Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều người tiêu dùng đã tự bảo vệ mình bằng cách chuyển sang hình thức mua bán trực tuyến, thanh toán online. Theo thống kê của Bộ Công Thương, doanh thu từ mua sắm trực tuyến qua các kênh thương mại điện tử của một số doanh nghiệp đã tăng từ 20 - 30%. Tuy nhiên một số vấn đề trong mua sắm trực tuyến tại nước ta cũng cần phải thay đổi và cải thiện hơn nữa để người tiêu dùng thêm niềm tin. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cùng bàn về câu chuyện mua sắm trực tuyến những điểm cần lưu ý trong thời dịch bệnh.
Đối mặt với tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên toàn quốc đã hoàn toàn ủng hộ các biện pháp khoanh vùng và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nghiêm túc thực hiện các quyết định tạm đóng cửa các cơ sở giáo dục, đảm bảo an toàn cho học sinh và thầy cô giáo. Thế nhưng, hàng loạt cơ sở giáo dục ngoài công lập “khóc dở, mếu dở” vì không có nguồn thu. Trong khi đó vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng, trả lương, bảo hiểm xã hội cho giáo viên, nhân viên… đời sống giáo viên cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Phóng viên Lê Thu trao đổi với Tiến sỹ, chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương để có thêm một góc nhìn về câu chuyện này.
Trước diễn biến phức tạp, nhanh hơn dự đoán của dịch bệnh tại châu Âu, phát biểu tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 sáng 18/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, người Việt Nam ở nước ngoài trường hợp thực sự cần thiết phải về nước, thì dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức, thực hiện các biện pháp cần thiết, để lo cho bà con một cách tốt nhất có thể. Đấy là nghĩa đồng bào. Có thể nói, thông điệp này đã được thực hiện bằng nhiều hành động thiết thực như Chính phủ cho đón những công dân ở nước ngoài có nhu cầu về nước; thực hiện các biện pháp cách li, phòng chống dịch bệnh an toàn nhất trong điều kiện có thể. Trao đổi với Nhà báo Hoàng Lâm, Tổng Thư kí Báo Lao động về nội dung này.
Làm việc online đã mang lại hiệu quả không nhỏ với nhiều người, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là: mỗi người cần trang bị những kỹ năng cần thiết gì để làm việc online hiệu quả? Làm thế nào để phát huy thế mạnh của hình thức làm việc này tại Việt Nam tình hình hiện nay? Biên tập viên Đài TNVN sẽ cùng bàn về câu chuyện này với anh Lý Đình Quân, Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn.

Dịch Covid-19 đang làm ảnh hưởng nặng nề tất cả các khía cạnh của đời sống, an sinh xã hội, đặc biệt là kinh tế. Theo thống kê ở Việt Nam, có khoảng 926.000 tỷ đồng dư nợ, chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chứng khoán liên tục chạm đáy trong nhiều ngày, ngành du lịch, dịch vụ tê liệt, hàng không, vận tải đường sắt cũng thiệt hại nặng nề. Trước tình hình này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01 nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng. Đồng thời, kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất chính sách tín dụng phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Khách mời là Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cung cấp thêm những thông tin về tình hình kinh tế, tài chính trong thời điểm dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Trước khi có dịch bệnh Covid-19 đã không ít lần cộng đồng dậy sóng với những chia sẻ trên mạng xã hội. Tuy nhiên, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh hiện nay càng khiến những câu chuyện trên mạng được nhiều người quan tâm hơn, những thông tin tiêu cực, những vụ bóc mẽ đời tư của người khác lại càng được các “anh hùng bàn phím” hưởng ứng. Chính những đó đã tác động phần nào đến tâm lý của người dân. Và câu hỏi đặt ra hiện nay đó là làm thế nào để có thể “Sống an toàn trên mạng"? sẽ được PGS – TS Trần Thành Nam – Đại học Quốc Gia Hà Nội chia sẻ.
Bên cạnh những thông tin giả, tin gây sốc trên mạng xã hội những ngày qua, thì hình ảnh ngày hôm qua được lan truyền nhiều nhất đó là hình ảnh một người ở bên trong khu cách ly đã viết dòng chữ: “Các anh công an ơi, mua giúp em một bát cháo cho 1 em bé với ạ. Em cảm ơn” và bên ngoài một chiến sỹ công an đang đứng ở ngoài cửa khu cách li giờ ngón tay báo hiệu đã đọc được dòng chữ. Và thêm một hình ảnh nữa là vẫn là các chiến sỹ công an tay xách, nách mang rất nhiều túi đồ ăn các loại...Những cử chỉ này vô cùng đáng quý. PV Đài TNVN trao đổi với khách mời của chương trình là Phó giáo sư - Tiến sỹ Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và đã lan đến 124 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới hôm 11/3 tại Geneva đã chính thức công bố dịch Covid-19 do virus SARS-CoV-2 là đại dịch trên toàn cầu. Trong bối cảnh Chính phủ, các địa phương và toàn dân đang phải “Chống dịch như chống giặc” thì có một số ít cá nhân với sự thiếu hiểu biết, thiếu trách nhiệm với chính bản thân mình, với gia đình và cộng đồng đã gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Gian dối trong khai báo y tế, ở trong diện phải cách ly thì bất hợp tác, thậm chí trốn cách ly, v.v… Những hành động như vậy đang bị dư luận lên án mạnh mẽ. Vậy cần làm gì để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này? Mỗi người cần nâng cao trách nhiệm với cộng đồng trong mùa dịch Covid-19 như thế nào? Khách mời là Nhà báo Bùi Hoàng Tám, Báo Dân trí, bàn luận về câu chuyện này.
Từ câu chuyện, người dân đổ xô đi mua hàng hóa thiết yếu do lo ngại dịch Covid-19 bùng phát trong những ngày qua đã cho thấy một bài học thực tế, cùng với việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa trên thị trường trong bối cảnh dịch bệnh, cần coi trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, tránh tâm lý hoang mang lo sợ của người dân. Biên tập viên Bảo Ngọc trao đổi cùng bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam về vấn đề này.
Việt Nam đang phải đương đầu với gánh nặng kép. Đó là tỉ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ em ở mức cao, thể trạng của học sinh ở nhiều nơi còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngược lại, tình trạng ăn uống bất hợp lý, ăn thừa năng lượng thiếu dinh dưỡng khiến tỷ lệ trẻ em ở khu vực thành thị bị thừa cân, béo phì. Phóng viên trao đổi với ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GD&ĐT.
Sau khi Hà Nội công bố bệnh nhân thứ 17- bệnh nhân đầu tiên ở Thủ đô dương tính với Covid-19 vào tối 6/3, ngay trong đêm đó, nhiều người dân Hà Nội đã hoang mang và gần như không ngủ để nghe ngóng thông tin, rồi chia sẻ, lan truyền trên mạng xã hội, mà trong số đó không ít thông tin thất thiệt. Rồi với tâm lý đó, sáng hôm sau, nhiều người lại nháo nhào, đổ xô đi các chợ, siêu thị ….tích lũy đồ dùng, thực phẩm, thuốc men. Có thể thấy rằng, người dân đã thiếu bình tĩnh, hoang mang quá mức, trong khi tình hình thực tế vẫn nằm trong kịch bản đã dự đoán từ trước và vẫn được kiểm soát tốt. Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa sẽ cùng bàn luận về nội dung này.
Đã hơn 3 tuần Việt Nam chưa ghi nhận bệnh nhân mắc mới, 16/16 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh; kể từ 0h ngày 4/3/2020 đã kết thúc việc khoanh vùng, cách ly tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Có thể nói, Việt Nam đã thắng trận mở màn trong chiến dịch chống lại bệnh dịch nguy hiểm Covid-19, song trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại nhiều nước trên thế giới, tinh thần phòng chống dịch của Việt Nam luôn đặt lên cao nhất. Vậy trong giai đoạn 2 phòng chống dịch bệnh Covid-19, những vấn đề gì trong công tác phòng ngừa, điều trị bệnh cần được quan tâm? Khách mời là Bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh trao đổi về nội dung này.

"Hiệp sĩ đường phố" là tên gọi thường được báo chí và người dân sử dụng để nói về thành viên của các câu lạc bộ phòng chống tội phạm tại nhiều thành phố ở Việt Nam. Vào năm 2018, một nhóm trộm xe SH tấn công nhóm “hiệp sĩ” Tân Bình trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 10, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh), khiến 2 người tử vong, 3 bị thương. Sau sự việc, có nhiều luồng ý kiến rằng có nên duy trì các nhóm "hiệp sĩ" như ở Bình Dương hay thành phố Hồ Chí Minh hay không? Gần đây, khi các vụ "hiệp sĩ cướp sòng bạc", "hiệp sĩ bóc phốt nhau" xảy ra, đại diện Công an tỉnh Bình Dương đã đề xuất báo chí cân nhắc việc tôn vinh quá mức "hiệp sĩ" đường phố. Việc tâng bốc quá mức của cơ quan truyền thông sẽ khiến một số người "ảo tưởng sức mạnh". Pháp luật cho phép mọi công dân có quyền bắt phạm tội quả tang nhưng không cho phép hoạt động vượt thẩm quyền thay cơ quan công an. Vậy thẩm quyền của hiệp sỹ đường phố đến đâu trong việc duy trì trật tự xã hội, liệu có cần thiết hay không để hiệp sĩ đường phố là những người không được đào tạo thực sự bài bản tham gia vào việc truy bắt, trấn áp tội phạm, và liệu nên hay không nên duy trì câu lạc bộ phòng chống tội phạm. Cùng bàn luận về vấn đề này với Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam, thành viên Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh.
Từ ngày 1/3, Thông tư 27 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục đại học có hiệu lực. Điểm thay đổi đáng chú ý này là quy định không ghi thông tin về hình thức đào tạo như: chính quy hay tại chức, vừa làm vừa học như trong nội dung chính của văn bằng như quy định cũ. Việc bỏ ghi xếp loại trên văn bằng đại học được kỳ vọng sẽ hạn chế tư duy chạy theo bằng cấp, phù hợp với xu hướng thế giới. Tuy nhiên, từ thực tế ở Việt Nam hiện nay, nhiều ý kiến lo ngại việc này sẽ khiến khó kiểm soát chất lượng đào tạo, độ “vênh” của chất lượng đào tạo giữa hệ chính quy và tại chức. Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường – Đại học Potsdam, CHLB Đức cùng bàn về câu chuyện này