Như chúng tôi đã thông tin, trong thời gian qua hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM và tỉnh Quảng Ninh đã triển khai lắp đặt hệ thống camera tại một số tuyến đường trọng điểm để phát hiện lỗi vi phạm giao thông, xử "phạt nguội". Mới đây, Cục CSGT để xuất Bộ Công an "Đề án đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính" để xem xét, trình Chính phủ thực hiện trên toàn quốc. Đề xuất này được cho là hiệu quả kép vừa chấn chỉnh hành vi cố tình vi phạm Luật giao thông, đồng thời giúp CSGT bớt phải ra đường, giảm những tiêu cực phát sinh. Dòng chảy sự kiện hôm nay, chúng tôi bàn luận về câu chuyện này với sự tham gia của khách mời Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật về An toàn giao thông- Cục CSGT, Bộ Công an; Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh; Thiếu tá, Tiến sỹ Đào Việt Long, Phó phòng cảnh sát giao thông TP Hà Nội.
Từ ngày 1/1/2021, khi Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực, các công ty có chức năng đòi nợ thuê sẽ chấm dứt hoạt động, bởi theo quy định của Luật, “đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ" nằm ở danh mục ngành nghề cấm. Luật đã quy định là vậy nhưng không ít người dân vẫn lo lắng sự biến tướng của hình thức này. Cần kiểm soát thế nào để luật được thực thi tốt nhất? Người dân có nhu cầu đòi nợ chính đáng thì làm thế nào để đúng pháp luật? Chúng tôi bàn về câu chuyện này với Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Đoàn Luật sư HN.
Người tham gia bảo hiểm có thể ngồi tại nhà vẫn theo dõi được quá trình tham gia, lịch sử thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, mã số bảo hiểm và cơ sở khám chữa bệnh y tế...nhờ vào một chiếc điện thoại thông minh. Đây là tiến bộ đáng kể từ ứng dụng bảo hiểm xã hội số mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa cung cấp, khắc phục tình trạng người tham gia bảo hiểm xã hội rất khó khăn khi tiếp cận hồ sơ bảo hiểm của mình như trước đây. Tuy nhiên, ứng dụng này sẽ mang lại những lợi ích nào cho người dân? Khi số hóa hồ sơ bảo hiểm, đâu là những vấn đề người lao động cần quan tâm?
Sau 5 năm từ khi khởi tố vụ án, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đang xét xử sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên Kết Việt) - vụ án từng gây xôn xao dư luận bởi cách thức và phương thức hoạt động lừa đảo tinh vi.
Công ty Liên kết Việt có mạng lưới 34 chi nhánh, lừa đảo gần 2.100 tỷ đồng, chiếm đoạt hơn 1.121 tỉ đồng... Những người đứng đầu Liên kết Việt rồi sẽ phải chịu trách nhiệm vì tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thế nhưng phía bên ngoài song sắt là cuộc đời của 68.000 người đang lao đao.
Từ câu chuyện của Liên Kết Việt đặt vấn đề liệu đây có phải là lỗ hổng pháp lý hay sự hám lợi và buông lỏng quản lý kinh doanh đa cấp? Đây là chủ đề chúng tôi bàn luận với sự tham gia của Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo, có hiệu lực thi hành từ ngày 11-1-2021, thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15-4-2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Nghị định 137 đưa ra một số điểm mới trong công tác quản lý nhà nước về pháo và đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan. Nhiều người dân khi tiếp cận thông tin này tỏ ra ủng hộ vì cho rằng đây là nhu cầu thiết thực, nhưng cũng có ý kiến bày tỏ lo ngại về nguy cơ mất an toàn cháy nổ, ô nhiễm, mất an ninh, trật tự. Một bộ phận người dân cũng đang hiểu nhầm việc cho phép đốt pháo hoa đồng nghĩa với việc được đốt tất cả các loại pháo hoa. Việc hiểu không kỹ, hiểu sai bản chất của Nghị định 137 sẽ vô tình khiến nhiều người có thể vi phạm pháp luật, dẫn tới bị xử lý hình sự. Vậy cần có giải pháp gì để quản lý mua bán và hỗ trợ người dân sử dụng pháo đúng pháp luật khi nghị định 137 có hiệu lực?
Sở GD&ĐT TPHCM vừa có dự thảo về một số chính sách khen thưởng cho giáo viên, học sinh, học viên đạt giải trong các kỳ thi cấp thành phố, cấp quốc gia, khu vực, quốc tế. Cùng với đó, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cũng quyết định công nhận học sinh lớp 12 đạt điểm tiếng Anh IELTS từ 6,5 trở lên là học sinh giỏi cấp tỉnh mà không cần tham dự kỳ thi học sinh giỏi. Nhìn từ đề xuất của TP Hồ Chí Minh cũng như cơ chế đặc cách của Hà Tĩnh, câu chuyện đặt ra là làm sao để việc bồi dưỡng, đặc cách nhân tài một cách phù hợp, tránh gây bất công. Đây cũng là nội dung chúng tôi bàn luận trong Dòng chảy sự kiện hôm nay, với sự tham gia của PGS TS Chu Cẩm Thơ, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
Không chỉ nợ đóng bảo hiểm xã hội của hơn 500 công nhân, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mỹ Tú, ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương còn vừa bán đứt công ty cho một nhà đầu tư khác. Chủ cũ-chủ mới chưa thống nhất được việc đóng bảo hiểm xã hội; lương tháng 12 và khoản tiền chờ đợi nhất trong năm là thưởng Tết, liệu có mất hút cùng, sau quyết định này? Hàng trăm công nhân công ty đã ngưng việc, tụ tập đòi quyền lợi. Liệu quyền lợi của họ có được đảm bảo? Bà Trần Thị Thanh Hà – Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - Cơ quan đại diện quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
Hàng trăm kg mỡ động vật bẩn không rõ nguồn gốc chỉ có giá 8 nghìn đồng/kg, hàng tấn nội tạng bốc mùi được vận chuyển vào nội địa để chế biến, tiêu thụ. Gà thải loại được nhúng hóa chất để thành gà đồi, chân gà hết hạn, thịt bò, lợn ôi thiu được “hô biến” thành đặc sản tại các quán nhậu... đã liên tục được các cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ trong những ngày gần đây. Giải pháp nào để thực phẩm bẩn không vào bữa ăn của mỗi người dân? Làm sao để người dân thêm được “tai mắt”, để phát hiện thực phẩm bẩn, thực phẩm “đội lốt” an toàn? Chúng tôi bàn về câu chuyện này với sự tham gia của PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh, Trưởng Phòng khám dinh dưỡng Viam, Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam.
Sóng gió thi cử năm 2018 đã cho thấy tầm quan trọng của việc tổ chức đánh giá kết quả giáo dục độc lập với các trường và các địa phương, một việc thường do các trung tâm khảo thí độc lập thực hiện ở các nước. Đã có rất nhiều ý kiến về việc cần có những trung tâm như thế để tổ chức đánh giá năng lực/kết quả đào tạo của thí sinh nhiều lần trong năm. Các trường có thể tham khảo kết quả này trong việc xét tuyển.
Ai cũng thấy phương án này tốt hơn so với việc thi chung trước đây, hoặc “2 trong 1” như các năm vừa qua, hoặc từng trường tổ chức thi riêng. Thế nhưng vấn đề là, làm thế nào để tiêu cực không chuyển từ nơi này sang nơi khác, hay nói cách khác, làm thế nào để những trung tâm khảo thí như thế thực sự độc lập và cho ta những kết quả đáng tin cậy? Chúng tôi bàn chủ đề: Xét tuyển ĐH giai đoạn 2021-2025: Thành lập trung tâm khảo thí độc lập – liệu có là lối ra cho cải cách tuyển sinh?” với sự tham gia của TS Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học và nghề nghiệp, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam; Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã triển khai trên địa bàn toàn thành phố, ghi hình xe ô tô dừng, đỗ vi phạm quy định, và dán thông báo “phạt nguội” trên kính xe ở vị trí người lái. Đây là những biện pháp mới của Công an TP.Hà Nội, nằm trong nhóm các giải pháp nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp cuối năm 2020. Trước đây, Cảnh sát giao thông Hà Nội đã áp dụng việc dán niêm phong và cẩu xe vi phạm, tuy nhiên, chỉ áp dụng ở phạm vi hẹp, và chưa áp dụng ghi hình, gửi thông báo “phạt nguội”. BTV Lê Tuyết trao đổi với khách mời là Thiếu tá Tiến sỹ Đào Việt Long, Phó phòng cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội.
Sốc, choáng, bức xúc… Đó là cảm giác của rất nhiều người trước việc đặt vật trang trí hình trái tim với những tua rua xung quanh ở cạnh Hồ Gươm (Hà Nội) cách đây 4 ngày. Dù mô hình này đã được chuyển đi ngay sau đó, khi vấp phải những chỉ trích khá gay gắt từ công luận, song câu chuyện này vẫn để lại không ít vết gợn và khiến xã hội một lần nữa đặt dấu hỏi về trách nhiệm của những nhà quản lý đã không cẩn trọng khi duyệt đưa ra không gian công cộng những cái "được gọi là nghệ thuật, nhưng không đạt được chất lượng, gây phản cảm về thẩm mỹ". Chúng tôi đã có cuộc trao đổi trực tiếp với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội.
Bạo lực khi tham gia giao thông không phải câu chuyện mới trên đường phố. Nó có thể xảy ra với bất cứ ai, từ người điều khiển phương tiện cơ giới tới thô sơ, từ người trẻ tới người già, từ xô xát tới án mạng. Gần đây, dư luận hết sức bức xúc trước việc một người đàn ông sau khi xảy ra va chạm giao thông đã lao vào đánh nữ sinh tại địa bàn phường Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Không chỉ đấm đá, người đàn ông này còn rút gậy 3 khúc đập liên tiếp vào nữ sinh. Hành vi này khiến dư luận “dậy sóng” về cách ứng xử kém văn hóa.
Cách đây không lâu, một bé gái 12 tuổi ở Hà Nội bị cô giáo phê bình vì nói chuyện riêng trong lớp và yêu cầu làm bản kiểm điểm. Em đã tự tử. Đây là câu chuyện buồn được chia sẻ tại Hội thảo Rối loạn tâm thần tuổi học đường, tổ chức mới đây. Theo các chuyên gia đây là trường hợp trẻ mắc rối loạn tâm thần tuổi học đường để lại hậu quả nặng nề nhất, cách giải quyết vấn đề của trẻ hết sức bồng bột, manh động. Cần làm gì trước tình trạng rối loạn tâm thần tuổi học đường ngày càng gia tăng? Chúng tôi bàn nội dung này với sự tham gia của GS TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam.
Grab vừa đồng loạt công bố tăng 5 - 6% giá dịch vụ taxi công nghệ, xe ôm công nghệ trên toàn quốc (từ ngày 5/12), ngay sau khi Nghị định 126/ có hiệu lực, thay đổi cách tính thuế giá trị gia tăng (VAT) với dịch vụ gọi xe công nghệ. Cụ thể, trước đây, tài xế chỉ đóng 3% thuế VAT trên doanh thu thực nhận và doanh nghiệp đóng 10% thuế VAT trên phần chiết khấu thu về. Nhưng nay, các doanh nghiệp như Grab phải kê khai và nộp 10% thuế VAT trên tổng doanh thu mà khách hàng thanh toán cho mỗi chuyến xe. Grab cũng đồng thời thông báo đến các tài xế mức tăng tỷ lệ khấu trừ trên mỗi chuyến xe. Như vậy, nếu giá cước và tỷ lệ chiết khấu không đổi, thu nhập thực nhận của các tài xế công nghệ sẽ bị giảm sút, trong khi đó các lái xe này lại đang là lực lượng lao động của nhiều gia đình.