chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay? Đây là nội dung của Câu chuyện thời sự BTV Nguyên Long bàn luận với khách mời là bà Nguyễn Minh Thảo – Trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu & Quản lý kinh tế Trung ương.

Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị sản xuất (18/12/2020)

Tính đến cuối năm 2020, cả nước có hơn 26.000 hợp tác xã, 100 liên hiệp hợp tác xã, 119.000 tổ hợp tác, thu hút hơn 8 triệu thành viên. Là tổ chức đại diện của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các thành viên, thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong việc hỗ trợ các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã xây dựng chuỗi giá trị sản xuất. Tính đến nay đã có 3.220 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, tăng 6,8 lần so với năm 2015. Sản xuất liên kết bền chặt, trong đó phát triển các HTX gắn với chuỗi giá trị là hướng đi tất yếu để nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng cho sản phẩm. Biên tập viên Đài TNVN trao đổi cùng tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bảo – Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Phó trưởng ban chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế tập thể Trung ương về nội dung này.

Hành vi côn đồ, thói vô cảm nhìn từ những vụ tai nạn giao thông gần đây (17/12/2020)

Mỗi ngày trên cả nước xảy ra hàng trăm vụ va chạm và tai nạn giao thông. Đáng chú ý là trong số các vụ va chạm, tai nạn giao thông đó xuất hiện không ít vụ ẩu đả, đánh nhau sau khi xảy ra va chạm giao thông hay sự thờ ơ, vô cảm của nhiều người khi chứng kiến các nạn nhân tai nạn giao thông gặp nạn mà không được giúp đỡ, khiến họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí là tử vong. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này và cần làm gì để không còn tái diễn những hành vi côn đồ, thói quen vô cảm sau những vụ va chạm, tai nạn giao thông khiến nhiều người không khỏi rùng mình, thương cảm, đau xót. Đây là nội dung được bàn luận với sự tham gia của Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Hừng Đông.

Mô hình kinh tế chia sẻ và câu chuyện quản lý - nhìn từ trường hợp Grab tại Việt Nam (15/12/2020)

Kinh tế chia sẻ là mô hình tiêu dùng cộng tác, dựa trên cơ sở cùng khai thác các nguồn tài nguyên sẵn có của hoạt động kết nối công nghệ số. Trong lĩnh vực vận tải, quá trình Grab vào Việt Nam từ năm 2016, đến nay, sau 4 năm hưởng các ưu đãi như đối với mô hình mới - kinh tế chia sẻ, Grab đã phát triển thị phần chiếm khoảng 70% thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam, hoạt động như một đơn vị kinh doanh vận tải, nhưng lại không chịu sự điều chỉnh đầy đủ của pháp luật kinh doanh tại Việt Nam. Chính vì vậy, khi Nghị định 126 về quản lý thuế có hiệu lực, Grab lập tức tăng cước phí và tăng tỷ lệ chiết khấu đối với các lái xe công nghệ, gây nên những phản ứng từ cộng đồng các lái xe công nghệ, thu hút sự chú ý của dư luận và các cơ quan quản lý. Biên tập viên Đài TNVN sẽ cùng bàn luận vấn đề này với Tiến sĩ, luật sư Vũ Văn Tính, Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia.

Đại cử tri Mỹ bỏ lá phiếu quyết định ai giành chiến thắng cuối cùng trong cuộc bầu cử Mỹ (14/12/2020)

Hôm nay (14/12) là ngày đại cử tri Mỹ sẽ bỏ phiếu chính thức bầu ra tổng thống Mỹ cho nhiệm kỳ 4 năm tới. Nếu như cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra “thuận buồm xuôi gió” và kết quả ngã ngũ ngay sau ngày bầu cử thì việc bỏ phiếu của cử tri đoàn sẽ phần nhiều mang tính thủ tục, để chính thức công nhận người chiến thắng. Thế nhưng, với cuộc bầu cử đầy kịch tính của năm nay, thì lá phiếu đại cử tri lại mang tính quyết định hơn bao giờ hết. Vào thời điểm này, dư luận cho rằng ông Joe Biden gần như đã nắm chắc phần thắng, song cũng có không ít người cho rằng, cuộc chiến pháp lý hậu bầu cử Mỹ chưa hoàn toàn khép lại, nghĩa là bất ngờ vẫn có thể xảy ra. Để giúp quý vị hiểu rõ hơn về cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn và những diễn biến kịch tính trên chính trường Mỹ, BTV Thu Hà trao đổi cùng Tiến sĩ Phạm Cao Cường, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ.

Mô hình Hợp tác xã kiểu mới khơi dậy sức mạnh tập thể trong phát triển kinh tế (11/12/2020)

Thời gian vừa qua, nhất là khi Luật Hợp tác xã năm 2012 ra đời, kinh tế HTX đã có những đổi mới hết sức quan trọng, không chỉ mang lại lợi ích cho các thành viên tham gia, mà còn góp phần đưa những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến gần hơn với người dân. Cần làm gì để HTX phát triển đạt hiệu quả hơn nữa và trở thành phong trào sâu rộng trong thời gian tới? Câu chuyện Thời sự hôm nay chúng tôi bàn về chủ đề: Mô hình Hợp tác xã kiểu mới - khơi dậy sức mạnh tập thể trong phát triển kinh tế” với sự tham gia của Tiến sỹ Phạm Thị Tố Oanh, Trưởng ban Chính sách và Phát triển Hợp tác xã, Liên minh HTX Việt Nam.

Thi đua không phải là ganh đua (10/12/2020)

Cách đây hơn 72 năm, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc", mở đầu cho hàng loạt phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, rộng khắp, tạo động lực to lớn làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi như lời hiệu triệu. Phương châm thi đua yêu nước theo Hồ Chủ tịch đó là: “Thi đua không phải là ganh đua, giấu nghề” mà là “Người trước hiểu biết, dẫn dắt người đi sau”, “Thi đua có nghĩa là mọi người phát triển tài năng, sáng kiến của mình, học hỏi điều hay, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, để cùng nhau tiến bộ”. Cho tới nay, quan điểm "Thi đua không phải là ganh đua" vẫn còn nguyên tính thời sự. Vậy làm thế nào để thi đua là phát huy sáng kiến, cùng nhau tiến bộ, để thi đua không phải ganh đua? Đây là chủ đề chúng tôi bàn luận trong Câu chuyện thời sự hôm nay, với sự tham gia của các vị khách mời là Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam và Anh Nguyễn Trọng Thái, Tổ trưởng tổ sản xuất, Công trường kiến thiết cơ bản 1, Công ty cổ phần Than Hà Lầm, Vinacomin, Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam. Anh Thái là 1 trong số hơn 2000 đại biểu chính thức tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 10.

Tăng thuế xe công nghệ: Ai là người phải gánh? (8/12/2020)

Theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 5/12, xe công nghệ sẽ bị áp mức thuế 10% thay vì mức 3% như hiện tại. Quy định mới này có hiệu lực, hầu hết các ứng dụng gọi xe hiện nay đều bị tác động đáng kể. Vậy ai sẽ là người chịu khoản phí tăng thêm này?

Nâng cao chất lượng các chương trình hàng Việt để chiếm lĩnh thị trường nội địa (7/12/2020)

Với gần 100 triệu dân, lại đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng cho sản xuất và tiêu dùng. Cùng với đẩy mạnh xuất khẩu, Việt Nam luôn coi trọng thị trường nội địa - là một thế chân kiềng, “bệ đỡ” trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Thời gian qua đã có rất nhiều chương trình được triển khai có hiệu quả, từ xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa đến phát triển thị trường, xây dựng hệ thống trung tâm thương mại hiện đại, chợ truyền thống; Từ chương trình “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến “Đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa”; rồi “Mỗi địa phương - xã, phường một sản phẩm” (OCOP)… Bà Lê Việt Nga- Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương và biên tập viên Nguyên Long cùng trao đổi về việc nâng cao chất lượng các chương trình hàng Việt để chiếm lĩnh thị trường nội địa.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h50-05h59 Quảng cáo
06h28-06h30 Quảng cáo
9h15-10h00 Đối thoại
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h00-13h30 CLB âm nhạc
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
23h30-24h00 Nhịp sống
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: