logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Là Đại biểu phải làm được thật nhiều cho dân, cho nước (20/07/2021)

Hôm nay, 20/7, kỳ họp thứ nhất, QH khóa XV chính thức khai mạc. Do ảnh hưởng của dịch Covid 19, tại Kỳ họp này không có sự tham dự của đầy đủ 499 đại biểu QH, những người vừa được bầu ra trong cuộc bầu cử Đại biểu QH khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 ngày 23/5 vừa.
Để chuẩn bị cho kỳ họp này, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã lấy ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến để tổng hợp báo cáo Quốc hội, trong đó nêu rõ, cử tri và nhân dân "đề nghị các vị đại biểu Quốc hội đề cao trách nhiệm, nỗ lực thực hiện chương trình hành động và lời hứa trước cử tri trong quá trình vận động bầu cử”.
Vậy, các đại biểu QH khóa XV đã chuẩn bị những gì để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra, mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc, xứng đáng với sự tín nhiệm, mong mỏi của cử tri và nhân dân. Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm UB VH-GD thanh thiếu niên nhi đồng của QH bàn luận về chủ đề này.

Quy chế mới về đào tạo Tiến sĩ: "Bước ra biển lớn" hay "về tắm ao làng"? (19/7/2021)

Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ (Thông tư 18) được Bộ GD&ĐT ban hành mới đây vẫn đang nhận được sự quan tâm của giới chuyên gia học thuật. Với một số điểm điều chỉnh, Quy chế mới đã làm dấy lên những tranh luận, trong đó có sự lo ngại về những thay đổi sẽ làm giảm chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam. Dư luận đang chia thành hai luồng ý kiến khác nhau: Một bên cho rằng, Quy chế mới có nhiều điểm tiến bộ, quy định chi tiết hơn một số điểm so với Quy chế 2017. Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, chuẩn đầu ra về chuyên môn và ngoại ngữ, tính hội nhập quốc tế thấp hơn so với Quy chế cũ. Trong đó, điểm được quan tâm nhất là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ yêu cầu bắt buộc về công bố quốc tế với cả nghiên cứu sinh và người hướng dẫn, vốn là điểm được đánh giá cao trong quy chế cũ ban hành năm 2017. Với quy định này, nhiều ý kiến cho rằng quy chế mới là một bước thụt lùi so với quy chế cũ, thay vì khuyến khích vươn ra thế giới thì lại “về tắm ao làng.”

Hội đồng xét tặng giải thưởng, danh hiệu về VHNT: Áp lực và trách nhiệm với “ghế nóng” (16/7/2021)

Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật là giải thưởng lớn dành cho những tác phẩm đặc biệt xuất sắc, có giá trị rất cao về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng; là sự ghi nhận và đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với văn nghệ sĩ, trí thức; động viên, khuyến khích các tài năng tiếp tục cống hiến vì sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật nước nhà. Gần 25 năm qua kể từ lần trao giải đầu tiên vào năm 1996, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật đã trải qua 5 đợt với hơn 140 tác phẩm, cụm tác phẩm được trao. Năm 2021 này, sóng gió lại nổi lên trong mùa xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (VHNT) với nhiều lá đơn kiến nghị ở nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, giới điện ảnh đang được phen xôn xao khi đạo diễn NSND Trần Văn Thủy “trượt” khỏi danh sách đề nghị Hội đồng cấp Nhà nước xét Giải thưởng Hồ Chí Minh. Cũng như bất cứ giải thưởng nào, bên cạnh chất lượng thì cũng phải xem xét đến uy tín. Không ai nghi ngờ những tác phẩm đã được trao giải, nhưng liệu còn bỏ sót tác phẩm xứng đáng? Đằng sau đó là sự khoa học của các tiêu chí, sự chuẩn xác và công tâm khi thẩm định. Đây cũng chính là vấn đề được báo chí và dư luận quan tâm trong vòng 5 năm trở lại đây mỗi khi Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước công bố danh sách hồ sơ đủ điều kiện tiếp tục trình lên Hội đồng cấp Nhà nước.

Vượt qua thách thức, Việt Nam đảm nhận tốt vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ 6 tháng đầu năm 2021 (15/7/2021)

6 tháng đầu năm nay, tình hình chính trị - an ninh, kinh tế - xã hội thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường do cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, nhiều điểm nóng xung đột kéo dài, đặc biệt dịch bệnh Covid-19 bước sang năm thứ hai với mức độ còn nặng nề hơn nhiều so với năm ngoái. Trong nước, Việt Nam phải tập trung mọi nguồn lực để thực hiện “mục tiêu kép” mà chính phủ đề ra, đó là vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
- Bối cảnh trong nước và quốc tế đã đặt ra những thách thức cũng như những yêu cầu mới cho Việt Nam khi tiếp tục đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong năm thứ hai của nhiệm kỳ. Vượt qua những thách thức, Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn trên cương vị quan trọng này trong 6 tháng đầu năm 2021, khẳng định vai trò và năng lực của Việt Nam trong tổ chức đa phương quan trọng hàng đầu thế giới. Ông Đỗ Hồng Việt, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao bàn luận về vấn đề này.

Cần chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp (13/07/2021)

Mặc dù tiếp tục chịu tác động từ đại dịch Covid-19, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp 6 tháng vừa qua vẫn tăng mạnh, vượt kế hoạch đề ra, đạt hơn 24 tỷ USD, tăng trên 28% so với cùng kỳ năm 2020.
Thế nhưng, những trở ngại, thách thức vẫn còn rất lớn ở phía trước để xóa bỏ “lời nguyền sản xuất manh mún”, đưa nông nghiệp trở thành nền kinh tế hàng hóa, hiện đại, thông minh, trách nhiệm và bền vững. Đây cũng là bài toán đặt ra lâu nay, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, sản xuất, tiêu thụ nông sản ngày càng khó khăn như hiện nay. Để nông nghiệp vượt qua khó khăn, bứt phá vươn lên trong hội nhập với những thách thức mới, nền nông nghiệp cần chuyển từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”, hướng tới gia tăng giá trị và chất lượng. Cùng bàn luận nội dung này với vị khách mời là chuyên gia nông nghiệp, TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Để gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng triển khai nhanh và đúng đối tượng (12/07/2021)

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid 19, tác động mạnh đến kinh tế xã hội, đặc biệt 2 đợt dịch từ đầu năm đến nay đã khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là người lao động không có thu nhập, ngay trong những ngày đầu tháng 7, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 và Quyết định số 23 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với số tiền lên tới 26 nghìn tỷ đồng. Vấn đề đặt ra là việc thực thi như thế nào để những đồng tiền hỗ trợ này của Chính phủ sớm đến được với người dân, doanh nghiệp, khắc phục cho được những bất cập vướng mắc của gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng trước.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, liệu ngành giáo dục có đạt được mục tiêu “kép” như kế hoạch đã đề ra? (09/07/2021)

Gần 1 triệu thí sinh của cả nước vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm nay – kỳ thi mang tính quyết định sau 12 năm miệt mài đèn sách. Đây là năm thứ hai ngành giáo dục chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cũng là lần thứ hai kỳ thi tốt nghiệp THPT chia làm 2 đợt thi. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng nhiều địa phương đã phải xây dựng kế hoạch, kịch bản xử lý các tình huống, thực hiện diễn tập tại điểm thi; đồng thời chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, vật lực, các trang thiết bị cần thiết để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, an ninh trật tự, an toàn giao thông… Việc chuẩn bị kịch bản cho các tình huống có thể xảy ra trong kỳ thi, đảm bảo sao cho tất cả đều an toàn, an tâm trong phòng chống dịch bệnh là việc làm hết sức thiết thực.

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng hiệu quả các FTA & những yêu cầu đặt ra (8/7/2021)

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhất là kể từ cuối tháng 4, đợt dịch lần thứ 4 đã lan rộng tới 55 tỉnh, thành phố và tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại một số khu công nghiệp, trung tâm kinh tế lớn, song, tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều dự báo mục tiêu cán đích 600 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2021 là hoàn toàn có thể đạt được.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã chỉ rõ, trong hoạt động xuất nhập khẩu, phải đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm của các mặt hàng có thế mạnh, nhất là nông sản, rau, củ, quả, trái cây… để tiếp tục mở rộng thị trường, tận dụng hiệu quả các FTA đã ký kết. Bảo đảm mục tiêu cán cân thương mại hài hòa, bền vững; có biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp. Chuyên gia thương mại - PGS. TS Phạm Tất Thắng bàn luận về vấn đề này.

Tinh giản biên chế: Cần khắc phục bộ máy chồng chéo, tầng nấc (6/7/2021)

Câu chuyện về tinh giản biên chế đã được đề cập rất nhiều lần, với nhiều giải pháp được đưa ra, được thực hiện từ rất lâu. Các bộ ngành địa phương cũng đã thực hiện khá quyết liệt việc tinh giản biên chế.
Thế nhưng, trên thực tế hiệu quả của việc tinh giản vẫn chưa được như mong muốn. Trong Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, bộ máy hiện nay còn quá cồng kềnh, tầng nấc trong tổ chức đầu mối bên trong, việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đã đề ra.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao, một vấn đề được nêu ra với những quyết tâm rất lớn, lại không được thực thi một cách triệt để, hiệu quả? PGS.TS Ngô Thành Can, Giảng viên cao cấp Học viện Hành chính quốc gia bàn luận về câu chuyện này.

Nâng cao chất lượng báo cáo, chất lượng tổ chức cuộc họp - Tăng chất lượng điều hành (5/7/2021)

Mới đây, phát biểu mở đầu phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, có kế thừa, đổi mới, ổn định và phát triển, cần tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức phiên họp từ khâu tổ chức báo cáo tới khâu thảo luận, phát biểu. Những ngày qua, Thủ tướng đã chỉ đạo việc xây dựng các báo cáo theo hướng ngắn gọn, súc tích, dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ kiểm tra, dễ đánh giá, tập trung vào những công việc trọng tâm. Chỉ đạo này của Thủ tướng đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của dư luận và nhiều chuyên gia về cải cách thủ tục hành chính. Để hiểu rõ hơn về nội dung này, BTV Đài TNVN trao đổi cùng ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.

Áp lực từ mục tiêu tăng trưởng 6 tháng cuối năm nay (2/7/2021)

Mặc dù dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại nhiều địa phương, song tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm vẫn tăng gấp ba lần mức tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020, đạt 5,64%. Ghi nhận những chỉ số tích cực này, song, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm, nhất là khi đợt dịch Covid-19 thứ tư quay trở lại tác động trực tiếp lên hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và người dân. Để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% cho cả năm 2021 thì GDP 6 tháng cuối năm phải đạt trên 7%. BTV Đài TNVN bàn luận cùng ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về nội dung: áp lực từ mục tiêu tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2021

Bảo mật và bảo vệ đời tư khi Quản lý công dân bằng thông tin trên Cơ sở dữ liệu QG về dân cư theo Luật Cư trú (01/07/2021)

Hôm nay, 1/7/2021, cùng với Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực thi hành, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng chính thức được vận hành, góp phần bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân; thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú; đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú mà trọng tâm là xây dựng, quản lý cư trú qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tuy nhiên, với việc thực hiện Luật Cư trú, trong đó có việc cấp căn cước công dân gắn chip và Quản lý công dân bằng thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng khiến không ít người lo ngại về việc lộ, lọt thông tin cá nhân, khiến kẻ gian lợi dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo. Vậy những lo lắng này của người dân có cơ sở hay không và các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng công an đã có những giải pháp gì để bảo vệ hiệu quả thông tin cá nhân của người dân. Cùng bàn luận vấn đề này với khách mời là Thượng tá Vũ Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an.

Hộ chiếu vắc xin: Đã đến lúc thực hiện để đảm bảo mục tiêu kép? (29/6/2021)

Câu chuyện hộ chiếu vắc xin đã được Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid 19 bàn thảo về tính khả thi khi một số quốc gia đã mở cửa đón du khách mang theo giấy tờ có chứng nhận tiêm đầy đủ liều vắc xin phòng Covid 19 trước đó. Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản chỉ đạo gửi đến Bộ Y tế và Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch khẩn trương nghiên cứu và cho thí điểm sử dụng "hộ chiếu vắc xin" với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc, Kiên Giang, từ đó tiến tới thực hiện trong cả nước để thực hiện mục tiêu kép.
Trước diễn biến dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam còn phức tạp với biến chủng Sars Cov 2 ngày càng nguy hiểm, việc áp dụng hộ chiếu vắc xin cần được thực hiện trên cơ sở nào? Sau khi thí điểm tại Phú Quốc, Kiên Giang, việc nhân rộng ra cả nước để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép sẽ đi kèm những giải pháp gì? PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng bàn luận về nội dung này.

Giá trị gia đình Việt trong mùa dịch COVID-19 (28/6/2021)

Hơn một năm qua, diễn biến của dịch COVID-19 đã có những tác động đến hoạt động thường nhật, thói quen sinh hoạt của hàng triệu gia đình. Nhiều người phải điều chỉnh các hoạt động của bản thân và gia đình để “thích ứng” với dịch bệnh. Dịch bệnh COVID-19 đã gây ra những xáo trộn không nhỏ trong xã hội, làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người. Song ở một góc nhìn khác, dịch COVID-19 cũng mang đến cơ hội để chúng ta “sống chậm” lại và thêm gắn kết nhiều hơn với gia đình của mình. Đồng thời, những giá trị văn hóa truyền thống gia đình vốn ít nhiều bị khuất lấp bởi nhịp sống hối hả cũng được khơi dậy. Khi gia đình bình an thì xã hội hạnh phúc đúng như chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm nay, thông qua các thông điệp như: Hạnh phúc sẽ tỏa sáng trong gia đình không có bạo lực; Gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa của dân tộc... BTV Đài TNVN và PGS TS Đinh Hồng Hải, Khoa Nhân học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng bàn về giá trị gia đình Việt trong mùa dịch COVID-19

Tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021: Làm sao để đảm bảo “mục tiêu kép” - an toàn và nghiêm túc (25/06/2021)

Hai năm qua, giáo dục là một trong những lĩnh vực bị tác động nhiều bởi đại dịch COVID-19. Năm nay, hầu như tất cả các địa phương trên cả nước đều phải điều chỉnh lịch thi, tuyển sinh lớp 10 một cách linh hoạt và đều “kích hoạt” chế độ phòng dịch cao nhất. Thời điểm này, có địa phương đã thi xong, có địa phương chưa thể thi được.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Giáo dục và đào tạo cũng vừa chính thức chốt phương án thi tốt nghiệp THPT thành 2 đợt. Đợt 1 diễn ra vào ngày 7 và 8/7, đợt 2 dành cho các tỉnh bị phong tỏa, cách lý xã hội và các thí sinh diện F0, F1, F2. Mục tiêu đặt ra là tổ chức cả 2 đợt thi an toàn và đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh. Cùng bàn luận nội dung “Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021: làm sao để đảm bảo “mục tiêu kép” – vừa an toàn phòng chống dịch, vừa nghiêm túc, công bằng với khách mời là chuyên gia giáo dục, tiến sĩ Lê Thống Nhất.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h50-05h59 Quảng cáo
06h28-06h30 Quảng cáo
9h15-10h00 Đối thoại
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h00-13h30 CLB âm nhạc
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
23h30-24h00 Nhịp sống
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: