Năm nào cũng vậy, mỗi dịp hè đến là những vụ tai nạn đuối nước thương tâm lại liên tiếp xảy ra. Nhiều trẻ em dù chưa biết bơi vẫn rủ nhau đi tắm ở sông, suối tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Ngay cả những trẻ biết bơi, hiểm họa đuối nước vẫn luôn rình rập. Phải làm gì để Đuối nước trong mùa hè không còn là những câu chuyện đau thương” – Đây là nội dung sẽ được chúng tôi trao đổi cùng với vị khách mời là BS.TS Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục bảo vệ và chăm sóc trẻ em – Bộ LĐTB&XH.
Covid-19 khiến hàng triệu công nhân lao động nghèo, các hộ kinh doanh cá thể phải nghỉ việc, giãn việc. Chia sẻ với người dân trong khó khăn này, Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng cho các đối tượng bị tác động bởi dịch Covid-19, trong đó có người lao động. Thế nhưng, sau khoảng 2 tháng triển khai, rất ít công nhân tiếp cận được gói hỗ trợ. Tại sao lại như vậy? điểm nghẽn của việc thực thi chính sách ở đâu? Làm gì để tiền hỗ trợ nhanh đến tay người lao động? Biên tập viên Lê Tuyết trao đổi cùng khách mời là ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam.
Thông tin Hà Nội chi hơn 100 tỷ đồng rửa đường nhằm giảm ô nhiễm và nắng nóng ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận và có nhiều ý kiến trái chiều. Liệu Hà Nội chi nhiều tiền như thế, nhưng có góp phần thực sự giảm được ô nhiễm và nắng nóng ở Thủ đô hay không? Đâu là những giải pháp nhằm cải thiện môi trường ở Hà Nội? Biên tập viên Mai Hồng bàn luận về câu chuyện này với TS Hoàng Dương Tùng – Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Từ mâu thuẫn cá nhân, kéo bè phái lên tới 200 người với nhiều hung khí đi trả thù, đập phá tan hoang một quán ốc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Vụ việc khiến nhiều khách hàng, trong đó có cả du khách quốc tế, đang ăn tối tại đây hoảng loạn. Một người không liên quan đến mâu thuẫn, đã bị thương. Không chỉ người dân TP.HCM, dư luận cả nước lo lắng, băn khoăn khi các băng nhóm tội phạm đang ngày càng trẻ hóa và manh động, dù nhiều hoạt động tuần tra đang được thúc đẩy.
Chúng ta cần nhìn nhận thực tế này như thế nào ? Sự vào cuộc của cơ quan chức năng – như thường thấy – liệu có thể góp phần hạn chế những vụ việc tương tự, trong tương lai, hay cần sự phối hợp tích cực hơn nữa, từ những ai, cơ quan đơn vị nào? Phân tích, bàn luận nội dung này, khách mời là PGS.TS, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn - Chuyên gia nghiên cứu tội phạm học!
Tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ lưu ý địa phương cần ý thức rõ tầm quan trọng của kỳ thi để chuẩn bị chu đáo các khâu, tránh tiềm ẩn các rủi ro. Đặc biệt, tránh tình trạng “khoảng tối dưới chân đèn”, đi kiểm tra nhưng người kiểm tra không được ai giám sát. Không để “một lỗ thủng nhỏ đánh đắm cả con tàu” trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 là nội dung được bàn luận với ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Nghệ An.
Một trong những vụ việc gây xôn xao dư luận 2 ngày qua đó là việc Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đã ký văn bản gửi tới các hãng hàng không đề nghị cung cấp 400 vé miễn phí các chặng bay nội địa cho đoàn công tác của Tổng cục Du lịch triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa. Tuy nhiên, chỉ sau 1 ngày công văn này đã bị thu hồi với lời giải thích rằng, thực chất công văn 167 này chỉ là triển khai cụ thể kế hoạch đã thống nhất từ trước đó. Tổng cục Du lịch nhận thấy văn bản chưa phù hợp nên đã thu hồi và mong 3 Hãng hàng không Vietjet, Vietnam Airlines và Bamboo cảm thông.
Dù Tổng cục Du lịch đã thu hồi văn bản nhưng dư luận vẫn đăt ra nhiều câu hỏi xung quanh vụ việc này. Phải chăng việc Tổng cục Du lịch xin 400 vé máy bay miễn phí là “chuyện bình thường” trong mối quan hệ giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp đã hiện hữu từ trước đến nay? Và đây có được xem là hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp hay không? Cần có biện pháp quản lý như thế nào để loại bỏ tình trạng xin - cho trong công tác quản lý nhà nước hiện nay?
Để có góc nhìn đa chiều hơn, khách mời là bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Khóa 13 cùng trao đổi về vấn đề này.
Cuốn sổ hộ khẩu gắn liền với không ít thủ tục hành chính nhiêu khê nhiều khả năng sẽ bị xóa bỏ vào tháng 7.2021. Thay vào đó, mỗi người sẽ có một mã số định danh cá nhân. Thực tế nhiều chuyên gia cho rằng, phương thức quản lý này không chỉ đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, tiết kiệm chi phí hành chính cho công dân, mà còn góp phần bảo đảm quản lý công dân chặt chẽ, thực chất, khắc phục nhiều bất cập trong quản lý dân cư ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn về tính khả thi của quy định này khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang trong quá trình hoàn thiện và đã chậm về tiến độ so với yêu cầu của luật Căn cước công dân. “Bỏ sổ hộ khẩu – Liệu có phải là một cuộc cách mạng trong quản lý dân cư” đây là câu chuyện được bàn luận trong dòng chảy sự kiện hôm nay cùng khách mời là Luật sư Phạm Thanh Bình – Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc.
Tại Việt Nam, chuyện người dân bị làm phiền “một cách đích danh”, không chỉ dừng lại ở tin nhắn, cuộc gọi rác, mà đang trở nên “phổ biến” đến mức nạn nhân chỉ biết “chấp nhận như một thực tế”. Thông tin cá nhân bị lộ lọt, thậm chí bị “rao bán” một cách công khai đang trở thành một vấn nạn tại Việt Nam. Trong dòng chảy sự kiện hôm nay, chúng ta sẽ cùng bàn về vấn nạn rao bán thông tin cá nhân, quy định pháp lý nào bảo vệ nạn nhân với sự tham gia của Luật sư Đặng Văn Cường, trưởng văn phòng luật Chính Pháp.
Hàng năm, hơn 2000 trẻ em tử vong do đuối nước. Nhiều trẻ em dù chưa biết bơi vẫn rủ nhau đi tắm ở sông, suối tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Ngay cả những trẻ biết bơi, hiểm họa đuối nước vẫn luôn rình rập. Phải làm gì để “Đuối nước trong mùa hè không còn là những câu chuyện đau thương đến hẹn lại lên? Trao đổi về nội dung này, khách mời là BS.TS Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục bảo vệ và chăm sóc trẻ em – Bộ LĐTB&XH.
Tại kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm cho biết có hiện tượng người Việt đứng tên cho người nước ngoài "núp bóng" chuyển nhượng quyền sử dụng đất, ngành công an không coi những giao dịch này là "giao dịch thương mại bình thường". Vậy, cần nhận định tình trạng này như thế nào, tiềm ẩn những nguy cơ gì, vai trò của chính quyền như thế nào? Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng người nươc ngoài “núp bóng” chuyển nhượng quyền sử dụng đất? BTV Lê Tuyết trao đổi với Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về câu chuyện này.
Một trong những điểm đáng chú ý nhất của dự thảo Quy chế tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 mà Bộ Giáo dục và đào tạo vừa công bố là các cơ sở đại học, cao đẳng hoàn toàn “đứng ngoài”, không tham gia coi thi, chấm thi. Một kỳ thi nhẹ nhàng hơn đúng với mục tiêu đánh giá việc học tập ở phổ thông, nhưng kết quả lại vẫn được sử dụng để xét tuyển đại học. Hơn nữa, với bài học gian lận thi cử xảy ra tại một số địa phương năm 2018 vẫn còn nóng hổi, thì quyết định giao hết việc làm thi cho địa phương khiến xã hội lo ngại về tính trung thực, nghiêm túc, công bằng. Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ có những giải pháp gì để kỳ thi THPT 2020 đảm bảo nghiêm túc và công bằng khi trao quyền cho địa phương? Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ làm rõ băn khoăn này.
Chúng ta đang trong tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (25-31/5/2020). Năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới WHO chọn chủ đề “Bảo vệ thanh thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá”, bao gồm cả sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Trước tác hại của các loại thuốc lá này, đã có hơn 40 quốc gia cấm sử dụng thuốc lá điện tử và hơn 70 nước đã có những quy định để kiểm soát, trong khi tại nước ta chưa có quy định về các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Đáng ngại là trong số 13 triệu người Việt hút thuốc lá, số người trẻ hút thuốc lá điện tử đang ngày càng gia tăng, đặt ra việc kiểm soát, hành động kịp thời nhằm phòng chống sử dụng sản phẩm gây hại tương đương, thậm chí hơn cả thuốc lá thông thường này. Để tìm hiểu về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế sẽ thông tin cụ thể
Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng mà Chính phủ đã ban hành nhằm hỗ trợ khó khăn cho người dân trong dịch Covid-19 được xem là giải pháp đầy tính nhân văn của Chính phủ. Tuy nhiên, sau gần 1 tháng thực hiện, tại các địa phương đã xuất hiện những bất cập, sai phạm khiến cho người dân bức xúc, dư luận xã hội lên án. Những vấn đề đang nóng ở Thanh Hóa, Bình Định, Nghệ An, Hòa Bình là ví dụ. Liên quan đến nội dung này, chúng tôi mời đến phòng thu trực tiếp Luật Sư, TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và phát triển cùng bàn luận.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh vừa được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long. Trên thực tế, cũng đã có nhiều Thứ trưởng về làm Hiệu trưởng trường đại học nhưng thực ra chỉ là tạm thời, giải quyết khủng hoảng khó khăn trước mắt của trường đại học đó. Còn bổ nhiệm cả một khóa chủ tịch về làm hiệu trưởng thì chưa ở đâu có. Vì thế, câu chuyện ở Quảng Ninh đang thu hút sự chú ý của dư luận và giới chuyên môn những ngày qua. Dư luận cũng có nhiều ý kiến trái chiều về việc Chủ tịch tỉnh có được kiêm nhiệm làm lãnh đạo của trường đại học hay không? Việc bổ nhiệm như vậy liệu có trái với Luật Giáo dục đại học? Chưa kể, ở hai vị trí công việc liệu có đảm đương. Để có thêm góc nhìn, khách mời là PGS TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học Viện Quản lý giáo dục cùng bàn câu chuyện này.