logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Doanh nghiệp chủ động thích ứng, bản lĩnh, sáng tạo - Góp phần hiện thực hóa "Khát vọng Việt Nam 2045" (9/3/2021)

Sau hơn 1 năm dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, với 3 đợt dịch đã gây ra rất nhiều khó khăn đối với nền kinh tế đất nước. Hàng loạt doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với đợt dịch lần 3, con số 33.600 doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh có thời hạn hoặc ngừng hoạt động trong 2 tháng đầu năm nay đã phần nào nói lên điều đó.
Mặc dù vậy, với sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa đã và đang phát huy nội lực, vượt khó vươn lên, từng bước thích ứng, thoát khỏi khủng hoảng, thậm chí có những doanh nghiệp tìm được hướng đi mới, thị trường mới, tăng quy mô hoạt động.Trước yêu cầu đặt ra trong tình hình mới, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trên cả nước đang không ngừng nỗ lực phấn đấu để làm chủ khoa học công nghệ, vượt qua khó khăn để đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước. “Doanh nghiệp chủ động thích ứng, bản lĩnh, sáng tạo – Góp phần hiện thực hóa khát vọng Việt Nam 2045” là chủ đề của Câu chuyện Thời sự với vị khách mời là ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Phụ nữ tham gia chính trị: Rút ngắn khoảng cách giữa mong muốn và thực tiễn (08/03/2021)

Nâng cao quyền của phụ nữ trong đời sống chính trị - xã hội là một cam kết chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam với nhân dân và thế giới. Trong chủ trương, đường lối và chính sách, pháp luật, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề phát triển phụ nữ như là một giải pháp phát triển xã hội bền vững. Trong những năm gần đây, hình ảnh phụ nữ tham gia chính trị đã trở nên quen thuộc hơn với số lượng và chất lượng được nâng lên so với giai đoạn trước. Song so với yêu cầu và khả năng đóng góp của phụ nữ, khoảng cách giới khá lớn trong lĩnh vực chính trị vẫn còn. Tỷ lệ cán bộ nữ đứng đầu ngành, địa phương còn rất khiêm tốn. Công tác cán bộ nữ chưa được quan tâm thực chất. Tại nhiều cơ quan, đơn vị đã thực hiện quy hoạch nhưng chưa thực hiện đào tạo và bố trí cán bộ nữ.

Kê khai tài sản theo quy định mới: Liệu có khắc phục triệt để căn bệnh hình thức? (5/3/2021)

Kê khai tài sản lâu nay vẫn bị cho là mang nặng tính hình thức, đúng sai như thế nào cũng ít bị phát hiện, xử lý. Chính vì vậy việc kê khai tài sản thiếu trung thực đã dần trở nên phổ biến. Vào thời điểm này, khi các cơ quan, tổ chức, đơn vị đang tổ chức thực hiện việc kê khai tài sản lần đầu tiên theo Luật Phòng chống tham nhũng 2018 và được cụ thể hóa bằng Nghị định 130, ban hành ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị với rất nhiều những điểm mới thì câu chuyện trung thực trong kê khai tài sản lại được dư luận đặc biệt quan tâm.
Vậy việc kê khai tài sản theo những quy định mới này liệu có hiệu quả, liệu có khắc phục triệt để căn bệnh hình thức như bấy lâu nay, để việc kê khai tài sản, kiểm soát thu nhập mới thực sự trở thành một biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả. Đây là nội dung được chúng tôi bàn luận trong Câu chuyện thời sự với sự tham gia của bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa 13.

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên-có nên loại bỏ “giấy phép con” hành giáo viên? (4/3/2021)

Trong tháng 3 này, dù vui mừng khi Bộ Giáo dục Đào tạo đã bỏ các điều kiện về chứng chỉ tin học và ngoại ngữ trong việc bổ nhiệm, thăng hạng cho giáo viên, nhưng hiện nhiều nhà giáo đang tâm tư và lo lắng. Nhiều nơi, giáo viên phải “chạy đua” đi học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh và “thấm” những đoạn trường trong công cuộc thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Việc yêu cầu một thứ không gắn với chuyên môn, công việc hằng ngày của giáo viên, công chức, viên chức, chỉ có tác dụng “làm đẹp hồ sơ” liệu có cần thiết? Câu chuyện thời sự hôm nay, chúng tôi bàn nội dung: “Chạy đua chứng chỉ nghề nghiệp để thăng hạng giáo viên: Một kiểu “giấy phép con” hành giáo viên với sự tham gia của chuyên gia giáo dục Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ quốc gia về Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT).

Việt Nam ứng xử thế nào với các nền tảng công nghệ đa quốc gia để bảo đảm quyền lợi cho các hãng thông tấn và người sử dụng trong nước? (2/3/2021)

Vì lo ngại về việc bị giám sát chặt chẽ mô hình kinh doanh cũng như khó có thể gỡ bỏ hết các thông tin sai sự thật trên nền tảng mạng xã hội, vừa qua, Facebook đã quyết định phong toả tin tức tại Australia, khiến hơn 17 triệu người sử dụng mạng xã hội ở nước này bị ảnh hưởng. Hành động này đã vấp phải phản ứng dữ dội và tạo nên “cuộc chiến” giữa Facebook và Chính phủ Australia. Và từ đây, tiếp tục có nhiều quốc gia khác như Canada, Thuỵ Điển, Đan Mạch…cũng chuẩn bị đưa ra luật mới cho phép các hãng tin đòi tiền khi nội dung báo chí của họ được chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Còn với quốc gia được nhận định có số lượng người sử dụng mạng xã hội lớn tới hơn 65 triệu tài khoản Facebook, Việt Nam nên có cách ứng xử như thế nào với các nền tảng công nghệ đa quốc gia? Câu chuyện thời sự hôm nay, BTV Minh Khánh trao đổi với ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam về nội dung này.

Kiên trì mục tiêu "kép": Những thách thức cần vượt qua (1/3/2021)

Đã qua 2 tháng đầu năm 2021, trong đó có hơn 1 tháng nền kinh tế chịu tác động của đợt dịch Covid thứ ba. Vậy, đợt dịch lần này tác động ra sao tới nền kinh tế? Liệu có thực hiện được mục tiêu tăng trưởng GDP như Quốc hội đề trong năm nay- khoảng 6%?
- Kiên trì mục tiêu “kép”- Những thách thức cần vượt qua là chủ đề được bàn luận trong Câu chuyện Thời sự, với sự tham gia của khách mời là GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.

Chung tay giải cứu nông sản tồn đọng do COVID- 19: Những nghĩa cử cao đẹp (23/2/2021)

Hiện tại, đang là thời điểm thu hoạch hàng loạt các loại rau màu như bắp cải, su hào, cà rốt, cà chua, ổi... với số lượng lên tới con số hàng nghìn tấn. Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, nhiều mặt hàng nông sản tại của bà con nông dân ở tỉnh Hải Dương và một số địa phương khác bị ảnh hưởng nặng nề, bị dồn ứ, không thể bán hay xuất khẩu ra nước ngoài được khiến người nông dân rơi vào cảnh khó khăn. Trước tình hình này, bên cạnh nỗ lực tháo gỡ của cơ quan chức năng, với tinh thần tương thân, tương ái, nhiều tổ chức, cá nhân đã tích cực vào cuộc để giúp nông dân, chung sức, đứng ra thu mua, giải cứu rau màu, nông sản. Việc làm này đã góp phần rất lớn, giảm bớt khó khăn, ủng hộ bà con bị ảnh hưởng trong vùng dịch. Tuy nhiên, làm sao để đảm bảo việc giải cứu nông sản an toàn? Câu chuyện thời sự hôm nay, chúng tôi bàn về nội dung: Chung tay giải cứu nông sản tồn đọng do đại dịch Covid-19 – Những nghĩa cử cao đẹp, với sự tham gia của vị khách mời là ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông).

Ngành giáo dục: Kịch bản nào ứng phó với dịch COVID-19? (22/2/2021)

Dạy học trực tuyến đang là chủ đề chính được đề cập. Theo khung kế hoạch năm học 2021-2022, lẽ ra học sinh đang học những tuần tiếp theo của học kỳ II, nhưn ngay sau Tết Nguyên đán, nhiều tỉnh thành phải tạm dừng cho học sinh đến trường, chuyển sang học trực tuyến để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.
Trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đối với các nhà trường, dạy học trực tuyến là giải pháp hữu hiệu để thực hiện phương châm “Tạm dừng đến trường, nhưng không ngừng việc học”; đối với học sinh các cấp học, giúp các em củng cố kiến thức cơ bản, đặc biệt là học sinh cuối cấp, chuẩn bị bước vào kỳ thi. Qua quá trình triển khai, việc học online còn gặp những khó khăn gì? Ngành giáo dục đã có những kịch bản nào ứng phó với dịch COVID-19? Kế hoạch học kỳ II sẽ được điều chỉnh như thế nào để vừa đảm bảo tiến độ năm học, vừa đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên?
Giải đáp những băn khoăn này, trong "Câu chuyện thời sự" hôm nay, chúng tôi mời đến phòng phát thanh trực tiếp ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT.

Chủ động, sáng tạo thực hiện mục tiêu “kép” - Góc nhìn doanh nhân, doanh nghiệp (19/02/2021)

Trải qua một năm kinh tế đầy biến động với nhiều khó khăn, thách thức, xen lẫn những cơ hội mới - toàn nền kinh tế đã có những thay đổi thích ứng với thời cuộc, đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực vẫn chưa dừng lại – vẫn khôn lường ! Chủ động, sáng tạo tiếp tục là giải pháp quan trọng để mọi cá thể trong nền kinh tế “trụ được”, trước khi có thể phát triển được và phát triển bền vững – hiện thực hóa “mục tiêu kép”.Đó là yêu cầu đặt ra không chỉ với những thực thể trong nền kinh tế, ví như đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp, mà là trách nhiệm của cả bộ máy lãnh đạo ở nhiều cấp bậc. Hãy cùng chúng tôi nhìn nhận vấn đề qua góc nhìn giới doanh nhân, doanh nghiệp. Và vị khách mời đại diện, trực tiếp đóng góp ý kiến,là ông Nguyễn Quang Huân – Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Halcom Việt Nam.

Đổi mới sáng tạo để phát triển kinh tế đất nước (18/2/2021)

Tại Lễ khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cuối năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Đổi mới sáng tạo đã trở thành chìa khóa thành công, quan trọng nhất trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của hầu hết các quốc gia. Đổi mới sáng tạo là cuộc chơi mà mỗi quốc gia đều mặc định có mình trong đó, mà Việt Nam không phải ngoại lệ”. Thực tiễn trong 20 năm qua đã chứng minh đổi mới sáng tạo có vai trò, động lực quan trọng đối với tăng năng suất, hiệu quả, tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia. Câu chuyện thời sự hôm nay, chúng tôi bàn về chủ đề "Đổi mới sáng tạo để phát triển kinh tế đất nước" với sự tham gia của vị khách mời là ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Phỏng vấn Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong phát triển kinh tế năm nay và giai đoạn tới (17/2/2021)

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đã nêu rõ định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước được thể hiện rõ trong Báo cáo chính trị: Đến năm 2025 - là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030 - là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045 - trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Báo cáo chính trị của Đảng đã cụ thể hóa 12 định hướng chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ 2021 - 2030. Trong đó, Đảng ta nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc “Đổi mới mạnh mẽ và có hiệu quả mô hình tăng trưởng” theo hướng bền vững, phải “xây dựng nền công nghiệp quốc gia hiện đại, vững mạnh, gồm những ngành công nghiệp nền tảng và công nghiệp mũi nhọn gắn với công nghệ thông minh” cũng như khẳng định vai trò của công tác hội nhập kinh tế quốc tế… Chuyên mục Câu chuyện thời sự số đầu tiên của năm mới Tân Sửu hôm nay có chủ đề: “Những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong phát triển kinh tế năm 2021 và giai đoạn tới” - qua phỏng vấn giữa PV Nguyên Long

ATTP ngày Tết và trách nhiệm của cơ quan QLTT trong điều kiện tái bùng phát dịch Covid-19 (9/2/2021)

Hôm nay đã là 28 tháng Chạp, ngày cận Tết nguyên đán Tân Sửu 2021. Cùng với nhu cầu về thực phẩm tươi sống, đông lạnh, hàng hóa Tết tăng cao là nỗi lo của người dân về thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, về an toàn thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh và cả các loại đồ ăn, thức uống được chế biến sử dụng trong dịp Tết đến, xuân về. Câu chuyện thời sự hôm nay, chúng tôi đề cập nội dung “An toàn thực phẩm ngày Tết và trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường trong điều kiện tái bùng phát dịch Covid- 19 với những diễn biến phức tạp” - với sự tham gia của ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương.

Những chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội dịp Tết (08/02/2021)

Thời điểm gần Tết Nguyên đán cùng với những khó khăn do dịch bệnh gây ra, tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài sản qua mạng xã hội ngày càng có xu hướng gia tăng với thủ đoạn đa dạng, tinh vi khó lường. Đáng chú ý là nắm bắt nhu cầu vay tiêu dùng của người dân trong dịp Tết gia tăng, các đối tượng đã mạo danh công ty tài chính, lừa đảo những người có nhu cầu vay tiền. Và thực tế đã có rất nhiều người thu nhập thấp, công nhân lao động đã tìm đến các thông tin cho vay tiền tiêu dùng được quảng cáo trên facebook hoặc zalo. Cứ nghĩ là vay tiền từ công ty tài chính như ngân hàng, nhưng sau đó nhiều người mới “té ngửa” mình đã “sập bẫy” vay tiêu dùng lãi suất cao hoặc rơi vào tình trạng bị lừa đảo. Tại sao nhiều người dân vẫn trở thành bị hại của những đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng dù đã nhiều lần được khuyến cáo? Giải pháp nào để khắc phục và ngăn chặn hiệu quả loại tội phạm này?

Hình phạt nào cho hành vi khai báo không trung thực, không khai báo kịp thời về tình hình dịch bệnh? (4/2/2021)

Đợt bùng dịch Covid-19 làn thứ 3, biết bao tổn thất chưa thể lượng hóa được bằng con số, nhưng học sinh phải nghỉ học, nhiều cháu mới ở lứa tuổi mầm non phải đi cách ly tập trung khi Tết cổ truyền của dân tộc đã cận kề, trường học đóng cửa, lao động mất việc làm, người dân lo âu vì dịch bệnh có thể lây lan ra diện rộng. Lực lượng y bác sỹ, những người có nhiệm vụ phòng chống dịch đang phải căng mình để thực hiện nhiệm vụ…
Đồng hành với các lực lượng chức năng để phòng chống dịch, việc người dân chủ động khai báo cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng, đặc biệt là Tổ truy vết là rất cần thiết. Công tác này đặc biệt quan trọng để khoanh vùng, dập dịch. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp thuộc diện F1, F0 không chủ động khai báo, tìm mọi cách để trốn tránh cách ly. Theo số liệu của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19, hiện có tới 20% các ca F0 là những bệnh nhân mắc COVID-19, khi được phát hiện và liên hệ nhưng không hợp tác với cơ quan y tế, cũng như ngành chức năng. Cá biệt có ca mắc, nhưng có tới hàng trăm trường hợp thuộc diện F1 không chủ động khai báo tình thế nguy cấp, từ chối giao tiếp. Những hành vi này sẽ bị xử lý ra sao? Các hình thức xử phạt hiện tại đã đủ sức răn đe? Đây là nội dung BTV Lê Tuyết bàn luận với vị khách mời là Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hừng Đông.

Đổi mới mô hình tăng trưởng trong bối cảnh mới

Đại hội lần thứ 13 của Đảng đã thông qua Báo cáo chính trị về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ Đại hội XIII và những năm tiếp theo, với những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước ta: Đến năm 2025 - là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030 - là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045 - trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện các mục tiêu đã nêu, trên cơ sở bám sát thực tiễn, xu hướng phát triển của đất nước và thế giới, Báo cáo chính trị đã cụ thể hóa 12 định hướng chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ 2021 - 2030. Các định hướng lớn bao quát những vấn đề phát triển quan trọng của đất nước trong giai đoạn 10 năm tới, trong đó, vẫn tập trung vào 3 đột phá chiến lược nhưng ở yêu cầu mới, với sự thay đổi về chất… Câu chuyện thời sự: “Đổi mới mô hình tăng trưởng trong bối cảnh mới” - với sự tham gia của vị khách mời là Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h50-05h59 Quảng cáo
06h28-06h30 Quảng cáo
9h15-10h00 Đối thoại
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h00-13h30 CLB âm nhạc
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
23h30-24h00 Nhịp sống
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: