logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

EU thông qua Luật cấm các sản phẩm có liên quan đến hoạt động phá rừng (24/05/2023)

27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa chính thức thông qua luật mới nhằm góp phần giảm bớt tình trạng phá rừng trên toàn cầu. Theo đó, dự luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh một loạt các mặt hàng như: dầu cọ, thịt gia súc, gỗ, cà phê, cacao, cao su, đậu nành..., các sản phẩm phái sinh như chocolate, giấy in. Đây được đánh giá là bước đột phá đầy tham vọng của EU trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học khu vực và toàn cầu. PV Hải Đăng - Thường trú Đài TNVN tại khu vực châu Âu sẽ thông tin rõ hơn về bước đi này của EU.

Vì sao nhiều thành phố Trung Quốc nới lỏng mô hình “kinh doanh hàng rong”? (22/5/2023)

Khi Trung Quốc rơi vào thời kỳ khó khăn kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra vào năm 2020, Thủ tướng nước này khi đó là ông Lý Khắc Cường đã đưa ra ý tưởng tạo việc làm bằng cách khuyến khích người thất nghiệp bán hàng rong trên đường phố. Có những địa phương ủng hộ nhưng cũng có những thành phố lớn phản đối vì cho rằng cách buôn bán này là “không vệ sinh và thiếu văn minh”. Ba năm trôi qua, ý tưởng “nền kinh tế bán hàng rong” đã quay trở lại xứ tỷ dân với việc nhiều thành phố dỡ bỏ lệnh cấm bán hàng rong. Điều gì đã thúc đẩy mô hình này quay trở lại? Trung Quốc quản lý ra sao ý tưởng kinh doanh nhỏ này?

Liệu EU và Ấn Độ có đối đầu vì dầu mỏ Nga? (19/5/2023)

Sau hơn 1 năm chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, EU đã áp đặt hơn 1 chục lệnh trừng phạt lên Nga, đặc biệt nhắm tới lĩnh vực dầu thô. Tuy nhiên, giới chức châu Âu thừa nhận một khối lượng lớn dầu thô Nga vẫn đang được chuyển đến thị trường toàn cầu và tới các nước châu Âu theo những hướng khác nhau. Đại diện Cấp cao phụ trách Chính sách Đối ngoại của EU Josep Borrell đã chỉ đích danh Ấn Độ và cảnh báo sẽ ngăn chặn các sản phẩm dầu tinh chế của Ấn Độ được sản xuất từ dầu thô nhập của Nga. Liệu EU và Ấn Độ có đối đầu vì dầu mỏ Nga?

Lào phát triển nông nghiệp theo hướng thay thế nhập khẩu (Ngày 15/5/2023)

Khuyến khích sản xuất hàng nông sản để thay thế hàng nhập khẩu - đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Lào nhằm giải quyết thách thức lớn nhất hiện nay với nền kinh tế: lạm phát. Hướng đi của Lào được cho là phù hợp với bối cảnh hiện nay, khi tình trạng lạm phát tăng vọt tại nhiều quốc gia trên thế giới đều có nguyên nhân rất lớn từ giá lương thực, thực phẩm tăng. Tuy nhiên, với một nền kinh tế mà hàng hóa vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu, Lào sẽ gặp những thách thức như thế nào để có thể thực hiện chiến lược chuyển đổi này?

Số người rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng - ảnh hưởng quyền lợi người lao động và chính sách an sinh xã hội (16/05/2023)

Số người rút bảo hiểm xã hội 1 lần liên tục gia tăng thời gian qua do nhiều doanh nghiệp bị giảm đơn hàng khiến hàng chục nghìn người lao động bị mất việc, giảm giờ làm. Thu nhập giảm, công việc bấp bênh, không ít người lao động chỉ biết trông chờ vào khoản bảo hiểm xã hội (BHXH). Giải pháp nào để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần. Đây là nội dung được bàn luận trong chương trình 10 phút sự kiện, luận bàn hôm nay.

Australia nỗ lực chống nạn lừa đảo giảm thiệt hại cho người dân (17/05/2023)

Mới đây, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia cho biết, năm ngoái, người dân nước này thiệt hại khoảng 3,1 tỷ AUD vì các vụ lừa đảo thuộc nhiều thể loại như: lừa đảo đầu tư, lừa đảo thanh toán, lừa đảo tình cảm... Con số này đã tăng 80% so với năm 2021, thậm chí có thể cao hơn 30% do rất nhiều vụ lừa đảo không được báo cáo. Trước thực trạng này, chính phủ Australia vừa thông báo sẽ thành lập Trung tâm chống lừa đảo để hạn chế các vụ việc xảy ra và giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

Thái Lan tập trung mô hình du lịch nông nghiệp phát huy thế mạnh địa phương (12/05/2023)

Thái Lan vốn được đánh giá là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Đông Nam Á với thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hóa lâu đời, các ngôi chùa kiến trúc độc đáo, những thiên đường mua sắm sôi động... Để thu hút thêm du khách, đặc biệt vực dậy ngành du lịch giai đoạn hậu đại dịch COVID-19, Thái Lan đang tập trung đầu tư đa dạng các sản phẩm du lịch, trong đó nổi bật là kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp. Góc nhìn của PV Ngọc Diệp - Thường trú Đài TNVN tại Thái Lan.

Cải cách thủ tục hành chính để gần dân hơn- nhìn từ Bà Rịa- Vũng Tàu ( 11/05/2023)

Cải cách hành chính là hướng tới việc nâng cao khả năng hoạt động của bộ máy hành chính để giúp cho quá trình quản lý xã hội của Nhà nước được tốt hơn, cũng như định hướng cho nền kinh tế phát triển theo đúng định hướng của Nhà nước, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp
Đây là mục tiêu và nỗ lực của nhiều địa phương. Bằng những mô hình, giải pháp sáng tạo, phù hợp với thực tiễn địa phương, công tác cải cách hành chính tại Bà Rịa Vũng Tàu đã có những chuyển biến tích cực, được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao.

Lạm phát tăng nhanh nhất châu Á: Pakistan ứng phó ra sao? (10/5/2023)

Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế thế giới bắt đầu kiểm soát được đà tăng của lạm phát – vốn ghi nhận những mức cao kỷ lục trong nhiều thập niên thì tại quốc gia Nam Á Pakistan, lạm phát vẫn tiếp tục “bủa vây”. Pakistan đã trở thành quốc gia có tốc độ lạm phát nhanh nhất châu Á do đồng nội tệ suy yếu, các khoản nợ khổng lồ, trong khi chi phí năng lượng và lương thực tăng cao đã đẩy giá cả tăng lên mức kỷ lục trong tháng Tư. Hiện có những lo ngại rằng, Pakistan đang đi theo vết xe đổ của Sri Lanka, quốc gia Nam Á đã vỡ nợ năm ngoái.

Du lịch Lào bứt phá những tháng đầu năm (Ngày 8/5/2023)

Theo số liệu vừa được công bố, lượng du khách quốc tế tới Lào trong quý 1 năm nay đã tăng mạnh, đạt tới hơn 800.000 lượt. Con số này vượt tới hơn một nửa so với mục tiêu mà Lào đề ra cho cả năm 2023 là thu hút 1,4 triệu lượt khách quốc tế. Đáng chú ý, Lào liên tiếp được nhiều chuyên trang du lịch xếp vào nhóm những điểm đến du lịch hấp dẫn thế giới. Vậy vì sao Lào đạt được những thành tích ấn tượng này, nhất là khi thời gian mở cửa đón du khách quốc tế chỉ chưa đầy 1 năm.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp tại Sóc Trăng hướng tới nông nghiệp thịnh vượng, nông thôn văn minh hiện đại, nông dân giàu có.

Theo Quyết định số 749 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong chuỗi sản xuất, chế biến, thị trường và nền kinh tế. Là một trong những tỉnh trọng điểm sản xuất nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng đang thúc đẩy việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp đã từng bước thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh.

Australia mạnh tay với thuốc lá điện tử (Ngày 5/5/2023)

Australia sẽ thực thi luật nghiêm khắc hơn nhằm siết chặt các quy định để hạn chế việc hút thuốc, từ đó tiến tới loại bỏ thuốc lá điện tử - đây là tuyên bố rất đáng chú ý của Bộ trưởng Y tế Australia Mark Butler. Việc Australia quyết tâm triển khai các biện pháp “mạnh tay” với thuốc lá điện tử xuất phát từ thực tế tỷ lệ sử dụng loại thuốc lá này đang gia tăng đáng báo động, nhất là ở nhóm trẻ vị thành viên và thanh niên. Có những địa phương ở Australia ghi nhận tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong độ tuổi 18 đến 24 lên tới 25%, để loại nhiều hệ lụy về mặt sức khỏe và chi phí chăm sóc y tế.

Cuộc cách mạng làm việc 4 ngày/tuần: Thuận lợi và khó khăn? (01/05/2023)

Hơn hai năm sau đại dịch COVID-19, nhiều người lao động trên toàn cầu đã kiệt sức, bỏ việc hoặc đang phải vật lộn để kiếm sống khi đối diện cuộc khủng hoảng lạm phát kỷ lục. Trước thực trạng này, từ giữa năm ngoái, hàng nghìn người ở Vương quốc Anh đã thử nghiệm lịch làm việc 4 ngày mà không cắt giảm lương. Những kết quả tích cực bất ngờ đang được kỳ vọng có thể trở thành cuộc cách mạng trên toàn cầu, giúp mở ra một kỷ nguyên làm việc mới, phù hợp với thế kỷ 21 hiện nay. Góc nhìn của các phóng viên Thường trú Đài TNVN tại Mỹ, Trung Quốc, Indonesia.

Châu Âu tham vọng biến Biển Bắc thành trung tâm năng lượng xanh lớn nhất thế giới (28/04/2023)

Mới đây tại hội nghị thượng đỉnh Biển Bắc tổ chức tại thành phố Ostend (Bỉ), các nhà lãnh đạo 9 quốc gia châu Âu đã thống nhất triển khai một dự án tham vọng nhằm biến Biển Bắc trở thành trang trại điện gió - trung tâm năng lượng xanh lớn hàng đầu thế giới. Không chỉ kỳ vọng cấp điện đủ cho 300 triệu hộ gia đình tại châu Âu vào giữa thế kỷ này, ý tưởng này còn là một trong những nỗ lực đa dạng hoá các nguồn cung, từng bước tự chủ về năng lượng trong bối cảnh châu Âu vẫn đang phải đối diện các nguy cơ về an ninh năng lượng liên quan cuộc xung đột Nga - Ucraina. Triển vọng dự án này ra sao, góc nhìn của PV Quang Dũng - TT Đài TNVN tại Pháp.

Đằng sau sự "thăng hạng" về chi tiêu quân sự của Saudi Arabia (Ngày 26/4/2023)

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm vừa công bố báo cáo chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2022, và tất nhiên không có gì ngạc nhiên khi Mỹ tiếp tục dẫn đầu danh sách. Nhưng điều đáng chú ý là Ả-rập Xê-út đã tăng 8 bậc, vượt qua 3 cường quốc về quân sự là Anh, Đức và Pháp để trở thành quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ 5 thế giới. Trong tốp 10, Ả-rập Xê-út cũng là đại diện duy nhất đến từ Trung Đông. Chi tiêu quân được cho là một lăng kính phản ánh quan điểm của một quốc gia về bối cảnh an ninh – chính trị trong khu vực cũng như trên thế giới. Vậy việc Ả-rập Xê-út “thăng hạng” để gia nhập nhóm 5 quốc gia chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới cho thấy điều gì?

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

5h00-5h10 Rao sóng
5h20-5h50 Mùa vàng
5h50-5h55 Quảng cáo
6h28-6h30 Quảng cáo
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
12h57-13h00 Quảng cáo
13h20-13h25 Quảng cáo
15h15-15h20 Quảng cáo
15h55-16h00 Quảng cáo
16h00-17h00 Theo dòng TS
17h50-17h59 Quảng cáo
18h57-19h00 Quảng cáo
19h00-19h05 Bản tin TS
19h05-19h10 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
22h00-23h00 Thức cùng VOV
23h10-23h15 Rao sóng
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: