Khám chữa bệnh trực tuyến thì khác khám chữa bệnh thông thường như thế nào? Những điều người bệnh quan tâm nhất, hay có thắc mắc nhất được gửi đến các thầy thuốc ở ứng dụng VOV Bacsy 24 trong mùa dịch Covid 19? Ông Vũ Quang, phụ trách Dự án VOV Bacsy 24, Đài Tiếng nói Việt Nam trò chuyện về nội dung này.
Trong bối cảnh cả nước đang chung tay, đồng lòng ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, người dân, doanh nghiệp nhường cơm, sẻ áo cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thì ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (Gọi tắt là CDC) đã thông đồng với 1 số cá nhân nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống xét nghiệm Covid-19. Đây là vụ việc được dư luận đặc biệt quan tâm trong ngày vừa qua. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội. Lực lượng chức năng đồng thời khởi tố và bắt bị can Nguyễn Nhật Cảm, sinh năm 1963, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội và 6 bị can khác. Cùng đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các lệnh trên.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung khẩn trương làm rõ hành vi của các bị can, thu hồi tài sản Nhà nước và tiến hành điều tra mở rộng vụ án theo đúng quy định của pháp luật. Câu hỏi đặt ra là, đâu là kẽ hở khiến những đối tượng này dễ dàng trục lợi, có hay không hàng loạt tỉnh thành phố khác có liên quan đến vụ việc này. Làm gì để kiểm soát được tình trạng trục lợi tương tự? Biên tập viên Lê Tuyết trao đổi với khách mời là ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ với chủ đề: "Nâng khống giá trang thiết bị chống dịch Covid-19: Làm gì để ngăn chặn trục lợi từ dịch bệnh?".
Tại phiên họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống COVID-19 diễn ra vào chiều 22/4 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Bộ Giáo dục và đào tạo đã trình bày phương án tổ chức kỳ thi THPT 2020. Theo đó, vẫn tổ chức kỳ thi THPT nhưng chủ yếu để xét tốt nghiệp. Việc xét tuyển đại học sẽ trả về cho các trường đại học theo đúng tinh thần tự chủ tuyển sinh. Phương án này đưa ra khiến dư luận băn khoăn rằng sẽ quay lại cách thi cử phức tạp, tốn kém như nhiều năm, trước khi các trường đại học thi tuyển sinh riêng. Học sinh phải thi 2 lần - vẫn phải thi tốt nghiệp và vẫn thi đại học. Học sinh lớp 12 có bị thiệt thòi không khi đang học và ôn tập theo đề minh họa mà Bộ đã đưa ra trước đó? Để giải đáp những băn khoăn này, Biên tập viên Đài TNVN đã trao đổi với PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và đào tạo.
"Chung sống an toàn để phát triển"- đó là thông điệp mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay. Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã nhấn mạnh 4 an toàn trong thời điểm này, đó là sản xuất an toàn, đi lại an toàn, đến trường an toàn và khám chữa bệnh an toàn. Vậy, sự điểu chỉnh ấy sẽ được thực hiện như thế nào? Người dân, doanh nghiệp sẽ thích ứng ra sao? Đây là nội dung được bàn luận với sự tham gia của khách mời là ông Nguyễn Sỹ Dũng, Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và bà Phạm Ngọc Thủy, Phó GĐ Thường trực Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và khó lường với những tin tức cập nhật cả ở trong nước và quốc tế. Những điểm bùng phát dịch mới, những người đã chiến đấu suốt vài tháng qua, những con số làm chúng ta thấy kiệt sức và lo sợ. Ở những điểm nóng về dịch bệnh, chúng ta vẫn đang trong những ngày cách ly xã hội. Dịch Covid-19 đã khiến cho nhiều sự kiện lớn về sách, xuất bản phải hủy, hoãn, hoặc đóng cửa. Phố sách Hà Nội đóng cửa, hàng loạt hội sách Mùa Xuân do các đơn vị phát hành, nhà xuất bản, các nhà sách tổ chức cũng phải hủy, hoãn… Tuy nhiên, một điểm sáng của ngành in và xuất bản thời gian này là số lượng sách bán qua hình thức online và sách điện tử đã tăng mạnh.
Nhìn ở góc độ tích cực sẽ thấy việc trường học, công sở, nhà hàng, quán ăn... đóng cửa và công dân thực hiện việc hạn chế đi lại, tiếp xúc để phòng tránh dịch Covid-19 lại chính là “cơ hội vàng” cho văn hóa đọc lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, từ cá nhân, gia đình cho đến cơ quan, đoàn thể. Đây cũng là cơ hội để mỗi người chúng ta sống “chậm” bằng nhiều cách, trong đó có việc tĩnh tâm, tập trung đọc sách vừa để thu nạp thêm kiến thức, đồng thời cũng là cách mà nhiều người lựa chọn để nạp thêm năng lượng tích cực, bình tĩnh đi qua những tháng ngày gian khó... Nhân Ngày Sách Việt Nam 21/4, trao đổi với dịch giả Nguyễn Quốc Vương, nhà nghiên cứu và hỗ trợ phát triển phong trào văn hóa đọc tại Việt Nam.
Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Y tế vừa tiến hành thí điểm khám bệnh từ xa trên nền tảng công nghệ. Có thể khẳng định, đây là một bước tiến về công nghệ trong lĩnh vực y khoa. Vậy tính hiệu quả của nó đến đâu và người bệnh sẽ được hưởng lợi như thế nào từ việc chẩn bệnh từ xa? Để giúp quý vị rõ hơn về điều này, chúng tôi sẽ có cuộc trao đổi trực tiếp qua điện thoại với PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Đối mặt với áp lực "cơm áo, gạo tiền" đè nặng, người lao động tìm đến một điểm tựa, đó là: bảo hiểm thất nghiệp. Đây được coi là chiếc “Phao cứu sinh” của người lao động trong mùa dịch bệnh. Làm gì để đảm bảo thực hiện chính sách về Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động hiệu quả? Có cách thức nào hỗ trợ bền vững nhất cho lao động trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn kéo dài? Bàn luận vấn đề này, khách mời là ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thì một dạng virus khác cũng có cơ hội ăn theo, đó là virus “tin giả”. Mặc dù là tin giả nhưng hệ lụy của nó rất thật, không chỉ xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các cá nhân, tổ chức, gây nhiễu loạn, tâm lý hoang mang cho xã hội mà còn ảnh hưởng đến công cuộc phòng chống đại dịch của toàn xã hội. Vậy tung tin đồn thất thiệt trên mạng sẽ bị xử phạt như thế nào? Làm gì để triệt tiêu vấn nạn tung tin giả trên mạng? Luật sư Đặng Văn Cường, trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp sẽ lý giải vấn đề này.
Nói đến ATM hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến việc rút tiền. Thế nhưng ATM mà lại rút được gạo, những hạt gạo chia sẻ yêu thương dành cho những người có hoàn cảnh khăn trong mùa dịch, đây là điều vô cùng đặc biệt. Những ngày qua, điều đặc biệt đó đang được các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp triển khai khắp từ Nam ra Bắc, ở nhiều địa phương khác nhau. Ông cha ta có câu “Một miếng khi đó bằng một gói khi no”. Những dòng gạo chảy ra từ những cây ATM gạo không chỉ làm vơi đi khó khăn và gian nan, mà còn giúp lan tỏa thông điệp “Chia sẻ yêu thương – để không ai bị bỏ lại phía sau”. Sau khi những cây ATM gạo đầu tiên đi vào hoạt động tại TPHCM thì ở nhiều địa phương khác cũng triển khai mô hình này, trong đó có thành phố Hà Nội với 2 cây ATM gạo được lắp đặt rất nhanh chóng tại 2 nhà văn hóa Nghĩa Tân và Bắc Từ Liêm. Và người làm nên những cây ATM gạo nghĩa tình tại Hà Nội là ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Thái Hà Book và những cộng sự của mình.
Thu mua hay cầm cố, mượn sổ bảo hiểm xã hội không phải là thực tế đến nay mới có. Hệ lụy không chỉ đến trước mắt, không chỉ ảnh hưởng cá nhân người cầm cố, thu mua hay cho mượn. Câu chuyện thực tiễn này cần được mỗi người nhìn nhận ra sao? Cơ quan chức năng nên hành động thế nào để ngăn ngừa tình trạng này? Trao đổi về vấn đề này khách mời là ông Lê Đình Quảng – Quyền Trưởng Ban quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Làm việc trực tuyến, học tập trực tuyến… trong thời gian “giãn cách xã hội” theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ được coi là một trong những giải pháp tối ưu. Nhiều cơ quan, trường học đã lựa chọn các giải pháp để cán bộ và nhân viên, thầy cô giáo và học sinh có thể kết nối trực tuyến với nhau trong các nhóm chat, cùng trao đổi công việc, hướng dẫn học bài. Đây cũng là những thành tựu mà cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đã đem đến, để “giãn cách xã hội”, nhưng vẫn được làm việc, để “tạm dừng đến đến trường”, nhưng “không ngừng việc học”. Tuy nhiên, với quá nhiều ứng dụng, nền tảng để tham gia học tập và làm việc trực tuyến như hiện nay, thì sẽ có không ít nguy cơ bị lộ thông tin cá nhân, thậm chí có thể bị lợi dụng, lừa đảo, mất tiền... Khách mời là ông Lê Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần An ninh mạng Việt Nam VSEC cùng bàn luận về những nguy cơ có thể dẫn đến việc lộ thông tin cá nhân khi làm việc và học tập trực tuyến.
Những ngày qua, chúng ta không khỏi xúc động trước những hành động “nhường cơm, sẻ áo” của cộng đồng dành cho những người yếu thế, những người chịu sự tác động của đại dịch Covid-19, vốn đã khó khăn lại càng khó khăn trăm bề. Tuy nhiên bên cạnh đó lại có những hình ảnh, câu chuyện khiến chúng ta không khỏi buồn lòng. Những ngày qua, việc một số người đi xe ga, ăn mặc lịch sự vẫn ghé”xin” đồ ở điểm phát từ thiện khiến cộng đồng dư luận bất bình. Liệu họ có thực sự khó khăn, hay do thói tham lam ích kỷ mà nỡ “giành giật” những ân tình gửi trao qua những món quà ngày khốn khó?
Chàng trai trẻ 23 tuổi tên Lê Anh Tuấn được biết tới với cái tên Hiệp sĩ bóng đêm ở Bình Dương. Hơn 2 năm qua, Lê Anh Tuấn đã thực hiện gần 400 chuyến xe cấp cứu miễn phí kịp thời đưa người bị nạn vào bệnh viện, giành lại sự sống cho nhiều người cận kề lưỡi hái tử thần. Tấm lòng thiện nguyện và việc làm ý nghĩa của Tuấn đưa anh trở thành một trong 10 gương mặt vừa nhận Giải thưởng tình nguyện Quốc gia năm 2019 do Trung ương Đoàn phối hợp với Chương trình Tình nguyện Liên Hợp Quốc (UNV) khởi xướng. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Lê Anh Tuấn vẫn sẵn sàng lái xe cấp cứu miễn phí, để hỗ trợ những người gặp nạn. Cùng trò chuyện với gương mặt trẻ tiêu biểu Lê Anh Tuấn, lắng nghe anh chia sẻ về công việc thiện nguyện của anh và từ đó thắp lên ngọn lửa về tinh thần cống hiến vì cộng đồng.
Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2020 sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 11/8, chậm lại gần 2 tháng so với mọi năm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Việc công bố đề thi tham khảo của các môn thi, bám sát các nội dung dạy học đã được tinh giản nhằm hỗ trợ giáo viên và học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 12 kịp thời điều chỉnh kế hoạch ôn tập cho phù hợp. Để giúp học sinh và phụ huynh hiểu rõ hơn về nội dung này, Biên tập viên Lê Thu trao đổi cùng Tiến sĩ Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Trưởng ban điều hành xây dựng đề thi tham khảo THPT quốc gia năm 2020 về nội dung này